Điều Kiện Bổ Nhiệm Chức Danh Hiệu Trưởng, Phó Hiệu Trưởng

“Ban giám hiệu” là cụm từ chỉ Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng những người có vai trò lãnh đạo, quản lý các hoạt động của trường học, cũng là người tiên quyết trong việc xây dựng môi trường, hoạt động chuyên môn, dẫn dắt giáo viên và học sinh.Tuy nhiên để thực hiện việc lãnh đạo, là “thuyền trưởng” của một tổ chức giáo dục Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng phải là người có năng lực về chuyên môn, biết cách định hướng và dẫn dắt đội ngũ cấp dưới. Vì vai trò quan trọng đó, để được bổ nhiệm vào vị trí Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng người ứng viên cần phải đáp ứng được những quy định về điều kiện chuyên môn và điều kiện khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hiệu trưởng là chức vụ của người đứng đầu các tổ chức, cơ sở giáo dục, là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý các hoạt động và chất lượng giáo dục tại trường học. Do cơ quan, cá nhân có thẩm quyền bổ nhiệm đối với trường công lập, công nhận đối với trường tư thục theo quy trình bổ nhiệm hoặc công nhận Hiệu trưởng của cấp có thẩm quyền.

Phó Hiệu trưởng là người thực hiện và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về nhiệm vụ được Hiệu trưởng phân công; là ngư­ời giúp việc cho Hiệu trưởng và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng, do cơ quan, cá nhân có thẩm quyền bổ nhiệm đối với trường công lập, công nhận đối với trường tư thục theo quy trình bổ nhiệm hoặc công nhận Phó Hiệu trưởng của cấp có thẩm quyền. Mỗi trường có từ 1 đến 2 Phó Hiệu trưởng, trường hợp đặc biệt có thể được bổ nhiệm hoặc công nhận thêm.

Bổ nhiệm: Bổ nhiệm là việc công chức, viên chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật.

Chức danh là sự ghi nhận cho người có một vị trí được các tổ chức hợp pháp như tổ chức xã hội, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội – chính trị, tổ chức nghề nghiệp công nhận và giữ một bổn phận nhất định.

Mục lục bài viết

  • 1 1. Điều kiện bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng:
  • 2 2. Thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng:
  • 3 3. Điều kiện để bổ nhiệm làm hiệu phó trường Tiểu học:

1. Điều kiện bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng:

Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng là hai chức vụ rất quan trọng trong các cơ quan giáo dục, vì vậy những người đảm nhiệm chức vụ này cần phải là những cá nhân tiêu biểu đáp ứng được những điều kiện bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều kiện chung: Theo đó để được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trước hết phải đáp ứng những điều kiện chung khi bổ nhiệm viên chức quản lý được quy định Tại Điều 27 Nghị định số: 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ, quy định: Việc bổ nhiệm viên chức quản lý phải căn cứ vào nhu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

– Đạt tiêu chuẩn của chức vụ quản lý theo quy định của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Ở mỗi cấp học thì điều kiện để được bổ nhiệm là khác nhau, vì thế theo quy định của từng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền các ứng viên cần phải đạt tiêu chuẩn đó.

– Có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xác minh rõ ràng; có bản kê khai tài sản theo quy định.

– Phải đảm bảo trong độ tuổi bổ nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.Theo quy định tại quyết định 5099/QĐ-BGDĐT thì tuổi bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam, không quá 50 tuổi đối với nữ, tính đến tháng thực hiện quy trình bổ nhiệm. Công chức, viên chức đã thôi giữ chức vụ lãnh đạo, sau một thời gian công tác, nếu được xem xét để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo thì điều kiện về tuổi phải ít nhất còn đủ thời gian công tác một nhiệm kỳ.

– Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao chứng minh qua các hồ sơ khám sức khỏe của bệnh viện

– Các ứng viên không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Nghị định này thời hạn bổ nhiệm là 05 năm, trừ trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành khác hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền. Nếu trong trường hợp hết thời hạn bổ nhiệm, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại viên chức quản lý.

Điều kiện riêng: Ngoài ra theo quy định của Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT thì chức vụ Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng cần phải đáp ứng những điều kiện riêng cụ thể như sau:

– Về trình độ đào tạo: Những người được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng cần phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học, đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học để đảm bảo về vấn đề chuyên môn trong công tác lãnh đạo, quản lý

– Về thời gian công tác: Để được bổ nhiệm vào vị trí Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng đều phải là người đã tham gia dạy học ít nhất 5 năm hoặc 4 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn ở cấp học đó;

– Đáp ứng các tiêu chuẩn về chuẩn nghề nghiệp ban hành theo thông tư của từng cấp bậc học: Hiệu trưởng phải đạt tiêu chuẩn quy định tại Chuẩn hiệu trưởng trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Phó Hiệu trưởng phải đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cấp học tương ứng và đủ năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công.

2. Thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng:

Đối với mỗi cấp học thì việc bổ nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng sẽ thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền khác nhau. Ví dụ: Theo quy định của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP thì đối với các trường công lập ở cấp trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS thì Trưởng phòng giáo dục và đào tạo ra quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng, ở cấp trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học cao nhất là THPT thì Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo sẽ có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm Hiệu Trưởng, Phó Hiệu trưởng. Đối với trường tư thục sau khi thực hiện các quy trình bổ nhiệm cán bộ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Nếu nhà trường đã có Hội đồng trường, quy trình bổ nhiệm hoặc công nhận Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng được thực hiện trên cơ sở giới thiệu của Hội đồng trường.

Cũng căn cứ theo thông tư số 05/2011/TT-BGDĐT: Theo đó, Hiệu trưởng trường mầm non do Trưởng phòng GD&ĐT bổ nhiệm đối với nhà trường, nhà trẻ công lập; công nhận đối với nhà trường, nhà trẻ dân lập, tư thục thay vì thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận trước đây thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Điều kiện để bổ nhiệm làm hiệu phó trường Tiểu học:

Tóm tắt câu hỏi:

Mình là giáo viên tiểu học thuộc tỉnh Hải Dương, nằm trong nguồn quy hoạch 2010- 2015 và 2015 – 2020, đã dạy được 20 năm , liên tục 6 năm gần đây đạt chuẩn nghề nghiệp xuất sắc, xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; nhưng chưa có bằng trung cấp chính trị. Vậy xin hỏi luật sư mình có đủ điều kiện để bổ nhiệm làm hiệu phó trường Tiểu học không ạ? Xin cảm ơn! 

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì bạn là giáo viên tiểu học đã giảng dậy được 20 năm, đã có thành tích là 06 năm liên tục đạt chuẩn nghề nghiệp xuất sắc, xếp loại viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và đang nằm trong nguồn quy hoạch. Bạn hiện đang là giáo viên tiểu học và đang muốn đề bạt lên phó hiệu trưởng thì theo quy định tại Điều 21- Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT quy định về phó hiệu trưởng như sau:

“Điều 21. Phó Hiệu trưởng

1.Phó Hiệu trưởng là ngư­ời giúp việc cho Hiệu trưởng và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng, do Trưởng phòng giáo dục và đào tạo bổ nhiệm đối với trường công lập, công nhận đối với trường tư thục theo quy trình bổ nhiệm hoặc công nhận Phó Hiệu trưởng của cấp có thẩm quyền. Mỗi trường tiểu học có từ 1 đến 2 Phó Hiệu trưởng, trường hợp đặc biệt có thể được bổ nhiệm hoặc công nhận thêm.

2. Người được bổ nhiệm hoặc công nhận làm Phó Hiệu trưởng trư­ờng tiểu học phải đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, có năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó Hiệu trưởng :

a) Chịu trách nhiệm điều hành công việc do Hiệu trưởng phân công;

b) Điều hành hoạt động của nhà trư­ờng khi đ­ược Hiệu trưởng uỷ quyền;

c) Dự các lớp bồi d­ưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lí; tham gia giảng dạy bình quân 4 tiết trong một tuần; được hư­ởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định“.

dieu-kien-de-duoc-bo-nhiem-lam-pho-hieu-truong-truong-tieu-hoc

Luật sư tư vấn pháp luật về điều kiện bổ nhiệm phó hiệu trưởng: 1900.6568

Theo như quy định trên khi bạn muốn được đề bạt làm phó hiệu trưởng trường tiểu học thì bạn cần đáp ứng các điều kiện sau:

+ Đối với đơn vị bạn công tác là trường công lập thì bạn phải được trưởng phòng giáo dục và đào tạo bổ nhiệm, đối với đơn vị công tác là trường tư thục thì bạn phải được công nhận phó hiệu trưởng của cấp có thẩm quyền

+ Đối với chuẩn nghề nghiệp giáo viên phải đạt mức cao. Trong đó chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học được quy định tại Quyết định số 14/2007/QĐ- BGDĐT về các vấn đề sau: Các yêu cầu thuộc lĩnh vực phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; Các yêu cầu thuộc lĩnh vực kỹ năng sư phạm

+ Có năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ được phân công

+ Ngoài ra nếu được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng, bạn cần phải dự các lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lí

Như vậy, đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, bạn đã dạy được 20 năm, trong thời gian 6 năm liên tục gần đây bạn đạt chuẩn nghề nghiệp xuất sắc, xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nếu bạn đáp ứng các điều kiện nêu trên thì bạn có thể được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng trường tiểu học, nếu sau khi bạn được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng thì bạn sẽ phải tham dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý theo quy định. 

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Bổ Nhiệm Phó Hiệu Trưởng Trường Thcs