Điều 4 Hiến Pháp 1992 - Một Phần Của Lịch Sử Lập Hiến Việt Nam

Ở các quốc gia này, các dân tộc đều tồn tại trong các chế độ xã hội - thể chế quốc gia khác nhau, như: Cộng hòa dân chủ; Quân chủ; Quân chủ nghị viện; Cộng hòa tổng thống; Cộng hòa đại nghị; Cộng hòa XHCN và Nhà nước tôn giáo (Va-ti-căng).

Ở mỗi quốc gia, việc lựa chọn hệ tư tưởng nào - chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội; thể chế chính trị nào - đa đảng hay một đảng lãnh đạo, cầm quyền; mô hình kinh tế nào - chủ nghĩa tự do hay kinh tế thị trường xã hội… đều thuộc quyền của mỗi dân tộc mà không ai có quyền can thiệp, kể cả Liên hợp quốc.

Đương nhiên hiến pháp cũng vậy, cho dù tên nước không có tính ngữ hay có tính ngữ, hiến pháp đều thể hiện ý chí, nguyên vọng của dân tộc về một chế độ xã hội và nhà nước mà họ lựa chọn. Đồng thời nội dung, hình thức kỹ thuật lập hiến cũng khác nhau. Có ghi hay không ghi, ghi như thế nào lực lượng lãnh đạo xã hội trong hiến pháp đều khác nhau, không theo một khuôn mẫu nào được gọi là “chuẩn” cả.

Điều 4, Hiến pháp 1992 về vai trò lãnh đạo của Đảng ta cũng không có gì là đặc biệt cả. Quy định về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam bắt nguồn từ lịch sử dân tộc Việt Nam, từ đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam, bao gồm cả Nhà nước Việt Nam. Đặc điểm thứ nhất: đó là tất cả các tổ chức hợp thành của hệ thống chính trị ra đời trước khi có nhà nước và hiến pháp: Công đoàn thành lập ngày 28/7/1929, (do Đông dương Cộng sản đảng - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức); Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thành lập Ngày 26-3-1931; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập ngày 18-11-1930; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành lập ngày 20 tháng 10 năm 1931. Tiền thân của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương tức Chính phủ lâm thời do Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào, Thái Nguyên đã bầu ra ngày 16-8-1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam được bầu làm Chủ tịch. Cũng tại Đại hội này, Quốc kỳ, Quốc ca được chính thức thông qua.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như mọi người đều biết, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng do Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập và lãnh đạo. Như vậy là chỉ có Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thành lập (ngày 6-12-1989), sau ngày cách mạng thành công. Lý do đơn giản chỉ là trước cách mạng chưa có “cựu chiến binh”.

Đặc điểm thứ hai của hệ thống chính trị Việt Nam: Đó là tất cả các tổ chức hợp thành hệ thống chính trị đều do Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo.

Về mặt pháp lý, Điều 4, Hiến pháp 1992, là chế định do Quốc hội khóa VI (1976-1981) trân trọng thiết lập trong Hiến pháp 1980. Trên thực tế đó chỉ là hợp thức hóa về mặt pháp lý thực tiễn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua nửa thế kỷ (1930-1980) đối với dân tộc ta mà thôi. Chế định này (Điều 4) đã được 7 khóa Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhà nước ta liên tục ghi nhận qua các khóa: VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII.

Lợi dụng quyết định của Đảng và Quốc hội, lấy ý kiến nhân dân góp ý DTHPSĐ, trên nhiều trang mạng hải ngoại và trong nước người ta đang tập trung vào các lập luận, chứng cứ nhằm xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp 1992. Ai cũng biết Điều 4, tuy chỉ là 1/124 Điều của “Dự thảo Hiến pháp, 1992 sửa đổi” song đó là bản chất của Nhà nước và của xã hội ta. Xóa bỏ Điều 4 là bước căn bản chuyển hóa chế độ ta sang chế độ “dân chủ đa nguyên, đa đảng đối lập”. Có kẻ còn nói thẳng ra rằng: góp ý kiến không phải nhằm hoàn thiện văn bản mà là “một cơ hội” để tạo ra phong trào đấu tranh nhằm xóa bỏ chế độ “độc tài Đảng trị”. Như có người đã nói: Lợi dụng sự kiện toàn dân đóng góp ý kiến sửa đổi DTHP 1992, người ta đang mơ đến một cuộc “đảo chính mềm” - thay đổi chế độ xã hội XHCN bằng việc xóa bỏ Điều 4 - nội dung và tính chất căn bản của Hiến pháp, của chế độ xã hội XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Tính đến nay, Điều 4, Hiến pháp 1992 đã được 33 năm tuổi, bằng 1/3 thế kỷ. Như vậy có thể nói, Điều 4, Hiến pháp 1992 đã trở thành một phần không thể xóa bỏ trong lịch sử lập hiến Việt Nam. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, khẳng định Điều 4, Hiến pháp 1992 không chỉ là chủ quyền của dân tộc, là bảo vệ thành quả của cách mạng mà còn là tôn trọng lịch sử, tôn trọng phẩm giá của dân tộc

Từ khóa » Xóa Bỏ điều 4 Hiến Pháp