Diễn đàn Năng Lượng Tái Tạo 'nối Lưới' Và điện Mặt Trời 'mái Nhà'

Góp ý về kịch bản lựa chọn cho Quy hoạch điện VIII

Toàn cảnh Hội thảo.

Trong những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, tạo tâm lý phấn khởi cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước mở rộng quy mô hoạt động, sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó, đời sống kinh tế vật chất của người dân tăng lên khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức rất lớn cho ngành điện Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đã tới hạn, dẫn đến phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Mặt khác, phân bố nguồn điện và phụ tải không đồng đều gây áp lực truyền tải lớn trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam. Cùng với đó là tác động về biến đổi khí hậu dẫn đến khô hạn, hồ thuỷ điện thiếu nước để sản xuất. Đặc biệt, một số dự án điện theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra…

Bộ Công Thương sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trên tinh thần đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân cùng tham gia phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020 khi cả nước không có nhiều nguồn đưa vào khai thác mới, thì việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) nối lưới và điện mặt trời mái nhà được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Cụ thể là:

1/ Khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo, vô tận ở nước ta, nhất là khu vực miền Trung và miền Nam) để phát điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tận dụng được nguồn đất hoang hoá không thể canh tác nông nghiệp đối với dự án nối lưới. Tận dụng được hàng chục triệu mái nhà của hộ dân, cơ quan, công sở, khu - cụm công nghiệp.

2/ Giảm bớt áp lực cho hệ thống điện quốc gia; bổ sung kịp thời các nguồn điện đang chậm tiến độ vì thời gian xây dựng nhanh, thiết bị ngày càng đa dạng và giá cả cạnh tranh;. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà không phải đầu tư hệ thống truyền tải.

3/ Gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương và tạo việc làm cho người lao động; giúp hình thành ngành công nghiệp năng lượng của đất nước.

4/ Mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là những người dân, doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời mái nhà.

5/ Không gây ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

6/ Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.

Trên thực tế, với định hướng phát triển nền kinh tế xanh bền vững, phù hợp với những cam kết quốc tế, thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn Năng lượng tái tạo. Bộ Công Thương cũng có Quyết định phê duyệt chương trình phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025 và nhiều Thông tư hướng dẫn cùng các chương trình kế hoạch triển khai thực hiện.

Với cơ chế thông thoáng, cùng sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương, địa phương, các doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực của ngành điện, chỉ trong vài năm trở lại đây, điện NLTT đã có bước phát triển vượt bậc đạt trên 5.500 MW. Riêng với điện mặt trời, đã có 5.000 MW đi vào vận hành, trong đó dự án quy mô nối lưới đạt khoảng 4.500 MW, điện mặt trời mái nhà đạt trên 31.570 dự án với tổng công suất là 657,88 MWp. NLTT đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỷ kWh, chiếm khoảng 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước.

Các cơ chế cũng đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm… góp phần hình thành thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và là điểm sáng trên thế giới về phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời, điện gió nói riêng, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội thảo.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên việc phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà vẫn còn một số hạn chế nhất định và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt ở khu vực miền Trung, miền Nam.

Cụ thể như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương như: Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải toả hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.

Đối với điện mặt trời mái nhà, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia, hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính. Mặt khác, thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng, nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mong muốn đầu tư.

Tại hội thảo, bên cạnh việc cập nhật thông tin, cơ chế chính sách hiện tại, nhiều ý kiến cũng đã thẳng thắn, trao đổi, đề cập đến những cơ chế mới sẽ được triển khai trong thời gian tới như: cơ chế đấu thầu các dự án điện NLTT nối lưới; cơ chế xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải; hay các vấn đề liên quan đến quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật lắp đặt, an toàn của sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời mái nhà… Đây đều là những vấn đề quan trọng, cấp thiết mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng, trong đó có NLTT đã hết sức rõ ràng. Chính phủ cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp với thực tiễn phát triển cho từng giai đoạn và theo hướng công bằng, minh bạch, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhằm khai thác hết lợi thế, tiềm năng ntại Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng các chương trình hành động trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để làm cơ sở triển khai trong thời gian tới. Đồng thời, với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trên tinh thần đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân cùng tham gia phát triển bền vững nguồn NLTT tại Việt Nam./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Từ khóa » Diễn đàn Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam