Diệu Nam Phật Đường: Cơ Sở Tín Ngưỡng Cần được Giữ Gìn Và Bảo ...

Diệu Nam Phật Đường: Cơ sở tín ngưỡng cần được giữ gìn và bảo tồnMTĐT - Thứ ba, 03/07/2018 16:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chùa Diệu Nam còn gọi là Diệu Nam Phật Đường – ngôi chùa Đại đạo Tam giáo đồng nguyên (Minh Sư đạo) còn lại duy nhất ở Thủ đô Hà Nội.

Tọa lạc tại số 60 phố Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Được xây dựng năm 1930, chùa Diệu Nam mang đặc điểm kiến trúc của phái Phật đường Nam tông Minh Sư đạo.

Cổng chùa đề ba chữ “Diệu Nam đường”, mái chùa đề bốn chữ “Diệu Nam Phật đường” bằng chữ Hán, không dùng chữ “Tự” như các chùa Phật khác.

Cổng chùa có 3 chữ bán: Diệu Nam Đường

Diệu Nam Phật đường do các Cô Thái tu theo dòng Đại đạo Tam giáo Đồng Nguyên (Minh Sư đạo) cùng sự đóng góp của các tín đồ Phật tử xây dựng lên. Có thể nói, lịch sử hơn 80 năm của chùa Diệu Nam được gắn liền với sự tồn tại của dòng đạo Minh Sư tại đây.

Hai bên cổng chùa có hai dòng câu đối: “Diệu đạo chân truyền quy giác lộ, Nam thiên trực chỉ qua mê tân”

Phía trong sân nhìn ra ngoài đường Đại La

Chánh điện chùa được bày trí tuân thủ theo nghi thức thờ phụng của đạo Minh Sư: Tại chánh điện, gian giữa là Tam Bảo, có tượng Đức Phật Mẫu Chuẩn Đề, đức Di Lặc và chư Phật. Tam Bảo được sắp xếp theo Càn Khôn Thiên bàn (bàn thờ trời đất) tức là thờ Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Ở giữa là vòng tròn Vô Cực và ngọn đèn Nhiên Đăng, biểu trưng thờ Đức Vô Cực Diêu Trì Kim Mẫu. Ngay dưới vòng Vô Cực là bình tịnh thủy, hai chén nước tượng trưng cho âm dương. Trên có Lư hương coi là Tiên thiên(Càn vi Thiên), dưới có Lư trầm coi là Hậu thiên(Khôn vi địa) và cặp đèn Lưỡng nghi. Vị trí đồ lễ đặt theo ngũ hành, thập can, thập nhị chi...

Phía trong khu thờ tự

Ngay dưới Thiên bàn là ban thờ Thổ thần, đối diện Tam bảo là ban thờ Hộ pháp Long thần. Bên phải thờ đức Thuần Dương Lã Tổ, bên trái thờ Lịch Đại Tổ Sư. Hai ban vuông góc thờ các vị Tổ sư, Tiên sư và đức Địa Tạng Vương Bồ tát độ vong linh bách tính.

Đạo Minh Sư thờ Phật, tu Tiên nên các Cô Thái không phải xuống tóc(cạo trọc đầu), nhưng phải giữ trường chay, tiệt dục, nghiêm cấm dùng rượu, ngũ tân (hành, hẹ, tỏi, kiệu...) và các sản phẩm có nguồn gốc động vật; giữ giới luật theo Tứ Đại điều qui, Thập lục điều qui. Đạo phục khi hành lễ của Minh sư đạo là áo dài màu đen, quần trắng, chít khăn đóng hoặc mũ màu đen, mang hài màu đen.

Kinh sách dùng tụng niệm là: Ngọc Hoàng kinh, Địa Mẫu chân kinh, Bắc Đẩu chân kinh, Minh Thánh kinh, Thanh Tịnh kinh, Khổng Tử tâm kinh, Liên Hoa Bảo Sám kinh, Đạo Đức kinh, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên kinh, Thiên Ngươn kinh, kinh Di Đà, kinh Cứu Khổ....

Chùa Diệu Nam vốn là mảnh đất 700 thước vuông thuộc làng Bạch Mai, Hà Nội. Khi được cụ ông Nguyễn Đình Liên (phụ thân của Cô Thái Nguyễn Thị An(Yên)) cho đất xây chùa, Cô Thái Nguyễn Thị An(1893-1963) và cháu gái là Cô Thái Nguyễn Thị Đoàn(1898-1983) (hai cô cháu cùng đi tu từ nhỏ) đã cùng bốn vị đồng đạo là Cô Thái Mai Thị Tất (1872-1964), Cô Thái Sầm Thị Vượng (1886-1960), Cô Thái Ngô Thị Toàn, Cô Thái Đỗ Thị Tỉnh (đều là những học trò của Bà Thái Bùi Ngọc Hà) với sự đóng góp của tín đồ Phật tử đã xây dựng lên chùa Diệu Nam Phật đường. Từ đó, Cô Thái Nguyễn Thị An(Yên) trụ trì chùa Diệu Nam.

Năm 1957, các Cô Thái chùa Diệu Nam để lại một bản “Chúc Thư”, trong đó nêu lên tâm nguyện của mình: “Chúng tôi muốn rằng ngôi chùa ấy vĩnh viễn là nơi thờ cúng, không ai được bán đi hoặc đem cầm cố. Sau khi chúng tôi qua đời ngôi chùa ấy sẽ giao cho đệ tử của chúng tôi trông nom, gìn giữ, tu bổ chùa, chăm lo việc thờ cúng....Sau này các đệ tử chúng tôi già yếu đi cũng sẽ chọn lấy 5 người đệ tử để giao lại quyền và công việc của chùa,vĩnh viễn để làm nơi thờ cúng....”

Với mục đích xây chùa làm công đức, tạo phúc cho đời sau, trước độ kỷ sau độ nhân; với tâm nguyện gìn giữ, bảo tồn, duy trì dòng đạo, ngôi chùa vĩnh viễn giữ được nguồn gốc Đạo. Các Cô Thái chùa Diệu Nam đã nhấn mạnh và khẳng định việc ngôi chùa này chỉ giao lại cho các đệ tử chân truyền để gìn giữ, bảo tồn dòng đạo, không ai được xâm chiếm, tư hữu làm của riêng.

Sau khi Cô Thái Nguyễn Thị Yên liễu đạo năm 1963, Cô Thái Nguyễn Thị Đoàn tiếp tục trụ trì lo toan công việc chùa, duy trì đạo pháp. Đến năm 1983, Cô Thái liễu đạo và giao lại công việc chùa cho đệ tử là Cô Thái Trịnh Thị Lương. Năm 1996, Cô Thái Lương liễu đạo giao lại việc hành đạo cho đệ tử là Cô Phạm Thị Là. Từ đó đến nay, Cô Phạm Thị Là vẫn y theo lời căn dặn của các vị Tổ, Thầy gìn giữ và hoằng khai đạo pháp, phục vụ tín ngưỡng đạo Minh Sư cho hàng nghìn tín đồ, Phật tử.

Hiện nay, ở thủ đô Hà Nội - chùa Diệu Nam là ngôi chùa duy nhất còn lưu giữ được đạo pháp chân truyền và kiến trúc riêng biệt của phái Phật đường Nam tông Minh Sư đạo. Trải qua hơn 80 năm hành đạo và giữ đạo, Cô Thái cùng các đệ tử đã không quản sự khó khăn vất vả, thăng trầm của cuộc đời để bảo tồn dòng đạo cho đến ngày hôm nay.

Cô Phạm Thị Là - người đệ tử chân truyền duy nhất ở chùa Diệu Nam đã được Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo chính thức bổ nhiệm trụ trì Diệu Nam Phật đường theo “Đạo Lệnh” số 31/BTS-ĐL ngày 28/5/2009 và được Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận phong phẩm chức sắc Dẫn Ân (phẩm bậc thứ 6 trong 7 phẩm bậc dành cho phái nữ của Minh Sư đạo) theo Công văn số 1002/TGCP-CĐ ngày 05/10/2009.

Được Nhà nước quan tâm, giúp đỡ, chùa Diệu Nam và các chùa trong Minh Sư đạo đang tiến tới Đại hội cơ sở và Đại hội toàn phái, củng cố và phát triển tổ chức đạo để đồng hành cùng các tôn giáo khác mở rộng phương tiện phổ độ chúng sanh, tu chơn giải thoát, góp phần phục vụ dân tộc, xây dựng hòa bình, an lạc.

Một số kiến trúc của các Ngôi chùa theo Minh Sư Đạo

Quang Nam đường (Quang Nam Phật đường) - Tổ đình phái Nam Tông Minh Sư đạo tại số 17 phố Trần Quang Khải, quận 1, Tp Hồ Chí Minh

Nam Tông Phật đường – Trụ sở Nam Tông Minh Sư đạo tại miền Trung. Tọa lạc trên đường Phạm Ngũ Lão, Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam

Một vài quần thể kiến trúc Diệu Nam Đường tại 60 Đại La - Trương Định - Hà Nội (Ảnh Thế Lợi):

--

Từ khóa » Diệu Nam Phật đường