Điệp Viên Gây Thiệt Hại Nặng Nề Nhất Cho FBI - VnExpress

Trước khi gia nhập Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Robert Hanssen được cho là phải trải qua nhiều tổn thương thời thơ ấu do bị người cha tên Howard coi thường, áp bức và mắng mỏ đến tận lúc học đại học.

Lớn lên ở Chicago, Hanssen theo học Đại học Knox và nhận bằng hóa học vào năm 1966. Tuy nhiên, đam mê đích thực của Hanssen là mật mã, radio và các thiết bị công nghệ. Ông còn tham gia các lớp tiếng Nga trong thời gian học đại học, với mong ước một ngày nào đó có thể bắt được gián điệp Liên Xô.

Dù có đam mê rõ ràng với ngành cơ khí, Hassen vẫn đáp ứng nguyện vọng của cha bằng cách theo học trường nha khoa một thời gian ngắn, trước khi kết hôn với Bernadette Wauck. Sau đó, ông làm nghề kế toán trước khi nộp hồ sơ xin việc tại Sở Cảnh sát Chicago năm 1972.

Hassen nhanh chóng được tuyển làm nhân viên trong bộ phận điều tra nội bộ. Hassen ban đầu cảm thấy đây là công việc thú vị, nhưng dần trở nên chán nản. Tới năm 1975, ông nộp đơn vào FBI và được nhận vào khóa huấn luyện ở căn cứ Quantico, bang Virginia. Tốt nghiệp khóa học, Hanssen tuyên thệ nhậm chức đặc vụ FBI và thề trung thành với Mỹ.

Đặc vụ FBI Robert Hanssen. Ảnh: Wikimedia Commons.

Đặc vụ FBI Robert Hanssen. Ảnh: Wikimedia Commons.

Năm 1979, vợ chồng Hanssen và ba người con chuyển đến sống tại thành phố New York. Chính sách của FBI đòi hỏi nhân viên phải luân chuyển thường xuyên, nhưng cơ quan không trả thêm tiền trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố lớn. Vì vậy, hóa đơn, các khoản thanh toán thế chấp và khoản nợ của Hanssen dần chồng chất, ngay cả khi gia đình chuyển nơi ở ra xa khu trung tâm.

FBI trả lương thấp cho Hanssen nhưng lại giao cho ông nhiều trách nhiệm hơn. Hanssen chuyển sang làm công tác phản gián, được quyền tiếp cận những tài liệu bí mật và nhạy cảm nhất liên quan đến hoạt động gián điệp của Mỹ.

Do biết tất cả chi tiết về hoạt động giám sát các công dân và quan chức Liên Xô, ai bị theo dõi và ai cần tiếp cận, một kế hoạch bắt đầu hình thành trong đầu Hanssen.

Trong cơn tuyệt vọng tìm lối thoát cho bế tắc tài chính, Hanssen gửi thư nặc danh cho một quan chức Liên Xô tại Liên Hợp Quốc, đề nghị được nhận 20.000 USD để tiết lộ thông tin về một điệp viên Liên Xô đang nằm trong tầm ngắm của Mỹ. Quan chức Liên Xô đồng ý trao đổi, đồng nghĩa Hanssen giờ đây làm việc cho Liên Xô.

Hanssen sau đó được FBI thăng chức và đến thủ đô Washington làm việc tại phòng ngân sách. Bước tiến này giúp ông tiếp cận được nhiều thông tin tuyệt mật về hầu hết hoạt động FBI đang tiến hành, bao gồm những cái tên, địa điểm, thời gian, cũng như hoạt động của các đặc vụ, gián điệp và người cung cấp thông tin.

Sau khi mua căn nhà 150.000 USD tại thị trấn Vienna, bang Virginia, Hanssen quyết định tiếp tục kiếm tiền từ phía Liên Xô và viết một bức thư khác vào ngày 1/10/1985. Lần này, Hanssen gửi thư đến Victor Cherkashin, sĩ quan phản gián cấp cao của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), người vốn đã tuyển mộ một đặc vụ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tên Aldrich Ames vài tháng trước đó.

Trong thư, Hanssen tiết lộ tên của ba gián điệp Liên Xô được FBI trả tiền, kèm theo bằng chứng và đòi trả 100.000 USD. Ông có lẽ không ngờ Ames đã cung cấp cho Liên Xô những cái tên này, nhưng thái độ sẵn sàng hợp tác giúp ông được Liên Xô tin cậy. Ngay sau khi những gián điệp hai mang này trở về Moskva, họ nhanh chóng bị xử tử.

Vài năm sau đó, Hanssen đã bán nhiều bí mật cho Cherkashin với giá vài chục nghìn USD. Trong khi tại Mỹ, FBI lại giao cho ông nhiệm vụ tuyển gián điệp tiềm năng và vạch mặt những kẻ bị nghi là do Liên Xô cài vào. Hanssen thậm chí được yêu cầu truy tìm kẻ đã bán các bí mật tình báo của Mỹ, trong khi ông chính là thủ phạm. Nhân cơ hội này, Hanssen nỗ lực đánh lạc hướng các nhóm săn gián điệp của FBI.

Robert Hanssen sau khi bị bắt vào năm 2001. Ảnh: Wikimedia Commons.

Robert Hanssen sau khi bị bắt vào năm 2001. Ảnh: Wikimedia Commons.

Thông qua Hanssen, KGB còn biết một đường hầm bí mật được đào bên dưới đại sứ quán Liên Xô ở Washington. Hanssen cũng cảnh báo mỗi khi các gián điệp Liên Xô bị nghi ngờ, đồng thời thu được danh sách điệp viên hai mang làm việc cho Mỹ. Ông thậm chí khuyến khích KGB tuyển mộ bạn thân thời thơ ấu của mình, một trung tá tình báo quân đội. Những bức thư đánh máy Hanssen gửi cho Cherkashin đều ký tên "Ramon Garcia".

Hanssen kiếm được tổng cộng 1,4 triệu USD tiền mặt và kim cương nhờ nhiều năm làm gián điệp cho Liên Xô. Ông đem lòng yêu một vũ nữ thoát y ở Washington, thường xuyên đến Hawaii cùng người này và tặng vô số quà. Tuy nhiên, lối sống này chấm dứt vào tháng 12/1991, khi Liên Xô tan rã.

Aldrich Ames bị bắt vào năm 1994. FBI và CIA sau đó hợp tác để tìm ra gián điệp cuối cùng, bằng cách tìm đến những cựu nhân viên KGB sẵn sàng bán thông tin. Aleksandr Shcherbakov, cựu đặc vụ KGB chuyển sang kinh doanh tư nhân, đồng ý tiết lộ thông tin với giá 7 triệu USD, trong đó có bằng chứng cho thấy Hanssen là gián điệp.

Năm 2000, Hanssen tiếp tục được thăng chức, trở thành một trong những chuyên gia máy tính hàng đầu của FBI, được cấp văn phòng riêng và có trợ lý. Hanssen không biết rằng đây thực ra là cách giữ chân ông ở Washington để theo dõi. Eric O’Neill, trợ lý của Hanssen, có nhiệm vụ thu thập bằng chứng để chứng minh Hanssen là gián điệp và đã thành công.

Trong khi đó, Hanssen ngày càng nghi ngờ FBI đang theo dõi mình. "Có điều gì đó đã đánh thức con hổ đang ngủ", ông viết trong bức thư cuối cùng gửi những đầu mối liên lạc ở Nga.

Mặc dù vậy, Hanssen vẫn không dừng lại. Ngày 18/2/2001, ông đưa một người bạn đến sân bay rồi lái xe về nhà qua công viên Foxstone ở thị trấn Vienna, khu vực ông thường lấy tiền của Moskva. Khi Hanssen trở lại xe với tiền trong tay, các đặc vụ nhanh chóng tiếp cận và bắt ông. Hanssen chỉ nói: "Các ông làm gì mà lâu vậy?"

Với loạt tội danh gián điệp, Hanssen từng đối mặt án tử hình, đặc biệt do hành vi của ông dẫn đến cái chết của những đặc tình cung cấp thông tin từ phía Liên Xô cho Mỹ. Tuy nhiên, Hanssen cuối cùng bị tuyên 15 án chung thân liên tiếp.

Hanssen đang thụ án tại nhà tù liên bang ở Florence, bang Colorado, bị biệt giam 23 giờ mỗi ngày và không có khả năng được ân xá. Ông tự nhận mình là "điệp viên gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử FBI".

Ánh Ngọc (Theo ATI)

Từ khóa » điệp Viên Hai Mang Chap 2