Diễn đàn Sinh Viên Khởi Nghiệp: Xây Dựng Bản Lĩnh Tri Thức Trẻ

Tích cực nghiên cứu khoa học

Tại đây, các bạn sinh viên được lắng nghe chuyên gia kinh tế- TS. Cấn Văn Lực, hàm Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc trường Đào tạo Cán bộ BIDV và ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà chia sẻ về hai chủ đề “Kỳ vọng về tính thực tiễn trong nghiên cứu khoa học của sinh viên- Góc nhìn từ doanh nghiệp” và “Bản lĩnh tri thức trẻ thời kỳ hội nhập”.

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại Diễn đàn

Diễn đàn sẽ mở ra cho sinh viên cơ hội nhận diện thêm các tiêu chí và yêu cầu thực tế trong việc ứng dụng nghiên cứu khoa học, đồng thời được lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm của các doanh nhân trên con đường lập nghiệp.

Tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực đã chia sẻ về tình hình doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Ông thông tin đến Diễn đàn con số về doanh nghiệp mới được thành lập và số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017.

Theo TS. Cấn Văn Lực, lí do khiến các doanh nghiệp mới khởi nghiệp ít thành công vì còn yếu kém trong việc lập đề án kinh doanh, tìm hiểu thị trường chưa kĩ, chưa mạnh dạn kết nối, học tập kinh nghiệm những người đi trước... nên chưa trụ vững trong môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập.

TS. Lực cho rằng, ngày nay, các bạn sinh viên có điều kiện thuận lợi hơn trong nghiên cứu khoa học. Các phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học cũng được thầy cô giáo, các trường học quan tâm tổ chức nhiều hơn, tạo sân chơi bổ ích cho sinh viên phát huy ý tưởng sáng tạo của mình.

Hiện nay, nguồn thông tin rất phong phú, đa dạng, từ thông tin trên mạng internet, cho đến báo chí, các diễn đàn... nên khi thực hiện nghiên cứu khoa học, các bạn sinh viên dễ dàng kết nối, trao đổi với nhau. Nền kinh tế khá giả hơn, nhiều đơn vị tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên còn có sự hậu thuẫn của Ban giám hiệu nhà trường, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên...

Chẳng hạn như BIDV đã đồng hành cùng Học viện Tài chính tổ chức Hội thi về nghiên cứu khoa học của sinh viên 4 năm nay. Vì vậy, các em có điều kiện, cơ hội rất tốt để nghiên cứu, sáng tạo.

Theo TS. Cấn Văn Lực, muốn thành công trong nghiên cứu khoa học, trước hết cần có niềm đam mê nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu phù hợp, sáng tạo. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cần phải nhạy cảm với những vấn đề của thời cuộc, vấn đề nóng của doanh nghiệp; Biết chia sẻ, làm việc nhóm; Chú ý quan tâm đến các hội nghị, hội thảo. Sau khi nghiên cứu rồi, có sản phẩm, thì phải truyền thông, quảng bá, để biến nó thành cái của thị trường...

Xây dựng bản lĩnh vững vàng

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, hành trang đi xin việc của các bạn sinh viên mới tốt nghiệp, cần chuẩn bị một bộ hồ sơ rất tốt về bản thân, nắm bắt kiến thức thời sự, các vấn đề kinh tế- chính trị- văn hóa- xã hội; Kỹ năng ứng xử tình huống. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cần tăng tính tự tin. Muốn được như vậy, các bạn cần có quá trình tập luyện, rút kinh nghiệm.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà chia sẻ tại diễn đàn

“Trong thời gian thực tập, tôi thấy nhiều bạn sinh viên rất lãng phí, không chủ động nắm bắt cơ hội. Trước khi đi thực tập, các bạn cần đặt mục tiêu, mình phải được gì đấy? Đến doanh nghiệp, đơn vị thực tập cần quan sát cách thức họ làm việc; tạo các mối quan hệ để khi ra trường có nhiều cơ hội hơn trong tìm kiếm việc làm, xây dựng sự nghiệp”, ông Lực nói.

Các diễn giả đã cắt nghĩa khái niệm khởi nghiệp và lập nghiệp theo yêu cầu của sinh viên. Theo TS. Cấn Văn Lực, khởi nghiệp là khi các bạn bắt đầu mày mò làm công việc kinh doanh thực sự. Có đề án, có triển khai, có phân tích đánh giá và có sự chịu trách nhiệm thực sự. Còn lập nghiệp là quá trình rất lâu dài, lập nghiệp cũng có thể là chuỗi khởi nghiệp.

Nói thêm về khởi nghiệp, lập nghiệp, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà đã chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp cũng như quá trình gây dựng sự nghiệp của mình. Để trở thành một chủ doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín trên thương trường như hôm nay, ông Sơn đã trải qua quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp không ít khó khăn. Theo ông Sơn, các bạn trẻ muốn khởi nghiệp thành công, trước hết phải tự tạo cho mình động lực, chứ không phải đợi ai cho mình.

“Tôi luôn tự tạo động lực cho mình. Tôi luôn đặt câu hỏi: Tại sao người ta làm được mà mình không làm được? và cố gắng giải mã những trường hợp thành công hoặc không thành công”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, ban đầu, các bạn phải có niềm đam mê, bản lĩnh vững vàng. Trong quá trình xây dựng sự nghiệp, dù bất cứ làm công việc gì lớn hay nhỏ, thì ai cũng phải khởi nghiệp. Vậy nên, chúng ta phải xác định được nền tảng, mục tiêu trong cuộc đời để phấn đấu đạt được.

“Học tập dù kết quả thế nào cũng không nên để mất nhuệ khí phấn đấu, vì khi ra trường vẫn còn có nhiều cơ hội để thành công. Lỡ thất bại vì chưa nhận thức được trong quá trình học tập, thì sẽ làm lại khi ra trường. Chúng ta cần chuẩn bị chiến lược cho cuộc đời. Đời người chỉ sống một lần, nên chúng ta cần làm một cách hết mình, cho bõ công sống”, ông Sơn chia sẻ.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô

Số lượt đọc: 1132

Từ khóa » Diễn đàn Sinh Viên Học Viện Tài Chính