Điều Trị Sẹo Lồi | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

Sẹo lồi và sẹo phì đại được đặc trưng bởi sự tăng sinh tại chỗ nguyên bào sợi và sản xuất collagen quá mức trong quá trình lành vết thương. Hai loại sẹo này thường xảy ra sau một tổn thương da như: vết rách da, xăm, bỏng, chích ngừa, sau phẫu thuật… hay do những bất thường của da do quá trình viêm như mụn trứng cá, nhiễm trùng da, côn trùng cắn.

Các phương pháp điều trị sẹo lồi

Tiêm corticoidsteroids nội tổn thương:

  • Cơ chế tác dụng: corticoid có tác dụng làm giảm tổng hợp collagen và glycosaminoglycan, ức chế tăng sinh nguyên bào sợi.
  • Chỉ định: điều trị sẹo phì đại và sẹo lồi bằng corticoid đơn độc tiêm nội tổn thương, Phối hợp với liệu pháp lạnh, tiêm corticoid sau phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi/phì đại. Phương pháp này có hiệu quả nhất với những sẹo đang hoạt động (đỏ, ngứa hoặc đau).
  • Tác dụng không mong muốn có thể gặp bao gồm đau khi tiêm, teo mô dưới da, dãn mạch, rồi loạn sắc tố, lắng động tinh thể màu trắng tại vị trí tiêm.
  • Phương pháp có tỉ lệ đáp ứng khá cao: 50 – 100%, tỉ lệ tái phát 9 – 50%.
  • Có thể kết hợp với liệu pháp lạnh và phẫu thuật cắt bỏ sẹo.

sẹo lồi

Interferon:

  • Interferon alpha và gamma ức chế tổng hợp collagen loại I và III thông qua khử acid ribonucleic thông tin nội bào.
  • Tác dụng không mong muốn: tốn kém, triệu chứng giống cúm.
  • Thường được dùng như một biện pháp điều trị kết hợp.

Liệu pháp lạnh:

  • Cơ chế tác dụng: tác động lạnh vào vi tuần hoàn gây ra những thay đổi như huyết khối, chết tế bào do thiếu máu liên tục.
  • Chất hay được sử dụng nhất là nito lỏng.
  • Tác dụng không mong muốn bao gồm đau khi tiêm, mất sắc tố. Tỉ lệ đáp ứng 62.5%. Sẹo phì đại đáp ứng tốt hơn so với sẹo lồi.

Phẫu thuật thẩm mỹ

  • Cơ chế tác dụng: làm dãn sẹo, cắt đứt vòng xoắn giữa sức căng của sẹo và tình trạng tiếp tục tăng độ dày sẹo do kích thích sản xuất collagen liên tục.
  • Thường được chỉ định với những sẹo phì đại kéo dài hơn 1 năm hoặc dưới 1 năm nếu ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ; sẹo lồi lớn, đáy nhỏ, sẹo lồi thất bại với các phương pháp điều trị khác.
  • Tác dụng không mong muốn: nhiễm trùng vết mổ, hoại tử vạt da hay miếng da vá, Sẹo lớn hơn trước phẫu thuật. Tỉ lệ tái phát cao 45 – 100%, thường kết hợp với các phương pháp điều trị khác để làm giảm tỉ lệ tái phát.

Laser xâm lấn: laser CO2, laser Er: YAG

  • Cơ chế tác dụng: gây bốc bay hơi nước (laser CO2) hoặc cắt bỏ tổ chức (laser Er YAD).
  • Chỉ định: sẹo phì đại không còn hoạt động. Điều trị đơn độc không được khuyến cáo với sẹo lồi.
  • Tác dụng không mong muốn: bào mòn, rỉ dịch, đóng vảy tiết và đỏ kéo dài, Thay đổi sắc tố sau điều trị.

Laser không xâm lấn: PDL (585nm hoặc 595nm)

  • Cơ chế tác dụng: làm đông vón, hoại tử các mạch máu nhỏ, gây thoái triển sẹo.
  • Cải thiện khoảng 50 – 80% sau 2 lần điều trị.
  • Ít được sử dụng.

Một số phương pháp nội khoa khác được áp dụng như:

  • Băng keo Flurandrenolide (Cordran) được dán trên sẹo lồi trong 12-20 giờ một ngày thường làm cho sẹo lồi mềm dần và phẳng lại. Cordran còn có tác dụng làm vết sẹo hết ngứa. Dùng lâu dài có thể gây teo da.
  • Bleomycin (1mg/ml; 0,1-1 ml) được tiêm trực tiếp vào sẹo để điều trị những sẹo lồi nhỏ. Thuốc có thể làm thoái triển hoàn toàn vài sang thương.
  • Thuốc mỡ hoặc gel Clobetasol, bôi hai ngày một lần, có thể làm mềm và/hoặc làm phẳng sẹo lồi, giúp bệnh nhân hết ngứa, hết cảm giác đau hay khó chịu do sẹo lồi. Dùng lâu dài thuốc sẽ gây mất sắc tố, teo da và giãn mạch.
  • Tacrolimus một lựa chọn trong điều trị sẹo lồi. Một nghiên cứu phát hiện có sự tăng gen ung thư gli-l (glioma-associated oncogene homolog 1) trong các sẹo lồi nhưng trong các mô sẹo bình thường thì không có hiện tượng này. Vì Tacrolimus có thể ngăn chặn gen gli-1 nên được ứng dụng điều trị sẹo lồi. Cần có những nghiên cứu lâu dài và lớn hơn để xác định hiệu quả của liệu pháp này.
  • Methotrexate kết hợp với cắt bỏ sẹo phòng tránh được sự tái phát. Cho người bệnh uống 15-20 mg Methotrexate mỗi lần, 4 ngày bắt đầu từ tuần trước phẫu thuật và liên tục trong 3-4 tháng sau khi vết cắt lành.
  • Pentoxifylline (Trental) 400 mg 3lần/ngày cũng khá thành công trong dự phòng tái phát sẹo lồi đã cắt. Cơ chế tác động của thuốc chưa được hiểu đầy đủ, nhưng có thể do tuần hoàn tăng, quét sạch những yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi.
  • Colchicine đã được dùng để điều trị và dự phòng tái phát sẹo lồi bằng cách ức chế tổng hợp collagen, phá vỡ các vi ống và kích thích collagenase.
  • Vì kẽm bôi ngoài da ức chế Lysyl oxidase và kích thích collagenase, nên được dùng để điều trị sẹo lồi, nhưng thành công còn hạn chế.
  • Tretinoin bôi 2 lần/ngày làm giảm ngứa và những triệu chứng khác của sẹo lồi, có thể làm thoái triển sẹo lồi một phần nào.
  • Một số thuốc khác đã được thử nghiệm nhưng thành công còn hạn chế hoặc tỷ lệ nguy cơ/lợi ích còn đáng ngờ là Verapamil, Cyclosporine, D-penicillamine, Relaxin tiêm vào sẹo lồi.

Thông tin liên hệ

  • Khoa Phẫu Thuật Tạo Hình Thẩm Mỹ - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Facebook Fanpage: Thẩm Mỹ Ngoại Khoa - BV Nguyễn Tri Phương
  • Đăng ký (Subcribe) kênh Youtube: https://youtube.com/bvntp
  • ☎ Hotline tư vấn - đặt lịch: 0707 16 17 18

Từ khóa » Bôi Corticoid Trị Sẹo Lồi