Diễn Viên Đông Dương: "Từ Phim Trường đi Về, Tôi Bị Hoàng Mập
Hồi đó, Đông Dương làm kỹ thuật phòng thu, tình cờ gặp Hoàng Mập và Việt Hương đi thâu nhạc. Đó là hai cái tên "quá khủng" trong showbiz nhưng hát thì... đàn một nơi, hát một nẻo! Thấy vậy Đông Dương thật thà góp ý.
Việt Hương nghe xong nói với Hoàng Mập: "Thằng này dân miền Tây dễ thương nè... nhưng nó là cái gì trên này mà dám chỉ mình hát"?
Lần đầu tiên, Đông Dương gặp Hoàng Mập và Việt Hương như thế. Cuộc gặp định mệnh ấy đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời chàng ca sĩ tỉnh lẻ.
Nhịn ăn dành tiền đi hát karaoke
Đông Dương là con trai độc nhất trong gia đình có ba chị em và cha mẹ đều làm nghệ thuật ở Vĩnh Long. Ba là kép chính Đoàn Văn Công Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long) còn mẹ là diễn viên múa trong đoàn.
Phần vì duyên nghề chưa tới, phần vì Đoàn Văn Công chuyên đi hát phục vụ nên dù sở hữu giọng ca ngọt ngào thì ba của Đông Dương vẫn không may mắn được nổi tiếng như một số đồng nghiệp cùng thời: NSND Lệ Thuỷ, Tài Linh...
Từ khi còn nằm trong bụng mẹ và suốt năm tháng tuổi thơ, Đông Dương đã được nghe những câu vọng cổ. Thế nên dẫu cha mẹ sau này vì kế sinh nhai mà không làm nghệ thuật thì Đông Dương vẫn được thừa hưởng cái gien hát hay của cha.
Đông Dương mê hát từ nhỏ. Hồi Đông Dương 7, 8 tuổi, mỗi ngày ba mẹ cho 1.000 đồng đi học nhưng cậu bé nhịn ăn để dành tiền hát karaoke.
"Hồi ấy tôi hát chưa hay nhưng đúng nhịp, đúng điệu, dễ nghe nên người cho thuê karaoke không lấy tiền. Nhưng một lần chủ quán karaoke tới nhà méc ba mẹ: "Không biết nó có đi học không mà ngày nào cũng ghé quán tôi hát karaoke mà hát hay lắm. Rồi tiền đâu ra mà nó hát hoài", Đông Dương nhớ lại.
Ba Đông Dương chỉ cười, còn mẹ nói: "Hát hò gì, lo học đi. Hát rồi giống ba mẹ, không có tương lai đâu con".
Lúc đó, ba Đông Dương mới nhẹ nhàng bảo "Bà kệ nó. Giờ nó còn nhỏ, để nó được sống với những gì nó thích. Nó hát hay cũng là gien của tôi và bà cho nó. Cấm làm chi"!
Được ba ủng hộ, Đông Dương mừng thầm. 12 tuổi, Đông Dương đăng ký thi Tiếng hát truyền hình nhưng nhỏ quá nên không được thi. Vậy là trong ấp, xã, huyện có bao nhiêu cuộc thi hát, Đông Dương đều có mặt. Thi giải nào trúng giải đó càng khiến Đông Dương mê hát hơn.
Những năm học cấp 2, ban ngày đi học, buổi tối Đông Dương xin đi hát quán cafe kiếm tiền. Mỗi đêm được 7.000 đồng. Đó là một số tiền lớn đối với cậu bé ở quê thời điểm 2001.
Lên cấp 3, Đông Dương vừa đi hát vừa làm MC buổi tối để có thêm tiền. Học xong phổ thông, anh chàng thi vào trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Cần Thơ. Trong 4.000 thí sinh dự thi, trường chỉ lấy 12 người, Đông Dương đỗ điểm cao thứ 8 năm đó.
Nhận mình là... thằng chột làm vua xứ mù
Ra trường, Đông Dương "đi đánh giải" khắp các tỉnh miền Tây. Nhờ giọng hát thiên phú và sự dạy dỗ của các thầy cô trong trường cùng với duyên hút sân khấu, anh chàng "đánh đâu thắng đó".
2007 và 2008 là hai năm rực rỡ nhất của Đông Dương trên sân khấu với nhiều giải thưởng uy tín. Đông Dương đăng quang giải Nhất Tiếng hát truyền hình Vĩnh Long; giải Nhì Tiếng hát truyền hình Cần Thơ, Sóc Trăng; giải Ba Tiếng hát tỉnh Tiền Giang...
Ở miền Tây, Đông Dương là ngôi sao nhưng lúc này, "thế giới ấy" dường như đã quá nhỏ bé! Anh chàng quyết định khăn gói lên Sài Gòn chinh phục những giải thưởng cấp... quốc gia.
Nhưng khi lên Sài Gòn, Đông Dương mới nhận ra mình chỉ là hạt cát trên sa mạc. Anh chia sẻ: "Ở quê, tôi giống như thằng chột làm vua xứ mù, tưởng đâu mình hay lắm rồi! Lên Sài Gòn mới cảm được màu sắc của cuộc sống nghệ thuật không như mình nghĩ.
Tôi thi Tiếng hát truyền hình TPHCM bị rớt, thi Sao Mai Điểm hẹn rớt, thi Vietnam Idol cũng rớt... Trên Sài Gòn, tôi không quen ai.
Khi đi chỉ có hai bàn tay trắng nên nói mất thì chẳng có gì để mất chỉ là tinh thần bị sốc. Tôi hụt hẫng và gần như phải bắt đầu lại từ con số 0".
Để mưu sinh và có thể bám trụ được với đời sống nghệ thuật ở Sài Gòn, Đông Dương xin làm kỹ thuật phòng thu. Tình cờ một ngày, Đông Dương gặp Hoàng Mập và Việt Hương đi thâu nhạc.
Hoàng Mập – Việt Hương là hai cái tên "quá khủng" trong giới nghệ thuật ở Sài Gòn nhưng khi họ thu âm thì đàn một nơi, hát một nẻo. "Bệnh nghề nghiệp" trỗi dậy, Đông Dương thật thà góp ý khiếm khuyết của họ!
Việt Hương nghe xong nói với Hoàng Mập: "Thằng này người miền Tây thật thà dễ thương nè nhưng nó là cái gì trên đây mà dám chỉ mình hát vậy"?
Đông Dương thật tình kể mình vốn là ca sĩ tỉnh lẻ lên Sài Gòn tìm cơ hội phát triển nghề nghiệp nhưng... thất thế!
Không ngờ, cuộc gặp gỡ tình cờ ấy lại là định mệnh đổi đời chàng ca sĩ miền Tây. Sau lần đó, Hoàng Mập, Việt Hương chính là người ơn, người thầy của Đông Dương trên con đường đến với bộ môn nghệ thuật thứ bảy: điện ảnh!
Gần 10 năm gian nan lập nghiệp, bán máu lấy tiền ăn
Nhưng nghề này, diễn viên thì đông mà phim thì ít. Đông Dương lại là "dân tay ngang" nên càng trầy trật mưu sinh. Có vai thì đi phim, không có vai thì làm các chương trình thiện nguyện cho chùa, đi hát đám tiệc, nhà hàng, làm phòng thu...
Dù rất chịu khó, được nhiều người quý mến tính tình hiền lành, chân chất và được tạo nhiều điều kiện làm nghề thì Đông Dương vẫn không đủ sống.
Bởi lẽ, làm nghề này, chỉ ngôi sao mới có lương cao còn tất cả những người chưa được công chúng nhớ mặt nhớ tên thì phải nhận mức lương rất thấp.
Để có tiền, Đông Dương đi làm thêm đủ việc. Ban ngày làm nhân viên cây xăng, làm nhà hàng, đứng kéo cửa cho khách ra vào... ban đêm đi hát. Cực khổ như thế nhưng tinh thần của Đông Dương lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái. Vừa đổ xăng vừa hát nghêu ngao!
Sau khi gom góp được một số vốn, Đông Dương quyết định vay mượn thêm tiền liều ra album ca nhạc "Giấc mơ thiên thần" và mời hai ca sĩ Phạm Thanh Thảo và Lê Kim Ngọc. Tiếc rằng, đó không phải là một album thành công. Sản phẩm đầu tay thất bại, Đông Dương hụt hẫng vì lại một lần nữa... mất hết!
Đông Dương nhớ lại những tháng ngày gian nan ấy bằng nét mặt trầm tĩnh: "Tôi lại chăm chỉ đi casting phim tiếp. Cuộc sống lúc đó lại khó khăn tiếp vì tiền nhà trọ lên giá. Có những lúc tôi không đủ điều kiện để may một bộ vest mới đi hát. Có một bộ, cứ mặc đi mặc lại hoài.
Lúc đó, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng mới may mấy bộ vest rất đẹp. Có những bộ, anh ấy chỉ mặc 1, 2 lần. Anh Phi Hùng chưa từng gặp tôi, chỉ nghe anh Hoàng Mập kể, vậy mà anh ấy tặng cho tôi mấy bộ vest ấy. Tôi vui quá và đó là động lực để tôi phải cố gắng hơn nữa.
Thậm chí, có những lúc khó khăn, không còn chỗ xoay sở, tôi đành nghe lời bạn bè đi bán máu lấy tiền. Dù đã uống 2 ly trà đường nhưng lúc về vẫn mệt muốn xỉu.
Bù lại, có một điều vui là khi mình cho máu đi thì máu của mình được thanh lọc. Tôi tự nhủ "mình không làm gì trái pháp luật là được".
Chung vầng trăng đợi: Đông Dương - Hồng Phượng
"Việt Hương và Hoàng Mập là hai người ơn, người thầy của tôi"
Đông Dương bảo, cuộc đời mình quá may mắn khi gặp được Việt Hương – Hoàng Mập. Anh kể: "Hai người ơn, hai người thầy của tôi là anh Hoàng Mập và chị Việt Hương. Hai anh chị thấy tôi dễ thương, cao ráo nên giới thiệu đi phim. Biết ở đâu đang casting diễn viên, anh chị đều cho tôi hay.
Hồi đầu đóng những vai nhỏ nhỏ thôi nhưng tôi cũng không đóng được. Tôi chưa quen phim trường, bị đạo diễn chê. Tôi buồn gọi điện cho hai anh chị. Anh chị lại gọi tôi ra quán cà phê, chỉ bảo từng chút từng chút...
Kỷ niệm với hai anh chị thì nhiều vô cùng. Tôi may mắn được đóng chung phim với chị Việt Hương và anh Hoàng Mập rất nhiều. Mỗi lần đi phim, tôi kiêm lái xe chở anh chị luôn vì ba anh em thường đi chung giống như gia đình.
Ở phim trường, anh chị không bao giờ la rầy vì sợ càng la, tôi càng không làm được nhưng từ phim trường đi về, ở trên xe là tôi bị chửi suốt.
Anh Hoàng Mập với chị Việt Hương chửi từ phim trường về tới nhà luôn. Tại sao quay cảnh đó em lại làm như vậy? Em phải làm thế này, thế này...
Anh chị không la mắng trước đông người để giữ thể diện cho tôi. Khi nào cần dạy là dạy riêng lúc chỉ có ba anh em. Đó là sự tế nhị của anh chị. Mỗi lần quay xong là tôi lo lắm, lo lúc về nghe chửi. Lái xe mà tim hồi hộp!
Không chỉ dạy tôi đóng phim, Việt Hương - Hoàng Mập còn đưa tôi đi tấu hài. Lúc tập, tôi diễn duyên lắm nhưng cứ lên sân khấu là quên tuồng.
Diễn ở Trống Đồng, 126... tôi quên tuồng, đứng chết trân không biết làm gì. Lúc đó, anh Hoàng Mập và chị Việt Hương phải diễn cương để cứu.
Cứ mỗi lần tôi quên tuồng là anh chị bảo hát vọng cổ. Hát giống như là "bảo bối" của tôi vậy. Cứ quên tuồng là hát. Bây giờ gặp lại, chị Việt Hương vẫn hay hỏi "giờ đỡ chưa?
Còn quên gì nữa không?" Khi đã đủ lông đủ cánh, anh chị cho tôi tách ra ngoài tự lập".
Lột xác ngoạn mục, bước lên "đài danh vọng" Ngôi Sao Xanh
Vai diễn đầu đời của Đông Dương là phim "Lòng dạ đàn bà" do NSƯT Hồ Ngọc Xum đạo diễn. Phim này, vai của Đông Dương chỉ có 30 phân đoạn, quay trong 10 ngày.
Mỗi ngày quay 3 phân đoạn nhưng Đông Dương vẫn bị đạo diễn chê "diễn không tự nhiên, từ dáng đi tới phong cách y như ca sĩ trình diễn trên sân khấu, không hoá thân được vào nhân vật".
Bị chê, Đông Dương buồn nhưng không ngừng cố gắng, không ngừng học hỏi. Để rồi từ những vai nhỏ, vai phụ không được nhiều người chú ý, năm 2012, Đông Dương được đạo diễn và nhà sản xuất tin tưởng giao đóng nam chính trong phim "Hai người cha".
Đặc biệt trong phim này, Đông Dương đóng cùng Việt Hương và Hoàng Mập nên được "kèm cặp" rất kỹ. Vai nam chính đầu tiên trong đời của Đông Dương được khán giả miền Tây đón nhận rất nhiều.
Nhờ thể hiện tốt, Đông Dương không chỉ đóng chính cho hãng phim Hoàng Thần Tài mà còn nhận được nhiều lời mời từ các đạo diễn và nhà sản xuất khác.
Ngoài đời Đông Dương là anh chàng vô cùng thật thà, hiền lành, chịu thiệt thòi và không ngừng học hỏi, phấn đấu. Chính điều đó đã giúp anh "ghi điểm" trong mắt đồng nghiệp. Các cơ hội lần lượt gõ cửa với nhiều vai nam chính cả phim truyền hình và điện ảnh.
Sau "Hai người cha", Đông Dương nổi bật ở nhiều dự án phim truyền hình và điện ảnh khác như "Yêu thuê", "Sứ mạng song sinh", "Đời Như Ý" và gần đây nhất là nam chính trong phim điện ảnh của Nguyễn Quang Tuyến "Cạm bẫy, hơi thở của quỷ".
Mới đây, Đông Dương còn được đề cử Giải Ngôi Sao Xanh lần thứ 4 ở hạng mục Diễn viên nam chính xuất sắc nhất phim truyền hình với phim "Sứ mạng song sinh", đạo diễn Lê Cung Bắc.
Chia sẻ về cảm xúc của mình, Đông Dương nói: "Diễn viên nào cũng có những giây phút thăng hoa trên phim ảnh, trên truyền hình. Nhiều anh chị đóng phim lâu rồi nhưng họ chưa có duyên được đề cử. Dương là diễn viên mới, may mắn có được vai ấn tượng và may mắn được đề cử nên rất mừng.
Đối với Đông Dương, đề cử này giống như nỗ lực của mình, nỗ lực của đoàn phim được mọi người công nhận. Đó là sự an ủi về tinh thần khi làm nghề và là bước ngoặt, điểm nhấn trong đời người diễn viên.
Các anh chị đi trước đã có nhiều trải nghiệm, đã có nhiều điểm nhấn trong đời rồi... biết đâu Dương may mắn được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao nên cũng thầm hy vọng mình sẽ đạt cup".
Cao Mỹ Kim: "Showbiz quá xáo trộn, ai cũng làm ca sĩ, diễn viên được. Thấy mà bất mãn"Từ khóa » Dv đông Dương
-
Ca Sĩ Đông Dương
-
Đông Dương: Đi Qua Nhiều Chông Gai để Thu Về Quả Ngọt Trên Con ...
-
Đông Dương - Tiểu Sử, Hoạt động Nghệ Thuật Của Đông Dương
-
Sao Kết Nối: Diễn Viên Đông Dương | THDT - YouTube
-
Biệt Thự ấm Của Ca Sĩ Đông Dương - Báo Thanh Niên
-
Diễn Viên Đông Dương Sinh Năm Bao Nhiêu
-
Tiểu Sử Ca Sĩ Đông Dương
-
Diễn Viên Đông Dương - Trang Chủ | Facebook
-
Tiểu Sử Ca Sĩ Đông Dương, Ca Sĩ Đông Dương Là Ai? (Chi Tiết Về ...
-
Đông Dương - Luôn Nỗ Lực Hết Mình - HTV
-
Công Ty CP TM DV Nam Đông Dương | .vn
-
CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI DV ĐÔNG DƯƠNG
-
Công Ty TNHH MTV TM DV Đông Dương Tân - Trang Vàng