Điều Kiện Cấp Giấy Chứng Nhận Khả Năng Chuyên Môn Thuyền Viên

Ảnh minh họa

Theo đó, về điều kiện chung, Bộ Giao thông vận tải quy định, để được cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, thuyền viên cần có đủ độ tuổi lao động và tiêu chuẩn sức khoẻ theo quy định.

Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu biển hoặc kỹ thuật điện tàu biển theo chương trình đào tạo phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các chuyên ngành quy định này tại các cơ sở đào tạo nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận; chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Các trường hợp sau đây phải bổ túc những môn chưa học hoặc học chưa đủ: Tốt nghiệp chuyên ngành cùng nhóm ngành quy định trên tại các trường không đào tạo chuyên ngành hàng hải; tốt nghiệp chuyên ngành sửa chữa máy tàu biển tại các trường đào tạo chuyên ngành hàng hải; tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển phương tiện thủy nội địa, máy phương tiện thủy nội địa hoặc kỹ thuật điện phương tiện thủy nội địa tại các trường đào tạo chuyên ngành đường thủy nội địa.

Có đủ điều kiện về chuyên môn và thời gian đảm nhiệm chức danh tương ứng với từng chức danh.

Điều kiện về chuyên môn, thời gian đảm nhiệm chức danh

Cụ thể, điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, đại phó tàu từ 3000 GT trở lên được nêu rõ như sau: Điều kiện chuyên môn: Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ đại học; trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ cao đẳng thì phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; có tiếng Anh hàng hải trình độ 3; hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; đạt kết quả kỳ thi thuyền trưởng, đại phó tàu từ 3000 GT trở lên.

Bên cạnh đó, điều kiện đảm nhiệm chức danh là: Đối với đại phó tàu, có thời gian đảm nhiệm chức danh sỹ quan boong tàu từ 500 GT trở lên tối thiểu 24 tháng; đối với thuyền trưởng: có thời gian đảm nhiệm chức danh đại phó tàu từ 3000 GT trở lên tối thiểu 24 tháng hoặc có thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng tàu từ 500 GT đến dưới 3000 GT tối thiểu 12 tháng và đảm nhiệm chức danh đại phó tàu từ 3000 GT trở lên tối thiểu 12 tháng.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng tàu dưới 50 GT hành trình gần bờ được nêu rõ như sau: Điều kiện chuyên môn: Tốt nghiệp trung học cơ sở; hoàn thành chương trình huấn luyện ngắn hạn chuyên ngành điều khiển tàu biển và đạt kết quả thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ sơ cấp thì chỉ cần đạt kết quả thi. Điều kiện thời gian đi biển: có thời gian đi biển tối thiểu 12 tháng…

Thông tư nêu rõ điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thủy thủ trực ca như sau: Đối với thủy thủ trực ca OS, tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ trung cấp trở lên hoặc hoàn thành các học phần lý thuyết theo chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải ngành điều khiển tàu biển do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định, trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ sơ cấp phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản; có thời gian đi biển 6 tháng hoặc tập sự thủy thủ 2 tháng.

Đối với thủy thủ trực ca AB, có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thủy thủ trực ca OS (đối với trường hợp chưa có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thủy thủ trực ca OS phải tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ cao đẳng trở lên); có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản; có thời gian đi biển 18 tháng hoặc tập sự thủy thủ trực ca AB 12 tháng.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/4/2020.

Tuệ Văn

Từ khóa » Giấy Chứng Nhận Trực Ca