Điệp Viên Liên Xô Chiêu Mộ "bóng Hồng" Trong Lòng địch (kỳ 1) - Dân Trí

Điệp viên Liên Xô chiêu mộ bóng hồng trong lòng địch (kỳ 1) - 1

Điệp viên Liên Xô Fedor Parparov (Ảnh: Scripts.ru).

Fedor Parparov được xem là một bậc thầy về khả năng chiêu mộ nguồn cung cấp tin. Sở hữu sự thông minh và vẻ bề ngoài lôi cuốn, ông đã kết thân với các bà vợ và bạn gái của các quan chức cấp cao của phát xít Đức để có được những người cung cấp thông tin có giá trị. Ví dụ, vợ của một quan chức Bộ Ngoại giao Đức từng giao cho ông những đoạn băng ghi âm các cuộc nói chuyện bí mật của trùm phát xít Adolf Hitler và các tài liệu mật. Với sự giúp đỡ của các điệp viên, Parparov đã thu được nhiều thông tin quý giá và quan trọng cho giới lãnh đạo Liên Xô.

Mùa xuân năm 1936, tại Geneva, Thụy sỹ, tiết trời nắng ấm và dường như khắp nơi đều nhộn nhịp bởi có các nhà ngoại giao và quan chức nước ngoài đổ về đây. Họ đến để tham gia các sự kiện của Liên Hợp Quốc diễn ra ở Geneva trong vài ngày. Và vào một ngày đẹp trời trong dịp đó, một người đàn ông cao lớn khoảng 40 tuổi trong bộ vest xám lịch lãm bước vào một hiệu sách ở trung tâm thành phố. Ông ta dừng lại trước một giá đựng sách mới và xem xét những cuốn sách, đồng thời quan sát qua cửa sổ khi nhìn thấy một phụ nữ trẻ mặc váy trắng tiến đến cửa hàng.

Người khách nữ mặc váy trắng đi qua cửa hàng, xem qua một vài cuốn sách, cô chọn một cuốn rồi đi đến quầy thanh toán. Không ai để ý đến chi tiết cô nhét chiếc phong bì nhỏ vào một cuốn sách được để trên giá, ngoại trừ người đàn ông mặc vest xám. Nán lại thêm một chút, ông ta kín đáo lấy chiếc phong bì từ cuốn sách ra và sau khi trả tiền mua sách, cũng rời khỏi cửa hàng. Đó chính là nhà tình báo Liên Xô nổi tiếng Fedor Parparov, còn người phụ nữ mặc váy trắng là Frau Marta, vợ của một nhà ngoại giao Đức, là người cung cấp thông tin có giá trị. Nhờ đó mà tình báo Liên Xô đã nhận được bản sao các chương trình đã được mật mã hóa của phái đoàn Đức, sau các cuộc họp kín của Liên Hợp Quốc, gửi trực tiếp cho Hitler...

Fedor Parparov sinh ngày 23/11/1893. Tuổi thơ của ông trải qua ở thị trấn huyện Velizh, tỉnh Vitebsk, Nga. Người đóng vai trò trụ cột của gia đình là cha ông, làm nghề buôn bán gỗ cho các lái buôn.

Đến năm 14 tuổi, cậu bé Parparov đã hoàn toàn nắm vững chương trình học ở trường phổ thông và sau khi vượt qua các kỳ thi tự do, cậu đến Riga để làm việc trong một công ty khai thác gỗ. Sau một thời gian, cậu lại chuyển đến định cư ở St.Petersburg và làm thư ký tại Ngân hàng Nhân dân, sống ở đó cho đến tháng 8/1918.

Trở lại Velizh, Parparov, lúc đó 25 tuổi, bắt đầu sự nghiệp chính trị. Anh trở thành đảng viên của đảng Cộng sản Bolsevich Nga và đảm nhận chức vụ trưởng phòng của thành ủy thành phố. Parparov đã tham gia chiến đấu trong Hồng quân. Năm 1919, Parparov tình nguyện nhập ngũ.

Chỉ trong vòng một năm, từ một người lính binh nhì, Parparov đã thăng tiếnthành chính ủy đơn vị công binh của Tập đoàn quân số 5 và trở thành bạn thân của tướng Dmitry Karbyshev. Nhưng cuộc đời binh nghiệp đang tiến triển của Parparov lại kết thúc bởi anh mắc bệnh sốt phát ban. Parparov đã trải qua một trận ốm nặng và vì lý do sức khỏe nên phải xuất ngũ.

Điệp viên Liên Xô chiêu mộ bóng hồng trong lòng địch (kỳ 1) - 2

Thành phố Velizh, tỉnh Vitebsk (Nga), nơi Parparov sinh ra (Ảnh: Wikimedia).

Về thủ đô Moscow, Parparov thi và dễ dàng đỗ vào khoa Luật của Đại học Tổng hợp Matxcơva. Để kiếm sống, chàng sinh viên đã phải vừa học tập vừa làm việc. Lúc đầu, Parparov làm việc trong Ủy ban Giáo dục Nhân dân của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, sau đó chuyển sang làm việc cho liên hiệp xí nghiệp Mossukno. Một thời gian ngắn trước khi tốt nghiệp đại học, Parparov lập gia đình và có con nhỏ.

Trở thành nhà tình báo

Sau khi nhận bằng tốt nghiệp, Parparov được tiếp nhận vào làm việc tại Dân ủy Ngoại thương. Parparov thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Đồng thời trong quá trình học tập tại Đại học Tổng hợp Matxcơva, anh cũng hoàn thiện tiếng Đức đến mức thông thạo, nên vào tháng 2/1925, lãnh đạo cơ quan đã cử anh tham gia phái đoàn thương mại của Liên Xô tại Đức.

Khi đến Berlin, Parparov gặp các nhân viên của cục tình báo đối ngoại OGPU và sớm gia nhập hàng ngũ sĩ quan tình báo Liên Xô, lấy mật danh là "Phi công".

Theo các nguồn tin khác, Parparov thậm chí đã được tuyển dụng ngay từ khi theo học tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva, và anh đã đến Đức với tư cách là điệp viên mật.

Nhiệm vụ của nhà tình báo Parparov bao gồm việc tìm kiếm các điệp viên trong giới di cư da trắng và thu hút những người cung cấp thông tin từ giới quân sự và giới kinh doanh của Đức để hợp tác. Và tốt hơn hết là, Parparov - với vẻ đẹp trai và tài năng uyên bác - đã thành công trong việc chiêu mộ những phụ nữ mà anh dễ dàng làm quen tại các buổi chiêu đãi và yến tiệc trong những cuộc gặp gỡ của giới thượng lưu Đức.

Sức hấp dẫn của Parparov đã cuốn hút bạn gái của một doanh nhân lớn, một nữ trợ lý cho tùy viên quân sự của một trong những quốc gia thuộc bán đảo Scandinavia và vợ của một nhân viên Bộ Tổng tham mưu Đức quốc xã.

Những phụ nữ đó không chỉ cung cấp thông tin bí mật cho Parparov - người được họ yêu quý, mà còn giúp thuyết phục những người quen của họ hợp tác với tình báo Liên Xô.

Nhờ thế mà các đặc vụ của Parparov có một kỹ sư quân sự và hai sĩ quan của quân đội Đức. Parparov đã lên kế hoạch hợp nhất tất cả những người cung cấp thông tin của mình vào một mạng lưới tình báo, nhưng anh đã không kịp thực hiện. Vào năm 1929, mối quan hệ của anh với vợ của những nhân viên cấp cao Đức đã làm dấy lên nghi ngờ trong cơ phản gián Đức. Không muốn mạo hiểm đối với một nhà tình báo đặc biệt, ban lãnh đạo OGPU đã quyết định triệu hồi Parparov về Moscow một thời gian.

Ngôi trường có khóa học đặc biệt

Sau khi nghe báo cáo chi tiết về hoạt động của nhà tình báo, cấp trên của Parparov đã thông qua kế hoạch tạo ra một mạng lưới tình báo hoạt động ở Đức. Nhưng trước khi hiện thực hóa ý tưởng, Parparov phải được học những điều cơ bản về việc tránh bị giám sát, sự tinh tế trong sử dụng vô tuyến điện và mật mã hóa.

Theo một số báo cáo, Parparov đã theo học tại trường kỹ thuật đặc biệt dành cho các sĩ quan tình báo do Genrikh Yiagoda thành lập vào năm 1931 - chính xác hơn là tại chi nhánh dành cho nam giới của trường có tên là "Voronya Slobodka".

Ở đó, ngoài các môn học khác, các học viên còn tham gia một khóa học chuẩn bị cho việc tổ chức cái gọi là "bẫy tình ái": họ nghiên cứu các chi tiết cụ thể về cuộc sống thân mật của cư dân các quốc gia khác nhau, học bí quyết kiểm soát cơ thể và cảm xúc của mình, và cải thiện phương pháp quyến rũ của cả hai giới.

Tuy nhiên, một số nhà viết tiểu sử tỏ ra nghi ngờ về chuyện Parparov đã trải qua quá trình đào tạo ở Voronya Slobodka. Có một giả thuyết cho rằng, được sự tán thành của Phó Cục trưởng Cục Tình báo Đối ngoại Artur Artuzov, Parparov đã rời sang Đức một năm trước khi trường này được thành lập.

Lần này, Parparov đến Berlin cùng với gia đình, gồm vợ Raisa và con trai Lev, để tránh bị tình nghi.

Lúc đầu, Parparov nhận được giấy phép cư trú với tư cách là người không có quốc tịch, sau đó ông được cấp hộ chiếu Romania và bắt đầu làm người môi giới cho một số công ty địa phương. Sau một thời gian, sử dụng số tiền do Trung tâm tình báo Liên Xô đầu tư, Parparov trở thành chủ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các mặt hàng gia dụng.

"Đây là "cái ô" chính thức của Parparov. Công việc kinh doanh diễn ra tốt đẹp, và ông đã thành lập các chi nhánh của công ty tại một số quốc gia ở Tây và Đông Âu, cũng như ở Bắc Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư và Afghanistan. Điều này cho phép ông, núp dưới bóng một doanh nghiệp, tự do đi đến các khu vực Matxcơva quan tâm để thực hiện các nhiệm vụ tình báo", Maria Maksimova, cháu gái của Fedor Parparov, kể lại.

Cần phải nói rằng Parparov thể hiện vai trò doanh nhân khá tốt: công ty của ông đã mang lại thu nhập đáng kể, và Parparov đã dùng số tiền lời để chi trả cho những người cung cấp thông tin của ông. Trung tâm rất hài lòng với công việc của nhà tình báo.

"Chương trình thâm nhập đã kết thúc. Nó đã được thực hiện một cách xuất sắc. Bản thân ông ấy cũng là một tình báo viên nghiêm túc và giàu kinh nghiệm. Có khả năng đi lại ở khắp các quốc gia. Chúng tôi dự định giao cho ông ấy nhiệm vụ liên lạc với những mạng lưới tình báo có giá trị hơn. Cần phải sử dụng nó để hoàn thành nốt việc tuyển dụng những người đã được sơ tuyển", kết luận của Trung tâm tình báo về công việc của Fedor Parparov viết.

Ít lâu sau, Parparov được giao nhiệm vụ kết nối với những người đưa tin từ Bộ Ngoại giao Đức và các điệp viên thuộc giới ưu tú của đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia (NSDAP).

Khai thác một nguồn tin hoàn hảo

Điệp viên Liên Xô chiêu mộ bóng hồng trong lòng địch (kỳ 1) - 3

Marta (trái) và Parparov (Ảnh: Topwar).

Tại Berlin, dưới vỏ bọc là một doanh nhân thành đạt tham gia nghề làm báo trong thời gian rảnh rỗi, Parparov đã gặp gỡ những người phụ nữ có thể mang lại lợi ích cho hoạt động tình báo. Trong số những người phụ nữ đó, ông đã quen thân với Frau Marta - vợ của phó lãnh sự Costa Rica - vào năm 1933, và cô đã giúp Parparov có được quốc tịch của đất nước này.

Ít lâu sau, Marta, vợ của một nhà ngoại giao và là một trong những trợ lý của Bộ trưởng Ngoại giao Đức quốc xã Joachim von Ribbentrop khi đó, đã tham gia vào mạng lưới tình báo của Parparov - cô đã trả lời một thông báo muốn làm quen mà Parparov đăng trên báo. Sau khi tìm hiểu về danh tính của đặc vụ tiềm năng, Trung tâm đã lập tức cung cấp cho nhà tình báo những chỉ dẫn có giá trị.

Theo lệnh của ban lãnh đạo, Parparov bắt đầu thận trọng gặp gỡ Marta. Lúc đầu, bản thân ông cũng không tin tưởng mấy vào người quen mới của mình, ông cho rằng cô ta có thể chỉ là một con chim mồi. Nhưng qua kiểm tra cho thấy cô không phải là người ủng hộ chủ nghĩa phát xít và không có liên hệ với các cơ quan đặc biệt của Đức.

"Tiếp tục phát triển mối quan hệ nhưng không được phép tuyển dụng khi chưa tiến hành xác minh. Chưa vội tỏ ra quan tâm đến chồng cô ta và công việc của ông ta, không chú ý vào những tài liệu mà ông ta có. Hãy tạo cho Marta ấn tượng rằng cô ấy quan tâm đến anh chủ yếu với tư cách là một phụ nữ, và có thể là trợ lý trong các hoạt động báo chí của anh", hướng dẫn của Trung tâm tình báo gửi cho Parparov.

Ít lâu sau, Parparov nhận ra rằng ông đang phải đối mặt với một người phụ nữ không hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, do tính keo kiệt của người chồng nên cô cũng cần tiền. Một hôm, Marta đã đưa cho Parparov bản tóm tắt của cô dựa trên báo cáo của chồng cô chuẩn bị cho phiên họp của Liên Hợp Quốc, và tình báo Liên Xô đã đồng ý tuyển dụng cô.

Nhưng lúc đầu, để đề phòng, Trung tâm tình báo quyết định giữ bí mật, chưa nói thật cho Marta biết là cô đang làm việc cho ai. Parparov đã nói với người phụ nữ Đức này rằng ông đang làm việc cho tình báo Nhật Bản. Người đàn bà đang yêu Parparov đồng ý hợp tác với ông.

Marta đã đồng ý rút các tài liệu từ tập hồ sơ của chồng hoặc chép lại chúng để chung cấp cho Parparov... Đổi lại, cô nhận được một khoản tiền mặt.

Marta được chồng tin tưởng tuyệt đối. Cô cùng chồng tham dự các buổi chiêu đãi công việc, trong các chuyến đi công tác và đôi khi tham dự các cuộc đàm phán quan trọng. Cô thậm chí còn tham gia thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và nguy hiểm.

Vào đêm trước của hội nghị về việc dỡ bỏ các hạn chế đối với vũ khí trang bị của quân đội Đức do Hiệp ước Versailles áp đặt, Marta được giao nhiệm vụ phải quan tâm và mời một trong những người tham gia sự kiện sắp tới đi ăn tối. Sẵn sàng mạo hiểm cả tính mạng và danh tiếng của mình, cô đã dụ người đàn ông đó vào phòng thuê riêng trong một nhà hàng.

Không chút nghi ngờ bị lừa gạt, ông ta uống rượu có pha thuốc ngủ rồi bất tỉnh. Nhân viên của các dịch vụ đặc biệt của Đức đã chụp ảnh tất cả các tài liệu trong cặp của anh ta, và sau đó sử dụng những bức ảnh đó để dọa dẫm, khống chế. Kết quả là, người tham gia hội nghị đó đã bỏ phiếu xóa bỏ tất cả các hạn chế áp đặt cho Đức.

Ngoài ra, Marta còn làm những công việc lặt vặt. Ví dụ, chồng cô thường nhờ cô làm thư ký đánh máy. Nắm bắt những thời điểm thuận lợi, Marta đã chụp những tài liệu mà Parparov cần bằng chiếc máy ảnh mà anh đã mua cho cô. Và để hợp thức hóa điều này, cô đã nói với những người xung quanh rằng cô say mê nghệ thuật nhiếp ảnh.

Cứ thế, Parparov đã có được những dữ liệu về thư từ của các nhân viên Bộ Ngoại giao Đức quốc xã với các đồng nghiệp từ Anh và Pháp - từ đó cho thấy rằng các nhà lãnh đạo của các quốc gia này đã không nhận thức đầy đủ về nguy cơ xâm lược của phát xít và chỉ thấy lo lắng hơn về cuộc chiến chống chủ nghĩa Cộng sản. Vào năm 1935-1936, Marta đã chuyển cho Parparov các đoạn ghi âm những cuộc trò chuyện của Hitler với những người thân cận nhất của ông ta và đại sứ Anh, trong đó Hitler đã vạch ra quan điểm của ông ta về chính sách đối với Liên Xô và các kế hoạch đối với Đông Âu.

(Còn tiếp)

Từ khóa » điệp Viên Da Trắng