Điều Kiện Và Cách Xin Cấp Sổ Tạm Trú? Thời Gian ... - Luật Dương Gia
Có thể bạn quan tâm
Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về quy định của pháp luật về điều kiện, trình tự, thủ tục và thời hạn xin cấp sổ tạm trú theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật về cư trú khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Hiện nay, khi việc quản lý hành chính ở các địa phương được thực hiện đều đặn và nghiêm chỉnh hơn thì việc người dân khi đến cư trú tại nơi ở mới ngoài nơi đăng ký thường trú (nơi có hộ khẩu). Và cũng vì vậy, mà người ta nhắc nhiều đến các khái niệm “sổ tạm trú”, “sổ KT3”, “giấy tạm trú”?
Vậy hiểu như thế nào là sổ tạm trú? Điều kiện, thủ tục, thời gian cấp sổ tạm trú như thế nào. Để giải quyết về vấn đề này, trong phạm vi bài viết, đội ngũ Luật sư và chuyên viên Luật Dương gia sẽ tư vấn về điều kiện và cách xin cấp sổ tạm trú, đồng thời xác định về thời gian cấp sổ tạm trú.
Hiện nay, nội dung về sổ tạm trú được quy định cụ thể tại Luật cư trú năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật cư trú sửa đổi, bổ sung năm 2013, Thông tư 35/2014/TT-BCA, Thông tư 80/2011/TT-BCA, Nghị định 31/2014/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái quát chung về đăng ký tạm trú và sổ tạm trú
- 2 2. Điều kiện để được cấp sổ tạm trú
- 3 3. Trình tự, thủ tục và thời hạn cấp sổ tạm trú
1. Khái quát chung về đăng ký tạm trú và sổ tạm trú
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật cư trú năm 2006, thì đăng ký tạm trú được hiểu là việc công dân đến cơ quan có thẩm quyền quản lý về cư trú để thực hiện việc đăng ký (tức là khai báo, ghi nhận với cơ quan quản lý để được công nhận) về nơi tạm trú của mình khi họ đến sinh sống, làm việc, cư trú tại địa phương này.
Trong đó, “nơi tạm trú” được hiểu là nơi cư trú, sinh sống tạm thời, trong một thời hạn nhất định, không mang tính chất thường xuyên, ổn định, và đây là nơi sinh sống ngoài nơi thường trú. Còn “nơi thường trú” còn được hiểu là nơi có hộ khẩu thường trú, và được xác định là nơi sinh sống thường, xuyên ổn định mà không xác định thời hạn cư trú của công dân tại một chỗ ở nhất định, và đây là nơi mà công dân đã thực hiện thủ tục đăng ký thường trú.
Có thể thấy, nếu việc công dân thực hiện việc đăng ký thường trú là cơ sở dẫn đến kết quả là được cấp sổ hộ khẩu thì khi công dân thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú, họ sẽ được cấp Giấy xác nhận tạm trú hoặc sổ tạm trú. Trong đó, “sổ tạm trú” được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư 35/2014/TT-BCA, khoản 4 Điều 30 Luật cư trú năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Luật cư trú sửa đổi, bổ sung năm 2013, theo đó:
Sổ tạm trú được hiểu là cuốn sổ được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã thực hiện xong thủ tục đăng ký tạm trú tại cơ quan có thẩm quyền về quản lý cư trú, có mục đích nhằm xác định thời hạn cũng như nơi tạm trú của công dân. Mặc dù theo quy định của pháp luật về cư trú trước đây, sổ tạm trú có hai loại, sổ tạm trú ngắn hạn, tạm trú dài hạn, tuy nhiên hiện nay, thời hạn của sổ tạm trú chỉ được xác định tối đa là 24 tháng. Khi gần hết thời hạn tạm trú thì công dân có thể thực hiện việc gia hạn tạm trú, mỗi lần gia hạn thì thời hạn gia hạn không quá thời hạn của sổ tạm trú. Còn khi sổ tạm trú hết hạn thì phải làm thủ tục cấp lại.
Sổ tạm trú có thể được cấp riêng cho mỗi cá nhân theo nhu cầu, nhưng cũng có thể cấp chung cho hộ gia đình đăng ký tạm trú. Trong trường hợp đặc biệt, có thể cấp cho một tập thể, theo đó, những học sinh sinh, viên, hoặc người lao động khi ở tập trung tại ký túc xá hoặc ở chung khu nhà ở thì có thể thông qua cơ quan, tổ chức quản lý nơi họ đang tạm trú để thực hiện việc cấp sổ đăng ký tạm trú chung của tập thể.
2. Điều kiện để được cấp sổ tạm trú
Như đã phân tích ở trên, có thể thấy, dù sổ tạm trú được cấp cho cá nhân, cấp cho hộ gia đình hay cho một tập thể công dân ở tập trung thì việc cấp sổ tạm trú chỉ được cấp sau khi đã đăng ký tạm trú.
Về điều kiện để được cấp sổ tạm trú theo quy định của Luật cư trú:
Hiện nay, trong quy định của các văn bản pháp luật về cư trú không có quy định cụ thể về điều kiện để được cấp sổ tạm trú. tuy nhiên tại khoản 2 Điều 30 Luật cư trú năm 2006 có quy định: Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày một người đến sinh sống, làm việc, lao động tại một địa phương khác với nơi họ đã đăng ký thường trú và không thuộc trường hợp được đăng ký tại địa phương này thì người này phải có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú tại cơ quan quản lý về cư trú xã phường, thị trấn nơi họ đến tạm trú (ở đây là Công an xã, phường, thị trấn nơi họ đến tạm trú).
Dựa trên nội dung quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật cư trú năm 2006 được xác định ở trên thì có thể xác định điều kiện để đăng ký tạm trú nói chung, cấp sổ tạm trú nói riêng được xác định như sau:
– Người được cấp sổ tạm trú là người đã đăng ký thường trú tại một địa phương khác nay đến địa phương này để sinh sống, làm việc, học tập, cư trú tạm thời trong một thời hạn, không mang tính chất thường xuyên ổn định.
– Người được cấp sổ tạm trú phải cư trú tại một chỗ ở hợp pháp. Chỗ ở hợp pháp này có thể là tài sản nhà ở thuộc quyền sở hữu của chính người tạm trú, nhưng cũng có thể là chỗ ở thuộc quyền sở hữu của người khác mà người đến tạm trú được thuê, được cho mượn, được ở nhờ và được người cho thuê, cho mượn, ở nhờ đồng ý bằng văn bản về về việc đăng ký tạm trú tại địa chỉ này.
– Người được cấp sổ tạm trú đã thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
3. Trình tự, thủ tục và thời hạn cấp sổ tạm trú
Hiện nay, trong quy định Luật cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định riêng về thủ tục cấp Sổ tạm trú mà quy định chung về thủ tục đăng ký tạm trú nên có thể hiểu, để thực hiện việc cấp sổ tạm trú thì công dân cần phải thực hiện các thủ tục đăng ký tạm trú chung theo quy định. Cụ thể: Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Luật cư trú năm 2006, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú năm 2006, Điều 21 Thông tư 80/2011/TT-BCA, Điều 6 Nghị định 31/2014/NĐ-CP, Điều 16 Thông tư 35/2014/TT-BCA thì thủ tục đăng ký tạm trú nói chung, cấp sổ tạm trú nói riêng được thực hiện theo trình tự như sau:
Bước 1: Người đến đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cần chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02); bản khai nhân khẩu (theo mẫu HK01 đối với các trường hợp cần phải khai bản khai nhân khẩu).
– Các văn bản, giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp của người đến tạm trú. Cụ thể: nếu người đi đăng ký tạm trú đang tạm trú trên chính nhà ở, công trình xây dựng hoặc chỗ ở khác thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình thì họ cần phải cung cấp một trong các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của họ với tài sản này, ví dụ Giấy phép xây dựng của tài sản, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Hợp đồng mua bán nhà ở, Giấy tờ chứng minh đã bàn giao nhà ở, Hợp đồng mua bán, tặng cho nhà ở hợp pháp… và các giấy tờ khác được quy định tại Điều 6 Nghị định 31/2014/NĐ-CP.
Trường hợp chỗ ở hợp pháp nơi họ đang tạm trú thuộc về quyền sở hữu hợp pháp của người khác mà người đăng ký tạm trú đang được thuê, được mượn hoặc ở nhờ thì để đăng ký tạm trú, phải có ý kiến đồng ý của chủ sở hữu tài sản về việc cho người này đăng ký tạm trú tại tài sản này được thể hiện bằng văn bản hoặc được ghi trong Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Trường hợp người chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú tại địa phương này mà đồng ý cho công dân này đăng ký tạm trú tại chỗ ở của họ thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, nhưng phải ghi rõ sự đồng ý này vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
Tuy nhiên, cần lưu ý, trường hợp thực hiện việc cấp Sổ tạm trú cho hộ gia đình, thì chỉ cần một thành viên của hộ gia đình có đầy đủ năng lực hành vi dân sự là chủ hộ đại diện cho hộ gia đình hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện việc đăng ký tạm trú và thực hiện việc cấp sổ tạm trú.
Trường hợp cấp Sổ tạm trú cấp cho tập thể những người sinh viên sống cùng khu ký túc xá, hoặc tập thể người lao động sống cùng khu nhà ở thì thực hiện việc đăng ký cấp sổ tạm trú thông qua cá nhân đại diện hoặc cơ quan, tổ chức quản lý làm văn bản đề nghị đăng ký tạm trú và danh sách thành viên thực hiện việc đăng ký tạm trú và cấp sổ tạm trú.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thì người đến đăng ký tạm trú sẽ nộp hồ sơ đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú tại Cơ quan Công an xã, phường, thị trấn. Khi đi, người này cần mang theo và xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc văn bản xác nhận về nhân thân của người đến tạm trú có xác nhận của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú cho cơ quan có thẩm quyền để xác định về nhân thân của mình. Trường hợp có đề nghị về việc cấp sổ tạm trú thì cần phải có thêm văn bản đề nghị cấp sổ tạm trú.
Bước 3: Cán bộ đăng ký tạm trú hướng dẫn người đi đăng ký tạm trú hoàn tất các thủ tục đăng ký tạm trú, đồng thời, có văn bản đề xuất và chuyển toàn bộ hồ sơ đăng ký tạm trú lên Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời gian 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người đến đăng ký tạm trú.
Bước 4: Trưởng Công an xã, phường, thị trấn sau khi nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký tạm trú từ cán bộ đăng ký tạm trú chuyển lên thì cần xem xét hồ sơ và quyết định cấp sổ tạm trú cho công dân trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Bước 5: Người đã đăng ký tạm trú nhận Sổ tạm trú theo giấy hẹn. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu một người đã đăng ký tạm trú nhưng thực tế không sinh sống, làm việc hay học tập tại địa phương nơi đã đăng ký tạm trú từ 6 tháng trở lên thì họ có thể bị cơ quan quản lý về cư trú (hay Công an xã, phường, thị trấn nơi người ngày đăng ký tạm trú) xóa tên của họ trong Sổ đăng ký tạm trú.
Có thể thấy, thủ tục cấp sổ tạm trú được thực hiện theo thủ tục chung về đăng ký tạm trú và không quá phức tạp. Người đi đăng ký tạm trú sẽ được cấp Sổ tạm trú trong thời hạn tối đa không quá 05 ngày. Trong đó có 02 ngày đầu, kể từ khi nhận đủ hồ sơ từ công dân đăng ký tạm trú là thời gian để cán bộ đăng ký tạm trú xem xét và chuyển hồ sơ lên Trưởng Công an xã, phường, thị trấn; còn 03 ngày còn lại, tính từ thời điểm Trưởng Công an cấp xã nhận được hồ sơ từ cán bộ đăng ký là thời gian Trưởng công an cấp xem xét hồ sơ đăng ký tạm trú và cấp Sổ tạm trú cho công dân.
Như vậy, Sổ tạm trú là một trong những giấy tờ nhằm xác định việc tạm trú, cư trú của công dân khi chuyển sinh sống, làm việc, lao động tại một địa phương khác với nơi họ đăng ký thường trú. Mặc dù thủ tục cấp Sổ tạm trú và thời gian cấp Sổ tạm trú cũng tối đa chỉ 05 ngày nhưng để được cấp Sổ tạm trú thì công dân vẫn cần phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật về cư trú.
TƯ VẤN MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, luật sư giải đáp giúp tôi, tôi có làm hồ sơ đăng ký tạm trú tại phường, thủ tục đã xong tôi nhận được giấy hẹn lấy sổ mà không ghi ngày nhận tôi có hỏi lại thì người phụ trách nói là khi nào có sẽ gọi điện đến lấy, nhưng tôi đọc ở phần hướng dẫn thủ tục làm tạm trú thì có thông tin sau 3 ngày kể từ ngày hoàn thiện hồ sơ công dân sẽ nhận được sổ, 4 ngày sau tôi ghé lấy sổ thì được trả lời là chưa có.
Tôi hỏi lại thì được trả lời là khi nào có sẽ gọi điện báo vì mẫu sổ chưa về công an phường đang còn nợ sổ của hơn 1000 hộ từ tháng 12/2017 tới giờ mà có sổ thì giải quyết mỗi đợt là 300 cuốn, chị mới nộp hồ sơ tháng 5/2018 thì cũng còn lâu lắm mới được giải quyết, vậy luật sư cho tôi hỏi công an phường làm như vậy có đúng hay không? Sao lại nợ sổ của công dân quá nhiều như vậy trong khi đó gđ chúng tôi rất cần sổ để con tôi làm hồ sơ nhập học, nếu không có sổ thì tôi phải làm thế nào để con tôi được đi học?
Luật sư tư vấn:
Đăng ký tạm trú là quyền, nghĩa vụ của công dân. Luật Cư trú 2006 quy định người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú.
Khi đi đăng ký tạm trú, công dân phải nộp và xuất trình một số loại giấy tờ sau theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 Luật Cư trú 2006:
– Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký tạm trú;
– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng nhà ở; trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ;
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
– Bản khai nhân khẩu;
Như vậy, bạn có thể đối chiếu xem mình đã nộp, xuất trình đầy đủ các giấy tờ trên chưa. Nếu đã đầy đủ thì căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 30 Luật Cư trú 2006, sửa đổi bổ sung 2013 về thời gian bạn được cấp sổ tạm trú như sau:
“Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an.”
Căn cứ vào quy định trên đây, nếu bạn đã nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký tạm trú thì Công an phải cấp giấy hẹn ghi rõ thời hạn trả sổ, cụ thể là sau 03 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, bạn sẽ được Công an cấp sổ tạm trú.
Việc Công an chậm cấp sổ cho không chỉ riêng gia đình bạn mà còn chậm đối với rất nhiều hộ gia đình ở địa phương bạn quá 03 ngày làm việc là trái với quy định của pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích chính đáng của công dân.
Do vậy, khi nhận thấy quyền, lợi ích chính đáng của mình bị xâm phạm, bạn hoàn toàn có thể khiếu nại lên Công an cấp quận, huyện để được giải quyết vấn đề này.
Từ khóa » Xin Sổ Tạm Trú ở đâu
-
Hướng Dẫn Thủ Tục đăng Ký Tạm Trú Tại TP HCM | LAMICO
-
Giấy Xác Nhận đăng Ký Tạm Trú Và Sổ Tạm Trú Khác Nhau Như Thế Nào ...
-
Đăng Ký Tạm Trú - Cổng Dịch Vụ Công Quốc Gia
-
Thủ Tục đăng Ký Tạm Trú Tại Công An Cấp Xã Mới Nhất
-
Hướng Dẫn Thủ Tục đăng Ký Tạm Trú Cho Người Ngoại Tỉnh - LuatVietnam
-
Thủ Tục đăng Ký Tạm Trú - Hướng Dẫn Từ A - Z - LuatVietnam
-
Điều Kiện Và Hồ Sơ đăng Ký Tạm Trú, Thường Trú
-
Thủ Tục, Giấy Tờ, Hồ Sơ đăng Ký Tạm Trú Tại CA Xã, Phường - AZLAW
-
Thủ Tục Đăng Ký Tạm Trú Tạm Vắng Năm 2022 Mới Nhất?
-
Hướng Dẫn Thủ Tục đăng Ký Tạm Trú Tại TPHCM - Luật Long Phan
-
Đăng Ký Tạm Trú Tại Công An Cấp Xã, Phường, Thị Trấn
-
Thủ Tục đăng Ký Tạm Trú Cập Nhật Mới Nhất Cho Người Thuê Nhà
-
Thủ Tục đăng Ký Tạm Trú ? Giấy Tờ Và Hồ Sơ đăng Ký Tạm Trú