Diệt Trừ Nghiệp ác Do Lời Nói Gây Ra - .vn

Trong cuộc sống, ta thấy có người khi nói dù chỉ một lời, ai nghe thấy cũng ưa, cũng thương mến, có cảm tình, tin tưởng được và cũng đều nghe và làm theo. Cũng có người khi mở miệng nói, dù có nói nhiều cũng không ai tin, không ai muốn nghe, không ai ưa thích. Có những người khi nói thường đem lại sự êm ái, mát dịu trong tâm hồn người nghe, làm cho người nghe có cảm giác như vừa uống được một dòng nước mát. Cũng có những người khi nói làm cho người nghe phải khó chịu, bực bội. Do đó lời nói rất là quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống hằng ngày của tất cả mọi người chúng ta. Vì vậy Đức Phật dạy chúng sinh phải thực hành khẩu nghiệp sao cho không gây nên nghiệp ác, tức là ăn nói phải đúng pháp để tránh nghiệp dữ do lời nói gây ra, tức là phải thực hành các điều lành về khẩu nghiệp.

Vậy, khẩu nghiệp là nghiệp do lời nói gây ra, tác động lợi hoặc hại, tốt hay xấu có thể sảy ra ngay tức thì, cũng có thể để lại hậu quả cho sau này hoặc cho kiếp sau. Khẩu nghiệp có thể là nghiệp lành nếu điều nói ra gây ra những hậu quả tốt lành do làm lợi cho người khác hoặc cho cộng đồng. Khẩu nghiệp có thể là nghiệp ác nếu lời nói gây ra những hậu quả xấu làm hại người khác hoặc làm hại cho cộng đồng.

Khẩu nghiệp tạo ra tốt hay xấu có thể do nội dung lời nói, do sắc thái giọng nói và có thể do cả thái độ khi nói. Do nội dung lời nói không chính pháp gây ra những nghiệp xấu. Bản thân mỗi nghiệp nói ấy còn được biểu hiện dưới nhiều vẻ, nhiều hình thái khác nhau như thái độ và nét mặt khi nói không đúng đắn, như nói với sắc thái giọng nói không đúng đắn. Những điều đó phụ thuộc vào động cơ, mục đích của người nói, tùy theo hoàn cảnh, thời gian và điều kiện khi nói.

Có thể thấy rằng nếu ai đó cảm thấy cuộc đời nhiều đau khổ, không vui vẻ, chẳng bình yên, tức là chính người đó cần phải điều chỉnh lại lời nói, cho vừa dễ nghe, cho vừa dễ thương. Tại sao như vậy? Bởi vì, chính người đó cũng muốn nghe những lời nói dễ nghe, dễ thương như vậy. Hoặc là, người đó cần phải điều chỉnh lại âm thanh, sắc thái giọng nói sao cho vừa đủ nghe, sao cho để khỏi làm phiền lòng người khác ở xung quanh đang cần sự yên tĩnh, để tâm hồn được thanh tịnh, hay để được nghỉ ngơi thoải mái.

A. Giải trừ khẩu nghiệp do vọng ngữ (nói dối).

Vọng ngữ (hay nói lời dối trá) là một giới cấm đối với người Phật tử. Khi bước vào con đường học Phật, muốn trở thành Phật tử cần phải thọ tam quy ngũ giới. Tam quy là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Ngũ giới là năm giới cấm trong đó giới cấm thứ tư là không nói dối.

Không nói dối theo nghĩa rộng của Tam quy Ngũ giới bao gồm không nói đúng sự thật, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời độc ác và không nói lời thêu dệt. Theo nghĩa hẹp chỉ là nói dối, tức là nói không đúng với sự thật.

Có nhiều loại nói dối : Nói dối vì đùa vui, nói dối với mục đích lừa phỉnh, nói dối để khoe khoang, nói dối vì sợ hãi khiếp nhược, nói dối để thu lợi bất chính, v.v…Tùy theo mục đích của nói dối mà tạo ra nghiệp tội nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, có những trường hợp nói dối với mục đích cứu khổ, độ sinh, giải cứu nguy nan tính mạng cho chúng sinh, cho người và vật thì mới không phạm tội.

1. Người hay nói dối không ác ý mà chỉ có tính đùa vui cũng gây ra nghiệp quả không tốt vì nó làm cho họ quen với thói xấu ấy, và làm cho người chung quanh không tin ở lời nói của họ nữa, dù đôi khi họ nói thật. Có câu chuyện kể về một anh chàng thích trêu đùa người khác để mua vui, anh nói dối làm nhiều người bị lừa. Một lần, hai lần rồi nhiều lần bị lừa làm người ta không tin những lời anh nói ra nữa. Cho đến một lần nhà bị cháy, anh kêu cứu nhưng mọi người cho rằng anh lại nói đùa và không ai đến cứu, kết quả là ngôi nhà anh cháy ra tro. Đó là cái nghiệp sinh báo cho anh trong ngay đời này. Người hay nói dối dù chỉ để đùa vui cũng tạo ra nghiệp ác, họ làm nhiều người không tin tưởng, dễ bị xếp vào hạng người lừa lọc, không đạo đức. Người đời thường xa lánh những người ăn nói không có nhân cách đúng đắn gây bất lợi cho cuộc sống bình thường.

2. Người nói dối vì sợ hãi khiếp nhược thường là người thiếu bản lĩnh. Những người như thế thường không có chí khí, thiếu nghị lực. Họ bị khuất phục trước uy quyền hoặc trước sức mạnh nên phải nói dối, nói không đúng sự thật gây ra nhiều tội lỗi cho mình và cho người khác như trường hợp bị người xấu ép khai khống hoặc vu khống đổ tội cho người khác. Trái lại, những người chiến sĩ chiến đấu vì chính nghĩa không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù nên không bao giờ khai sự thật những hoạt động của tổ chức của mình. Và nếu có khai thì khai không đúng sự thật, đó tuy cũng là nói dối, nhưng việc nói dối này là chính nghĩa đã cứu nguy cho biết bao tính mạng của đồng bào đồng chí. Sự nói dối này không có tội mà lại còn có phúc. Người hay nói dối vì sợ hãi khiếp nhược luôn tạo ra nghiệp ác, tự làm cho họ quen tính che giấu tội lỗi và không chịu sửa chữa, làm cho người chung quanh không tôn trọng và tin tưởng.

3. Người nói dối vì khoe khoang thường là kẻ ham danh, thích địa vị, thích mọi người nể phục mình, cho là mình thông minh, tài giỏi, hơn người. Nói dối vì khoe khoang xuất phát từ lòng tham (tham danh) là phạm vào điều thứ 4 (không nói dối) mà cũng phạm vào điều thứ 8 (tham lam) trong Hành Thập thiện. Khoe khoang tài giỏi ngoài đời để được tiếng thơm giả tạo cũng tạo ra nghiệp ác. Và theo kinh Phật nếu người theo Đạo mà nói dối mình đã thành Pháp sư, đã chứng quả Thánh, hay đã đắc đạo để cho mọi người kính phục, sùng bái mình thì lại càng mắc tội đại vọng ngữ và sẽ bị đọa vào ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh).

4. Người nói dối vì vụ lợi thường là kẻ tham lam, thích tiền tài, ham làm giàu một cách không chính đáng, làm giàu không bằng sức lao động và tài năng trí óc của mình. Họ ham lợi, chỉ vì lợi nhuận mà mắc tội nói dối, tội lừa lọc. Nhẹ là tội buôn bán gian tham, cân điêu, nói thách. Nặng là tội kết bè kéo cánh lừa dối chiếm đoạt của cải của tập thể hoặc của công. Tội dối trá trong thanh quyết toán công trình, rút ruột công trình, tội lợi dụng lòng tin lừa lọc người ngay để chiếm đoạt tiền của đều là tội nặng. Tội nói dối lừa gạt chiếm đoạt tiền bạc, của cải của người khác đều xuất phát từ lòng tham (tham tiền tài) cũng là một điều phạm vào nghiệp thứ 8 trong Hành Thập thiện nghiệp.

5. Trường hợp nói dối vì lợi ích cho chúng sinh, cứu khổ độ nguy là không mắc tội. Ví dụ trường hợp một toán người đi săn trong rừng đang săn đuổi một con hươu. Con hươu chạy qua trước mặt một người đang ngồi bên bìa rừng. Toán người đi săn đến hỏi người đang ngồi xem có thấy con hươu chạy qua không, ông ta trả lời là không thấy hoặc ông ta chỉ hướng khác với hướng hươu chay. Sự nói dối ấy cứu được một sinh mạng sẽ được hưởng phước cứu mạng mà không mắc tội nói dối.

Thời vua Quang Trung, khi quân lính của triều đình Nhà Tây Sơn truy lùng Nguyễn Ánh, trước tình hình khốn quẫn không có lối thoát, ông phải chạy vào một ngôi chùa, xin nhà sư cứu mạng. Ngôi chùa rất nghèo và rất đơn sơ, vị sư đành cho khiêng một trong ba tượng Phật xuống đất và bảo Nguyễn Ánh lên ngồi trên bàn thờ, thế chỗ tượng Phật ấy. Khi quân lính đến hỏi: Nãy giờ ông có thấy ai chạy vào chùa không, thì nhà sư bình tĩnh trả lời: A Di Đà Phật! Bần đạo bận tụng kinh, niệm Phật nên không thấy ai cả. Quân lính đã bỏ đi. Nhà sư đã nói dối để cứu mạng người, người ấy sau này là vua Gia Long. Việc nói dối cứu người như vậy được xem là không phạm tội.

Để giải trừ khẩu nghiệp đối với tất cả các loại hình nói dối trên đây, theo giáo lý đạo Phật, Đức Phật dạy nên thực hành theo chính pháp tức là theo chính ngữ Cụ thể là để giải trừ khẩu nghiệp (tội do lời nói gây ra), hành giả phải thực hành giới định tuệ. Giới là để ngăn trừ các tội đã được ngăn cấm, định để tĩnh tâm để tư duy xác định tâm và ý của mình khi nói, tuệ là đủ trí tuệ để nói lên những điều đúng chính pháp. Ví dụ trong trường hợp câu chuyện toán thợ săn đuổi con hươu chạy qua trước măt một người đang ngồi thiền. Người đang ngồi thiền đó là một hành giả có chính pháp, ông đã đứng lên trả lời toán thợ săn : Từ khi tôi đứng đây, tôi không thấy con hươu nào chạy qua. Toán thợ săn đã bỏ đi không truy đuổi con hươu nữa. Vị hành giả đó không nói dối vì ông vừa mới đứng lên và từ lúc ông đứng lên ông không thấy con hươu nào chạy qua thật. Như vậy, ông đã cứu được một sinh mạng. Đó là cái trí của người tu hành theo chính pháp.

B. Giải trừ khẩu nghiệp do lưỡng thiệt (nói lưỡi hai chiều).

Lưỡng thiệt tức là nói lưỡi hai chiều, nói lật lọng, lời nói lúc thế này, lúc thế khác, nói tráo trở, lấy trái làm phải, lấy phải làm trái. Những người loại này thường đem chuyện người này nói ra nói vào dèm pha với người khác với tính chất nói xấu và khiêu khích, nhạo báng, khinh chê, gây ác cảm để hai bên đi đến bất hòa, mâu thuẫn và thù hận lẫn nhau. Họ còn nói lật lọng, trước nói thế này, sau lại nói thế khác nhằm mục đích thay đổi đen trắng, có lợi cho mình.

Người nói lưỡi hai chiều thì một lời họ nói ra có thể làm cho tan vỡ hạnh phúc gia đình của người khác, có thể làm cho mọi người, nghi ngờ lẫn nhau. Đó là những lời nói mập mờ không rõ, đặt điều thêm bớt, đúng nói sái, sai nói đúng, có lại nói không, không lại nói có. Nhiều khi nói lời cố ý hại người, người chưa bị hại, mình đã lĩnh đủ, hậu quả tức thì.Trong cuộc sống cũng có những người thường tạo khẩu nghiệp nặng, họ ăn nói như ngậm máu phun người, bới chuyện thiên hạ, kích động bên đông, kiếm chuyện bên tây, đâm bị thóc, chọc bị gạo, tròng ghẹo mọi người. Người ăn nói lật lọng, nói lưỡi hai chiều thường bị người đời không tin tưởng, bị khinh thường và xa lánh.

Người nói lật lọng, nói lưỡi hai chiều thường có cái tâm không trong sáng, ưa gây lộn, thích làm hại người khác bằng cái tâm ác độc có thể vì mục đích vụ lợi và cũng có thể do tâm sận hận một điều gì mà không giải quyết được.

Người nói lật lọng, nói lưỡi hai chiều có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau :

1. Nói lưỡi hai chiều vì lòng tham. Đó là trường hợp có dụng ý muốn chiếm đoạt một cái gì đó, đã đang tâm đặt chuyện xấu cho người này rồi đem nói cho người khác nhằm chia rẽ họ để đoạt được mục đích của mình. Có câu chuyện trong kinh Pháp cú kể rằng : Một vị tỳ kheo nọ trong một chuyến du hành dừng chân tại một tu viện do hai vị tăng khác trụ trì. Vị tỳ kheo này đăng đàn giảng pháp, được dân chúng hoan nghênh, liền nổi ý xấu muốn chiếm tu viện cho riêng mình. Vị tỳ kheo đó bèn có những lời nói gây chia rẽ hai vị tăng trụ trì kia, vốn là huynh đệ thân thiết với nhau, để hai vị này hiểu lầm nhau mà cùng bỏ đi khỏi tu viện. Vị tỳ kheo chiếm được tu viện, nhưng về sau, khi viên tịch, tỳ kheo đó tái sinh làm ngạ quỷ có hình thù xấu xa, trong miệng mọc ra một cái đuôi đầy ròi bọ lúc nhúc. Ðức Mục Kiền Liên gặp ngạ quỷ này, trở về bạch với Ðức Phật. Ðức Phật giảng giải về hậu quả tai hại của lời nói đâm thọc, gây chia rẽ bằng một bài kệ trong kinh Pháp cú[1]. Tội nói lưỡi hai chiều của vị tỳ kheo kể trên đã gây ra nghiệp ác bị đọa làm ngạ quỷ.

2. Nói lật lọng hay nói lưỡi hai chiều do ác ý vì hiềm thù thường sảy ra trong trường hợp người nói mang sẵn trong tâm một mối sân hận thù hằn với một người nào đó, nhưng không trực tiếp hại người ấy mà lại dùng người khác làm hại. Họ đem tâm bịa đặt chuyện xấu cho người đó rồi đem nói với người kia để hai người hiểu lầm nhau, kích động hai bên mâu thuẫn nhau dẫn đến kết quả tác hại xấu cho người mà họ thù hằn, thậm chí đi đến khuynh gia bại sản hoặc mất mạng.

Người không nói lưỡi hai chiều, không nói lật lọng, thường được thân bằng quyến thuộc, kẻ xa, người gần đều kính mến. Người không nói lưỡi hai chiều thường dùng lời lẽ dịu dàng, êm ái, an ủi, khuyên giải và giúp cho anh em, bà con, hàng xóm được hòa thuận, khiến cho ai nấy cũng vui vẻ, an lòng, đến đâu cũng được mọi người kính yêu.

Để giải trừ khẩu nghiệp do nói lật lọng, do nói lưỡi hai chiều, người Phật tử phải thực hành chính pháp, nói lời chân thật, diệt trừ lòng tham, diệt trừ ác ý. Cần thực hiện giới định tuệ và trước khi nói điều gì cần phải định tâm lại xem nói điều đó ra có được hay không, dùng trí để xét đoán nếu nói lật lọng như thế thì dẫn đến tác hại như thế nào. Hơn nữa trong định, dùng tứ niệm xứ để quán chiếu thân tâm, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã để loại trừ ác ý gây nên khẩu nghiệp xấu.

C. Giải trừ khẩu nghiệp do ỷ ngữ (nói lời thêu dệt).

Người nói lời thêu dệt là người thường dùng những lời trau chuốt, ngọt ngào hoặc thêm mắm thêm muối cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Nghiệp nói lời thêu dệt thường có mấy loại :

1. Người nói lời thêu dệt thường có mục đích muốn cho người khác hiểu hết giá trị những lời nói của mình, hoặc làm cho người nghe nể phục mình nên mới nói thêu dệt thêm để tăng phần hấp dẫn. Đó là xuất phát từ tâm tham danh, muốn tỏ vẻ là ta hơn người. Cái đó đồng thời cũng biểu hiện cái Ngã (cái Tôi) quá lớn. Điều này sảy ra trong trường hợp mình làm được một việc bình thường lại hay thêu dệt, khoe khoang nói làm nhiều việc lớn.

2. Người nói lời thêu dệt thường thổi phồng không đúng sự thật như sự việc diễn ra để đề cao mình hoặc đề cao người mình định nói đến để thỏa mãn mục đích cá nhân, hoặc vì một lợi ích nào đó. Đó cũng do lòng tham mà ra. Ỷ ngữ thường bắt đầu bằng lòng ganh tị, tật đố, ý muốn hại người và sắp bài âm mưu bịp người khiến họ tự sa vào đường dữ.

3. Người nói lời thêu dệt với mục đích vụ lợi, thêm mắm thêm muối, thổi phồng giá trị để kiếm lời như trong trường hợp buôn bán thường thổi phồng giá trị của hàng hóa, hoặc thêu dệt hàng giả như hàng chính phẩm để tăng lợi nhuận. Đây là trường hợp thêu dệt để lường gạt, lừa dối người khác cũng vì lòng tham.

4. Người nói lời thêu dệt do lòng ghen tỵ hay đố kỵ muốn làm hại người khác để cho hai bên hận thù lẫn nhau dẫn đến xung đột, có thể dẫn đến tổn hại tính mạng người khác. Hoặc dùng lời nói thêu dệt để lung lạc lòng người, hoặc quyến rũ, gạ gẫm người khác làm tổn hai danh dự và tài sản với mục đích đem lại nhiều lợi cho mình hoặc để được tiếng thơm về mình.

5. Nhiều khi người nói lời thêu dệt bắt đầu từ sự hoang tưởng, ngu tối, người nói cũng không rõ mình nói việc như thế hậu quả sẽ đi về đâu.

Ngược lại người tu thập thiện không nói lời ỷ ngữ mà phải nói hợp với Phật Pháp, không vì lợi mình hay tật đố mà bịa chuyện hại người khác, không làm tổn hại tính mạng người khác hoặc không vì một chút lòng ganh tỵ, hoặc thù vặt mà dùng lời thêu dệt để lung lạc lòng người hoặc quyến rũ, gạ gẫm người khác, không làm tổn hại danh dự và tài sản của họ nhằm mục đích đem lại lợi ích cho mình, hoặc được tiếng thơm tiếng tốt.

Để giải trừ khẩu nghiệp do nói lời thêu dệt, người Phật tử phải thực hành chính pháp, nói theo chính ngữ, diệt trừ tật xấu, tính tham, diệt trừ ác ý. Cần thực hành giới định tuệ để ngăn ngừa tật nói lời thêu dệt, mà chỉ nói những điều mà Phật đã dạy trong chính ngữ. Trước khi nói cần suy nghĩ xem lời nói nếu nói ra sẽ gây ra điều gì có lợi hay có hại, cần phải định tâm lại xem nói điều đó ra có được hay không, dùng phép quán chiếu và dùng trí để xét đoán nếu nói như thế thì dẫn đến tác hại như thế nào.

D. Giải trừ khẩu nghiệp do ác khẩu (nói lời hung ác)

Ái ngữ trong Tứ Nhiếp pháp mà Đức Phật giảng giải nói chung bao gồm cả việc không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời thêu dệt và không nói lời độc ác. Riêng nói lời hung ác (tức ác khẩu) là một phạm trù rất rộng rãi bao gồm toàn bộ phần giao tiếp ngôn ngữ trong quan hệ xã hội về nhiều mặt. Nó thể hiện từ nhẹ đến nặng, từ lời nói không khéo, không nhẹ nhàng, thiếu lịch sự, thiếu suy nghĩ đến việc cố tình nói thô lỗ, nói đay nghiến, trách móc, cục cằn, dữ dằn, châm chọc, ác độc v.v…Người nói lời hung ác không những chỉ gây ra khó chịu cho người nghe mà còn gây nhiều phiền toáicho chính bản thân mình và vì vậy có tác hại đến mọi công việc, mọi quan hệ trong xã hội, từ quan hệ cha con, anh em, vợ chồng trong gia đình, quan hệ bạn bè, thầy trò, chủ tớ, đến quan hệ với hàng xóm, láng giềng, tổ chức, đoàn thể, chính quyền và pháp luật, thậm chí ảnh hưởng đến cả quyền lợi của địa phương, của đất nước trong mối quan hệ giao tiếp, đối ngoại. Cho nên có thể nói: loại trừ những lời nói dối, lời nói lưỡi hai chiều, lời nói thêu dệt thì toàn bộ những khẩu nghiệp gây nên đều xuất phát từ những lời nói thô ác hay ác độc, mà ở phạm vi nhẹ hơn là những lời nói thiếu chín chắn, thiếu khôn khéo, thiếu suy nghĩ, thiếu lịch sự.

Trong phần này, ta lần lượt xem xét một cách rộng rãi những nghiệp gây nên do lời nói hung ác trong từng mối quan hệ khác nhau trong xã hôi. Đồng thời trình bày rõ con đường mà đạo Phật chỉ ra để sửa đổi, để giải trừ khẩu nghiệp do nói lời độc ác gây ra.

1. Lời nói trong quan hệ gia đình :

Trong quan hệ gia đình, những lời nói ác khẩu có thể biểu hiện ở rất nhiều mức độ khác nhau. Trong một xã hội có nền tảng giáo dục truyền thống thì đời sống trong gia đình, việc ăn nói lễ phép có tôn ty trật tự là điều căn bản, không cho phép xuất hiện lời nói ác khẩu. Lời nói trong gia đình thể hiện trong ba quan hệ khác nhau:

- Trong quan hệ cha con: Người con không được ăn nói hỗn láo với cha mẹ, không được nặng lời với cha mẹ, càng không được nói lời thô kệch và độc ác với cha mẹ dù cho cha mẹ đôi khi có điều gì sơ xuất hay sai trái. Đạo lý làm con là phải biết phụng dưỡng cha mẹ không phải chỉ bằng hành động chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho cha mẹ (lúc bình thường cũng như khi cha mẹ ốm đau) mà ngay cả lời ăn tiếng nói thường ngày cũng phải tuân theo đạo lý làm con. Người con luôn luôn phải có lời nói nhẹ nhàng, thưa gửi lễ độ. Người con phải nói lời xin phép mỗi khi ra khỏi nhà, chào hỏi cha mẹ mỗi khi trở về. Những lời nói của người con nói ra luôn luôn phải là những dòng nước ngọt ngào, ấm mát để cho cha mẹ thụ hưởng và như thể là để trả nghĩa sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đối với mình. Không những thế, trong một gia đình “tam đại đồng đường” (có 3 đời cùng sống) thì mỗi lời nói của người con trai nói ra theo đúng chính pháp, theo đúng đạo lý làm con là những bài học thiết thực cho người vợ về làm dâu biết cách đối xử với cha mẹ chồng, đồng thời là những bài học cho những đứa con còn nhỏ của họ học tập để biết cách ăn nói ngay từ khi chúng còn bé nhỏ. Do vậy không chỉ ở nội dung lời nói mà ngay cả ở thái độ, sắc thái giọng nói cũng phải theo đúng chính pháp.

Ngày xưa, trong một gia đình tứ đại đồng đường (4 đời cùng sống trong một mái nhà) rất hiếm gặp, người con 60 tuổi tóc đã bạc, nhưng mỗi khi đi ra khỏi nhà cũng phải chắp tay xin phép người cha 85 tuổi bằng những lời lễ phép: “Con xin phép Thầy con đi có việc” và khi về cũng phải khoanh tay chào: “Thưa Thầy, con đã về ạ”.

Tiếc thay, trong xã hội Việt Nam ta ngày nay, cái đạo lý truyền thống do đạo Phật và đạo Khổng để lại về quan hệ cha con ngày càng mai một. Cuộc sống theo cơ chế thị trường, theo ảnh hưởng chủ nghĩa cá nhân vị kỷ của phương Tây đã làm sáo mòn cái đạo lý làm con theo chính pháp. Người con ngày nay quan tâm đến cha mẹ ít hơn quan tâm đến chính mình. Do vậy lời ăn tiếng nói của họ đối với cha mẹ cũng khác hẳn so với xã hội có đạo đức trước kia, nhất là trong trường hợp cha mẹ về già phải nương tựa và sống nhờ vào con. Không thiếu những người con ăn nói với cha mẹ trong trường hợp ấy bằng những lời nói thô ác, gây nên những thương tổn tình cảm trong lòng cha mẹ. Thậm chí họ còn có những thái độ đuổi bố mẹ ra khỏi nhà với những lời độc ác và thái độ hằn học: “Ông bà hãy cút ra khỏi nhà tôi, muốn sống ở đâu thì sống!”. Họ quên mất rằng đó là những người đã sinh thành và nuôi dưỡng họ lớn khôn. Họ cũng quên mất rằng những lời nói đối với cha mẹ như thế có tác hại rất xấu cho những đứa con của họ. Họ có biết đâu rằng những hành động và lời nói đó đã tạo ra cho họ một nghiệp ác rất sâu nặng, một tội ác lớn nhất trong đời người: tội bất hiếu mà trong nhiều kinh Phật đã nói, đó là tội bị đọa vào địa ngục Vô gián, địa ngục A Tỳ nghìn đời nghìn kiếp. Và, trong xã hội động loạn về đạo đức ngày nay, còn biết bao hành động và lời nói ác độc của những người con độc ác đối với cha mẹ, khó mà kể ra hết được. Có một câu chuyện ngày xưa kể lại rằng có hai vợ chồng nhà nọ vì không muốn nuôi người cha già bệnh tật ốm đau, nên đã bàn nhau đem cha bỏ vào hang trong núi cho chết. Họ đặt người cha lên một cái thúng và khiêng vào rừng. Trước khi đi đứa bé con hỏi bố mẹ nó đưa ông đi đâu. Bố mẹ nó trả lời đưa ông vào nghỉ ở trong rừng. Đứa bé liền nói: Bố mẹ đưa ông đi khi về nhớ đem cái thúng về cho con nhé. Người bố hỏi : Để làm gỉ? Đứa bé trả lời: Để sau này khi con lớn lên, bố già như ông, con sẽ đưa bố vào rừng.

Ngược lại, trong thái độ và lời ăn tiếng nói của người cha hoặc người mẹ đối với con cái cũng phải có chính pháp, cũng phải theo đạo lý cha con. Người cha không nên gây những cảnh và những lời nói nạt nộ đối với con cái. Những điều đó sẽ góp phần làm cho cha con xa nhau, không thông cảm hết với nhau. Đối với người mẹ thì lời nói với con cháu lại càng phải chú trọng. Lời nói của người mẹ đối với các con và cả các cháu luôn luôn phải là lời nói khuyên bảo ngọt ngào, dễ nghe, không nên nói những lời nói mạt sát, nhục mạ con cháu, mắng nhiếc con cháu. . Nhưng đôi khi, cha mẹ cũng cần phải dùng những lời cứng rắn, nghiêm cấm khắt khe, không bao che, để khuyên dạy cho con nên người. Như vậy đó cũng là một dạng khác của ái ngữ, thực hiện với tâm từ bi của bậc Bồ tát. Người mẹ không nên xưng hô “mày, tao” đối với con cháu và ngay cả đối với những người thân khác trong gia đình, kể cả đối với người giúp việc. Trong cách xưng hô cũng cần phải chọn những từ thích hợp, gây được thiện cảm cho người nghe. Việc đó làm tôn cái giá trị văn hóa và nền nếp giáo dục cao đẹp trong một gia đình.

- Trong quan hệ anh em: Ca dao tục ngữ có câu: Anh em như thể tay chân. Cái chân và cái tay là những bộ phận không thể tách rời của con người. Cùng một cha mẹ đẻ ra, cùng sống trong một gia đình, cùng hưởng một nền giáo dục dạy dỗ từ cha mẹ, thì anh em phải biết thương yêu nhau, đùm bọc lấy nhau không phải chỉ ở hành động, ý nghĩ mà phải bằng cả lời nói thường ngày. Các cụ ta xưa đã có câu: Kim chỉ có đầu, có nghĩa rằng trong một nhà anh em phải có người trước người sau. Người em tuyệt đối không được có những lời nói hỗn xược đối với anh, phải thưa gửi hẳn hoi, càng không được “mày tao chi tớ”. Người anh cũng không được nặng lời với em khi em có lỗi, mà phải bằng tấm lòng thương cảm, từ bi nhắc nhở em, có như thế mới thu phục được lòng tin yêu mến phục của người em. Lớn lên khi có gia đình, vợ con thì quan hệ anh em càng phải bền chặt tôn trọng tình cảm và quyền lợi của nhau, tuyệt đối tránh những lời nói không tốt của vợ con làm ảnh hưởng đến quan hệ anh em vốn tốt đẹp trong gia đình.

Tiếc thay, trong xã hội hiện đại hiện nay, do ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai và nhiều nhân tố xã hội khác, đã có rất nhiều chuyện đau lòng sảy ra giữa anh em trong một nhà trong việc tranh giành quyền lợi, nhất là trong việc thừa kế hoặc phân chia gia tài của cha mẹ đã làm cho trong quan hệ anh em không những có những lời nói ác độc mà còn dẫn đến những hành xử không theo đạo lý, thậm chí đi đến con đường vi phạm pháp luật.

Vì thế ngay khi còn trẻ, người con trong gia đình cần phải tìm đến giáo lý của đạo Phật để tu tập, tự bồi dưỡng cho mình những điều dạy bảo của Đức Phật sống theo chính pháp, ăn nói theo ái ngữ và hành xử theo tứ vô lượng tâm. Còn trẻ, những người con trong gia đình nên theo gương bố mẹ là Phật tử tu tập theo thiền định để tăng cường trí tuệ tiếp thu nhanh giáo lý Phật đà.

- Trong quan hệ vợ chồng. Đây là mối quan hệ cơ bản nhất, bền chặt nhất cần phải có trong một gia đình. Gia đình mà đứng đầu là cha mẹ, vợ chồng là tế bào của xã hội. Gia đình không vững thì xã hội dễ bị đảo điên. Muốn gia đình bền vững thì quan hệ vợ chồng là mấu chốt, là nền tảng của sự bền vững ấy. Trong một xã hội có nền giáo dục truyền thống tốt đẹp thì đạo lý vợ chồng được tôn thờ, được giữ gìn thiêng liêng. Do đặc tính tự nhiên của tạo hóa, người chồng cũng như người vợ có những chức năng riêng, nhưng tất cả đều trong mối quan hệ bình đẳng thương yêu lẫn nhau, vẹn tình, vẹn nghĩa. Vì vậy không phải chỉ trong các mối quan hệ hành động thân, khẩu, ý đều phải có sự thống nhất mà trong đời sống hàng ngày, lời ăn tiếng nói là điều rất quan trọng trong đối xử của đạo lý vợ chồng. Một cặp vợ chồng hạnh phúc hầu như không bao giờ to tiếng với nhau, do đó càng không thể có những lời nói hung ác với nhau. Lời nói của những cặp vợ chồng hạnh phúc là những lời nói trong chính ngữ, trong ái ngữ, luôn luôn êm dịu, nhẹ nhàng, ngọt ngào, ấm áp, những lời nói dễ thương, luôn làm mát dịu trong tâm hồn người vợ hoặc người chồng khi nghe nói. Trong nội dung lời nói luôn có sự tôn trọng lẫn nhau, không thể có tính chất sai bảo, ban bố, ra lệnh kể cả hai phía. Như vậy về nội dung lời nói cũng như sắc thái giọng nói, thái độ khi nói không thể gắt gỏng, thô lỗ, cục cằn, ra lệnh, bới móc, chua chát, đay nghiến. Đôi khi, vợ chồng có ý kiến khác nhau, họ biết nói những lời nói nhẹ nhàng, vỗ về, xoa dịu, an ủi để đưa đến sự thông cảm gần nhau. Hoặc khi cần, họ biết im lặng để một lúc khác lại nói với những lời nói chân thành và êm dịu thì những mâu thuẫn dễ dàng được gỡ bỏ. Những cặp vợ chồng hạnh phúc là những người hoặc một bên hoặc cả hai bên hiểu thấu lẽ vô thường, lý vô ngã, nghiệp lực và luật nhân quả. Họ biết dẹp cái “Tôi”, cái “bản ngã” xuống, họ biết diệt trừ tính kiêu căng, tự mãn, tự cao, biết tôn trong mọi người xung quanh, biết nhận ra rằng mọi người xung quanh hơn mình. Họ biết diệt trừ tính nóng nảy sân hận không phải chỉ vì hạnh phúc gia đình mà còn vì chúng sinh. Và họ biết mở rộng lòng từ bi hỷ xả, nên trong lời ăn tiếng nói của họ sẽ luôn luôn đạt được ái ngữ, đưa đến hạnh phúc trong tình nghĩa vợ chồng và đưa đến sự yêu mến, quý trọng và nể phục của những người xung quanh.

Tiếc thay, trong xã hội ta hiện nay, do sự suy thoái đạo đức trầm trọng, do ảnh hưởng văn hóa ngoại lai của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ mà không ít vợ chồng trong gia đình phạm phải những điều không nên có và trái với đạo lý làm người, làm vợ, làm chồng, trái với những điều răn dạy của Đức Phật. Có những người chồng luôn mang tính gia trưởng trong dòng máu, trong đầu óc, họ không được tiếp thu nền giáo dục truyền thống tốt đẹp của cha ông ta xưa, nên họ sống thiếu văn hóa mặc dù ngoài đời họ là người đỗ đạt, ông nọ ông kia, nhưng trong người họ lại mang đủ tật xấu như tham, sân, si, mạn, nghi, nên cung cách đối xử với vợ con quá nặng nề, gây ra nhiều mâu thuẫn trong gia đình. Có những ông chồng mắng nhiếc vợ, lăng nhục vợ một cách thậm tệ bằng những lời nói như hàng tôm hàng cá, những lời nói của những kẻ đầu đường xó chợ, thậm chí những lời nói độc ác như nói với kẻ thù, những lời nói bạo hành làm tan nát tâm hồn và tình cảm người vợ. Những người chồng đó không biết rằng họ đang tự bôi nhọ mình, tự hạ thấp nhân cách của mình và tệ hơn là họ đang làm hư hỏng con cái của mình và tự hủy hoại hạnh phúc gia đình của mình.

Bên cạnh đó lại cũng có những bà vợ quá đáng, những bà vợ lăng loàn. Có thể nói đó là những bà vợ đè nén áp bức người chồng hiền lành tử tế bằng những lời nói luôn luôn nặng nề khó chịu. Hình như ở những những người phụ nữ đó, họ mắc một cái tật bẩm sinh, hễ cứ mở miệng ra là nói những lời nói không thiện cảm, khó nghe, gây khó chịu cho người khác, thậm chí nói những lời nói hung ác, độc địa. Những người phụ nữ như thế thì ngay trong đời sống vợ chồng, trong lời ăn tiếng nói trong gia đình, đối với chồng và con cái, thậm chí đôi khi đối với cha mẹ, họ cũng không kìm hãm được cái tính cách ăn nói như vậy. Nói với chồng, thay bằng những lời nói êm dịu của người vợ đầu gối tay ấp, họ lại nói bằng giọng nói cứng nhắc thô bạo thậm chí cao đạo, trịch thượng như lời nói của kẻ coi thường chồng, làm cho người chồng nghe luôn luôn ở trạng thái không thoải mái, thậm chí căng thẳng mỗi khi nghe những lời nói nặng nề của vợ. Những người phụ nữ ấy, khi nói với con cái cũng không có được những lời nói từ bi, thương yêu con cái mà luôn luôn thiếu mềm dẻo, dịu dàng, luôn luôn dằn giọng cứng nhắc thậm chỉ cứ mở miệng ra nói với con là nói những lời nói cục cằn, chửi bới. Lại có những người phụ nữ, hay nói khác đi là có những người vợ, do một hoàn cảnh nào đó, được xã hội coi trọng vì họ đảm đương một chức vụ hoặc có một công sức đóng góp nào đó cho xã hội. Những người phụ nữ ấy thường hay mắc vào vấn đề đạo đức, họ thường mắc vào cái tội coi thường chồng, nên trong quan hệ vợ chồng không được tốt đẹp, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Sở dĩ như thế vì trong đầu óc của những loại phụ nữ như thế, họ luôn luôn coi họ là trên hết trong gia đình, họ tự coi họ là người quyết định vận mệnh gia đình, họ đặt cái “Tôi” của họ lên trên tất cả. Với những người vợ như thế, họ chỉ tự làm hại mình, tự làm tổn thương hạnh phúc gia đình mình, tự gây ra sự xa cách với chồng, với con cái và với cả anh em gần xa, hàng xóm láng giềng nữa. Có thể trong một vài trường hợp nào đó, chồng con, anh em, láng giềng đã nói, đã góp ý để sửa đổi, nhưng không được, nên đành bỏ qua mà coi như nghiệp báo đã an bài. Những lời nói và cách ăn nói như vậy có thể thay đổi được không? Nếu thấu hiểu giáo lý Đức Phật dạy thì có thể thay đổi để trở về với việc nói một cách chính ngữ, đúng đạo lý, chứ không thể nói rằng đó là thói quen từ bé không thể thay đổ được.

2. Lời nói trong quan hệ xã hội:

Con người ta sống trong xã hội, luôn luôn phải tiếp xúc với mọi sự vật, mọi hiện tượng và mọi chúng sinh trong đó có con người. Sự tiếp xúc ấy được thông qua bằng hành động, cử chỉ, bằng ý nghĩ và nhất là bằng ngôn ngữ (ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói) trong đó ngôn ngữ nói là tối quan trọng mà ta cần phải tu tập. Sở dĩ thế, vì với ngôn ngữ viết, khi viết ra một vấn đề gì, một thông tin gì, hay một tư tưởng nào đó, người viết có đầy đủ thời gian để suy nghĩ, đắn đo, lựa chọn mới viết ra những lời viết đó. Còn khi thực hiện ngôn ngữ nói (tức là khi phát biểu hoặc khi nói, trao đổi, mạn đàm) người nói không có đủ thởi gian suy nghĩ lâu. Khi thoáng có tư duy trong đầu óc, người nói thực hiện ngay bằng miệng, băng lời nói. Vì vậy tu tập thực hành khẩu nghiệp trong giao tiếp xã hội là tối cần thiết.

- Trong quan hệ xã hội nói chung:

Quan hệ xã hội nói chung là các quan hệ giao lưu giữa bạn bè, hàng xóm, láng giềng, quan hệ làm ăn, buôn bán, quan hệ chủ tớ, quan hệ giao lưu với các tổ chức, đoàn thể, chính quyền v.v…Trong mối quan hệ đó, có khi chỉ cần lỡ một lời nói mà làm hỏng việc lớn. Có khi chỉ cần lỡ một lời nói mà bị vạ lây, bị kiện tụng, thậm chí, bị tù tội, chỉ vì người nghe không vừa tai, cho nên đặt điều vu cáo. Tai họa xảy đến, thường do lời nói gây nên tác hại. Trong cuộc sống thường ngày, do lòng tham (tài, danh, sắc, thực, thùy), thì ngoài danh và lợi, con người thường hay, tranh chấp với nhau chỉ vì lời nói. Tục ngữ có câu: Con chim tức nhau tiếng hót. Hai người nói chuyện, với nhau một lúc, không nhường nhịn nhau, không nhượng bộ nhau, chắc chắn đưa tới, tranh chấp cãi vã. Những lời nói đường mật ngọt ngào đôi khi dẫn dắt con người ta đến cạm bẫy không ngờ, đến chỗ tan nát hạnh phúc gia đình, đến chỗ thân bại danh liệt, đến chỗ khuynh gia bại sản, tiêu tan sự nghiệp, có khi chết chẳng biết vì đâu! Trong cuộc sống có những hạng người khi mở miệng nói, dù có nói nhiều, cũng không ai tin, cũng không ai nghe. Có câu chuyện một con cú vo sửa soạn dọn tổ, dời sang nơi khác. Con chim bồ câu, thấy vậy hỏi: Chẳng hay chị định dọn tổ đi đâu? Cú vọ đáp rằng: Con người ở đây, ác quá, cứ hễ thấy tôi đậu ở nơi đâu, họ liền ném đá hoặc lấy gậy đuổi đi. Tôi không chịu nổi phải dọn tổ đi sang bên kia, ở đó dân họ hiền lành, không như ở đây. Bồ câu bèn nói: Chị đừng giận, tôi nói thật, nếu chị không thay đổi tiếng kêu ghê rợn, đinh tai nhức óc, làm người nghe khó chịu thì dù chị đến đâu, chị cũng nhận được sự đối xử bạc đãi như thế! Lại có những hạng người “bên ngoài thơn thớt nói cười mà trong nham hiểm giết người không dao”. Vì lòng người như “đáy biển khôn dò”, nên người có trí tuệ là người khi nghe người khác nói không bị lầm lẫn, mê hoặc, vì những lời nói ngọt ngào, không bị bực bội vì những lời nói trực ngôn thẳng thắn. Những lời nói ngay thẳng, tuy không khéo léo, mềm dẻo nhưng thường giúp người nghe tỉnh ngộ, thoát khỏi những cơn mê lầm, không còn vướng vòng tà đạo! Khi tâm bình tĩnh ta mới có thể làm chủ được lời nói, kiểm soát được hành động và chế ngự được tư tưởng của mình. Khi tâm loạn động, nóng nảy, ta càng nói càng tức giận thêm, càng nói càng sai do mất khả năng suy xét.

Cổ nhân có câu: "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy". Nghĩa là một lời nói ra, bốn ngựa khó đuổi theo kịp. Có những lời nói nhẹ tựa lông hồng, có những lời nói nặng tựa núi non. Có những lời nói như vậy, nhưng thực không phải vậy. Sửa đổi được lời nói, sửa đổi được giọng nói, sửa đổi được cách nói, tức là chúng ta đã sửa đổi được tâm tánh, giảm bớt khẩu nghiệp.

- Lời nói của những người có trách nhiệm:

Trong cuộc sống, ngoài những lời nói trong các quan hệ giao lưu bình thường giữa người với người, còn có những lời nói của những người có trách nhiệm với vận mệnh của một cá nhân, một tập thể, một địa phương hoặc với cả đất nước. Những lời nói của những người như thế cũng phải có chính pháp mới đạt được thành tựu như mong muốn, ngược lại những lời nói của họ không đúng đắn hoặc không theo chính pháp có thể gây ra nhiều hệ lụy khác nhau, ví dụ như lời nói của một vị bác sĩ cứu người, của một vị luật sư bảo vệ thân chủ, của một nhà ngoại giao trên bàn đàm phán v.v…Một vị bác sĩ khéo lựa lời nói, khuyến khích, an ủi, động viên làm dịu nỗi đau người bệnh, làm cho bệnh nhân yên tâm điều trị, sớm được bình phục sẽ giúp cho việc cứu được cuộc sống của bệnh nhân khỏi bệnh tật. Ngược lại, nếu vị bác sĩ đó có những lời nói vô ý, không chọn lọc, không xuất phát từ tâm từ bi, có thể làm cho người bệnh bị kích động, làm cho bệnh tình thêm trầm trọng, có thể gây nên tử vong cho người bệnh. Lời nói của một vị luật sư tranh tụng trước tòa án để bảo vệ thân chủ của mình cũng rất quan trọng. Những lời nói đó có sức mạnh lan tỏa một cách hợp tình, hợp lý, có sức thuyết phục có thể cứu được người vô tội không mắc vào vòng lao lý do bị thù hằn, bị vu khống, bị bày đặt và cũng có thể làm cho người có tội nhẹ bớt đi phần nào theo đúng thực trạng. Lời nói khôn khéo, mềm dẻo, có trí tuệ của nhà ngoại giao, hoặc của các sứ giả, có thể làm khuất phục người đối thoại hay kẻ thù ngồi trên bàn đàm phán, có thể đem lại hòa bình cho đất nước, hoặc có thể gây chiến tranh, binh lửa lan tràn, khắp cả mọi nơi. Nhiều khi lời nói, của một con người có sức mạnh như cả một đoàn quân đem lại thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, đem lại hòa bình cho đất nước, cho dân tộc và cho nhân loại.

3. Con đường giải trừ khẩu nghiệp:

Với tất cả những lời nói của những thành viên trong gia đình (cha mẹ, vợ chồng, anh em), những lời nói của con người trong quan hệ giao tiếp trong xã hội và kể cả những lời nói của những người có trách nhiệm không hợp và không đúng theo đạo lý, không theo chính pháp, đều có những nguyên nhân của nó. Trong các bộ kinh Đức Phật đã chỉ ra rằng con người không thực hành thập thiện nghiệp (trong đó có 4 điều lành về khẩu ngữ), đều do ba độc tham sân si mà ra, đều do ngũ dục, lục trần gây nên. Nếu chúng sinh nào diệt trừ được những cái độc đó, hẳn sẽ thực hành được bốn điều lành về khẩu nghiệp trong Thập Thiện Nghiệp Đạo. Để đạt những lời Phật dạy, người Phật tử phải nghiêm chỉnh thực hành giới, định, tuệ. Phải triệt để giữ gìn giới cấm, phải luôn luôn thực hành thiền định, quán chiếu tứ niệm xứ để tu dưỡng trí tuệ nhằm hiểu thấu và thực hành những giáo lý về Chính ngữ trong Bát chính đạo (Tám con đường chân chính trong Tứ Diệu Đế), về Ái ngữ trong Tứ Nhiếp pháp, phải bồi đắp tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả trong Tứ Vô lượng tâm, về Y nghĩa bất y ngữ trong Tứ Y pháp v.v..

Người thực hành chính ngữ phải luôn nhận thức đầy đủ về sức mạnh phá hoại cũng như xây dựng của lời nói, do đó chỉ nói ra những lời nói mang lại niềm vui, sự đoàn kết gắn bó, yêu thương và hiểu biết lẫn nhau, không nói ra lời nói gây đau khổ cho người khác hoặc dẫn đến sự chia rẽ, gây hận thù hay hiểu lầm giữa mọi người.

Thực hành ái ngữ tức là tăng trưởng tâm Phật, tâm từ bi hỷ xả, dẹp được tâm ma như tham lam, sân hận, đố kỵ, ganh ghét, tỵ hiềm, tật đố, ngạo mạn, hơn thua, khinh người. Thực hành được ái ngữ tức là tu tập theo hạnh nguyện đại từ đại bi.

Đó là con đường để giải trừ khẩu nghiệp, đó là pháp tu mà ta cần phải thực hiện hàng ngày để sửa mình, để thay đổi con người của chính mình, đi theo con đường giác ngộ, giải thoát mà Đức Phật đã đề ra. Hiểu được như vậy, người Phật tử tại gia cần tinh tấn tu tập để nắm được giáo lý cơ bản của đạo Phật, hiểu được lẽ vô thường, vô ngã, lý nhân duyên, luật nhân quả. Và muốn có công đức thực sự, muốn trở thành người tốt, trở thành Phật tử thuần thành, có bồ đề tâm kiên cố, có trí tuệ sáng suốt, mau chóng đạt được giải thoát, giác ngộ, cần phải tìm hiểu và học tập để thấm nhuần giáo lý của Đức Phật dạy là chính, chứ không phải chỉ cứ đi chùa nhiều, cúng tiến thật nhiều, lễ lạy thật nhiều, tụng kinh, niệm Phật thật nhiều, làm phước thật nhiều là đủ, tuy rằng những điều đó là rất cần phải có trên con đường tinh tấn tu hành.

Nói đúng ra, do vô minh, chưa hiểu được chính pháp, chưa hiểu hết được giáo lý của Đức Phật nhằm thực hành bốn điều lành về khẩu nghiệp, nên con người ta có thể gây ra nhiều nghiệp chướng do cái miệng sinh ra. Vì vậy con đường đi đến diệt trừ nghiệp ác do lời nói gây ra là phải hiểu được chính pháp. Đó là phép tu hạnh nói của người Phật tử bên cạnh biết bao phép tu khác cần phải thực hiện trên con đường tu hành đạt đến giác ngộ, giải thoát.

Còn nữa... Phạm Đình Nhân

[1] Kinh Pháp cú (trong Tiểu Bộ Kinh) tập hợp 423 bài kệ do đức Phật nói ra trong nhiều dịp khác nhau, trong suốt 49 năm hoằng dương Chánh Pháp của Ngài

Từ khóa » Bớt Khẩu Nghiệp Nha Mấy Chị