Điều Trị Vàng Da Bằng Chiếu đèn Là Gì? Chi Tiết Quy Trình điều Trị

Điều trị vàng da bằng chiếu đèn thường được áp dụng cho trẻ sơ sinh. Ai cũng từng nghe nói tới phương pháp này nhưng tác dụng, quy trình ra sao thì không nhiều người nắm rõ. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu chi tiết về cách điều trị này.

5/5 - (326 bình chọn)
  1. 1. Điều trị vàng da bằng chiếu đèn là gì?
  2. 2. Chỉ định và chống chỉ định
  3. 3. Quy trình chiếu đèn chữa vàng da
    1. 3.1. Thăm khám và chỉ định
    2. 3.2. Chuẩn bị trước khi chiếu đèn
    3. 3.3. Tiến hành điều trị vàng da bằng chiếu đèn
    4. 3.4. Đánh giá sau chiếu đèn trị vàng da
  4. 4. Tác dụng phụ của điều trị vàng da bằng chiếu đèn
  5. 5. Chi phí chiếu đèn vàng da
  6. 6. Chăm sóc cho trẻ điều trị vàng da bằng chiếu đèn

1. Điều trị vàng da bằng chiếu đèn là gì?

Chiếu đèn trị vàng da là phương pháp sử dụng ánh sáng nhìn thấy được để điều trị vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh. Chứng bệnh này xảy ra do lượng bilirubin trong máu vượt quá mức cho phép. Từ đó dẫn tới bilirubin xâm nhập vào da làm da đổi sang vàng. Hiện tượng này kéo dài trong khoảng 1- 2 tuần sau sinh đi kèm thiếu máu, bỏ bú, ngủ nhiều, gan lách to. Vàng da bệnh lý thường xuất hiện ở trẻ sinh non, nhiễm khuẩn, bất đồng nhóm máu với mẹ… Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới biến chứng nguy hiểm. 

Tác dụng của chiếu đèn trong vàng da là giảm lượng bilirubin bằng cách dùng ánh sáng đi qua da, tác động vào phân tử bilirubin trong mô dưới da. Từ đó chuyển hóa bilirubin thành photobilirubin có khả năng tan trong nước để dễ dàng đào thải qua đường nước tiểu. Chữa vàng da bằng chiếu đèn sử dụng ánh sáng trắng hoặc xanh với bước sóng từ 400 – 500nm.

Điều trị vàng da bằng chiếu đèn

2. Chỉ định và chống chỉ định

Câu trả lời cho vàng da sinh lý có cần chiếu đèn không là không. Bởi phương pháp điều trị vàng da sơ sinh này chỉ áp dụng cho trường hợp vàng da bệnh lý. Nó được chỉ định đối với trường hợp hội đủ tiêu chí sau:

– Trẻ bị vàng da trong 24 giờ sau sinh

– Vàng da tăng bilirubin gián tiếp

– Chưa xuất hiện dấu hiệu nhiễm độc thần kinh

– Dự phòng vàng da đối với trẻ sinh non, xuất huyết mức độ nặng, có bướu máu

Đối tượng không được chỉ định phương pháp này là:

– Vàng da tăng bilirubin trực tiếp

– Mắc bệnh porphyrin niệu bẩm sinh

3. Quy trình chiếu đèn chữa vàng da

Phương pháp chiếu đèn điều trị vàng da được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt. Hiện có cha mẹ lựa chọn chiếu đèn chữa vàng da tại nhà. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả tốt nhất là nên cho trẻ tới các cơ sở y tế uy tín. 

3.1. Thăm khám và chỉ định

Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, tiến hành xét nghiệm máu để quyết định xem trẻ có phù hợp với phương pháp này không. Nếu có chỉ định chiếu đèn, bé sẽ được nhập viện để điều trị. 

3.2. Chuẩn bị trước khi chiếu đèn

Trẻ sẽ được nằm trong lồng ấp có gắn đèn chiếu. Môi trường chiếu đèn phải đảm bảo vô khuẩn, thoáng khí và ấm áp. Để ủ ấm cho trẻ có thể dùng thêm đèn sưởi.

Mắt trẻ sẽ được che lại bằng miếng che bảo vệ mắt khỏi ánh sáng từ đèn chiếu. Trẻ sẽ được mặc tã, bỉm để bảo vệ bộ phận sinh dục. Phần cơ thể của trẻ sẽ được để lộ. Nguyên tắc là đảm bảo nhiều vùng da nhất có thể được tiếp xúc với đèn. Trước khi chiếu đèn tốt nhất nên cho trẻ bú sữa.   

Quy trình chiếu đèn chữa vàng da

Trẻ sẽ được mặc bỉm và đeo miếng che bảo vệ mắt

3.3. Tiến hành điều trị vàng da bằng chiếu đèn

Trẻ sẽ được để vào lồng ấp ở chính giữa khu vực chiếu sáng. Trẻ có thể được chiếu đèn một mặt phía ngực với hệ thống 1 dàn đèn. Hoặc trẻ được chiếu đèn hai mặt ở cả lưng và ngực với hệ thống 2 dàn đèn. Khoảng cách từ đèn đến trẻ là từ 30 – 50cm. Bật công tắc đèn và điều chỉnh nhiệt độ đèn phù hợp. 

Trong quá trình chiếu đèn, trẻ sẽ được thay đổi tư thế. Nếu trẻ bị tăng thân nhiệt sẽ tạm thời ngừng chiếu trong 30 phút đến 1 giờ. Khi thân nhiệt trẻ ổn định trở lại sẽ tiếp tục chiếu đèn.  

Vậy chiếu đèn trị vàng da trong bao lâu? Thời gian soi đèn trị vàng da còn tùy thuộc vào mức độ vàng da lâm sàng của trẻ cũng như nồng độ bilirubin. Đặc biệt là khả năng đáp ứng điều trị của bé. Thông thường chiếu đèn điều trị vàng da sơ sinh sẽ kéo dài trong vài giờ hoặc một ngày. Tuy nhiên, có những trẻ phải chiếu đèn 3 – 4 ngày. Thời gian chiếu đèn sẽ liên tục theo chỉ định, chỉ bị gián đoạn khi trẻ được cho bú và thay tã. 

3.4. Đánh giá sau chiếu đèn trị vàng da

Sau khi chiếu đèn, trẻ sẽ được xét nghiệm bilirubin máu sau mỗi 12 – 24 giờ. Nếu tình trạng vàng da giảm và nồng độ bilirubin trở về chỉ số cho phép thì không cần chiếu đèn thêm. Ngược lại, nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm, có thể kết hợp chiếu 2 hoặc 3 đèn cùng lúc và kéo dài thời gian điều trị. 

Nếu sau quá trình điều trị chiếu đèn vẫn bị vàng da thì bác sĩ sẽ xem xét chuyển phương pháp khác. Trong đó phải kể đến thay máu. Đây là phương pháp được sử dụng khi trẻ bị vàng da ở mức độ nặng, đã thất bại điều trị với liệu pháp chiếu đèn hoặc có triệu chứng thần kinh đi kèm. Phương pháp này dùng máu có ít bilirubin và phù hợp với nhóm máu của trẻ sẽ được truyền vào để thay thế cho phần máu chứa bilirubin cao. 

4. Tác dụng phụ của điều trị vàng da bằng chiếu đèn

Nhiều cha mẹ băn khoăn liệu chiếu đèn chữa vàng da có hại không. Trên thực tế, phương pháp này khá an toàn tuy nhiên có thể sẽ gây ra một số tác dụng phụ như:

– Tăng thân nhiệt, rối loạn thân nhiệt

– Mất nước

– Phân xanh

– Da mẩn đỏ

– Da đổi màu nâu xám hay còn có tên gọi là hội chứng da màu đồng

Tuy nhiên, các tác dụng phụ này khá hiếm gặp. Nếu xuất hiện bác sĩ cũng sẽ áp dụng một số biện pháp để giảm thiểu các tình trạng kể trên. 

Tác dụng phụ của điều trị vàng da bằng chiếu đèn

Da trẻ có thể bị nổi mẩn đỏ

5. Chi phí chiếu đèn vàng da

Chi phí này sẽ bao gồm cả tiền thăm khám, xét nghiệm và tiền thực hiện chiếu đèn tính theo lần hoặc ngày. Mức giá ở mỗi cơ sở y tế vào mỗi thời điểm khác nhau sẽ ít nhiều có sự khác biệt. Tuy nhiên, điều trị vàng da bằng chiếu đèn được đánh giá là có mức chi phí khá rẻ so với các phương pháp khác.

6. Chăm sóc cho trẻ điều trị vàng da bằng chiếu đèn

– Cha mẹ cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, phối hợp với bác sĩ trong quá trình chữa trị cho bé. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào kể cả vấn đề theo dõi và chăm sóc trẻ hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ.

– Trong thời gian điều trị, mẹ cần cho bé bú nhiều hơn sữa mẹ hoặc sữa công thức vì chiếu đèn khiến trẻ mất nước và cần nhiều dinh dưỡng hơn. Lượng sữa cần tăng lên là khoảng từ 10 – 20% hoặc nhiều hơn theo nhu cầu của trẻ. Có thể tăng lượng bú mỗi cữ hoặc tăng cữ bú. Đối với một số trường hợp, trẻ không hợp tác bú nhiều hơn có thể phải truyền dịch.

– Theo dõi sát biểu hiện của trẻ. Nếu thấy dấu hiệu bất thường nào như trẻ thay đổi màu da, quấy khóc, bỏ bú, khó thở, mê man… hãy thông báo ngay với bác sĩ.

– Tái khám theo lịch hẹn. 

Chăm sóc cho trẻ điều trị vàng da bằng chiếu đèn

Mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn bình thường

Trên đây là những thông tin cơ bản về điều trị vàng da bằng chiếu đèn. Điều quan trọng là cần tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào hãy gọi tới tổng đài 0343 44 66 99 để được giải đáp.

Từ khóa » Da ánh Vàng