Điều Trị đau đầu Bằng Châm Cứu

ĐIỀU TRỊ ĐAU ĐẦU BẰNG CHÂM CỨU

TS.BS. NGÔ QUANG HẢI

I. Đại cương.

Đau đầu là một triệu chứng của một bệnh nào đó có nguyên nhân thực thể hoặc chỉ là đơn chứng (Bệnh tâm căn suy nhược – Suy nhược thần kinh) đòi hỏi người thầy thuốc phải có một kiến thức sâu rộng để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm có tính chất sinh mạng (tuy ít gặp nhưng dễ mắc sai lầm)

II. Theo y học hiện đại

  1. Y học hiện đại đã đưa ra 6 cơ chế đau đầu.

+ Cơ chế viêm mạch máu (do co kéo, chèn ép, xê dịch và dãn mạch máu trong não).

+ Do viêm nhiễm các tổ chức xung quanh.

+ Do bản thân dây thần kinh dẫn truyền cảm giác bị tổn thương.

Các cơ chế trên có thể tác động riêng rẽ hoặc phối hợp lẫn nhau.

  1. Khám một bệnh nhân đau đầu:

– Hỏi bệnh: Có tác dụng gợi ý tìm nguyên nhân.

Thời gian bị bệnh, cách bắt đầu đau như thế nào, giờ hay đau đầu, tính chất đau, vị trí đau, triệu chứng đi kèm.

– Khám bệnh: Đo huyế táp- 90% huyết áp cao mà không biết, nhất là với người cao tuổi, soi đáy mắt - nếu phù gai thị thì kiểm tra xem có tăng áp lực nội sọ do xuất huyết hoặc u não không.

– Thăm dò chức năng: Điện não tìm sóng kích thích hoặc động kinh; chụp đốt sống cổ, đo lưu huyết não; có nghi ngờ cho chụp CT scaner, chụp cộng hưởng từ.

III. Theo y học cổ truyền.

Nếu phá thiện ra các đau đầu thực thể với nguyên nhân nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân cần gửi đến các bệnh viện có chuyên khoa sâu giải quyết.

50% các đau đầu do bệnh tâm căn suy nhược – Suy nhược thần kinh có thể điều trị bằng châm cứu rất hiệu quả.

  1. Phân loại nguyên nhân.

+ Đau đầu ngoại cảm: Do giữ gìn không cẩn thận, do điều kiện làm việc không tốt, ăn ở không vệ sinh… gây nên như: Nằm trước gió – đau đầu do phong tà. Nhiễm phải sương lạnh, sinh hoạt làm việc trong môi trường điều hòa lâu – đau đầu do hàn tà. Làm việc dưới trời nắng – đau đầu do thử bệnh. Ở nơi ẩm thấp, làm việc ngâm mình dưới nước lâu – đau đầu do thấp tà.

Tóm lại do cơ thể cảm phải lục dâm như phong tà, hàn tà, thử tà, thấp tà… mà gây ra đau đầu.

+ Ngoài ra sách cổ còn nói tới một số bệnh đau đầu do cảm phải một số khí lạ, truyền từ người này qua người khác, có tính chất truyền nhiễm tạo thành vùng dịch gọi là đau đầu do dịch lệ( bệnh dịch) .

+ Đau đầu do nội thương:

Do nguyên khí suy kém, huyết phận không đầy đủ, hoặc do đàm thấp ứ đọng, do thức ăn ứ trệ ở trung tiêu( Tỳ, Vị), hoặc do thất tình ( buồn, giận, lo , nghĩ, vui mừng, sợ hãi, uất quá…) Hỏa khí uất lại ( không lưu thông ) ở can – đởmgây ra đau đầu.

+ Có một phương pháp chẩn đoán trên lâm sàng rất hay áp dụng là “Kinh lạc chẩn” hay còn gọi là “thần kinh thủ huyệt” nghĩa là xem vị trí đau ở đâu mà biết được nguyên nhân gây bệnh. Nguyên lý của phương pháp này dựa vào Học thuyết Kinh lạc. Vùng đầu là nơi dương khí của các kinh hội tụ lại, đi qua vùng đầu có các đường kinh Vị, Đại trường, Tam tiêu, Bàng quang, Đởm, Tiểu trường. Dựa vào vị trí đau thuộc đường kinh nào, ta có thể xác định được nguyên nhân gây bệnh từ đâu, tạng phủ nào đang bị bệnh. Phương pháp này được áp dụng khá phổ biến trên lâm sàng và mang lại hiệu quả điều trị nhanh.

  1. Triệu chứng.

2.1. Đau đầu do ngoại cảm.

– Do phong tà: Đau đầu có tính chất cấp tính, đột ngột đau dữ dội, đau theo cơn có lúc dịu đi, kèm theo choáng váng, hoa mắt, có thể có sốt, sợ gió( ố phong). Mạch phù huyền, hữu lực. Mạch Phù sác (Phong nhiệt); Phù khẩn (Phong hàn).

– Do nhiệt tà (còn gọi là thử bệnh): Đau đầu đau dữ dội, liên tục. Mặt đỏ, mắt đỏ, rêu lưỡi vàng dầy, khô, hơi thở hôi. Cảm giác nóng bức, sốt ra nhiều mồ hôi, miệng khát, thích uống nước lạnh và chườm lạnh, tiểu tiện bí kết (nước tiểu ít, mầu đỏ), táo bón, mạch hồng sác.

– Do thấp tà: Đau nhức nặng, liên tục, trời ẩm thấp (nồm) đau tăng lên, toàn thân nặng nề, đầy bụng, ăn chậm tiêu, có thể có rối loạn tiêu hóa. Mạch phù hoạt hoặc hoãn tế.

- Do hàn tà: đau đầu có tính chất cấp tính sau nhiễm lạnh, đau dữ dội, buốt như xuyên xuống răng, nhức buốt, chân tay lạnh, sợ lạnh, thích uống nước ấm, ủ ấm. Mới bị thì mạch phù, khẩn, lâu hơn thì mạch trầm trì.

2.2.Đau đầu do nội thương.

– Do khí hư: Hơi thở ngắn, yếu, đau đầu nhiều về buổi sáng, về chiều nhẹ hơn, đau tăng khi phải tập trung suy nghĩ, khi lao động nặng, có lúc đầu như trống không, mệt mỏi, chân tay không buồn nhấc lên. Ăn uống kém, mạch phù đoản hoặc trầm nhược .

-Do huyết hư: Sắc mặt vàng nhợt, môi miệng xanh bạc. Đau đầu không dữ dội chỉ đau lâm râm cả ngày ở thái dương và đuôi lông mày, thỉnh thoảng đau chói như xuyên qua đầu, về trưa đau tăng lên. Tinh thần bị rối loạn, hay sợ sệt, cơ thể suy nhược ăn uống kém. Mạch trầm, tế sác, vô lực.

– Do đàm thấp đình trệ ở trung tiêu: Gò má đỏ, ít nói, dáng chậm chạp, béo bệu( khí trệ). Đau đầu nhức nặng, choáng váng, mình mẩy nặng nề, nôn nao, buồn nôn, tức ngực, đầy bụng, ho khạc nhiều đờm. Mạch trầm hoạt.

-Do huyễn vựng: Bốc hỏa, mặt đỏ, đầu đau nhức nặng, choáng váng mắt tối sầm, khi bị kích thích (bị xúc phạm) thì phát cơn đau dữ dội đau tức lan sang hai mạn sườn. Kèm theo đau lưng, mỏi gối, có thể di mộng tinh (nam trẻ tuổi), khí hư bạch đới (nữ). Mạch: Huyền nhược (chứng hư); Hoạt sác (chứng thực).

2.3. Đau đầu do bệnh dịch

Y văn cổ có ghi chép về chứng đau đầu này. Triệu chứng ngoài đau đầu có thể kèm theo sốt, phát ban, đi ngoài,… bệnh có tính chất lây truyền, dễ tạo thành dịch, thường gặp khi thời tiết giao mùa nên có y văn còn quy vào chứng ôn bệnh.

  1. Điều trị đau đầu bằng châm cứu

Pháp điều trị: Tùy nguyên nhân mà có thể dùng các pháp sau: Khu phong, tán hàn, thanh nhiệt tả hỏa, trừ đàm, hóa thấp, bổ dưỡng khí huyết, thông kinh hoạt lạc.

3.1. Do ngoại cảm:

– Do phong tà: Châm tả Bách hội, Thượng tinh, Thái dương, Phong trì, Phong phủ, Hợp cốc, Ngoại quan, Liệt khuyết.

– Do nhiệt (Hỏa) tà: Chích huyết ở Thái dương, Đầu duy, Ủy trung, Hợp cốc, sau châm tả Hành gian, Khúc trì.

– Do thấp tà: Châm tả Bách hội, Thượng tinh, Thái dương, Khúc trì, kết hợp với bổ: Tỳ du, Trung quản, Nội đình, Túc tam lý, Phong long.

– Do hàn tà: Ôn châm hoặc cứu: Bách hội, Thượng tinh, Thái dương, Phong trì, Phong phủ, Hợp cốc, Ngoại quan. Nếu có các triệu chứng kèm theo khác như: Ngạt mũi, chảy nước mũi thì châm Quyền liêu, Nghinh hương. Ho thì châm Thiên đột, Khí xá, Phế du, Liệt khuyết. Đau bụng, sợ lạnh thì cứu Tỳ du ,Vị du, Quan nguyên, Khí hải…

– Do Đàm: Châm tả Bách hội, Toản trúc, Phong long, Liệt khuyết, hoặc Nội quan, Phong trì, Ngoại quan, Trung quản.

3.2. Do nội thương

– Do Huyết hư: Châm tả Bách hội, Đầu duy, Khúc trì, Hợp cốc, Can du. Đồng thời châm bổ: Huyết hải, Cách du, Thái xung, Tam âm giao, Túc tam lý.

– Do Khí hư: Ôn châm hoặc cứu Bách hội, Trung quản, Quan nguyên, Khí hải, Thái khê, Tam âm giao, Túc tam lý.

– Do suy giảm chức năng của Tỳ, Phế, Thận gây đàm thấp trở trệ: Châm tả Bách hội, Phong long, Liệt khuyết, Nội quan, Phong trì, Ngoại quan. Bổ Tỳ du, Vị du, Thận du, Quan nguyên, Khí hải, Thái bạch, Tam âm giao, Túc tam lý.

– Do huyễn vựng, chứng hư: Cứu Bách hội, Túc tam lý, Thái dương và châm bổ: Thận du, Quan nguyên

+ Nếu huyết áp thấp thì châm bổ: Nhân nghinh, Hợp cốc. Chứng thực thì châm tả: Phong trì, Hợp cốc, Phong long, Thượng tinh và thịch huyết Thái dương.

+ Nếu huyết áp cao thì châm tả Khúc trì, Túc tam lý, Thái xung, Thái dương.

+ Nếu âm hư, can mạnh thì châm tả: Can du, Hành gian, Phong trì. Do đàm hỏa quấy rối thì châm tả: Giải khê, Phong long, Nội quan, Trung quản.

  1. Liệu trình

Liệu trình ngày 1 lần, mỗi lần từ 15 – 20 phút, có thể điện châm kết hợp với thủy châm vitamin nhóm B, các thuốc tăng tuần hoàn não hoặc bổ não như Cerebrolysin… Khi thủy châm nên chọn các huyệt ở vùng nhiều cơ và test trước thủy châm.

Với bệnh nhân đau đầu cần phải khám kỹ để tìm nguyên nhân và loại trừ các tổn thương thực thể, chẩn đoán xác định, kịp thời xử trí tránh những sai sót và tai biến trong điều trị bệnh. Kết hợp với động viên giúp đỡ người bệnh để bệnh nhân thoải mái tinh thần và an tâm điều trị.

  1. Điều trị đau đầu tại Đơn vị điều trị bằng phương pháp mới

Đơn vị điều trị bằng phương pháp mới trực thuộc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến – Bệnh viện Châm cứu Trung ương là một trong những đơn vị đi đầu trong việc kết hợp nhiều phương pháp vào chẩn đoán và điều trị. Nhằm mục tiêu giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian điều trị. Ngoài các phương pháp châm cứu truyền thống, hiện đơn vị đã và đang áp dụng nhiều phương pháp cải tiến từ kỹ thuật truyền thống (cứu hộp, cứu mổi, cứu điếu) và đưa vào điều trị nhiều phương pháp khác như trung tần, cao ngải cứu, chích lể, tự huyết,… mang lại kết quả điều trị cao, được bệnh nhân tin tưởng.

Từ khóa » đau đầu đi Châm Cứu