Điều Tra Dịch Tễ - Những “chiến Công” Thầm Lặng - Sở Y Tế TP.HCM

Tôi còn nhớ, thời điểm Thành phố xuất hiện hai ca bệnh đầu tiên cũng là những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi. Và đúng ngày 30 Tết, tổ trực chống dịch của chúng tôi đã tập trung nhận lệnh đi điều tra dịch tễ - tức là điều tra hành trình đi lại, tiếp xúc của bệnh nhân để xác định người có nguy cơ mắc bệnh để tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm nhằm khoanh vùng ổ dịch không để bệnh lây lan rộng trong cộng đồng. Với một bệnh được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV), chưa có y văn đầy đủ chính xác về nguồn bệnh, đường lây, cách lây của bệnh nhưng nhân viên y tế chúng tôi vẫn phải đi vào vùng dịch. Mọi người không ai nói nhưng trên khuôn mặt đều hiện rõ sự lo lắng, vì bởi lẽ mỗi người chúng tôi cũng có một gia đình cần được bảo vệ, một mái ấm đang chờ về sum họp khi năm cũ sắp qua, năm mới cận kề. Đến 14 giờ chiều, công tác điều tra và báo cáo được gửi đi, chúng tôi lại tất bật, người hối hả ra chợ tìm mua ít thịt cho nồi thịt kho hột vịt, người chạy khắp sạp để có dĩa trái cây đón giao thừa… còn tôi thì nhà vẫn còn bao thứ chưa được lau dọn!

Vào giai đoạn số ca bệnh tăng cao ở Thành phố, đã có sự xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng đặc biệt là ổ dịch lớn nhất Thành phố tại Buddha Bar ở quận 2, với 19 ca dương tính. Thời điểm ấy, cứ mỗi buổi chiều hay sáng sớm là chúng tôi lại bồn chồn, lo lắng chờ đợi kết quả xét nghiệm nhưng các đội điều tra ai cũng sẵn sàng tâm thế có ca bệnh mới là xách túi chống dịch lên và đi, dù đó là lúc 22 giờ đêm hay 0 giờ sáng. Suốt những ngày ấy, nắng nóng hay mưa to vẫn không làm nản bước người chiến sĩ chống dịch để chạy đua trước dịch bệnh. Có ngày, thông tin dịch tễ của bệnh nhân quá nhiều, chúng tôi phải làm việc bất kể ngày đêm để lấy thông tin và tổ chức chống dịch tại cộng đồng với quyết tâm “không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng”. Bữa trưa được bắt đầu lúc 14 giờ hay bữa tối lúc 22 giờ từ lúc nào đã trở thành giờ ăn bình thường của mọi người.

Công tác điều tra dịch tễ đòi hỏi người chiến sĩ chống dịch phải vừa như “một nhà thám tử” - lần mọi dấu vết, đường đi, địa điểm, người tiếp xúc của bệnh nhân, vừa như “một nhà tâm lý”- phải nhìn từng cử chỉ, điệu bộ để đoán, cảm nhận xem người bệnh có đang trả lời đúng, đầy đủ các thông tin trong mọi mối quan hệ. Vì rằng, trong thời gian vàng chống dịch, chỉ một người tiếp xúc không được lấy mẫu, cách ly kịp thời thì họ thể lây bệnh theo cấp số nhân trong cộng đồng. Ngoài áp lực về thời gian, khối lượng công việc, người nhân viên y tế dự phòng còn đối mặt với những hành động chống đối, la mắng, xỉ vả thậm chí là bạo hành tinh thần của một số trường hợp không hợp tác khi yêu cầu họ phải đi cách ly, lấy mẫu.

Khó khăn là vậy, gian nan cực khổ là vậy nhưng chúng tôi thật ấm lòng khi nhận được những món quà tuy nhỏ về vật chất nhưng vô cùng to lớn về tình cảm, đó là những lời nhắn gửi động viên, tiếp sức hay đơn giản chỉ là một câu nói “Cảm ơn”. Những tình cảm ấy giúp chúng tôi nhận ra rằng mình không đơn độc trên từng chặng đường chống dịch COVID-19. Sự nỗ lực, đóng góp của mình luôn được cộng đồng ghi nhận và trân trọng. Nó như một nguồn động lực vô hạn giúp chúng tôi càng mạnh mẽ và dũng cảm chiến đấu với dịch bệnh COVID-19. Và hơn hết, tất cả những công sức, nỗ lực mà tập thể của chúng tôi - Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm - đã và đang tiếp tục thực hiện chính là tinh thần trách nhiệm, là việc “làm theo” thiết thực nhất lời dạy của Bác căn dặn cán bộ y tế: “Đừng có ngại khó, ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ”.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố

Từ khóa » Dịch Tễ Y Học Là Gì