ĐIỀU TRỊ BỆNH LÊ DẠNG TRÙNG Ở TRÂU, BÒ

Nguyên nhân

Đây là bệnh ký sinh trùng đường máu cấp tính ở trâu, bò, do một loại đơn bào ký sinh trong hồng cầu, có hình quả lê (nên gọi là bệnh lê dạng trùng) gây ra. Ở Việt Nam, đã thấy 2 loài lê dạng trùng chủ yếu gây bệnh cho bò sữa:

Loài Babesia bigemina: Hình lê đơn, lê đôi, ký sinh trong hồng cầu, kích thước 2 – 4 x 1 – 2 µm,lê đôi tạo thành góc nhọn (< 45°).                                                                                   

Loài Babesia bovis: Cũng có hình lê đôi, lê đơn, ký sinh trong hồng cầu, kích thước nhỏ hơn bán kính hồng cầu: 1,5 – 2 x 0,1 – 1,5 µm, lê đôi tạo thành góc tù (> 45°).

Đặc điểm

Loài mắc bệnh: Bệnh thường gặp ở đàn bò sữa nhập nội đang giai đoạn nuôi thích nghi tại các cơ sở nuôi bò sữa ở nước ta. Trâu, bò ở các lứa tuổi đều có thể nhiễm bệnh nhưng phổ biến ở giai đoạn từ 5 tháng đến 3 năm tuổi.

Vật chủ trung gian truyền bệnh: Các loài ve cứng họ Ixodidae. Khi ra ngoài cơ thể, mầm bệnh nhanh chóng bị tiêu diệt. Cũng giống như bệnh biên trùng, lê dạng trùng sống trong cơ thể loài ve hút máu suốt đời.

Đường lây truyền: Ve hút máu trâu, bò mắc bệnh sau đó lại bám vào vật nuôi khác và hút máu rồi truyền bệnh đi. Mùa lây lan phụ thuộc vào mùa phát triển của ve, tức là mùa hè. Tuy nhiên, ở nước ta có khí hậu nóng ẩm, ve phát triển gần như quanh năm, nhưng cao điểm là từ mùa hè đến mùa thu.

Triệu chứng

Thể cấp tính: Thời gian nung bệnh trong khoảng 10 – 15 ngày. Trâu, bò bị bệnh có các biểu hiện như mệt mỏi, kém ăn. Sau đó, sốt cao liên tục hàng tuần ở nhiệt độ 40 – 410C. Trâu, bò đái ra nước tiểu màu hồng, đỏ dần và cuối cùng đỏ đậm như màu cafe. Có trường hợp, trâu, bò ỉa chảy ra máu. Các hạch lâm ba sưng to, phù thũng, đặc biệt là hạch trước vai và trước đùi. Hồng cầu và huyết sắc tố đều giảm xuống rất nhanh, 3 – 7 ngày có thể giảm 60 – 70% so với trạng thái sinh lý bình thường. Con vật thở khó do thiếu hồng cầu vận chuyển ôxy. Các niêm mạc mắt, miệng đỏ sẫm mấy ngày đầu, sau tái nhợt ở giai đoạn cuối của bệnh.

Thể mãn tính: Các dấu hiệu lâm sàng giống thể cấp tính nhưng nhẹ hơn. Bò có các biểu hiện như thiếu máu, gầy yếu và giảm sản lượng sữa hoặc cạn sữa. Một số trường hợp trâu, bò mang thai bị bệnh có thể sảy thai.

Bệnh tích

Một số dấu hiệu quan sát được khi mổ khám vật nuôi bị bệnh như: Nội tạng và thịt nhợt nhạt do thiếu máu; túi mật sưng, ứ dịch mật và huyết sắc tố; niêm mạc bị hoàng đản.

Điều trị

Sử dụng một trong các loại sau để điều trị bệnh

Azidin: Pha thuốc với nước cất thấm dung dịch 7%: 1 ống, lọ Azidin, 1,18 g pha với 7 ml nước cất. Tiêm bắp sâu với liều 5 ml/100 kg trọng lượng. Chú ý khi dùng thuốc: Nếu tiêm liều lượng lớn nên tiêm 2 chỗ khác nhau để tránh trâu, bò bị đau; nếu trường hợp nặng có thể tăng liều lên gấp đôi nhưng mỗi con không được tiêm quá 4 g; nếu thân nhiệt không giảm, tiêm nhắc lại sau 24 giờ.

Haemosporidin: Pha với nước cất thành dung dịch 1%. Liều dùng 0,5 mg/kg trọng lượng, tiêm dưới da.

Lưu ý, trong thời gian điều trị cần cho bò ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ. Cùng với đó, bổ sung các thuốc trợ sức, trợ lực như Cafein, Vitamin B, C.

Phòng bệnh

Ở khu vực có lưu hành bệnh phải định kỳ kiểm tra máu trâu, bò để có biện pháp xử lý kịp thời.

Khi nhập đàn trâu, bò mới về, cần tiêm thuốc phòng nhiễm bằng một trong 2 thuốc trên. Sau đó, thực hiện theo định kỳ: 6 tháng/lần.

Thường xuyên tiêu diệt ve trên thân của trâu, bò, trong chuồng trại và trên bãi chăn thả. Thuốc thường dùng là Hantox – spray hoặc Hectomin – 10

Từ khóa » Bò Tiểu Ra Máu