ĐIỆN HÒN CHÉN – CHỐN LINH THIÊNG - NGHỆ SĨ HOÀI LINH ...

Điện Hòn Chén – nơi nhiều giai thoại nhất trong quần thể di tích cố đô Huế, tọa lạc trên núi Ngọc Trản, ven bờ sông Hương thơ mộng, thuộc làng Ngọc Hồ, phường Hương Hồ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn, nằm trên một dãy núi thấp ăn từ chân Trường Sơn chạy về phía đồng bằng của Huế, bị một đoạn của sông Hương chặn đầu tả ngạn. Cả dãy núi như bị dồn ép nguồn sinh lực ở đây, tạo thành một ngọn núi có vẻ biệt lập, cây cối mọc xanh um, đứng cheo leo bên bờ vực thẳm, đó là chỗ sâu nhất của sông Hương. Người xưa đã chọn hòn núi Ngọc Trản ấy để dựng đền thờ.

Điện Hòn Chén - Nơi gắn với nhiều giai thoại.

Trên đỉnh núi có một chỗ đất trũng xuống, đường kính vài mét, chung quanh có vòng đá dựng như bờ giếng, hễ gặp mưa thì nước đọng lại trông như cái chén đựng nước trong. Cho nên từ xa xưa, hòn núi được đặt tên Ngọc Trản (núi Chén Ngọc). Dân gian thì gọi là Hòn Chén vì nhìn quả núi như cái chén úp ngược, và còn lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”, vì vua Minh Mạng trong một lần lên đây đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng sông Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. Song, trong các văn bằng sắc phong chính thức của các vua Nguyễn, thì ngôi điện vẫn xuất hiện với tên chính thức “Ngọc Trản Sơn Từ” (đền thờ ở núi Ngọc Trản). Điện Hòn Chén nguyên là ngôi đền thờ nữ thần PoNagar (Nữ Thần Mẹ xứ sở) của người Chăm, sau đó người Việt theo Thiên Tiên Thánh Giáo tiếp tục thờ bà với danh xưng là Thánh Mẫu Thiên Y A Na.

GIAI THOẠI VUA ĐỒNG KHÁNH ĐƯỢC LÊN NGÔI VUA: Vua Đồng Khánh tên là Nguyễn Phúc Ưng Đường. Ông là con trai cả của Kiên quốc công Nguyễn Phúc Hồng Cai em vua Tự Đức. Vì vua Tự Đức mắc bệnh không thể có con nên buộc lòng phải chọn ra các trẻ trong tông thất làm con nuôi để dự phòng sau này có người kế vị. Trong số các con của Kiên Thái vương – cha của vua Đồng Khánh sau này có tới ba người được làm vua. Sau khi vua Tự Đức băng hà, trong tình thế người Pháp đang đe dọa xâm lược, việc nước gặp nhiều khó khăn, nên phải chọn Ưng Chân làm người kế vị. Tuy nhiên Ưng Chân (vua Dục Đức) vừa lên ngôi được ba ngày thì đã bị các Phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết phế truất và hại chết. Liên tiếp hai vua Hiệp Hòa (Hồng Dật, chú ruột), Kiến Phúc (Ưng Đăng, em ruột của ông) được lập lên ngôi rồi cũng đều bị quyền thần bức hại trong khi tình hình chiến sự ngày càng bất lợi. Sau Hòa ước Quý Mùi, Việt Nam chính thức bị đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. Đáng lý khi đó phải tôn hoàng tử còn lại là Ưng Đường lên ngôi, nhưng các quan phụ chính nhìn thấy ông không thuận mắt, vì thế lại lập người em cùng cha khác mẹ của ông tên là Ưng Lịch lên ngôi, tức là vua Hàm Nghi. Vì gặp một giai đoạn éo le của lịch sử triều Nguyễn như đã kể ở trên, vua Ðồng Khánh chờ đợi mãi vẫn chưa được lên nối ngôi cha nuôi. Đặc biệt là khi 2 người em của ông là vua Kiến Phúc và Hàm Nghi được lên ngôi còn ông mặc dù lớn tuổi lại không được chọn. Ông bèn nhờ mẹ lên đền Ngọc Trản nhờ người hầu đồng cầu đảo và hỏi Thánh Mẫu Thiên Y A Na xem mình có làm vua được không. Theo nhiều tài liệu thì thánh mẫu đã cho hoàng tử biết ngày đăng quang và cũng cho biết ông chỉ ở ngôi được hơn 3 năm rồi mất. Ban đầu ông cũng không tin tưởng về vấn đề này vì ông còn rất trẻ lúc đó ông chỉ mới hơn 20 tuổi thì không thể nào chết sớm như vậy được. Nhưng sau đó khi em trai của ông là vua Hàm Nghi bôn tẩu cùng với Tôn Thất Thuyết (sau khi Tôn Thất Thuyết đánh Pháp bị thất bại năm 1885) lập phong trào Cần Vương tiếp tục chống Pháp, để dễ bề cai trị thực dân Pháp đưa ông lên ngôi vua đúng Ngày 19 tháng 9 năm 1885 như trong tiên đoán của bà Thiên Y A Na. Được làm vua ông vừa mừng lại vừa lo bởi lời tiên đoán về cái chết còn cách không xa (ở ngôi chỉ hơn 3 năm rồi mất).

Vua Đồng Khánh (1864-1889)

Bởi vậy sau khi lên ngôi, Vua Ðồng Khánh liền cho xây lại đền này một cách khang trang, làm thêm nhiều đồ khí tự để thờ và đổi tên ngôi đền là Huệ Nam điện để tỏ lòng biết ơn Thánh mẫu. Huệ Nam nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam. Với hi vọng Thánh giúp ông thoát được kiếp nạn yểu mệnh. Cùng năm đó Vua Đồng Khánh xưng thần dưới trướng của Thiên Y A Na. Đây là một sự kiện chưa bao giờ có trong trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Bởi lâu nay, chỉ có vua - người đứng trên bách thần để phong thần chứ chưa hề có ai đi “hạ mình” để xưng thần. Ông đưa cuộc lễ hằng năm tại đây vào hàng quốc lễ và tự nhận mình là đồ đệ của Thánh Mẫu, mặc dù nhà vua chỉ gọi thánh mẫu bằng “Chị” và việc “hạ mình” này gắn liền với giai đoạn bi thương của đất nước. GS Lê Văn Toàn nhận định đại ý của việc này là biểu hiện của sự hoang mang khi vua không còn làm chủ được đất nước.

Chân dung vua Đồng Khánh thờ bên trong điện.

Vua Đồng Khánh rất tin tưởng về sự linh ứng của nữ thần điện Hòn Chén. Gặp việc gì khó xử ông thường đến đây để cầu đảo và dường như việc gì cũng được như ý nên Vua Đồng Khánh đã phê rằng: “Điện Hòn Chén là một đền linh diệu thiên cổ, thế núi trông thật giống hình con sư tử uống nước dưới sông, quả là chân cảnh thần tiên, cứu đời, giúp người nhiều lắm”. Tháng 6, 7 năm 1886 tại Huế không có một giọt mưa, vua bèn sai các quan ở Phủ Thừa Thiên lập đàn cầu đảo khắp các đền trong kinh thành nhưng trời vẫn không mưa, đến khi lên cầu đảo tại đền Hòn Chén, chỉ trong một buổi sáng thôi mà trời đổ mưa tầm tã, ai cũng cho là linh ứng. Cũng chính vì sự linh ứng ấy mà Vua Đồng Khánh rất lo sợ trước lời tiên đoán của nữ thần. Và rồi không cãi được mệnh trời, năm 1888, ông thọ bệnh, đau liên tục, các ngự y bó tay, đến năm 1889 thì ông mất, sau 3 năm và 131 ngày ngồi trên ngai vàng, đúng như lời tiên đoán của Thánh mẫu Thiên Y Ana trong điện Hòn Chén. Qua bao nhiêu năm tháng gắn với bao truyền thuyết, dân gian vẫn gọi điện là Điện Hòn Chén hay Điện Hoàn Chén đều đúng.

LỄ HỘI ĐIỆN HÒN CHÉN – CHUYỆN NGHỆ SĨ HOÀI LINH ĐẾN ĐÂY “HẦU ĐỒNG” HẰNG NĂM.

Ðiện Hòn Chén thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, từ thế kỷ 16, hàng năm cử hành lễ hội diễn ra 2 kỳ trong vòng 2 ngày mồng 2 – mồng 3 của tháng 3 và tháng 7 với tên gọi ta tháng 7 kỵ Cha và tháng 3 kỵ Mẹ. Câu nói quen thuộc này được từng người dân Huế nhắc đến khi nghĩ về lễ hội như một dịp tri ân với người cha sông núi, người mẹ xứ sở. Bởi rằng, thần linh cũng đều sinh ra từ cha và mẹ.

Mẫu Thiên Y A Na - Đệ Nhất Thiên Y Thanh Mẫu.

Tại Huế, Thánh Mẫu được thờ tại điện Hòn Chén, làng Hải Cát, huyện Hương Trà. Nghi lễ tại Ðiện Hòn Chén rất long trọng. Dân làng tổ chức tế tại đình, trước ngày chánh tế có lễ nghinh thần để rước tất cả các vị thần trong làng về đình. Ðám rước Thiên Y A Na Thánh Mẫu từ Huệ Nam đến đình làng Hải Cát tổ chức trọng thể hơn cả.

Tấp nập thuyền hành hương về điện Hòn Chén.

Lễ hội giống như một festival về văn hóa dân gian trên sông Hương, tấp nập những chiếc “bằng” (thuyền kết đôi) với cờ phướn, hương án đủ màu sắc, hành hương về điện Hòn Chén, nơi thờ Thánh Mẫu. Tại khu vực điện sẽ diễn ra Thánh Mẫu tuần du làng Hải Cát, lễ tế làng Hải Cát, lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan về điện, lễ phóng sanh, phóng đăng...

Hàng trăm chiếc thuyền rồng đậu trước bến đình làng Hải Cát mỗi mùa Lễ Hội.

Điểm hấp dẫn nhất của tín ngưỡng này là nghi lễ lên đồng. Đây là nghi thức tâm linh độc đáo, khi ông đồng bà cốt mặc trang phục của thần linh, nhảy múa trong âm nhạc và lời ca miêu tả vị thần đó. Mọi người tận hưởng bầu không khí lễ hội vui tươi, say mê theo dõi hàng giờ không biết mệt vì được sống trong không gian tín ngưỡng độc đáo của riêng họ.

Hầu Đồng hay còn gọi là hầu bóng, đồng bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian thờ nữ thần mẹ đạo Mẫu. Về bản chất, lên đồng là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng. Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập thể linh hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng trong trạng thái tâm linh thăng hoa, ngây ngất nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ. Để phục vụ cho nghi lễ quan trọng này người ta đã sáng tạo ra một hình thức lễ nhạc gọi là Hát văn (hát chầu văn) để phục vụ cho quá trình nhập đồng hiển thánh. Nhộn nhịp nhất trong nghi lễ hầu đồng là khi các vị Thánh phát lộc và phán truyền. Lộc Thánh có thể bằng tiền, đồ vật (hoa quả, bánh trái, vật dụng...) mà theo quan niệm dân gian, là thứ thiêng liêng “Một chút lộc Thánh còn hơn gánh lộc trần”. Chính vì vậy không khí lúc phát lộc này cực kì náo nhiệt. Người đứng giá hầu đồng gọi chung là Thanh Đồng, Thanh Đồng là nam giới thì được gọi là “cậu”, nữ giới được gọi là “Cô hoặc Bà Đồng”. Đa số những người hầu đồng là do hoàn cảnh bản thân thúc ép, do di truyền gia tộc hay bản tính có căn đồng. Người nào có “căn” mà chưa ra trình Thánh thì thường bị bệnh tật, ốm đau, mà đây là thứ bệnh “âm”, chữa chạy bằng thuốc thang không khỏi, khi làm ăn thường thất bát, thua thiệt. Dân gian gọi hiện tượng này là “cơ đày”, tức người đang bị Thánh đày ải. Ra đồng rồi thì thường sức khoẻ hồi phục, làm ăn được hanh thông. Một khi đã bị Thánh “bắt lính”, tức ra trình đồng rồi thì hàng năm, tuỳ theo lịch tiết, đặc biệt là vào dịp “tháng bảy giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, các Bà đồng, Ông đồng thường phải tổ chức làm lễ Lên đồng. Trong nghi lễ như vậy, theo quan niệm dân gian, các vị Thánh từ các miền khác nhau của vũ trụ bay về nhập hồn vào thân xác các Bà, Ông đồng.

Du khách nô nức dự lễ hội Hòn Chén.

Nghệ Sĩ Hoài Linh một trong những “thanh đồng” được nhiều người yêu thích. Hoài Linh được biết là một người sống theo chủ nghĩa duy tâm. Nam nghệ sĩ là một đệ tử thành tâm của tín ngưỡng văn hóa "hầu đồng" khởi thủy từ tục thờ Mẫu của người Việt xưa. Hoài Linh luôn tâm niệm "sống trên đời quan trọng nhất là cái tâm". Đối với danh hài này, tiền tài vật chất chỉ là vật ngoài thân. Thuộc top 1 trong danh sách thu nhập hằng năm của ngành giải trí Việt, tuy nhiên cuộc sống cá nhân của Hoài Linh lại vô cùng giản dị đến mức khó tin. Trong những buổi "hầu đồng", NS Hoài Linh làm đúng trình tự một giá hầu theo nghi lễ của dân gian. Ngoài ra, chất nghệ thuật trong những buổi lễ do chính NS Hoài Linh làm "thanh đồng" vô cùng đặc sắc, độc đáo và mang nhiều ý nghĩa. Bên cạnh đó, số lượng tiền mà NS Hoài Linh ban phát ra trong mỗi buổi "hầu đồng" lại có giá trị rất lớn.

Nghệ sĩ Hoài Linh trong lễ hầu đồng.

Nghệ Sĩ Hoài Linh có một chiếc thuyền rồng ngự tại Sông Hương, mua cách đây 8 năm và anh chỉ sử dụng vào tháng 3 và tháng 7, khi anh cùng đệ tử sửa biện hương hoa đi thuyền rồng lên Điện Hòn Chén để lễ Thánh mẫu. Sau đó, Hoài Linh và các đệ tử thường tổ chức hầu đồng ngay trên thuyền, hầu từ đêm tới tận sáng. Chiếc thuyền rồng này chỉ dành để thờ cúng, không cho thuê giống các thuyền khác trên sông Hương.

Du thuyền của nghệ sĩ Hoài Linh.

Gần đây các clip hát hầu đồng của Nghệ sĩ Hoài Linh xuất hiện dày đặc khiến dư luận xôn xao. Nhiều khán giả tỏ ra thất vọng khi thấy nam danh hài mặc đồ lòe loẹt, tay đếm tiền, miệng phì phèo thuốc khi trình diễn. Nhiều người còn nói rằng sẽ không bao giờ xem Hoài Linh diễn hài sau khi xem các clip này. Trên thực tế, hầu đồng cũng một thời bị “dán mác” là mê tín dị đoan nên bị cấm. Cho đến sau này khi số lượng con nhang, đệ tử phát triển rầm rộ, nhu cầu thờ cúng Mẫu ngày càng tăng thì hầu đồng mới phát triển trở lại. Đặc biệt, “Tín ngưỡng thờ mẫu” chủ yếu là lễ Hầu đồng của Việt Nam được UNESCO công nhận di sản văn hóa ngày 1/12/2016, chính thức góp mặt trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Hầu đồng thuyết phục UNESCO công nhận là di sản nằm ở giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu, Tam phủ của người Việt. Đây là văn hóa bản địa, là một bảo tàng sống về văn hóa… thể hiện qua những bài chầu văn, những câu chuyện được lồng ghép trong khi hát, những điệu múa, trang phục, cách trang trí đền đài. Như vậy, hầu đồng vốn là nghi thức giao lưu văn hóa cộng đồng và được sự công nhận. Cho nên việc Nghệ sĩ Hoài Linh hát hầu đồng chưa thể xem là hành vi mê tín dị đoan. Hiện nay pháp luật chưa có định nghĩa rõ ràng mê tín dị đoan là gì, tuy nhiên theo cách hiểu chung nhất thì mê tín dị đoan được thể hiện dưới các hành vi như bói toán, đồng bóng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức mê tín, dị đoan khác. Tuy hầu đồng không phải là hình thức mê tín dị đoan nhưng trên thực tế, việc trình diễn hầu đồng có nhiều biến tướng đáng quan ngại. Đầu tiên đó chính là việc thương mại hóa hoạt động này, không có tiền thì không thể trình đồng. Việc cạnh tranh giữa các đồng ông, đồng bà cũng khiến loại hình này trở lên biến chất, sặc mùi tiền và có hơi hướm mê tín, dị đoan. Do đó thiết nghĩ trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần có biện pháp giám sát chặt chẽ, xử lý mạnh tay các hành vi vi phạm. Trải qua những thăng trầm lịch sử, những năm gần đây lễ hội này đã được phục hồi theo các tập tục truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương. Lễ hội điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thanh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người. Theo ý nghĩa đó, việc phục hồi lễ hội điện Hòn Chén là phục hồi một giá trị văn hóa truyền thống. Đến thăm thành phố Huế đúng dịp diễn ra lễ hội, xuôi thuyền ngược dòng Hương Giang đến núi Hòn Chén, du khách sẽ được tham gia vào lễ tế điện Hòn Chén. Vậy mới biết, sức hút của Huế không chỉ ở những công trình đền đài lăng tẩm, mà còn có cả những lễ hội linh thiêng như lễ điện Hòn Chén hằng năm.

Từ khóa » Ns Hoài Linh Hầu đồng