Điện Gió: Cơ Hội Và Thách Thức Với Ngân Hàng Thương Mại

Tóm tắt: Đi cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, trong vòng 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng trung bình của sản lượng điện năng ở Việt Nam đạt mức 12-13%/năm, gấp hai lần tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Đứng trước nguy cơ các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang khai thác ngày càng cạn kiệt, thâm hụt, Việt Nam có nhu cầu cấp thiết tìm kiếm một nguồn năng lượng sạch mới có giá phải chăng. Điện gió có thể góp một phần quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu này. Được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), vì vậy Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Thời gian quan, nhiều dự án điện gió đã và đang được triển khai ở nước ta và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng này đang là thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách phát triển năng lượng Việt Nam. Các ngân hàng thương mại (NHTM) cần nắm bắt cơ hội của việc phát triển dự án điện gió để đồng hành với các doanh nghiệp. Bài viết đề xuất một số giải pháp để tài trợ vốn cho các dự án điện gió an toàn, hiệu quả.

Wind power: Opportunities and challenges for commercial banks

Abstract: Along with the rapid development of the economy, in the past 20 years, the average growth rate of electricity output in Vietnam has reached 12-13%/year, twice as the speed of the national GDP growth. Facing the risk that fossil fuel sources are being depleted and stayed in deficit, Vietnam has an urgent need to find a new affordable clean energy source. Wind power can play an important part in addressing this need. Being evaluated as a country with great potential for renewable energy development, the Government has issued many documents and policies to support the development of wind power projects in Vietnam.

Recently, many wind power projects have been implemented in our country and this kind of project continues to develop in the coming time. However, the exploitation and usage of this energy source is a big challenge for the policy makers of energy development in Vietnam. Commercial banks need to seize the opportunity of developing wind power projects to accompany businesses. The article proposes some solutions to finance safe and effective wind power projects.

1. Phát triển điện gió ở Việt Nam

Lợi ích của điện gió

Điện gió ở Việt Nam thuộc nhóm công nghiệp năng lượng mới nổi, được nhập cuộc theo sự phát triển nguồn NLTT chung của thế giới, sự nhập khẩu khoa học kỹ thuật, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn năng lượng khi các nguồn thủy điện lớn đã khai thác hết, các thủy điện nhỏ không đảm bảo lợi ích mang lại so với thiệt hại môi trường mà nó gây ra. Phát triển điện gió sẽ mang lại những lợi ích sau:

Một là, điện gió mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội trực tiếp cho nền kinh tế.

Điện gió là một trong những nguồn năng lượng có sức cạnh tranh nhất toàn cầu và là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong suốt 15 năm qua. Những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội mà điện gió mang lại là góp phần tạo việc làm, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… đang trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành này ở ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới.

Hai là, điện gió là động lực phát triển chính hướng tới tương lai năng lượng bền vững.

Bên cạnh những lợi ích kinh tế trực tiếp, năng lượng gió còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính. Ưu tiên phát triển NLTT ở Việt Nam sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng, giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong sản xuất điện.

Ba là, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và gió do ở gần xích đạo, có những vùng khô nắng nhiều và gió có hướng tương đối ổn định như các tỉnh Nam Trung Bộ.

Bảng: Tiềm năng gió của Việt Nam ở độ cao 65m

Nguồn: TrueWind Solutions, 2000. Bản đồ tài nguyên gió Đông Nam Á

Tiềm năng vô cùng lớn

Riêng về tiềm năng điện gió, với công nghệ hiện đại, chỉ cần tốc độ gió từ 5m/s trở lên, tua bin đã có thể phát điện. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn. Theo tính toán, tiềm năng kỹ thuật điện gió trên bờ của Việt Nam là 217 GW ở độ cao khoảng 80m, điện gió xa bờ khoảng 160 GW. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong các nước của khu vực Đông Nam Á, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất 512 GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (xem bảng 1). Ước tính, điện gió trên đất liền của Việt Nam có thể tạo ra khoảng 40-50 nghìn MW, nếu cộng thêm tiềm năng điện gió từ ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng trên 100.000 MW.

Nhược điểm của điện gió

Thứ nhất, điện năng chỉ được tạo ra khi có gió và công suất phát ra thay đổi theo mức gió. Vùng thuận lợi để đặt nhà máy điện gió lại thường cách xa vùng tiêu thụ. Điều này làm cho lưới điện phải bố trí dẫn truyền điện phù hợp và có kế hoạch điều hòa nguồn phát thích hợp để đảm bảo năng lượng cho các phụ tải tiêu thụ.

Khi có sự tham gia của điện gió, thiết kế hệ thống truyền tải và phân phối điện cũng sẽ phải điều chỉnh so với thiết kế truyền thống. Ở Việt Nam, do nhu cầu sử dụng điện rất lớn, việc đẩy nhanh phát triển điện gió cũng cần phải lưu ý đến những vấn đề này. Để đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định, cần phải tính đến công suất dự phòng, bù đắp lượng công suất thiếu hụt khi nguồn điện gió không phát điện được. Các nguồn điện gió không có khả năng điều chỉnh điện áp nếu như không có các qui định chặt chẽ bắt buộc phải đầu tư các thiết bị bảo vệ trước khi nối lưới.

Thứ hai, trong số các giải pháp khai thác năng lượng, tác động môi trường của năng lượng gió hiện được coi là tương đối nhỏ. Theo đánh giá của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC, so với các nguồn năng lượng carbon thấp khác, tuabin gió có chỉ số tiềm năng gây ấm lên toàn cầu thấp nhất trên mỗi đơn vị năng lượng điện được tạo ra.

Trang trại gió có thể bao phủ một diện tích đất lớn, nhưng phần dành cho các trụ gió và cơ sở hạ tầng là nhỏ. Vùng đất trong trang trại vẫn có thể dùng cho các hoạt động nông lâm ngư nghiệp khác. Tuy nhiên các trang trại gió trên đất liền có thể tác động đến cảnh quan của vùng.

Tác động của khai thác năng lượng gió tới hoàn lưu khí quyển là điều còn đang bỏ ngỏ, chưa được nghiên cứu. Khi bị khai thác thì năng lượng chuyển tải mây gió giảm dần theo thời gian, từ đó gây ra biến đổi phân bố mưa. Điều này sẽ tác động ngược lại vào khí hậu, sau hàng chục năm tích lũy mới phát hiện ra hệ quả.

Thứ ba, chi phí phát triển dự án điện gió khá cao, đặc biệt điện gió ngoài khơi cũng đang là một thách thức lớn đối với ngành năng lượng Việt Nam, trong khi các nước trên thế giới đang chạy đua lắp đặt với nhiều đặc điểm ưu việt, lợi ích. Ở Việt Nam, điện gió ngoài khơi vẫn được coi là công nghệ mới, khi triển khai chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề về công nghệ cũng như chi phí.

2. Thực trạng đầu tư dự án điện gió ở Việt Nam

Cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện gió

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích các nguồn NLTT; đặc biệt hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai. Các cơ chế này giúp cho việc phát triển NLTT tại Việt Nam có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, việc phát triển hiện còn chậm. Cụ thể:

- Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió đã tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam. Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 37/2011/QĐ-TTg.

- Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi quy định về giá điện đối với dự án điện gió nối lưới. Ngoài ra, Quyết định này cũng sửa đổi về điều kiện khởi công xây dựng công trình điện gió. Theo quy định mới, chủ đầu tư chỉ được phép khởi công xây dựng công trình điện gió khi đáp ứng các điều kiện khởi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng, có hợp đồng mua bán điện đã ký với Bên mua điện, có Thỏa thuận đấu nối với Đơn vị phân phối hoặc Đơn vị truyền tải điện và có báo cáo số liệu đo gió trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 12 tháng.

- Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nêu rõ mục tiêu “Tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ NLTT trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050”.

- Tháng 2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ chiến lược phát triển NLTT tại Việt Nam. Một trong những chỉ đạo cụ thể là tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện và “hình thành và phát triển một số trung tâm NLTT tại các vùng và các địa phương có lợi thế”.

- Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định số 482/QĐ-TTg năm 2016), Việt Nam đặt ra mục tiêu công suất điện gió sẽ đạt 800 MW năm 2020 và đạt 6.000 MW năm 2030.

Như vậy, Việt Nam đã có khung chính sách năng lượng quốc gia vững chắc và các mục tiêu hết sức thực tế, nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển NLTT nói chung và điện gió nói riêng. Ngành điện gió ở Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích to lớn về môi trường, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế.

Thực trạng đầu tư dự án điện gió

Những ưu đãi về đầu tư xây dựng nhà máy và giá bán điện cho Điện lực Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Vì thế, tuy chỉ bắt đầu xây dựng nhà máy điện gió từ năm 2012 với nhà máy Điện gió Tuy Phong (nay gọi là Điện gió Bình Thạnh), tính đến tháng 3/2020, có 12 dự án điện gió đã phát triển với tổng công suất 470 MW (tiêu biểu có thể kể đến các dự án như: Tuy Phong - Bình Thuận, Phú Lạc, Mũi Dinh, Bạc Liêu, Đầm Nại...); 31 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 1.662 MW với kế hoạch đi vào vận hành trong năm 2020 và 2021; 78 dự án đã được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực với công suất khoảng 4.880 MW. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã nhận được đề xuất bổ sung quy hoạch điện lực của các địa phương đối với gần 250 dự án điện gió, có quy mô tới 45.000 MW. Trong số này, có 3 dự án điện gió ngoài khơi xa bờ với quy mô 4.900 MW.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm có chính sách ưu tiên phát triển của Chính phủ, cả nước mới có 12 dự án đưa vào vận hành, chỉ đạt hơn 50% quy hoạch được duyệt (800 MW vào năm 2020) và chỉ bằng 7% so với tổng công suất điện mặt trời. Do việc phát triển NLTT thời gian qua đã gặp phải một số bất cập, hạn chế. Đó là:

- Mạng lưới truyền tải chưa đáp ứng, chưa đủ lớn để truyền tải, chưa đồng bộ giữa phát triển nguồn và lưới điện. Dù nguồn điện NLTT luôn được ưu tiên phát tối đa, nhưng trong số hơn 4.500MW điện gió, điện mặt trời đã đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2019, hiện còn 440MW đang phải giảm công suất phát.

Riêng về điện gió, theo báo cáo của Ban Thị trường điện EVN, ngoài 9 dự án điện gió đã được cấp Chứng nhận vận hành thương mại (COD), hiện còn 31 dự án (tổng công suất 1.645MW) đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng chưa có COD. Ngoài ra, hiện còn 59 dự án đã bổ sung quy hoạch đến năm 2025 nhưng chưa ký hợp đồng mua bán điện, với tổng công suất khoảng 2.700MW.

- Do tác động của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất và cung cấp thiết bị chính, linh phụ kiện của các dự án điện gió đều bị thiếu hụt và đình trệ trên toàn thế giới. Việt Nam cũng trong tình trạng này, công tác triển khai xây dựng dự án gặp khó khăn về nhập khẩu các thiết bị, việc xuất nhập cảnh của chuyên gia kỹ thuật nước ngoài bị gián đoạn, thiếu chuyên gia nước ngoài phối hợp kỹ thuật, dẫn đến nhiều dự án không kịp tiến độ theo cơ chế giá điện cố định (FIT).

- Thi công điện gió phức tạp hơn rất nhiều so với điện mặt trời, bởi ngoài xử lý nền móng đủ vững chắc cho tua-bin gió vận hành ổn định trên 20 năm, còn phải có cần cẩu chuyên dụng để lắp các thiết bị siêu trường, siêu trọng, lên độ cao có khi trên 100m.

- Nhu cầu đất đai cho các dự án điện gió trên bờ cần khoảng 28.000 ha, vấn đề mất đất trồng trọt và kế sinh nhai của người dân đang là mối quan tâm sâu sắc của Chính phủ và các địa phương.

- Vẫn còn vướng mắc, bất cập về quy trình, thủ tục đầu tư như: Chưa chuẩn hóa hợp đồng mua bán điện, thủ tục phê duyệt dự án còn rườm rà, qua nhiều khâu, nhiều bước, chưa minh bạch…

- Rõ ràng điện gió được xem là nguồn năng lượng sạch vì không tạo ra phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính và có tiềm năng lớn. Tuy nhiên nó vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Trong thực tế có thể thấy, phát triển nguồn năng lượng sạch này ở Việt Nam vẫn đang là một thách thức khá lớn đối với Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp. Thông qua các cuộc hội thảo, bàn luận, nhiều lý do được đưa ra tập trung vào các quyết định hành chính, chính sách ưu đãi, nguồn vốn, hạ tầng....

3. Cơ hội và thách thức đối với các NHTM trong phát triển dự án điện gió

Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, Việt Nam đang là 1 trong 10 nước có nhu cầu tăng trưởng điện lớn nhất thế giới. Để đáp ứng được nhu cầu điện từ nay đến năm 2030 thì Việt Nam sẽ vẫn phát triển các nguồn năng lượng truyền thống như than, khí, dầu, thủy điện song song với việc phát triển các nguồn NLTT như: điện năng lượng mặt trời, điện gió,…

Tiềm năng phát triển điện gió của Việt Nam có thể lên tới hàng trăm nghìn MW, nhưng đến nay tỷ lệ khai thác còn rất nhỏ, mới chỉ có khoảng 470 MW công suất điện gió đi vào vận hành. Điều đó cho thấy việc phát triển điện gió có nhiều cơ hội và bước tiến mới trong thời gian tới. Tuy nhiên, các dự án NLTT cần vốn đầu tư lớn trong thời gian dài. Trong đó, tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thiếu hụt về vốn của các dự án NLTT hiện nay. Các NHTM cần phải nắm bắt cơ hội trên để đồng hành với các doanh nghiệp cùng phát triển.

Cơ hội

- Tài trợ vốn cho các dự án điện gió, đây là lĩnh vực rất tiềm năng để tăng trưởng quy mô và lợi nhuận cho các NHTM, đặc biệt là trong tình hình cạnh tranh khốc liệt của các NHTM để giành thị phần khách hàng tiềm năng và đa dạng hóa danh mục đầu tư.

- Phát triển các dịch vụ phục vụ các dự án điện gió: Hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu, bảo lãnh thanh toán cho khoản vay ECA (Export Credit Agency) của dự án, thanh toán và chuyển tiền trong nước, quản lý dòng tiền của dự án…

- Nâng cao năng lực thẩm định dự án nói chung và dự án điện gió nói riêng của cán bộ thẩm định của các NHTM.

Từ những hạn chế về phát triển dự án điện gió, nên khi cho vay dự án điện gió, các NHTM sẽ gặp phải một số thách thức sau:

- Thiết bị chính của điện gió là tua bin, Việt Nam chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu. Vì vậy, thời gian thi công dự án có thể bị kéo dài nếu gặp trục trặc về nhập khẩu thiết bị và thiếu chuyên gia kỹ thuật, khi đó chi phí dự án tăng thêm làm giảm hiệu quả của dự án, thậm chí có thể lỗ, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng.

- Dự án không đủ lượng gió để phát điện theo công suất dự kiến hoặc bị cắt giảm công suất do hệ thống lưới điện không đồng bộ dẫn đến dòng tiền trả nợ ngân hàng không đảm bảo.

- Thi công điện gió phức tạp hơn rất nhiều so với điện mặt trời, bởi ngoài xử lý nền móng đủ vững chắc cho tua-bin gió vận hành ổn định trên 20 năm, còn phải có cần cẩu chuyên dụng để lắp các thiết bị siêu trường, siêu trọng, nên độ cao có khi trên 100 m. Do vậy, nếu chủ đầu tư hạn chế về tài chính, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện gió, hoặc lựa chọn đơn vị thiết kế, thi công thiếu năng lực thì thời gian thi công bị kéo dài hoặc tăng chi phí… ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng.

- Dự án NLTT nói chung và điện gió nói riêng là một lĩnh vực đầu tư mới ở Việt Nam yêu cầu phải hiểu sâu về kỹ thuật đặc thù, trong khi đó cán bộ thẩm định tín dụng chưa có nhiều kiến thức, hiểu biết thực tế về kỹ thuật và vận hành của hệ thống điện NLTT nên có thể chưa đánh giá được đầy đủ các loại rủi ro của dự án.

- Nguồn vốn huy động của các TCTD thường là ngắn hạn trong khi thời gian hoàn vốn của các dự án NLTT dài, chi phí đầu tư lớn... Đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, do đó nhiều doanh nghiệp chọn cách vay hàng ngàn tỷ đồng tại các ngân hàng, lấy chính dự án làm tài sản thế chấp cũng sẽ là thách thức lớn đối với các NHTM.

Trên thực tế, việc cho vay các dự án NLTT thời gian qua tuy không nhiều nhưng đã gặp phải một số vướng mắc, rủi ro. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối năm 2020, các ngân hàng đã rót 84.000 tỷ đồng cho vay NLTT, phần lớn là cho vay các dự án điện mặt trời. Tỷ trọng dư nợ tín dụng giai đoạn 2018-2020 cho NLTT còn chiếm tỷ trọng khá thấp (từ 0,6-1%) trong tổng dư nợ mà hệ thống ngân hàng cấp cho nền kinh tế. Khảo sát thực tế cho thấy, chỉ có 17/35 NHTM tham gia cho vay đối với NLTT và dư nợ dành cho lĩnh vực này chưa cao.

Những vướng mắc

Một là, theo Luật Điện lực, Nhà nước giữ vai trò độc quyền về truyền tải điện nên hạn chế xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này. Sự thiếu đồng bộ của hệ thống truyền tải điện, gây khó khăn trong việc đấu nối, không giải tỏa hết công suất sản xuất điện của các dự án. Doanh thu từ bán điện của các dự án giảm làm giảm khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Hai là, trong hợp đồng mẫu về mua bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVN có quyền từ chối mua điện từ các doanh nghiệp đã được phê duyệt dự án và tính toán hiệu quả trên công suất phát điện theo thiết kế. Như vậy, rủi ro thuộc về phía doanh nghiệp nếu EVN không mua hết công suất phát điện đã tính toán, doanh thu bán điện giảm và làm giảm khả năng trả nợ cho ngân hàng. Đây là một trong những điều khoản khiến các NHTM gặp khó khăn khi thẩm định và quyết định cho vay dự án.

Ba là, có nhiều yếu tố làm tăng chi phí của dự án như: giá tuabin mặc dù có chiều hướng giảm dần nhưng không giảm đột biến như điện mặt trời, thậm chí gần đây còn tăng lên do cung không đủ cầu và ảnh hưởng bởi COVID-19; giá nhân công trong nước và đặc biệt là giá đền bù giải phóng mặt bằng ngày càng cao. Việc vay ngân hàng với lãi suất 6,5%/năm là khó khả thi khi lãi vay trong nước luôn ở quang ngưỡng 10%/năm. Việc vay nước ngoài cũng không dễ vì nhiều ngân hàng quốc tế không chấp nhận với các điều khoản trong hợp đồng mua bán điện PPA hiện nay… Do vậy, thực tế đã làm thay đổi hiệu quả đầu tư và kế hoạch trả nợ ngân hàng khi lập dự án.

Đơn cử, dự án điện gió Phú Lạc (24 MW) tại Bình Thuận vận hành từ năm 2016, được cho là hiệu quả nhất hiện nay do chi phí vốn thấp và thiết bị phù hợp, nhưng kết quả kinh doanh rất thấp vì gió thấp, lưới điện quá tải và tỷ giá tiền vay.

Do vậy, các NHTM còn e ngại trong việc cấp tín dụng cho các dự án NLTT khi chưa xác định được nguồn trả nợ từ các dự án này.

Bốn là, các dự án NLTT được định nghĩa là dự án tài trợ chuyên biệt nên hệ số rủi ro (RWA) khi tính an toàn vốn được đánh giá ở mức 160%. Đây là mức khá cao nên các NHTM cũng hạn chế nguồn vốn cấp cho lĩnh vực này để đảm bảo hệ số an toàn vốn.

Giải pháp phát triển tín dụng đầu tư vào lĩnh vực điện gió ở Việt Nam

Từ những hạn chế trên, để phát triển tín dụng cho NLTT, tác giả đề xuất một số giải pháp đối với các NHTM để phát triển tài trợ dự án điện gió an toàn, hiệu quả:

- Khi thẩm định cho vay các NHTM cần chú trọng các nội dung sau: Hồ sơ pháp lý của dự án phải đầy đủ, đặc biệt số liệu đánh giá về tốc độ gió tại địa điểm xây dựng dự án; Lựa chọn chủ đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện gió hoặc có chuyên gia trong lĩnh vực này; Đơn vị thiết kế, Nhà thầu thi công phải có kinh nghiệm và chuyên gia kỹ thuật để đảm bảo thi công đúng tiến độ và chất lượng công trình.

- Xem xét kỹ Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC) của dự án: nhà thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng có uy tín không, Các điều khoản bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm của hợp đồng EPC thế nào? Tiến độ thanh toán ra sao?

- Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng, chuyên môn sâu trong lĩnh vực thẩm định, đánh giá rủi ro các dự án NLTT cho cán bộ thẩm định của các NHTM.

- Các NHTM xem xét phát triển trái phiếu xanh phục vụ cho NLTT. Đây là giải pháp đã được các định chế tài chính quốc tế lớn (WB, IFC, ADB...) thực hiện thành công trong thời gian qua. Việc phát hành trái phiếu xanh giúp NHTM gia tăng nguồn vốn trung dài hạn phục vụ cho các dự án NLTT.

Tóm lại, phát triển dự án điện gió ở Việt Nam đang là nhu cầu cấp thiết và có tiềm năng lớn tạo nhiều cơ hội cho các NHTM gia tăng quy mô tín dụng và lợi nhuận. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án điện gió cũng đang gặp những thách thức, vướng mắc đòi hỏi các NHTM phải thấy rõ để có các giải pháp phát triển an toàn, hiệu quả.

Tài liệu tham khảo

1. Các văn bản pháp lý:

• Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (Quyết định 39) sửa đổi, bổ sung Quyết định 37/2011/QĐ-TTg

• Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

• Nghị quyết số 55-NQ/TW tháng 2/2020 của Bộ chính trị về định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

• Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định số 482/QĐ-TTg năm 2016)

• Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII)

2. Báo Công Thương: Các hội nghị, hội thảo do EVN tổ chức với các nhà đầu tư điện gió tại Việt Nam qua các năm 2018, 2020, 2021

3. Các kịch bản phát triển điện gió ở Việt Nam đến năm 2030 (TS.Minh Hà-Dương, Ngô Thị Tố Nhiên phối hợp cùng Agora Energiewende,Đức)

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 13 năm 2021

Từ khóa » Thông Tin Về Năng Lượng Gió Tại Việt Nam