Theo đó, quy định chung khung định biên an toàn tối thiểu đối với tàu biển Việt Nam như sau:
Định biên an toàn tối thiểu bộ phận boong theo tổng dung tích (GT): Bố trí 01 thuyền trưởng đối với tất cả các tàu biển; chức danh đại phó được bố trí đối với tàu biển có tổng dung tích từ 50 GT trở lên; sỹ quan boong: bố trí 01 người đối với tàu biển có tổng dung tích từ 500 GT đến 3000 GT, 02 người đối với tàu có GT từ 3000 trở lên; Sỹ quan vô tuyến điện GMDSS (Hệ thống thông tin an toàn và cứu nạn hàng hải toàn cầu) là 01 người đối với tàu có tổng dung tích từ 500 GT trở lên (Trường hợp sỹ quan boong có chứng chỉ chuyên môn phù hợp để đảm nhiệm nhiệm vụ khai thác thiết bị vô tuyến điện GMDSS trên tàu thì không phải bố trí chức danh Sỹ quan vô tuyến điện GMDSS); bố trí 01 thủy thủ trực ca AB đối với tất cả các tàu biển; bố trí 01 thủy thủ trực ca OS đối với tàu biển có tổng dung tích từ 500 GT trở lên. Như vậy, định biên an toàn tối thiểu bộ phận boong theo tổng dung tích như sau: Tàu dưới 50 GT là 02 định biên, tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT là 03 định biên, tàu từ 500 GT đến dưới 3000 GT là 06 định biên, tàu từ 3000 GT trở lên là 07 định biên.
Định biên an toàn tối thiểu bộ phận máy theo tổng công suất máy chính như sau: Bố trí 01 máy trưởng đối với tất cả các loại tàu; bố trí 01 máy hai đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW đến dưới 3000 kW trở lên; bố trí 01 sỹ quan máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 75kW trở lên; thợ máy trực ca AB: Bố trí 01 người đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW đến dưới 3000 kW, 02 người đối với tàu từ 3000 kW trở lên; bố trí 01 thợ máy trực ca Oiler đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên. Như vậy, định biên an toàn tối thiểu bộ phận máy theo tổng công suất máy chính như sau: Tàu dưới 75 kW là 01 người, tàu từ 75 kW đến dưới 750 kW là 03 người, tàu từ 750 kW đến dưới 3000 kW là 05 người, tàu từ 3000 kW trở lên là 06 người.
Đối với tàu có thiết bị điện phức tạp, đa dạng thì chủ tàu có thể bố trí sỹ quan kỹ thuật điện, thợ kỹ thuật điện.
Trong một số trường hợp đặc biệt, định biên an toàn tối thiểu như sau: Đối với tàu lai dắt, tàu công trình hoạt động thường xuyên trong một khu vực nhất định, với thời gian hoạt động ngắn, trên cơ sở đề xuất bằng văn bản của chủ tàu: Cơ quan đăng ký tàu biển quyết định định biên an toàn tối thiểu của tàu phù hợp với thực tế sử dụng, khai thác tàu, bảo đảm định biên an toàn tối thiểu không thấp hơn 01 thuyền trưởng, 01 sỹ quan boong, 01 thủy thủ trực ca AB; 01 máy trưởng, 01 sỹ quan máy, 01 thợ máy trực ca AB. Đối với tàu lai dắt, tàu công trình nhỏ, có khung định biên an toàn tối thiểu thấp hơn số lượng quy định tại điểm này thì không điều chỉnh giảm. Đối với sà lan không tự hành, không kết cấu buồng sinh hoạt cho thuyền viên định biên an toàn tối thiểu là 0 (không) người; quá trình hoạt động, luôn phải có tàu lai, kéo hỗ trợ để bảo đảm an toàn theo quy định. Đối với tàu khách và tàu khách Ro-Ro, ngoài định biên chung, phải bố trí thêm: 01 (một) thuyền viên phụ trách hành khách với tàu có sức chở đến 200 hành khách, 02 (hai) thuyền viên phụ trách hành khách với tàu có sức chở đến 300 hành khách, 03 (ba) thuyền viên phụ trách hành khách với tàu có sức chở đến 500 hành khách, 4 (bốn) thuyền viên phụ trách hành khách với tàu có sức chở trên 500 hành khách, số lượng thuyền viên phụ trách hành khách được ghi rõ trong phần ghi chú của Giấy chứng nhận định biên an toàn tối thiểu. Đối với tàu biển công vụ, tàu đưa đón hoa tiêu, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động và các loại tàu biển có tính năng đặc biệt, trên cơ sở đề xuất bằng văn bản của chủ tàu, Cơ quan đăng ký tàu biển quyết định định biên an toàn tối thiểu của tàu phù hợp với thực tế sử dụng, khai thác tàu. Văn bản đề xuất của chủ tàu nêu rõ các chức danh, số lượng thuyền viên cần thiết để bảo đảm an toàn cho tàu hoạt động, thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên.
Giấy chứng nhận định biên an toàn tối thiểu do Cơ quan đăng ký tàu biển nơi tàu biển đăng ký cấp đồng thời khi tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển.
Chủ tàu có trách nhiệm bố trí thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam đáp ứng các điều kiện theo quy định. Việc bố trí thuyền viên đảm nhiệm chức danh trên tàu biển Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu: Phải có chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Không được bố trí thuyền viên đảm nhiệm chức danh cao hơn chức danh và hạn chế chức danh ghi trong GCNKNCM. Thuyền viên có GCNKNCM sỹ quan boong; sỹ quan máy trở lên được phép đảm nhận chức danh thủy thủ trực ca OS, thủy thủ trực ca AB; thợ máy trực ca Oiler, thợ máy trực ca AB. Thuyền viên được bố trí làm việc trên tàu chở dầu, tàu chở hóa chất, tàu chở khí hóa lỏng, tàu khách, tàu khách Ro-Ro, tàu hoạt động trên vùng cực và tàu cao tốc thì ngoài GCNKNCM và các GCNHLNV cần phải có khi làm việc trên tàu biển thông thường, còn phải có GCNHLNVĐB tương ứng với từng chức danh trên loại tàu đó.
Nguyên tắc bố trí chức danh trong một số trường hợp đặc biệt: Trong trường hợp tàu đang hành trình trên biển mà thuyền trưởng, máy trưởng không còn khả năng đảm nhiệm chức năng, chủ tàu, người khai thác tàu có thể bố trí đại phó, sỹ quan máy có chức danh cao nhất thay thế thuyền trưởng hoặc máy trưởng để có thể tiếp tục chuyến đi nhưng chỉ đến cảng tới đầu tiên. Thuyền trưởng tàu khách phải có thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của tàu không phải là tàu khách cùng hạng tối thiểu 24 tháng hoặc đã đảm nhiệm chức danh đại phó tàu khách tối thiểu 24 tháng.