ĐIỀU LỆ HỘI LIỆN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM - Hội LHPN Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
ĐIỀU LỆ HỘI LIỆN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
(Thông qua tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII)
Phần mở đầu
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, có tư cách pháp nhân, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.
Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN.
Từ những tổ chức tiền thân cho đến ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đoàn kết, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chương I Chức năng, nhiệm vụ
Điều 1. Chức năng
1. Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước.
2. Đoàn kết, vận động phụ nữthực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
Điều 2. Nhiệm vụ
Tuyên truyền, giáo dục phụ nữ về chính trị, tư tưởng, lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, lối sống; thực hiệnđường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
Vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, trình độ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và xây dựng gia đình hạnh phúc;
Tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới;
Xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh;
Đoàn kết, hợp tác với phụ nữ các nước, các tổ chức, cá nhân tiến bộ trên thế giới vì bình đẳng, phát triển và hòa bình.
Chương II Hội viên và tổ chức thành viên
Điều 3. Điều kiện trở thành hội viên
Phụ nữ Việt Nam từ 18 tuổi trở lên; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, nơi làm việc, nơi cư trú; tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện tham gia tổ chức Hội thì được công nhận là hội viên.
Điều 4. Hội viên là nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động và nữ thanh niên
1. Hội viên là nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ. Nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động đang sinh hoạt trong tổ chức Công đoàn là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; việc thực hiện Nghị quyết và Điều lệ Hội đối với hội viên là đoàn viên Công đoàn do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định.
2. Hội viên là nữ thanh niên là lực lượng xung kích trong phong trào phụ nữ. Việc thực hiện Nghị quyết và Điều lệ Hội đối với hội viên là nữ thanh niên do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quy định.
Điều 5. Hội viên trong lực lượng vũ trang
1. Phụ nữ trong các lực lượng vũ trang là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
2. Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức phụ nữ trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tổng cục Chính trị Công an nhân dân quy định.
Điều 6. Quyền của hội viên
1. Được dân chủ thảo luận và biểu quyết chủ trương, nhiệm vụ công tác Hội; được góp ý, đề đạt nguyện vọng với tổ chức Hội; được tham gia hoạt động, sinh hoạt Hội tại nơi cư trú và nơi làm việc.
2. Được Hội hướng dẫn, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.
3. Được ứng cử, đề cử, bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Hội theo quy định.
Điều 7. Nhiệm vụ của hội viên
1. Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.
2. Chấp hành Điều lệ Hội, tích cực tham gia sinh hoạt và các hoạt động Hội, đóng Hội phí theo quy định của Điều lệ.
3. Học tập nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt, giữ gìn uy tín và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
4. Đoàn kết, giúp nhau trong công tác, học tập, lao động, đời sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, phấn đấu thực hiện bình đẳng giới.
Điều 8. Tổ chức thành viên
1. Các tổ chức phụ nữ Việt Nam hợp pháp ở trong nước tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện gia nhập Hội thì được công nhận là tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh có thẩm quyền xem xét quyết định việc công nhận và thôi công nhận tổ chức thành viên.
2. Hội viên của các tổ chức thành viên là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
3. Quyền của tổ chức thành viên:
a. Được cử đại diện tham gia ứng cử vào cơ quan lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
b. Được Hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng;
c. Được đóng góp ý kiến đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và được Hội phản ánh nguyện vọng hợp pháp, chính đáng đến Đảng, Nhà nước.
4. Nhiệm vụ của tổ chức thành viên:
a. Thực hiện Điều lệ, Nghị quyết của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
b. Có trách nhiệm xây dựng tổ chức Hội;
c. Tham gia các hoạt động hỗ trợ hội viên, thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
d. Phối hợp với các tổ chức thành viên khác của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp triển khai các hoạt động nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và xây dựng khối đại đoàn kết các tầng lớp phụ nữ.
Chương III Nguyên tắc tổ chức, hoạt động và hệ thống tổ chức, cơ quan lãnh đạo các cấp Hội
Điều 9. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, liên hiệp, thống nhất hành động.
Cơ quan lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp do bầu cử lập ra, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Điều 10. Hệ thống tổ chức và tư cách pháp nhân của các cấp Hội
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gồm 4 cấp:
a. Cấp Trung ương;
b. Cấp tỉnh (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương);
c. Cấp huyện (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương);
d. Cấp cơ sở (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn và tương đương).
2. Trung ương Hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn có tư cách pháp nhân độc lập, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Điều 11. Cơ quan lãnh đạo và cơ quan chuyên trách các cấp Hội
Cơ quan lãnh đạo các cấp Hội:
Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc.
b. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp Hội là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên của cấp đó.
c. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo mỗi cấp Hội là Ban Chấp hành cùng cấp.
d. Giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, cơ quan lãnh đạo là Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ cùng cấp.
Cơ quan chuyên trách các cấp Hội:
Trung ương Hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ cùng cấp.
Điều 12. Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp
1. Đại hội các cấp được tổ chức năm năm một lần. Trường hợp đặc biệt do Hội cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định theo quy định.
2. Đại hội chỉ hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập tham dự.
3. Thành phần, số lượng đại biểu đại hội cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định và triệu tập. Thành phần đại biểu chính thức của đại hội mỗi cấp gồm:
a. Ủy viên Ban Chấp hành đương nhiệm;
b. Đại biểu do đại hội cấp dưới trực tiếp bầu hoặc từ chi hội (đối với đại hội cấp cơ sở);
c. Đại biểu chỉ định: số lượng không quá 10% tổng số đại biểu do Ban Chấp hành cấp triệu tập quyết định.
4. Nhiệm vụ của Đại hội cấp cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh:
a. Đánh giá phong trào phụ nữ; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết đại hội; quyết định phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới;
b. Thảo luận dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ cấp trên trực tiếp và dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc;
c. Quyết định số lượng, cơ cấu, nhân sự và bầu Ban Chấp hành đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định;
d. Bầu đại biểu dự đại hội cấp trên trực tiếp.
5. Nhiệm vụ của Đại hội toàn quốc:
a. Đánh giá phong trào phụ nữ; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết đại hội; thảo luận, quyết định phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới;
b. Quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội;
c. Quyết định số lượng, cơ cấu, nhân sự và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Điều 13. Bầu Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch các cấp Hội
1. Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó bầu ra đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
2. Số lượng, cơ cấu, thành phần Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định và bầu trong số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp. Số lượng ủy viên Đoàn Chủ tịch không quá 1/5, ủy viên Ban Thường vụ không quá 1/3 tổng số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp.
3. Chủ tịch, Phó Chủ tịch được bầu trong số ủy viên Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ Hội cấp đó.
4. Hội nghị Ban Chấp hành chỉ hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập tham dự.
Điều 14. Bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Đoàn Chủ tịch hoặc ủy viên Ban Thường vụ và Chủ tịch, Phó Chủ tịch các cấp Hội
1. Ban Chấp hành được quyền bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Đoàn Chủ tịch hoặc ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch để đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu đã được đại hội quyết định.
2. Ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Đoàn Chủ tịch hoặc ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Hội các cấp khi có quyết định nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc thay đổi công tác mà không thuộc thành phần cơ cấu thì thôi tham gia Ban Chấp hành.
3. Khi cần thiết, Ban Chấp hành các cấp được quyền bầu bổ sung thêm ủy viên Ban Chấp hành ngoài số lượng đại hội đã quyết định (cấp Trung ương không quá 5%; cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở không quá 10%).
Điều 15. Hình thức bầu cử và điều kiện trúng cử
1. Hình thức bầu cử: biểu quyết giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Chọn hình thức nào do Đại hội hoặc Hội nghị Ban Chấp hành cùng cấp quyết định.
2. Người trúng cử phải được trên 50% số đại biểu được triệu tập bầu, tính theo tỷ lệ phiếu bầu từ cao xuống thấp.
Điều 16. Chỉ định ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch các cấp Hội
1. Khi có thay đổi về địa giới hành chính hoặc khi có sự sắp xếp lại về tổ chức bộ máy, Hội cấp trên trực tiếp được quyền chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Hội cấp dưới theo quy định.
2. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch được chỉ định không nhất thiết đủ năm năm.
Điều 17. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Trung ươngHội
Ban Chấp hành Trung ương Hội có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Ban hành Nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch nhằm vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc;
b. Lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết, Điều lệ Hội;
c. Đại diện tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ;
d. Đại diện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong hệ thống chính trị, trong quan hệ với các tổ chức khác trong nước và ngoài nước;
đ. Bầu Đoàn Chủ tịch trong số ủy viên Ban Chấp hành, bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch trong số các ủy viên Đoàn Chủ tịch;
e. Ban Chấp hành họp mỗi năm một lần, khi cần có thể họp bất thường.
Đoàn Chủ tịch có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Hội; triệu tập và chuẩn bị nội dung hội nghị Ban Chấp hành;
b. Quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp và một số vấn đề thuộc tổ chức Hội theo quy định;
c. Đoàn Chủ tịch họp sáu tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
Thường trực Đoàn Chủ tịch (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành công việc giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch và xử lý công việc hàng ngày của cơ quan Trung ương Hội;
b. Chuẩn bị các nội dung hội nghị Đoàn Chủ tịch;
c. Lãnh đạo, quản lý toàn diện cơ quan chuyên trách Trung ương Hội; quyết định thành lập, giải thể các ban hoặc đơn vị chuyên môn, tổ công tác, hội đồng tư vấn của cơ quan Trung ương Hội, thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân theo quy định của pháp luật; được sử dụng con dấu của Ban Chấp hành trong điều hành hoạt động của cơ quan Trung ương Hội.
Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện
1. Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Ban hành Nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ cùng cấp và cấp trên;
b. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ cùng cấp và cấp trên;
c. Đại diện cho tổ chức Hội và phụ nữ địa phương tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác phụ nữ;
d. Bầu Ban Thường vụ trong số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp; bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch trong số ủy viên Ban Thường vụ cùng cấp;
đ. Ban Chấp hành họp sáu tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
2. Ban Thường vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội cấp trên và cùng cấp; triệu tập và chuẩn bị nội dung hội nghị Ban Chấp hành cùng cấp;
b. Quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp và một số vấn đề thuộc tổ chức Hội cùng cấp theo quy định;
c. Ban Thường vụ họp ba tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
3. Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Thay mặt Ban Thường vụ điều hành công việc giữa hai kỳ họp Ban Thường vụ; xử lý các công việc hàng ngày của cơ quan chuyên trách Hội cùng cấp;
b. Chuẩn bị các nội dung họp Ban Thường vụ cùng cấp;
c. Lãnh đạo, quản lý cơ quan chuyên trách Hội cấp mình; quyết định thành lập, giải thể các ban, đơn vị chuyên môn, tổ công tác, hội đồng tư vấn thuộc cơ quan chuyên trách Hội cùng cấp, thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân theo quy định của pháp luật; được sử dụng con dấu Ban Chấp hành trong điều hành hoạt động cơ quan chuyên trách cùng cấp.
Chương IV Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở
Điều 19. Tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở
1. Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở là nền tảng của tổ chức Hội.
2. Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở quyết định thành lập các chi hội; dưới chi hội có thể thành lập tổ phụ nữ. Chi hội, tổ phụ nữ sinh hoạt ít nhất ba tháng một lần.
Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở
Ban Chấp hành có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Nắm tình hình đời sống, tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trên;
b. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Hội, Nghị quyết đại hội, Nghị quyết Ban Chấp hành Hội cùng cấp và Hội cấp trên;
c. Đại diện cho tổ chức Hội và phụ nữ địa phương tham gia góp ý xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án và giám sát việc thực hiện; phát hiện, có biện pháp giải quyết kịp thời khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ bị vi phạm;
d. Công nhận hội viên; tuyên truyền, vận động và tổ chức cho hội viên thực hiện đầy đủ các quyền, nhiệm vụ của hội viên theo quy định Điều lệ;
đ. Bầu Ban Thường vụ trong số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp; bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch trong số ủy viên Ban Thường vụ cùng cấp;
e. Ban Chấp hành họp ba tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
Ban Thường vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành; triệu tập và chuẩn bị nội dung họp Ban Chấp hành;
b. Quản lý, phát triển hội viên; xây dựng, quản lý quỹ hội; thu, chi, trích nộp hội phí và sử dụng các nguồn thu đảm bảo đúng quy định của pháp luật và quy định của tổ chức Hội; thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân theo quy định của pháp luật.
c. Ban Thường vụ họp một tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
3. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn là cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Hội, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chương V Công tác kiểm tra, giám sát
Điều 21. Công tác kiểm tra, giám sát
1. Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của cấp mình và cấp dưới.
2. Đối tượng kiểm tra, giám sát: tổ chức Hội, tổ chức thành viên, cán bộ Hội và hội viên.
3. Nội dung công tác kiểm tra, giám sát:
a. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Hội, việc thực hiện Nghị quyết và các quy định của tổ chức Hội các cấp;
b. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện, quản lý hội phí, quỹ hội và các nguồn thu khác theo quy định;
c. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của Hội.
Chương VI Khen thưởng, kỷ luật
Điều 22. Khen thưởng
1. Đối tượng khen thưởng: tổ chức Hội, tổ chức thành viên, cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ và những tập thể, cá nhân khác cóthành tích đóng góp cho công tác phụ nữ được Hội xét khen thưởng hoặc đề nghị Nhà nước khen thưởng.
2. Hình thức khen thưởng của Hội gồm: kỷ niệm chương, giải thưởng, bằng khen, giấy khen và các hình thức công nhận khác.
Điều 23. Kỷ luật
1.Tổ chức Hội, tổ chức thành viên, cán bộ Hội, hội viên vi phạm Điều lệ Hội, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ chịu hình thức kỷ luật của Hội.
2. Hình thức kỷ luật:
Đối với tổ chức Hội: khiển trách, cảnh cáo, giải thể;
Đối với tổ chức thành viên: khiển trách, thôi công nhận;
Đối với cán bộ Hội: khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc thôi đảm nhiệm chức danh (đối với cán bộ Hội không phải là cán bộ, công chức);
Đối với hội viên: khiển trách.
Chương VII Tài chính của Hội
Điều 24. Tài chính của Hội
Tài chính của Hội gồm:
Ngân sách Nhà nước cấp;
Hội phí: 1000 đồng/hội viên/tháng;
Đóng góp của tổ chức thành viên;
Các nguồn thu hợp pháp khác.
2. Việc quản lý, sử dụng tài chính của Hội phải tuân theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội.
Chương VIII Chấp hành Điều lệ Hội
Điều 25. Chấp hành Điều lệ Hội
1. Cán bộ Hội, hội viên, tổ chức Hội các cấp và các tổ chức thành viên có trách nhiệm chấp hành Điều lệ Hội.
2. Chỉ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội.
3. Ban Chấp hành Trung ương Hội có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội.
4. Điều lệ này áp dụng thống nhất trong hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
* GIỚI THIỆU HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
Từ khóa » Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Xã Là Gì
-
Chức Năng, Nhiệm Vụ - Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Quảng Nam
-
Chức Năng Nhiệm Vụ - Cổng Thông Tin Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt ...
-
Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam – Wikipedia Tiếng Việt
-
CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA HỘI LHPN XÃ SONG PE
-
Giới Thiệu Chung Về Hội Phụ Nữ Việt Nam
-
Chức Năng, Nhiệm Vụ Và Vai Trò Của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam
-
Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Xã Năng động, Trách Nhiệm | Huyện Hữu Lũng
-
Điều Lệ Hội LHPN Việt Nam - Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Tỉnh Bình Phước
-
Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam Với Nhiệm Vụ Hỗ Trợ Phụ Nữ Xây ...
-
Hướng Dẫn Thực Hiện điều Lệ Hội LHPN Việt Nam | Phụ Nữ Thủ đô
-
Chức Năng, Nhiệm Vụ, Nguyên Tắc Hoạt động Của Tổ Chức Hội LHPN ...
-
Nam Giới Có Thể Trở Thành Hội Viên Danh Dự Của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ
-
Chức Năng Nhiệm Vụ Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Tỉnh Đắk Lắk
-
Khái Quát Về Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam - Công Tác Nữ Công - Giới