Điều Kiện Hình Thành Và Phát Triển Của Văn Minh Hy Lạp - La Mã Thời ...
Có thể bạn quan tâm
Mục lục bài viết
- 1 1. Điều kiện hình thành nền văn minh Hy Lạp – La Mã thời trung đại:
- 1.1 1.1. Điều kiện hình thành Hy Lạp:
- 1.2 1.2. Điều kiện hình thành La Mã:
- 2 2. Đặc điểm dân cư của Hy Lạp và La Mã:
- 2.1 2.1. Đặc điểm dân cư của Hy Lạp:
- 2.2 2.2. Đặc điểm dân cư La Mã:
- 3 3. Đặc điểm kinh tế:
- 3.1 3.1. Nông nghiệp:
- 3.2 3.2. Thủ công nghiệp:
- 3.3 3.3. Thương nghiệp:
- 4 4. Tổ chức nhà nước và kết cấu giai cấp:
- 4.1 4.1. Tổ chức nhà nước:
- 4.2 4.2. Kết cấu gia cấp:
1. Điều kiện hình thành nền văn minh Hy Lạp – La Mã thời trung đại:
• Đặc điểm chung:
– Là các quốc gia thuộc khu vực Địa Trung Hải, đường biên giới có 3 mặt tiếp giáp biển. Chính vì thế, địa hình ở đây gọi là địa hình mở (khác với Phương Đông là địa hình khép kín), có điều kiện giao lưu mạnh mẽ với các nề văn minh Phương Đông, đặc biệt là với Ai Cập và Lưỡng Hà. Do đó, người ta còn gọi đây là văn minh mở hay văn minh biển (phân biệt với văn minh khép kín, văn minh sông nước ở Phương Đông cổ đại).
– Điều kiện đất đai không thuận lợi cho việc trồng các loại cây lương thực. Phần lớn là loại đất cứng, khô, do vậy chỉ đến khi đồ sắt xuất hiện thì khối cư dân ở đây mới có điều kiện phát triển, nhà nước mới xuất hiện.
– Nằm trong khu vực khí hậu ôn đới Địa Trung Hải – loại hình khí hậu được xem là lý tưởng đối với cuộc sống của con người, hoạt động sản xuất và sinh hoạt văn hóa ngoài trời. Với loại hình khí hậu này, cảnh vật trở nên thơ mộng, sáng sủa và màu sắc được định hình rõ nét hơn.
– Có đường biên giới biển dài, khúc khuỷu, hình răng cưa, biển Địa Trung Hải thì hiền hòa, thuận lợi cho việc đi lại, trú ngụ của tàu thuyền và hình thành các hải cảng tự nhiên, đặc biệt là các hoạt động đánh bắt hải sản và mậu dịch hàng hải. – Có một diện tích đảo khá lớn nằm rải rác trên Địa Trung Hải, đặc biệt là Hy Lạp, nơi ra đời và tồn tại nhiều thành thị và trung tâm thương mại từ rất sớm. – Nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú: tài nguyên rừng đa dạng cùng nhiều khoáng sản quý như đồng, chì, sắt, vàng, đá quý, đất sét (Hy Lạp)…
1.1. Điều kiện hình thành Hy Lạp:
Hy Lạp cổ đại là một quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải, có vị trí địa lý rất quan trọng trong việc giao thương giữa phương Đông và phương Tây. Lãnh thổ Hy Lạp cổ đại bao gồm ba phần: phần Hy Lạp lục địa, Hy Lạp quần đảo và Hy Lạp Tiểu Á. – Hy Lạp lục địa tương ứng với lãnh thổ Hy Lạp ngày nay, là vùng đất ở nam bán đảo Bancăng, giống như một cái đinh ba từ đất liền chĩa ra Địa Trung Hải. Đây là vùng đất giữ vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử Hy Lạp. Toàn bộ vùng lục địa Hy Lạp được chia làm ba miền: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. + Miền Bắc và miền Trung chia cắt nhau bởi đèo Técmôphin (Thermopil), nhưng cả hai đều có địa hình không bằng phẳng với nhiều rừng, núi, thung lũng, đèo chạy ngang dọc, tạo nên những biên giới thiên nhiên tạo thành nhiều khu vực nhỏ hẹp và hầu như tách biệt nhau. (Đây được xem như một trong những tiền đề tạo nên những quốc gia thành bang của lịch sử Hy Lạp cổ đại). Tuy nhiên, ở đây cũng có một số dải đồng bằng như đồng bằng Tétxali (Therssalie) ở miền Bắc, đồng bằng Attich (Attique), đồng bằng Bêôxi (Beotie) và đặc biệt là thành thị Athens (Athens) nổi tiếng ở miền Trung.
+ Miền Nam là bán đảo Pêlôpône (Peloponnesus) được ví như hình bàn tay bốn ngón xòe ra Địa Trung Hải. Ở đây có nhiều đồng bằng trù phú như đồng bằng Pêlôpône, Lacôni, Métxêni, Ácgôlít. Đây cũng là nơi xuất hiện nhà nước thành bang đầu tiên của Hy Lạp – thành bang Spart.
– Hy Lạp Tiểu Á là những vùng đất thuộc ven bờ Tiểu Á, nằm ở phía tây của đế quốc Ba Tư. Đất đai ở đây tương đối trù phú và bằng phẳng. Đây là vùng đồng bằng bình nguyên – nơi có thành thị Milê, quê hương của các nhà triết học theo trường phái Milê – do đó thích hợp cho việc trồng các cây công nghiệp. Vùng đất này mặc nhiên làm thành chiếc cầu nối giữa Hy Lạp với các nền văn minh cổ đại phương Đông.
– Vùng Hy Lạp quần đảo bao gồm những hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác trên biển Êgiê thuộc Địa Trung Hải, giống như một chuỗi ngọc trang điểm cho Hy Lạp lục địa. Các hòn đảo lớn của Hy Lạp cổ đại gồm có đảo Ơbê, đảo Látbốt, đảo Xamốt; dãy đảo Xiclát (trong đó có đảo Đêlốt – một trung tâm lớn về mậu dịch hàng hải trên biển Egiê của người Hy Lạp cổ) tạo thành một hành lang cầu nối giữa vùng Hy Lạp lục địa với vùng Hy Lạp Tiểu Á và đặc biệt, ở phía nam có đảo Cơrét – một trung tâm thương mại, đồng thời là trung tâm của nền văn minh tối cổ trong lịch sử Hy Lạp – văn minh Cơrét-Myxen.
Tuy nhiên, lãnh thổ Hy Lạp cổ đại không ổn định, nó thay đổi theo sự hưng vong của từng thời kỳ lịch sử nhất định (dưới thời Alecxandre Đại đế, lãnh thổ Hy Lạp được mở rộng thêm rất nhiều).
Biên giới biển Hy Lạp cổ đại rất dài, bờ biển có đặc trưng riêng ở hai nửa Đông – Tây. Bờ biển phía tây gồ ghề lởm chởm, không thuận tiện lắm cho việc hình thành các hải cảng. Bờ phía đông lại khúc khuỷu, hình răng cưa tạo ra nhiều vịnh, hải cảng tự nhiên, an toàn và thuận lợi cho tàu thuyền đi lại. Bờ biển phía tây của miền Hy Lạp Tiểu Á cũng tương tự như bờ biển phía đông Hy Lạp lục địa.
– Nằm ở khu vực Địa Trung Hải, Hy Lạp cổ đại thuộc vùng khí hậu ôn đới Địa Trung Hải – khí hậu lý tưởng cho sinh hoạt của con người và các hoạt động kinh tế với sự chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa không cao. Những ưu đãi của tự nhiên về khí hậu khiến cho cư dân Hy Lạp cổ đại có thể hoạt động sản xuất, buôn bán tất cả các mùa trong năm. Biển Egiê thanh bình tạo điều kiện cho hoạt động hàng hải phát triển mạnh. Theo các nhà mỹ thuật, khí hậu ở vùng Địa Trung Hải làm cho mọi vật trở nên sáng hơn, màu sắc được định hình rõ nét hơn. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân sản sinh ra nền nghệ thuật Hy Lạp cổ đại vô cùng rực rỡ. Cũng giống như các quốc gia cổ đại khác, điều kiện tự nhiên đã có những tác động đáng kể đến khuynh hướng phát triển kinh tế cũng như thiết chế nhà nước của quốc gia Hy Lạp cổ đại. Hy Lạp ít đồng ruộng, đất đai không thuận lợi cho việc trồng cây lương thực mà chỉ thích hợp cho việc trồng cây ôliu và nho. Nhưng bù lại, Hy Lạp lại có rất nhiều khoáng sản quý như mỏ sắt ở Lacôni, đồng ở Ơbê, bạc ở Áttich, vàng ở Toraxi… cộng với tài nguyên rừng phong phú. Đặc biệt, ở một số vùng của Hy Lạp cổ đại có loại đất sét đặc biệt rất thích hợp cho việc phát triển và chế tạo đồ gốm tinh xảo.
Có thể nói, thiên nhiên không ưu đãi về đất đai, địa hình bị chia cắt, nền kinh tế nông nghiệp Hy Lạp cổ đại không có điều kiện phát triển sớm như các quốc gia phương Đông, và do vậy cũng không xuất hiện nhà nước sớm (chưa tạo ra sản phẩm thừa trong xã hội). Nhưng nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, chính vì thế, cư dân Hy Lạp cổ đại đã tìm cách khai thác, phát triển tài nguyên rừng, khoáng sản và phát triển các ngành nghề thủ công. Lợi thế biển được người Hy Lạp khai thác triệt để để đẩy mạnh hoạt động mậu dịch với các quốc gia khác, làm cho ngành thương nghiệp hoạt động hết sức nhộn nhịp và mạnh mẽ. Xu hướng kinh tế dần dần được định hình bằng việc phát triển nền kinh tế theo hướng thủ công nghiệp, thương mại hơn là phát triển kinh tế nông nghiệp.
1.2. Điều kiện hình thành La Mã:
– Văn minh La Mã cổ đạiđược hình thành trên bán đảo Ý. Đây là một dải đất dài và hẹp giống hình chiếc ủng vươn dài từ lục địa ra biển Địa Trung Hải với diện tích khoảng 300.000 km2. Dãy núi Apennines như chiếc xương sống chạy dọc theo bán đảo từ tây bắc xuống đông nam. Phía Bắc bán đảo ý có dãy núi Alpes, một biên giới tự nhiên ngăn cách Ý với châu Âu; ba phía Tây, Nam và Đông đều tiếp giáp với biển. Ngoài ra, ở vùng biển phía Nam còn có đảo Scicile, vùng biển phía tây là đảo Coócxơ và đảo Xácđennhơ.
– Khác với Hy Lạp, bán đảo Ý không bị chia cắt thành những vùng biệt lập. Ở đây có khá nhiều đồng bằng màu mỡ, phân bố đều ở cả đất liền và hải đảo: đồng bằng sông Pô ở miền Bắc, đồng bằng sông Tibres ở miền Trung, và một số đồng bằng trên đảo Scicile… Đặc biệt, ở bán đảo Ý, nhất là ở miền Nam có nhiều đồng cỏ rộng lớn rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi và nghề nông. Song song đó, diện tích rừng núi khá lớn, tạo nên nguồn tài nguyên rừng khá phong phú. Về khoáng sản, La Mã cũng có một số kim loại quý như vàng, đồng, chì, sắt… Các vùng bờ biển phía Tây và Nam tương đối khúc khuỷu, thuận tiện hình thành các hải cảng và hoạt động mậu dịch hàng hải.
– Với biên giới ba mặt giáp biển, khí hậu ở Ý cũng giống khí hậu ở Hy Lạp, quanh năm ấm áp, ôn hòa (mùa đông dao động từ 6 – 11oC). Chính vì thế, người dân nơi đây có thể hoạt động sản xuất quanh năm, tàu thuyền đi lại thuận lợi – một điều kiện lý tưởng để phát triển kinh tế.
Cũng như nhiều quốc gia cổ đại khác, điều kiện tự nhiên đã có những tác động rất lớn tới khuynh hướng phát triển kinh tế và hình thức tổ chức nhà nước của La Mã trong lịch sử.
2. Đặc điểm dân cư của Hy Lạp và La Mã:
2.1. Đặc điểm dân cư của Hy Lạp:
– Trước thiên niên kỷ III, trên một số vùng của miền lục địa Hy Lạp và một số đảo lớn trên biển Ê-giê đã có những cư dân bản địa sinh sống (và có thể chính họ là người đã tạo nên nền văn minh Cơrét – Myxen).
– Từ cuối thiên niên kỷ III, các tộc người từ phía bắc bắt đầu các đợt thiên di liên tục từ vùng hạ lưu sông Đanuýp xuống vùng Bancăng và dần dần định cư trên lãnh thổ Hy Lạp. Người Đôrien định cư ở phía nam bán đảo Pêlôpône, đảo Crét và một số đảo nhỏ ở phía nam đảo Êgiê. Người Ônien định cư ở vùng đồng bằng Áttich, đảo Ơbê và những vùng đất ven bờ Tiểu Á. Người Akêen chủ yếu định cư ở miền trung lục địa Hy Lạp, còn người Ôlien cư trú ở bắc Hy Lạp cùng một số đảo trên biển Êgiê và vùng ven bờ Tiểu Á.
Tóm lại, cư dân bản địa Hy Lạp cổ đại đã là một khối thống nhất, có cùng chung một nền văn hóa, sử dụng chung một loại ngôn ngữ. Ngay cả khi các tộc người từ phía bắc di cư đến vùng lãnh thổ Hy Lạp, chính họ cũng đã đồng hóa với khối cư dân bản địa trước đó. Cho đến khoảng nửa cuối của thiên niên kỷ II tr. CN, người ta khó có thể phân biệt được cư dân bản địa với cư dân di cư. Họ đều coi mình là con cháu của thần Hêlen và tự gọi mình là Hellad (theo phiên âm tiếng Trung Quốc là Hy Lạp). Hy Lạp cổ đại là một quốc gia đa dân tộc, nhưng ngay từ buổi đầu, giữa các vùng cư dân và các tộc người có cuộc sống khá bình đẳng cả về chính trị và khinh tế. Và có lẽ, đó chính là một trong những tiền đề cho việc hình thành một thiết chế nhà nước dân chủ của người Hy Lạp cổ đại sau này.
2.2. Đặc điểm dân cư La Mã:
Bán đảo Ý là nơi quần cư khá sớm của người Châu Âu. Trước thiên niên kỷ II TCN, người Ligures đã sinh sống ở đây. Đến đầu thiên niên kỷ II TCN, nhiều bộ lạc ở phía Bắc đã vượt dãy Alpes tràn xuống định cư ở các vùng Campanium, Latium, Britium… Cuối thiên niên kỷ II TCN, một đợt thiên di mới của người Châu Au từ phía bắc xuống tạo thành một cộng đồng người Châu Âu định cư tại đây và được gọi chung là người Italiotes. Bộ phận Italiotes sống ở đồng bằng Latium được gọi là người Latin; sau đó, một nhánh của người Latin dựng nên thành La Mã trên bờ sông Tibres nên được gọi là người La Mã – Roma). – Tiếp sau đó, vào khoảng thế kỷ X TCN người Etrusque từ Tiểu Á cũng thiên di đến bán đảo Ý, sống chủ yếu ở vùng giữa sông Ácnơ và sống Tibres. – Khoảng thế ky VIII TCN, người Hy Lạp cũng bắt đầu di cư đến Nam bán đảo Ý và đảo Scicile, thiết lập nên nhiều thành bang như Xiraquyadơ, Cuma, Tarentum… Đây đuợc gọi là vùng Đại Hy Lạp, nơi văn minh Hy Lạp dần được tryền bá sâu rộng trên toàn bán đảo Ý.
– Muộn hơn là sự thiên di của người Xentơ (Galia) ở phía Bắc dãy Alpes tràn xuống định cư ở vùng đồng bằng sông Pô và Bắc bán đảo Ý. Cho đến khoảng thế kỷ II TCN, cư dân trên bán đảo Ý cơ bản được phân bố như sau: + Người Xentơ (Galia) ở miền Bắc, chủ yếu ở đồng bằng sông Pô.
+ Người Etrusque ở vùng giữa sông Ácnơ và sông Tibres.
+ Người Italiotes tập trung ở miền Trung và Nam bán đảo Ý.
+ Nguời Hy Lạp ở các thành thị ven biển phía Nam bán đảo Ý và đảo Scicile. Người Italiotes với nhánh người Latin đi xây dựng thành La Mã giữ vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử La Mã sau này.
3. Đặc điểm kinh tế:
Kinh tế Hy – La thời cổ đại đã sớm mang những yếu tố của một nền kinh tế hàng hóa tiền tệ cổ điển. Xu hướng kinh tế công thương nghiệp được xác lập nhiều hơn xu hướng kinh tế nông nghiệp do những quy định bởi điều kiện tự nhiên.
3.1. Nông nghiệp:
Nông nghiệp diễn ra trên hai lĩnh vực chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. * Trồng trọt:
Sản phẩm chủ yếu trong trồng trọt của người Hy Lạp là nho và ô liu, cung cấp nguồn nguyên liệu cho các xưởng thủ công sản xuất rượu nho và ép dầu. Việc trồng cây lương thực không phổ biến và năng suất cũng không cao, tạo ra giá thành cao hơn giá nhập sản phẩm cùng loại từ nước ngoài (trên thực tế, có những năm mất mùa, Hy Lạp phải nhập lúa mỳ của một số các quốc gia trong khu vực). Ở La Mã, do điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn nên việc phát triển trồng trọt mạnh hơn so với Hy Lạp. Chính vì thế, sản phẩm trồng trọt của La Mã cũng đa dạng hơn, gồm các loại cây ăn trái, lương thực, cây công nghiệp dài ngày… Ở thời kỳ đầu, kinh tế nông nghiệp đã giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, đặc biệt là sự phát triển của ngành chăn nuôi.
* Chăn nuôi:
Trong nông nhiệp, trồng trọt và chăn nuôi ở Hy – La cổ đại đã có sự phân chia khá rõ rệt. Chăn nuôi được tiến hành theo phương thức bầy đàn không chuồng trại (khác với các quốc gia phương Đông cổ đại), do địa hình có nhiều đồng cỏ rộng lớn, nhiều thung lũng an toàn, nguồn thức ăn phong phú và môi trường khí hậu tốt. Các sản phẩm chăn nuôi khá đa dạng và phát triển, tạo ra một số sản phẩm thừa và được sử dụng như một phương tiện trung gian để trao đổi hàng hóa, chứ không chỉ đơn thuần phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày (một nữ nô được định giá trị bằng bốn con bò). Các con vật nuôi chủ yếu là cừu, dê, bò, ngựa, sơn dương… Mọi sản phẩm nông nghiệp đều có thể trở thành hàng hóa đem ra thị trường trao đổi.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
3.2. Thủ công nghiệp:
Với nguồn tài nguyên rừng, khoáng sản phong phú, ngành chăn nuôi phát triển, thủ công nghiệp là xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế Hy – La cổ đại. Các xưởng thủ công ra đời sớm để chế biến các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, đặc biệt là sự xuất hiện ngành khai khoáng (ở Hy Lạp cổ đại đã xuất hiện những hầm mỏ khai khoáng đầu tiên trong lịch sử loài người).
Sự phát triển của ngành khai khoáng đã thúc đẩy các ngành nghề thủ công nghiệp ra đời ngày càng nhiều như: nghề luyện kim, chế tạo vũ khí, đóng tàu, đồ trang sức, đồ da, xương, đồ gỗ, đá, nhạc cụ, may mặc, dệt vải… Các sản phẩm thủ công vì thế cũng phong phú và ngày càng tinh xảo hơn, đáp ứng nhu cầu của cư dân và hoạt động ngoại thương với mục đích trao đổi hàng hóa. Quy mô sản xuất cũng lớn dần lên với những xưởng thủ công sử dụng từ 50 đến 100 công nhân (có những xưởng khai khoáng sử dụng cả ngàn công nhân). Quá trình phân công lao động và chuyên môn hóa cũng đã diễn ra (trong các xưởng may, luyện kim…). Với loại đất sét đặc biệt có ở một số vùng của Hy Lạp, nghề gốm đã xuất hiện rất sớm với độ tinh xảo cao và với tài nguyên rừng phong phú, các xưởng sản xuất gỗ cũng phát triển. Lực lượng sản xuất chính trong nông nghiệp và các xưởng thủ công là nô lệ – lực lượng lao động chủ yếu của cả xã hội – chỉ có một số ít thợ thủ công là dân tự do (đa số là thợ giỏi, lành nghề sản xuất những mặt hàng tinh xảo). Mọi sản phẩm thủ công nghiệp cũng trở thành hàng hóa đem ra trao đổi trên thị trường.
3.3. Thương nghiệp:
– Sự phát triển của nông nghiệp, nhất là thủ công nghiệp đã thúc đẩy kinh te thương nghiệp và mậu dịch hàng hải phát triển mạnh mẽ. Nằm ở một vị trí địa lý thuận lợi (tiếp giáp với ba châu lụch Á, Phi, Au ngày nay), bờ biển dài và khí hậu ôn hòa, thương mại mậu dịch của Hy – La cổ đại đã sớm mang tính quốc tế. Các hải cảng xuất hiện sớm cùng với sự ra đời của các đội tàu buôn, dần dần hình thành nên các thương hội. Giữa các thương hội đã có sự phân chia thị trường và mặt hàng buôn bán khá chặt chẽ.
Từ các hải cảng, người Hy – La cổ đại xuất khẩu sang các quốc gia lân bang những sản phẩm nổi tiếng như rượu nho, dầu ôliu, đồ gốm màu, cẩm thạch, thiếc, chì, vải… (cấm xuất khẩu lương thực), và nhập khẩu về lương thực, cá, da súc vật, giấy, thủy tinh… và đặc biệt là nô lệ. Nô lệ được người Hy Lạp cổ đại mua về không chỉ để phục vụ cho nhu cầu trong nước mà còn được bán lại cho các quốc gia khác. Và trên thực tế, cảng Pirê trở thành một trong những chợ nô lệ lớn của thế giới cổ đại.
– Kinh tế thương nghiệp và mậu dịch hàng hải phát triển dẫn đến sự ra đời của tiền tệ từ rất sớm. Hệ thống ngân hàng cũng đã xuất hiện dưới dạng những cửa hiệu đổi tiền và cho vay lãi. Hệ thống tiền tệ ở Athens và Roma có giá trị sử dụng không những ở trong nước mà còn ở các thị trường khác (nhiều lái buôn nước ngoài sau khi bán hàng ở Athens, họ chỉ chấp nhận đem tiền Athens về nước). Điều đó dần dần làm xuất hiện những cửa hiệu đổi tiền, có mặt ở cả các bến cảng, thành thị và nông thôn. Những cửa hiệu này về sau trở thành những ngân hàng tư nhân với những số vốn khổng lồ, việc cho vay nặng lãi xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến. Như vậy, có thể nói nền kinh tế hàng hóa tiền tệ (cổ điển) đã xuất hiện từ rất sớm trong nền kinh tế của người Hy Lạp – La Mã cổ đại và được xem như tiền đề tạo nên những đặc trưng của chế độ chiếm hữu nô lệ điển hình của hai quốc gia này. Sự phát triển mạnh mẽ của thủ công nghiệp, nhất là thương nghiệp mậu dịch với các quốc gia khác tạo cho cư dân Hy – La cổ đại có điều kiện tiếp xúc và tiếp thu những thành tựu của nhiều nền văn minh khác nhau. Thủ công nghiệp và thương mại chính là hai yếu tố chủ yếu thúc đẩy nền kinh tế Hy – La cổ đại phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kinh tế phát triển, cùng với sự giao lưu và tiếp thu các thành tựu từ các nền văn minh khác nhau là một trong những tiền đề để người Hy – La cổ đại sáng tạo nên một nền văn minh rực rỡ trong lịch sử nhân loại.
4. Tổ chức nhà nước và kết cấu giai cấp:
4.1. Tổ chức nhà nước:
* Hy Lạp:
Những yếu tố về điều kiện tự nhiên, dân cư, kinh tế dẫn đến sự hình thành nhà nước ở Hy Lạp cổ đại có những sắc thái rất riêng biệt. Nhà nước Hy Lạp cổ đại xuất hiện trên cơ sở tan rã của chế độ thị tộc và hầu như không có sự can thiệp của bạo lực của bên ngoài. Chế độ tư hữu được hình thành và phát triển dẫn đến sự phân hóa giai cấp ngày càng sâu sắc làm cho xã hội thị tộc dần dần tan vỡ từng bước một.
Nhà nước Hy Lạp cổ đại xuất hiện dưới dạnh những quốc gia thành bang (polis). Các quốc gia thành bang hình thành là do điều kiện tự nhiên (rừng núi đã tạo ra những khu vực với đường biên giới tự nhiên khép kín, biệt lập) và xu thế phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế công thương nghiệp, mậu dịch hàng hải của chính Hy Lạp. Hạt nhân cơ bản của mỗi thành bang là một thành thị, vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm kinh tế công thương nghiệp và một vài vùng phụ cận. Diện tích của một bang không lớn (không quá 8000km2) với khoảng từ 30 đến 40 vạn dân. Mỗi thành bang đều có đặc trưng của một nhà nước hoàn chỉnh (đường biên giới lãnh thổ, chính quyền, quân đội, luật pháp, hệ thống kinh tế, tiền tệ riêng. Là nền chuyên chính của giai cấp quý tộc chủ nô, thiết chế chính trị, tổ chức nhà nước tựu chung phát triển theo hai thể chế: Cộng hòa quý tộc tiêu biểu là thành bang Spart và cộng hòa dân chủ (dân chủ đích thực) tiêu biểu là thành bang Athens. + Ở nhà nước Spart (sau khi người Spart-Đôrien chinh phục dân Akêen), mọi công dân Spart nam từ 18 tuổi trở lên đều là thành viên của Đại hội công dân: Đại hội công dân bầu mỗi năm một lần, quyết định mọi công việc của nhà nước. Từ Đại hội công dân bầu ra một cơ quan thứ hai là Hội đồng trưởng lão, gồm những công dân Spart nam từ 30 tuổi trở lên. Hội đồng trưởng lão lại bầu ra hai vị vua (sở dĩ họ bầu ra hai vua vì muốn hạn chế tối đa sự chuyên quyền). Thực chất, Spart là một thành bang bảo thủ về chính trị, lạc hậu về kinh tế, một nhà nước quân phiệt, tàn bạo và kìm hãm sự phát triển xu hướng dân chủ ở các thành bang khác. + Nhà nước Athens hình thành trên cơ sở tự nguyện của 4 bộ lạc hợp thành, không có sự can thiệp, xâm lược của thế lực bên ngoài. Chính vì vậy, nhà nước Athens được xây dựng theo hướng dân chủ chủ nô, trải qua các cuộc cải cách của Têdê, Xôlông, Clixten, Ephiantét, Pêricơlét đã trở thành mô hình nhà nước điển hình của thế giới cổ đại. Nhà nước Athens cũng có Đại hội công dân gồm các công dân tự do nam từ 18 tuổi trở lên. Hàng năm, Đại hội công dân sẽ bầu ra Hội đồng 400 người (mỗi bộ lạc 100 người) có chức năng như cơ quan lập pháp. Hội đồng 400 người sẽ bầu ra các Chấp chính quan có chức năng như cơ quan hành pháp. Dưới thời của Pêricơlét thế kỷ V tr. CN, ba cơ quan này tiếp tục bầu ra Tòa án tối cao gồm 6000 người nhằm thực hiện chức năng tư pháp.
Có thể nói, Athens được thành lập trên cơ sở liên minh tự nguyện, bình đẳng của 4 bộ lạc tạo thành, do đó không có sự áp bức của bộ lạc này đối với bộ lạc kia. Thiết chế nhà nước Athens là một thể chế dân chủ hết sức đề cao và bảo đảm những quyền lợi kinh tế, chính trị của những công dân tự do. Thiết chế đó được phát triển trong hòa bình, do đó mức độ dân chủ được phát huy cao nhất trong các thành bang của Hy Lạp là chế độ chiếm nô điển hình thời cổ đại. Vì thế, người ta cho rằng, dân chủ là sản phẩm của người Hy Lạp.
- La Mã:
– Thời kỳ 753 – 510 TCN: thời kỳ Vương Chính.
Theo truyền thuyết, thành Roma do Romullus xây dựng vào năm 753 TCN trên bờ sông Tibres thuộc miền trung bán đảo Ý, nơi quần cư của 3 bộ lạc người Latin. Mỗi bộ lạc này bao gồm 100 thị tộc, cứ 10 thị tộc được gọi là một Curi (bào tộc). Các thành viên của các thị tộc này đều có quyền bình đẳng với nhau về kinh tế, chính trị và được gọi là công dân Roma.
Quản lý xã hội thị tộc của người Roma thời kỳ này là 3 cơ quan: Đại hội nhân dân (Curi), Viện nguyên lão (Senat) và “Vua” (Rex).
+ Đại hội nhân dân: được coi là đại hội cổ xưa nhất của người Roma. Thành viên của Đại hội này gồm tất cả đàn ông của 300 thị tộc, mỗi người đại diện cho một lá phiếu quyết định những vấn đề quan trọng như tuyên chiến hay nghị hòa, xét xử, tế lễ và bầu ra một ông Vua (Rex).
+ Viện nguyên lão: gồm 300 người là những thủ lĩnh của 300 thị tộc. Là cơ quan quyền lực tối cao, quyết định hầu hết các công việc quan trọng của người Roma, được quyền thảo luận trước về những đạo luật, quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết những nghị quyết của Đại hội nhân dân.
+ Vua (Rex): Do Đại hội nhân dân và Viện nguyên lão bầu ra, không được cha truyền con nối và có thể bị Đại hội nhân dân bãi nhiệm. Thực chất, Rex chỉ là thủ lĩnh quân sự của 3 bộ lạc, là tăng lữ tối cao và xét xử những vụ kiện trong nội bộ.
– Nhà nước La Mã cổ đại thời kỳ cộng hòa:
Khoảng giữa thế kỷ VI TCN, sau cuộc cải cáh của Xecviut Tuliut, nhà nước La Mã mới chính thức ra đời. Tuy vậy, cơ cấu bộ máy Nhà nước cộng hòa La Mã được hình thành dần dần suốt mấy thế kỷ, cho đến thế kỷ III TCN mới hoàn chỉnh. Năm 510 TCN, sau khi người Roma lật đổ Rex Tarquin kiêu ngạo, La Mã bước vào thời kỳ Cộng hòa.
Ở thời kỳ này, nhà nước La Mã vẫn tồn tại Đại hội nhân dân, Viện nguyên lão, nhưng đứng đầu nhà nước là 2 Quan chấp chính, thay cho Rex trước đó.
+ Đại hội nhân dân: cuộc cải cách của Xecviut Tuliut chia xã hội làm 6 đẳng cấp căn cứ trên tài sản. Việc phân chia đẳng cấp gắn chặt với việc tổ chức quân đội. Đẳng cấp thứ nhất được thành lập 80 century bộ binh (phiên chế quân đội, mỗi century có 100 người) và 18 cenury kỵ binh. Đẳng cấp thứ hai, ba và bốn mối đẳng cấp được thành lập 20 century, đẳng cấp thứ năm – 30 century, và những người nghèo – 5 century. Mỗi century đại diện cho một lá phiếu trong Đại hội và như vậy, đẳng cấp thứ nhất (quý tộc) luôn chiếm đa số phiếu trong đại hội (98/97 phiếu). + Viện nguyên lão: vẫn là cơ quan quyền lực cao nhất, được chọn trong hàng ngũ quý tộc giàu sang nhất, có thế lực và đã từng giữ những chức quan cao cấp (số lượng thay đổi theo các thời kỳ, từ 300 tăng lên 600 và thế kỷ III TCN là 900 người). Thời kỳ này, tuy không phải là cơ quan tòa án và tư pháp, nhưng Viện nguyên lão có quyền mở phiên tòa, điều tra sơ bộ các vụ án, giải thích luật pháp, kiến nghị xây dựng những luật mới.
+ Chấp chính quan là chức vị cao nhất trong hàng ngũ quan lại. Hai Chấp chính quan có quyền rất lớn về quân sự và dân chính, là tổng chỉ huy quân đội, quản lý mọi công việc của nhà nước, giám sát việc thi hành luật, sa thải các quan lại cấp dưới, triệu tấp Đại hội Viện nguyên lão, Đại hội nhân dân… Bên cạnh Hội đồng hai Chấp chính quan còn có Hội đồng quan án, chuyên giải quyết các vấn đề về hình sự và dân sự. Khi Hội đồng chấp chính đi vắng thì Hội đồng quan án làm thay. Ngoài ra, Đại hội nhân dân và tầng lớp bình dân Pơlép còn bầu ra Viện giám sát (Viện quan bảo dân) để bảo vệ quyền lợi cho mình (lúc đầu gồm 2 người, sau tăng lên 7 người và cuối cùng là 10 ngươi). Viện này có quyền phủ quyết những quyết nghị của quan lại quý tộc cao cấp, nếu những quyết nghị ấy xâm phạm tới quyền lợi củ bình dân; bắt giữ và lấy cung những nhân viên quan lại nhà nước khi cần thiết.
* Thời quân chủ chuyên chế: 30 TCN – 476 SCN.
Từ cuối thế kỷ II TCN, nhất là từ giữa thế kỷ I TCN, do sự đấu tranh của quần chúng nhân dân trong nước, sự chống đối ngày càng mạnh của các tỉnh, nhà nước La Mã ngày càng có xu hướng tăng cường chuyên chính. Thêm vào đó là những mâu thuẫn giữa Đại hội nhân dân và Viện nguyên lão, đã làm cho thiết chế nhà nước chuyển dần từ kiểu cộng hòa quý tộc sang kiểu quân chủ chuyên chế. Người đứng đầu nhà nước La Mã lúc này là hoàng đế và các quan lại trong bộ máy chính quyền trung ương. Dưới chính quyền trung ương là các quan lại địa phương. Chính quyền trung ương đã thiết lập được sự kiểm soát đối với địa phương một cách chặt chẽ hơn; quân đội được tăng cường đáng kể, trở thành công cụ đắc lực bảo vệ quyền lợi cho giai cấp chủ nô thống trị.
Như vậy, có thể nói, thiết chế nhà nước ở Hy – La thời cổ đại, dù biểu hiện dưới dạng dân chủ chủ nô, cộng hòa quý tộc hay quân chủ, người dân vẫn được hưởng những quyền lợi dân chủ hơn cư dân Phương Đông cùng thời. Đặc biệt, dười nhà nước cộng hòa dân chủ Athens, nền dân chủ đã đạt đến đỉnh cao nhất trong lịch sử
cổ đại.
Sử dụng mô hình trong Bài nhập môn.
4.2. Kết cấu gia cấp:
Sự phát triển sớm nền kinh tế hàng hóa tiền tệ (cổ điển), thương mại mậu dịch đã làm cho quá trình tan rã của chế độ thị tộc diễn ra thêm nhanh chóng. Chế độ tư hữu ngày càng lấn át quyền sở hữu công cộng của thị tộc. Xã hội lúc này đã xuất hiện một số quý tộc thị tộc sở hữu nhiều tư liệu sản xuất, sống dựa vào sức lao động của dân nghèo, đó chính là tiền thân của tầng lớp quý tộc chủ nô ruộng đất sau này. Song song đó, sự phát triển của công thương nghiệp làm cho một số người (không phải là quý tộc thị tộc) giàu lên, và họ là tiền thân của tầng lớp quý tộc chủ nô công thương – tầng lớp có thế lực nhất cả về kinh tế lẫn chính trị trong giới quý tộc chủ nô. Tầng lớp quý tộc chủ nô hình thành đã hoàn toàn thoát ly khỏi lao động chân tay. Chính vì thế, họ có điều kiện chuyên tâm hơn trong lĩnh vực hoạt động trí óc, và chính họ là lực lương chủ yếu sáng tạo ra những thành tựu rực rỡ của nền văn minh Hy – La cổ đại.
Tầng lớp thứ hai là tầng lớp công dân. Họ là những công dân tự do thuộc thành viên của các bộ lạc liên minh. Trước khi xuất hiện nô lệ, chính họ là lực lượng sản xuất chính của xã hội. Tầng lớp công dân thực chất là tầng lớp trung gian, nhưng họ được nhà nước và pháp luật bảo vệ. Tầng lớp này chiếm không nhiều trong xã hội, họ không bóc lột và cũng không bị bóc lột.
Giữa tầng lớp công dân và nô lệ là những người thuộc tầng lớp Đêmốt (Athens) và Pơlép (Roma). Thực chất, họ là những kiều dân nơi khác đến sinh sống ở Athens và Roma, làm các nghề buôn bán và sản xuất các mặt hàng thủ công nghiệp. Họ không có quyền công dân nhưng cũng không phải là nô lệ. Tầng lớp này đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh nhằm đòi quyền bình đẳng với công dân và đã đạt được một số thành quả nhất định.
Tầng lớp xã hội thứ tư là những tầng lớp nô lệ. Đây chính là tầng lớp đông đảo nhất trong xã hội Hy – La cổ đại. Họ chính là lực lượng lao động chính làm ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng luật pháp Athens quy định dù họ là nô lệ tư nhân hay là nô lệ của nhà nước đều bị thừa nhận là tài sản riêng của chủ nô. Luật pháp thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu này. Thân phận của học không được thừa nhận, họ được xem như những công cụ biết nói, không có tài sản, không có gia đình, không có tên gọi.
Chế độ tư hữu phát triển mạnh đã làm tăng số lượng nô lệ trong xã hội Hy – La .Nguồn nô lệ Hy – La cổ đại cũng phong phú hơn, ngoài số nô lệ chiến tù, trong xã hội đã xuất hiện nhiều nô lệ vì nợ và những nô lệ được mua từ nước ngoài vào. Việc buôn bán nô lệ cũng đã hình thành và đậm tính thương mại, nô lệ được người ta đem bán như bán gia súc. Phương thức bóc lột và sử dụng nô lệ cũng đa dạng, phong phú. Đa số nô lệ được sử dụng để sản xuất hoặc phục vụ gia đình; một số người giàu có lại bỏ tiền ra mua nô lệ đem cho nhà nước hoặc tư nhân thuê với những hợp đồng thỏa thuận, hoặc cho nô lệ tự kinh doanh, làm thuê ở các công xưởng và nộp cho chủ những khoản tiền nhất định.
Như vậy, ta có thể hình dung kết cấu giai cấp của xã hội Hy – La cổ đại, giống như một hình tháp có 4 tầng. Dưới cùng là tầng lớp nô lệ, đông đảo nhưng thấp hèn nhất trong xã hội, kế đến là tầng lớp công dân tự do, bên trên là tầng lớp quý tộc, và trên cùng là vua. Các tầng lớp này luôn tồn tại những mâu thuẫn, đặc biệt là mâu thuẫn giữa nô lệ và chủ nô là hết sức sâu sắc, tầng lớp nô lệ bị chủ nô bóc lột hết sức tàn nhẫn đã dẫn đến những cuộc vùng lên của giai cấp nô lệ. Ở đây, sự bóc lột nô lệ trở thành quan hệ bóc lột chủ đạo. Chế độ chiếm hữu nô lệ Hy – La cổ đại được xem là hình mẫu điển hình trong lịch sử nhân loại. Điều đó bắt nguồn từ số lượng và vai trò chủ đạo của nô lệ trong nền sản xuất kinh tế, ở mối quan hệ bóc lột, chủ yếu là giữa chủ nô và nô lệ, ở cuộc đấu tranh giai cấp và ở tính chất chuyên chính của bộ máy nhà nước chủ nô.
Từ khóa » Thành Bang Của Hy Lạp Cổ đại
-
Kỳ 2: Tầm Vóc Athens - Báo Nhân Dân
-
Hy Lạp Cổ đại – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thành Bang Hy Lạp - Wikiwand
-
Vài Nét Về Lịch Sử Hy Lạp Cổ đại (Thế Kỷ XI – IV TCN)
-
Người Hy Lạp Cổ đại đã Tạo Ra Một Nền Văn Minh Huy Hoàng, Nhưng ...
-
Polis - Thành Bang Của Hy Lạp - Robin Nguyễn
-
[PDF] Những đặc điểm Của Nhà Nước - Thành Thị Hy Lạp Cổ đại - USSH
-
LỊCH SỬ VĂN MINH THẾ GIỚI: Hi Lạp Cổ đại - .vn
-
Lịch Sử Hy Lạp Cổ đại
-
Hai Thành Phố Quyền Lực Nhất Thời Kỳ đầu ở Hy Lạp Là Gì?
-
Trình Bày Tổ Chức Nhà Nước Thành Bang ở Hy Lạp Cổ đại | HoiCay
-
Phần Quan Trọng Nhất ở Mỗi Thành Bang Hy Lạp Cổ đại Là
-
Thời Kỳ Homer Và Các Thành Bang Hy Lạp Cổ đại - Dịch Thuật Lightway