Điện Mặt Trời - EVN SPC

Hệ thống điện mặt trời là hệ thống có tác dụng biến đổi năng lượng ánh sáng mặt trời trực tiếp thành năng lượng điện thông qua các tấm pin quang điện. Dòng điện một chiều từ các tấm pin quang điện thông qua bộ chuyển đổi điện DC-AC (thiết bị inverter) sẽ chuyển dòng điện một chiều thành dòng điện xoay chiều để đấu nối vào lưới điện, cấp điện cho phụ tải.

Hiện nay, có 03 hình thức lắp đặt hệ thống điện mặt trời bao gồm: Hệ thống điện mặt trời hòa lưới (On Grid), hệ thống điện mặt trời độc lập (Off Grid) và hệ thống điện mặt trời kết hợp (Hybrid).

1. Hệ thống điện mặt trời hòa lưới (On grid)

Hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới (On Grid solar system) là hệ thống điện mặt trời đấu nối với lưới điện của Điện lực.

Cấu tạo cơ bản của hệ thống điện mặt trời hòa lưới gồm các thành phần cơ bản sau:

- Tấm pin năng lượng mặt trời;

- Biến tần hòa lưới (inverter);

- Công tơ 2 chiều.

Hình 1: Hệ thống điện mặt trời hòa lưới (sưu tầm)

Hệ thống điện mặt trời hòa lưới là hình thức lắp đặt phổ biến hiện nay, đặc biệt sau khi có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/04/2020. Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời hòa lưới có các thuận lợi như sau: Chi phí đầu tư ban đầu thấp nhất (so với các hình thức khác lắp đặt khác); không sử dụng pin lưu trữ hoặc ắc quy nên tuổi thọ hệ thống được lâu hơn và chi phí vận hành, bảo dưỡng thấp; tiết kiệm tối đa chi phí sử dụng điện hàng tháng; bán điện thừa cho Điện lực thông qua công tơ 2 chiều với giá bán ưu đãi; hỗ trợ Điện lực trong việc giảm truyền tải điện. Tuy nhiên, khi bị mất điện lưới thì hệ thống điện mặt trời sẽ ngắt, phụ tải sẽ không còn điện để sử dụng. Do vậy, hệ thống này phù hợp với các khách hàng đang sử dụng điện từ lưới điện của Điện lực.

2. Hệ thống điện mặt trời độc lập

Hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập (Off Grid solar system) là mô hình lắp đặt hệ thống điện mặt trời không kết nối với lưới điện của ngành Điện.

Cấu tạo cơ bản của hệ thống gồm các thành phần cơ bản sau:

- Tấm pin năng lượng mặt trời;

- Inverter độc lập;

- Bộ lưu trữ điện.

Hình 2: Cấu tạo hệ thống điện mặt trời độc lập (sưu tầm)

Hệ thống điện mặt trời độc lập không phụ thuộc vào tình trạng vận hành của lưới điện Điện lực, do vậy phụ tải sẽ luôn được cấp điện, ngay cả khi mất điện lưới. Tuy nhiên, hệ thống này sử dụng pin lưu trữ hoặc ắc quy để lưu trữ điện năng, nên chi phí đầu tư ban đầu cao và chi phí bảo dưỡng, bảo trì hàng năm của hệ thống lưu trữ lớn. Do vậy, hệ thống này phù hợp với khách hàng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực không có lưới điện của Điện lực.

3. Hệ thống điện mặt trời kết hợp

Hệ thống điện năng lượng mặt trời kết hợp (Hybrid solar system) là sự kết hợp giữa 2 giải pháp điện mặt trời hòa lưới và độc lập.

Cấu tạo cơ bản của hệ thống gồm các thành phần cơ bản sau:

- Tấm pin năng lượng mặt trời;

- Inverter kết hợp (hybrid inverter);

- Bộ lưu trữ điện;

- Công tơ 2 chiều.

Hình 3 Cấu tạo hệ thống điện mặt trời kết hợp (sưu tầm)

Hệ thống điện mặt trời kết hợp sử dụng lưới điện từ Điện lực hoặc hệ thống lưu trữ (pin sạc, ắc quy) để cấp điện cho phụ tải. Trường hợp bình thường, phụ tải sẽ được cấp điện từ lưới điện Điện lực; trường hợp mất điện lưới, phụ tải sẽ được cấp điện từ hệ thống lưu trữ. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu sẽ lớn hơn so với hệ thống điện mặt trời hòa lưới. Do vậy, hệ thống này phù hợp với các khách hàng đang sử dụng điện từ lưới điện của Điện lực và có nhu cầu cấp điện liên tục 24/24.

Từ khóa » Các Hệ Thống Pin Năng Lượng Mặt Trời