Điều Gì Xảy Ra Tiếp Theo ở Afghanistan? - Vietnamnet

Ngày 15/8, Taliban đã kéo đến Kabul mà không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào từ lực lượng chính phủ. Trước đó, đội quân này đã giành quyền kiểm soát hầu hết đất nước Afghanistan chỉ trong vài tuần.

{keywords}
Các chiến binh Taliban chiếm Dinh Tổng thống Afghanistan sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời đi. Ảnh: AP

Từ trước khi có tin ông Ghani ra đi, các thành viên Taliban đã dẫn dắt đàm phán sang yêu cầu chính quyền Kabul phải chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Sau khi các tay súng tiến vào Dinh Tổng thống Afghanistan, Taliban tuyên bố cuộc chiến ở Afghanistan đã kết thúc và lực lượng này sẽ sớm thành lập "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan".

Theo tiết lộ của hai quan chức Taliban ngay trong ngày 15/8, sẽ không có chính phủ chuyển tiếp ở Afghanistan và lực lượng này hy vọng vào một cuộc chuyển giao quyền lực hoàn toàn, với ông Ghani và giới chức chính phủ Afghanistan hợp tác trong quá trình đó.

Thông tin này trái ngược với tuyên bố của quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Abdul Sattar Mirzakawal rằng quyền lực tại Afghanistan sẽ được chuyển giao cho một chính phủ chuyển tiếp.

Thế thượng phong của Taliban

Chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn giờ đã tê liệt một phần, do Tổng thống Ghani đã rời khỏi đất nước và Taliban đang nắm giữ mọi quân bài đàm phán trong tay. Không có gì để đảm bảo đàm phán chuyển giao quyền lực hòa bình sẽ thành công.

"Viễn cảnh tốt nhất là Taliban và chính phủ đạt được thỏa thuận và Kabul vẫn yên bình. Điều đó sẽ mở đường cho một lệnh ngừng bắn và các bước đi trong tương lai để giải quyết xung đột", tờ báo Đức DW dẫn lời ông Nasrullah Stanakzai, một giảng viên tại Đại học Kabul.

Raihana Azad – một thành viên Quốc hội Afghanistan – tin rằng kể cả đàm phán thành công thì không có gì đảm bảo Taliban sẽ "giữ lời". "Điều quan trọng là phải đảm bảo Taliban bị buộc chịu trách nhiệm", bà nói với DW.

{keywords}
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời khỏi nước này chiều ngày 15/8. Ảnh: Reuters 

Khả năng đàm phán thất bại

Trao đổi với Inews, Weeda Mehran – một chuyên gia về chính trị tại Đại học Exeter (Anh) từng sống hồi nhỏ ở Afghanistan – bình luận: "Nếu không có thỏa thuận chính trị nào, thì có thể máu sẽ đổ trên đường phố Kabul, và tất cả mọi người đang cố tránh rơi vào cảnh đó".

Ahamdi Saidi, từng là một nhà ngoại giao của Afghanistan, trao đổi với DW rằng ông hy vọng chính quyền Kabul và Taliban sẽ nhất trí được với nhau về một sự chuyển giao quyền lực hòa bình trong những ngày sắp tới.

"Chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài trao quyền lực cho Taliban", ông nhấn mạnh. Nhưng vẫn còn có một khả năng, đó là các chính trị gia ở Kabul sẽ cố gắng níu giữ quyền lực. Trong trường hợp đó, Taliban có thể sử dụng đến vũ lực, dẫn đến đổ máu và nhiều thường dân sẽ phải bỏ mạng, đẩy Afghanistan vào một tương lai bất định.

Mỹ sẽ can thiệp?

Hứng chịu chỉ trích gay gắt vì quyết định rút quân khỏi Afghanistan quá nhanh, Tổng thống Mỹ Joe Biden lập luận rằng các nhà lãnh đạo Afghanistan phải tự bảo vệ đất nước họ.

Nếu Taliban dùng vũ lực để giành chính quyền, Kabul – thành phố hơn 6 triệu dân – có nguy cơ cao phải chứng kiến cảnh đổ máu. Khi đó, liệu Mỹ có can thiệp để duy trì hòa bình ở thủ đô Afhghanistan? 

"Tôi nghĩ Mỹ sẽ không còn hậu thuẫn ông Ghani nữa, vì Chính phủ Afghanistan không còn ở vị trí bảo vệ Kabul", ông Saidi nhận định.

"Nhiều tháng qua, chúng tôi đã kêu gọi chính quyền Kabul và cộng đồng quốc tế bảo đảm an ninh cho thành phố chúng tôi, nhưng không ai thèm chú ý", Halima Sadaf Karimi, một nhà lập pháp thuộc tỉnh Jawzjan ở miền bắc Afghansitan, lên tiếng và cho rằng cộng đồng quốc tế "cũng phải chịu trách nhiệm" cho những gì đang xảy ra ở Afghanistan hiện nay.

>>> Chiến sự ở Afghansitan

Thanh Hảo

Afghanistan sụp đổ, tình báo Mỹ đã tính toán sai?

Afghanistan sụp đổ, tình báo Mỹ đã tính toán sai?

Các nguồn tin tình báo Mỹ khẳng định họ đã dự đoán đúng về sự sụp đổ của chính quyền Kabul.

 

Từ khóa » Chuyện Gì Xảy Ra ở Afghanistan