Điều Trị đa Mô Thức: Nối Dài Sự Sống Cho Người Bệnh Ung Thư Thực ...

Điều trị đa mô thức: Nối dài sự sống cho người bệnh ung thư thực quản

  • 2021/08/16 15:44

Ung thư thực quản là căn bệnh ung thư thường gặp ở đường tiêu hóa và có xu hướng gia tăng hiện nay. Các phương pháp điều trị ung thư thực quản tùy thuộc vào kích thước, vị trí, giai đoạn phát triển của khối u, sức khỏe tổng thể, khả năng đáp ứng với điều trị của người bệnh... Áp dụng nguyên tắc đa mô thức (hóa trị, xạ trị, phẫu thuật), các bác sĩ Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy đã điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư thực quản.

Ung thư thực quản ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu rõ rệt, người bệnh thường phát hiện bệnh qua khám sức khỏe định kỳ hoặc tầm soát một bệnh lý khác. Khi ung thư tiến triển, người bệnh mới bắt gặp triệu chứng nuốt nghẹn, sụt cân, thiếu máu, tăng tiết nước bọt. Ở giai đoạn muộn, khối u đã xâm lấn ra ngoài thực quản gây nên triệu chứng khó thở, ho, sặc, khàn tiếng, đau khi nuốt, đau ngực, đau lưng hoặc đau bụng vùng thượng vị…

Tại Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn sớm (ung thư chỉ phát triển ở lớp niêm mạc) có thể điều trị bằng phương pháp nội soi can thiệp ESD - cắt tách hạ niêm mạc để bảo tồn đường tiêu hóa, giảm thiểu đau đớn, giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi. Đối với các trường hợp ung thư thực quản giai đoạn tiến triển có xâm lấn tại chỗ hoặc di căn còn chỉ định phẫu thuật thì áp dụng nguyên tắc đa mô thức - kết hợp phẫu thuật với hóa trị, xạ trị tiền phẫu là giải pháp điều trị triệt căn tối ưu.

Mới đây, ekip phẫu thuật của Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Trưởng Khoa Ung bướu 1, Bệnh viện Bãi Cháy đã thực hiện phẫu thuật cắt thực quản, tạo hình thực quản bằng dạ dày đường ngực phải, bụng, cổ trái (Akiyama) cho một bệnh nhân có khối u ác tính thực quản đoạn 1/3 giữa. Trước đó, bệnh nhân được chỉ định hóa - xạ trị tiền phẫu để làm giảm kích thước khối u và nguy cơ xấm lấn quanh vùng mổ, ngăn chặn khả năng phát tán tế bào ung thư theo đường máu và đường bạch huyết.

Bác sĩ Khoa Ung bướu 1 thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư thực quản

Đánh giá về ca phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Trưởng Khoa Ung bướu 1, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Đây là phẫu thuật đặc biệt khó thuộc lĩnh vực phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa mà không nhiều bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện được bởi vị trí giải phẫu phức tạp từ vùng ngực phải, bụng, cổ trái, cận kề tim, phổi và các mạch máu lớn.

Chúng tôi đã thực hiện 3 đường mổ ở vùng bụng, ngực, cổ trái để phẫu tích thực quản khỏi lồng ngực (tim, phổi, động mạch chủ ngực), cắt đoạn thực quản chứa khối u, tạo hình thực quản bằng ống dạ dày, làm miệng nối thực quản – dạ dày.

Ca phẫu thuật diễn ra trong nhiều giờ đồng hồ đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ, kinh nghiệm vững vàng, thao tác tỉ mỉ, chuẩn xác, diện cắt đảm bảo âm tính về mặt ung thư, tránh các nguy cơ chảy máu, rò bục miệng nối cho người bệnh trong và sau phẫu thuật”.

Sau hai tuần được chăm sóc và điều trị hậu phẫu tích cực, bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt và xuất viện.

Bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt sau phẫu thuật

Từ năm 2019, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy với đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành ung bướu, trang bị máy CT mô phỏng, máy SPECT, máy gia tốc tuyến tính, hệ thống phòng mổ hiện đại… đã áp dụng điều trị ung thư bằng đa mô thức phổ biến trên thế giới với các bệnh lý ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ung thư thực quản, dạ dày… Sự phối kết hợp các phương pháp điều trị ung thư hiện đại nhất hiện nay như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, can thiệp tại chỗ ít xâm lấn… làm tăng hiệu quả bảo tồn chức năng của các cơ quan, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư.

Để phòng ngừa ung thư thực quản, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân nên:

Khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư là yếu tố quan trọng để phát hiện sớm và điều trị sớm ung thư thực quản, đặc biệt với những bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, uống nhiều rượu bia, viêm thực quản kéo dài, ung thư vùng cổ…

Hạn chế lạm dụng uống bia rượu do uống rượu trong thời gian dài sẽ gây hậu quả nặng nề, làm phá hủy niêm mạc thực quản và dạ dày.

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư thực quản. Khói thuốc lá có chứa các chất kích thích độc hại gây kích thích tế bào ung thư thực quản. Vì vậy người dân không hút thuốc lá để phòng tránh ung thư thực quản.

Áp dụng chế độ dinh dưỡng bổ sung đầy đủ vitamin, các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể (rau quả, trái cây, u tiên các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, nhiều đạm và giàu protein, rau xanh, ngũ cốc, trà xanh…). Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán nhiều lần, đồ cay nóng…để ngăn ngừa tổn thương ở thực quản, phòng ung thư thực quản hiệu quả.

Duy trì trọng lượng hợp lý, có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt, làm việc khoa học, tránh căng thẳng, stress kéo làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở dạ dày – thực quản trong đó có ung thư.

Mạc Thảo - Nguyễn Văn Dũng

Từ khóa » đa Mô Thức