Điệp Viên Gốc Đức Giúp Liên Xô Lật Ngược Bàn Cờ Thế Chiến II

Khi Richard Sorge ra đời năm 1895, gia đình gốc Đức của ông đang sống ở khu vực thuộc Azerbaijan ngày nay và làm việc cho chính quyền đế quốc Nga. Ông cùng bố mẹ chuyển đến Berlin khi còn rất nhỏ và lớn lên trong một gia đình thượng lưu điển hình, với những người ủng hộ Đế chế Đức.

Giống như nhiều người châu Âu, Richard Sorge vỡ mộng với tình hình việc làm trong và sau Thế chiến I, quan điểm chính trị của ông cũng thay đổi. Nếu ông không trở thành một người Cộng sản, Thế chiến II có thể sẽ diễn ra lâu hơn hoặc kết thúc theo một hướng khác.

Sorge (trái) và đồng đội trong quân đội Đức năm 1915. Ảnh: Wikipedia.

Sorge (trái) và đồng đội trong quân đội Đức năm 1915. Ảnh: Wikipedia.

Năm 18 tuổi, Richard Sorge gia nhập quân đội Đức và được điều đến mặt trận phía Tây trong Thế chiến I. Vốn sinh ra trong gia đình khá giả, ông ủng hộ Hoàng đế Đức và chiến tranh trong giai đoạn đầu. Quan điểm của ông về chiến tranh vẫn không đổi suốt cuộc chiến, nhưng Sorge mang cái nhìn rất khác về chính trị.

Năm 1916, Richard Sorge xuất ngũ sau khi bị thương ở cả hai tay và hai chân. Ở thời điểm rời quân ngũ, ông không còn là người theo chủ nghĩa dân tộc Đức. Sau khi vết thương lành, ông đọc các tác phẩm của Karl Marx và trở thành một người Cộng sản. Richard Sorge sau đó lấy bằng tiến sĩ, gia nhập đảng Cộng sản và chuyển đến Liên Xô.

Tại Liên Xô, Sorge được tuyển mộ vào Cơ quan Tình báo Quân đội (GRU), trước khi trở lại Đức dưới vỏ bọc là một nhà báo. Ông hoạt động nhiều năm ở Đức, Trung Quốc và Anh nhằm thu thập thông tin và báo cáo cho GRU về sự phát triển của các đảng Cộng sản ở những nước này.

Khi Nhật xâm chiếm một phần Trung Quốc năm 1931, Liên Xô lo ngại đối phương sẽ tấn công vùng Viễn Đông. Sorge được điều tới Đức để gia nhập đảng Quốc xã, với mục tiêu được điều tới Nhật làm phóng viên thường trú và thiết lập đường dây tình báo tại đây.

Sau khi đọc cuốn "Cuộc đấu tranh của tôi" (Mein Kampf) của Adolf Hitler, Sorge đã thành thạo trong hoạt động tuyên truyền phát xít và bắt đầu tham dự các cuộc họp của đảng Quốc xã. Sorge làm việc tốt đến mức được ba tờ báo Đức cử tới Nhật làm việc. Buổi lễ chia tay ông có sự tham dự của Bộ trưởng Tuyên truyền Phát xít Đức Joseph Goebbels.

Năm 1933, Sorge làm phóng viên tại Nhật Bản cho một tờ báo hàng đầu của Đức. Tuy nhiên, công việc thực sự của ông là xác định Nhật có lên kế hoạch tấn công Liên Xô hay không. Để làm điều này, ông đã tuyển mộ một đội ngũ cấp tin.

Hai năm sau, Richard Sorge có đầu mối liên lạc trong cả lực lượng Đức ở Nhật Bản, cũng như quân đội và chính phủ Nhật Bản. Ông còn kết bạn với tướng Eugen Ott, tùy viên quân sự Đức tại Nhật.

Sau khi thiết lập được các mối quan hệ, Sorge đóng vai một tay chơi thích tiệc tùng và mê gái, như một nhà ngoại giao Đức điển hình vào thời điểm đó. Ông được sứ quán Đức tại Nhật tin tưởng đến mức không chỉ chia sẻ thông tin, mà còn giao cho ông nhiệm vụ viết điện ngoại giao về Berlin.

Sau khi một số sĩ quan Nhật khơi mào đụng độ ở biên giới với Liên Xô gần khu vực Mãn Châu, Sorge biết rằng đây chỉ là sự cố cá biệt và Nhật Bản không có ý định phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Liên Xô.

Hai phát hiện tình báo quan trọng nhất của Sorge trong thời gian hoạt động ở Nhật diễn ra sau khi Thế chiến II bùng phát. Ông báo cáo phát xít Đức đang lên kế hoạch xâm lược Liên Xô năm 1941, nhưng lãnh đạo Liên Xô Iosef Stalin đã bỏ qua thông tin này vì cho rằng Sorge là một tên bợm rượu. Tuy nhiên, phát hiện thứ hai của ông đã không bị bỏ qua.

Tháng 9/1941, Richard Sorge biết giới chỉ huy quân sự Nhật muốn tấn công các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng như phản đối sức ép của Đức trong việc phát động chiến tranh với Liên Xô. Ông báo cáo rằng Nhật sẽ không xâm lược Liên Xô cho đến khi phát xít Đức chiếm được thủ đô Moskva. Nhật Bản có đủ quân để xâm lược vùng Siberia và một cuộc nội chiến có thể bắt đầu ở đó.

Richard Sorge ở Nhật Bản. Ảnh: Economist.

Richard Sorge ở Nhật Bản. Ảnh: Economist.

Sau khi nhận thông tin này và thấy đà tiến công của quân Đức chững lại trước Moskva, lãnh đạo Stalin đã điều động các sư đoàn vốn được bố trí ở Viễn Đông đề phòng quân Nhật về thủ đô để đối phó quân Đức và lật ngược tình thế sau đó.

Sorge ngày càng gặp nguy hiểm nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Các tin nhắn vô tuyến của ông được mã hóa không thể bẻ khóa. Tuy nhiên, số lượng các thông điệp mật được truyền đi ngày càng nhiều, khiến Nhật bắt đầu nghi ngờ có một mạng lưới tình báo đang hoạt động trong nước. Sorge cũng bị nghi ngờ ngày càng nhiều ở Berlin. Cảnh sát mật Kempeitai của Nhật lần theo dấu vết của Sorge và phát hiện ra vợ của tùy viên quân sự Đức là người thường xuyên đến nhà ông.

Trong thông điệp cuối cùng gửi tới Moskva, Sorge đã yêu cầu được đưa trở lại Đức vì không có nguy cơ Nhật Bản tấn công Liên Xô. Ông muốn hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Liên Xô bằng cách cung cấp thêm thông tin tình báo về hoạt động tác chiến của Đức.

Ngày 18/10/1941, Sorge bị bắt tại Tokyo với cáo buộc làm gián điệp cho tình báo quân sự Đức, vì ông là đảng viên Quốc xã và có quan hệ với người Đức. Tuy nhiên, phía Đức bác bỏ thông tin này.

Sau khi bị tra tấn dã man, Sorge đạt được thỏa thuận với Kempeitai rằng sẽ tiết lộ tất cả nếu họ tha cho người tình Hanako Ishii của ông, cũng như vợ của các điệp viên khác trong dường dây gián điệp.

Nhật Bản sau đó ba lần liên lạc với Liên Xô và đề nghị trao đổi Sorge với một trong những điệp viên của họ bị Liên Xô bắt, nhưng Moskva đã khước từ các nỗ lực này và liên tục khẳng định không quen biết ông. Cuối cùng, phát xít Nhật quyết định treo cổ Sorge ngày 7/11/1944.

Một năm sau khi Sorge bị bắt, người vợ Katya Maximova của ông bị Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD) bắt với cáo buộc "gián điệp" vì kết hôn với công dân Đức, dù Sorge là điệp viên của GRU. Bà bị giam trong tù và qua đời năm 1943, trước khi chồng bị treo cổ.

Tháng 11/1964, Liên Xô chính thức công nhận thân phận Richard Sorge và truy tặng ông danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Người tình của Sorge là Hanako Ishii được nhận tiền trợ cấp của Liên Xô và Nga cho đến khi qua đời vào tháng 7/2000 tại Tokyo.

Năm 2016, Nga đặt tên một trong những nhà ga ở Moskva theo tên Sorge. Một bộ phim truyền hình Nga dài 12 tập có tựa đề "Richard Sorge: Bậc thầy gián điệp" cũng được quay vào năm 2019 để tưởng nhớ ông.

Ông được nhiều tướng lĩnh và nhà tình báo nổi tiếng thế giới ca ngợi, đánh giá là một trong những điệp viên vĩ đại nhất và giúp thay đổi hoàn toàn cục diện Thế chiến II. Mitsusada Yoshikawa, trưởng công tố trong vụ truy tố Sorge, cũng gọi ông là "người vĩ đại nhất tôi từng gặp trong đời".

Duy Sơn (Theo WATM)

Từ khóa » điệp Viên Richard Sorge