Đinh Bộ Lĩnh Dẹp Loạn 12 Sứ Quân - .vn

Donate to VNFoundation Project name
  • Trang chủ
  • Tra cứu tài liệu
  • Đóng góp
  • Giới thiệu
    • English
  • Đăng ký
  • Đăng nhập

Đăng nhập

  • Ghi nhớ
  • Quên mật khẩu?
Đăng nhập Bạn chưa có tài khoản? Hãy đăng ký. Tên đăng nhập hoặc mật khẩu chưa đúng TÀI LIỆU Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân Social Sciences 0

Loạn 12 sứ quân là một giai đoạn loạn lạc của lịch sử Việt Nam, xen giữa nhà Ngô và nhà Đinh. Giai đoạn này hình thành và phát triển kể từ khi Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, các nơi không chịu thuần phục, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng và đem quân đánh chiếm lẫn nhau. Loạn 12 sứ quân kéo dài hơn 20 năm (944-968) và kết thúc khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử.

Năm 944, Ngô Quyền mất, uỷ thác con trưởng là Ngô Xương Ngập cho Dương Tam Kha - em của Dương hậu. Dương Tam Kha cướp ngôi, tự lập mình làm vua, xưng Dương Bình Vương. Ngô Xương Ngập chạy về nhà một hào trưởng - Phạm Lệnh Công ở làng Trà Hương - Nam Sách (Hải Dương). Phạm Lệnh Công che chở cho Ngô Xương Ngập, đã ba lần đưa Ngô Xương Ngập vào rừng núi Hun Sơn đào mà trú ẩn, Dương Tam Kha ba lần sai quân đi bắt Ngô Xương Ngập mà không được. Dương Tam Kha lấy Ngô Xương Văn, con thứ hai của Ngô Quyền và Dương Như Ngọc, làm con nuôi. Từ khi Dương Tam Kha lấy ngôi của nhà Ngô, nhiều nơi không chịu thuần phục, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng thường đem quân đánh chiếm lẫn nhau.

Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh Thái Bình. Ngô Xương Văn dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha. Xương Văn không giết Tam Kha, chỉ giáng xuống làm Chương Dương công.

Năm 950, Ngô Xương Văn tự xưng làm Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ngô Xương Văn cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập về. Được Dương thái hậu chuẩn tấu, Ngô Xương Ngập cũng làm vua, là Thiên Sách Vương. Lúc đó cùng tồn tại hai vua Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương. Sử sách gọi là Hậu Ngô Vương.

Nhưng năm 954, Ngô Xương Ngập bị thượng mã phong mà chết, chỉ còn một vua là Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn. Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình bị phục binh bắn nỏ chết. Con của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí nối nghiệp, nhưng thế lực ngày càng yếu kém phải lui về giữ đất Bình Kiều.

Từ 966 hình thành đầy đủ 12 sứ quân chiếm giữ các địa phương:

  1. Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều (Triệu Sơn - Thanh Hóa) .
  2. Đỗ Cảnh Thạc tự xưng là Đỗ Cảnh Công, giữ Đỗ Động Giang (Thanh Oai, Hà Nội)
  3. Trần Lãm tự xưng là Trần Minh Công, giữ Bố Hải Khẩu - Kỳ Bố (Thái Bình)
  4. Kiều Công Hãn tự xưng Kiều Tam Chế, giữ Phong Châu - Bạch Hạc (Việt Trì-Lâm Thao, Phú Thọ)
  5. Nguyễn Khoan tự xưng Nguyễn Thái Bình, giữ Tam Đái (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)
  6. Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)
  7. Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng, giữ Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh)
  8. Nguyễn Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh Công, giữ Tiên Du (Bắc Ninh)
  9. Lã Đường tự xưng là Lã Tá Công, giữ Tế Giang (Văn Giang, Hưng Yên)
  10. Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội)
  11. Kiều Thuận tự xưng là Kiều Lệnh Công, giữ Hồi Hồ - Cẩm Khê (Phú Thọ)
  12. Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át, giữ Đằng Châu (Hưng Yên)

Trong các sứ quân trên:

  • Ngô Xương Xí và Ngô Nhật Khánh là quý tộc nhà Ngô; Phạm Bạch Hổ, Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hãn là tướng nhà Ngô; các sứ quân còn lại được xác định là các thủ lĩnh địa phương[2].
  • Một số trong 12 thủ lĩnh cát cứ có gốc là người Hoa: Đỗ Cảnh Thạc gốc người Quảng Lăng, Trần Lãm là người gốc Quảng Đông; Nguyễn Khoan, Nguyễn Siêu, Nguyễn Thủ Tiệp là 3 anh em gốc người Phúc Kiến[3].
  • Lực lượng sứ quân Trần Lãm sau khi sứ tướng mất hợp nhất về với sứ quân Đinh Bộ Lĩnh.
  • Kiều Công Hãn, Kiều Thuận là 2 anh em, cháu nội Kiều Công Tiễn.

Ngoài trừ vị trí Bình Kiều của Ngô Xương Xí, nhà nghiên cứu Lê Văn Siêu chỉ ra rằng hầu hết lãnh địa của các sứ quân đều dọc theo sông Hồng và sông Đuống, nơi có ruộng đất phì nhiêu, dân cư đông đúc và thuận tiện giao thông đường thủy. Lê Văn Siêu cho rằng loạn 12 sứ quân trong đó nhiều sứ quân nổi dậy không phải vì lý do tranh bá đồ vương mà vì lý do kinh tế; Đại Việt sử ký toàn thư ghi về sự kiện này:

Nam Tấn Vương mất, các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ

Nguyên nhân chính là các sứ quân người gốc Hoa ở phương Bắc chạy loạn về phía nam để thử thời vận và không được sự hậu thuẫn nào từ chính quốc. Các sứ quân này cũng như các sứ quân người Việt khác, không chủ trương mở đất làm rộng căn cứ mà chỉ cố thủ ở nơi hiểm yếu để chờ biến cố từ phương Bắc. Chỉ có hai sứ quân họ Ngô thực sự có ý đồ khôi phục nhưng lực lượng nhỏ yếu không đủ để thống nhất.

Giáo sư Trần Quốc Vượng coi thời kỳ loạn 12 sứ quân như là “Sự hoài cổ tiền Bắc thuộc”. Theo Giáo sư, Thế kỷ X là một sự đảo lộn chính trị, nhưng khuynh hướng chính là tiến bộ, tiến tới nền tự chủ của nước nhà. Nhiều sử sách Trung Hoa đã nói: “Dân Việt rất khó cai trị, rất thích làm loạn”. Chính quyền trung ương quân chủ nhà Đường suy yếu và chết hẳn vào năm 907 để Trung Hoa mở ra cục diện “Ngũ đại thập quốc” kéo dài hơn nửa thế kỷ X. Đấy là thời cơ thuận tiện để dân Việt nổi dậy dành chính quyền tự chủ mà khởi đầu là họ Khúc ở Hồng Châu vốn là một hào trưởng địa phương. Lợi dụng sự trống chỗ của Tiết độ sứ cai quản an toàn An nam, Khúc Thừa Dụ đã nổi dậy kéo quân về đô hộ và tự xưng Tiết độ sứ năm 905. Khúc Thừa Dụ mất năm 907, con ông là Khúc Hạo chỉ để tang cha có 7 ngày đã bắt tay cầm quyền trị nước, cải cách hành chính, giảm tô thuế để sinh lợi cho dân. Nhưng đến Khúc Thừa Mỹ hèn yếu, bất lực và thần phục nhà Hậu Lương là một trong ngũ đại ở Trung Hoa Khúc Thừa Mỹ đã đi bước lùi của lịch sử vì đã có Đại La (Hà Nội) vẫn không khống chế nổi các hào trưởng địa phương, phải cầu viện ngoại viện nhà Lương. Quân Nam Hán tiến sang, bắt Khúc Thừa Mỹ và đem về Quảng Châu. Nhưng lại có hào trưởng ở Ái Châu là Dương Đình Nghệ diệt tướng Nam Hán, xưng Tiết độ sứ. Hào trưởng Châu Phong là một thế lực lớn ngoại biên gần châu thổ sông Hồng đã kéo quân giết Dương Đình Nghệ. Ngô Quyền là con rể Dương Đình Nghệ - đã kết liễu Kiều Công Tiễn rồi dẹp giặc bên Nam Hán ở sông Bạch Đằng, dựng lại quyền tự chủ. Sử cũ ghi chép chuyện đánh lẫn nhau rồi bên yếu cầu ngoại viện. Thực chất của cuộc nội chiến này là sự đấu tranh giành quyền lực tối cao trên đất Việt của các thủ lĩnh địa. Chính quyền quân chủ Trung ương nhà Đường suy tàn rồi biến mất tạo ra một khoảng trống quyền lực ở đất Việt (An Nam đô hộ phủ), một cái “hẫng hụt trung ương” mà nhiều hào trưởng địa phương có tham vọng điền vào chỗ trống ấy.

Do vậy thời kỳ “Thập nhị sứ tướng quân” không chỉ như là một cuộc loạn sau thời Ngô Quyền mất. Cái “loạn” ấy có mầm mống ngay sau năm 905, hay còn từ trước đó nữa vì trong số 12 sứ quân mà sử cũ chép theo nhau có đến 2 ông sứ quân họ Kiều là cháu nội của Kiều Công Tiễn ở Phong Châu, 2 ông sứ quân họ Ngô thuộc dòng dõi Ngô Quyền, và ông sứ quân họ Đỗ - Đỗ Cảnh Thạc mà từ đời Đỗ Viện - Đỗ Tuệ Độ thế kỷ thứ IV đã là một thế lực lớn ở Đỗ Động Giang (Thanh Oai – Hà Nội) ...

Tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế ở thành phố Ninh Bình

Đinh Bộ Lĩnh là con nhà quan. Cha mất sớm, ông theo mẹ về quê sinh sống nương nhờ người chú ruột. Lớn lên, Đinh Bộ Lĩnh cũng tập hợp dân chúng ở vùng Hoa Lư chờ thời cơ đến. Đầu tiên ông mở rộng căn cứ của mình từ vùng rừng núi Hoa Lư ra vùng đồng bằng ven biển sông Hồng, bằng cách cùng con trai là Đinh Liễn sang đầu quân trong đạo binh của sứ quân Trần Minh Công, tức Trần Lãm, ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình). Sau đó ông được Trần Minh Công trao binh quyền, đưa quân về Hoa Lư, chiêu mộ binh lính, chống nhà Ngô và các sứ quân khác.

Trong nhiều trường hợp, hoàn cảnh, tùy vào thực trạng mỗi sứ quân mà Đinh Bộ Lĩnh tìm cách đánh thích hợp, hoặc bằng quân sự, hoặc bằng liên kết, hay dùng mưu dụ hàng. Mở đầu sự nghiệp dẹp loạn, Đinh Bộ Lĩnh đã đánh đám loạn thần Lữ Xử Bình và Kiều Tri Hựu ở triều đình Cổ Loa[10]. Với 2 sứ quân họ Ngô là Ngô Nhật Khánh (Hà Nội) và Ngô Xương Xí (Thanh Hóa), Đinh Bộ Lĩnh không tiêu diệt mà dùng kế dụ hàng. Sứ quân Phạm Bạch Hổ (Hưng Yên) cũng tự nguyện về quy phục.

Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc là một sứ quân mạnh, có thành cao hào sâu. Theo thần phả Độc nhĩ đại vương ở Thanh Oai, Đỗ Cảnh Thạc là người trí dũng mưu lược, Đinh Bộ Lĩnh phải bàn mưu tính kế mà đánh. Ban đêm, Đinh Bộ Lĩnh cho quân bao vây 4 mặt thành và tiến đánh bất ngờ vào Trại Quyền. Bấy giờ Đỗ Cảnh Thạc đang ở đồn Bảo Đà, quân tướng không ứng cứu được nhau, bị mất cả thành luỹ, đồn trại, lương thực bèn bỏ thành chạy. Hai bên giao tranh hơn một năm sau, Đinh Bộ Lĩnh hạ được thành. Đỗ Cảnh Thạc bị trúng tên chết.

Sứ quân Nguyễn Siêu chiếm Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội). Được tin Đinh Bộ Lĩnh sắp đánh. Nguyễn Siêu đem 1 vạn quân đóng ở Thanh Đàm dùng Nguyễn Trí Khả làm tiên phong, Trần Côn làm tá dực, Nguyễn Hiền làm tổng quản các đạo quân, ngày đêm luyện tập, đào hào đắp luỹ để phòng bị. Trong trận giao tranh đầu tiên Đinh Bộ Lĩnh bị mất 4 tướng là Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Đinh Thiết và Cao Sơn. Lần thứ 2 Đinh Bộ Lĩnh bày binh bố trận giao chiến. Nguyễn Siêu chia một nửa quân ở lại giữ thành, một nửa cùng sứ tướng vượt sông tìm viện binh của các sứ tướng khác. Gần tới bờ bắc, gặp gió lớn, thuyền bị đắm. Đinh Bộ Lĩnh biết tin, bèn sai võ sĩ nửa đêm phóng lửa đốt doanh trại. Quân Nguyễn Siêu tan. Nguyễn Siêu tử trận.

Sứ quân Kiều Công Hãn đóng tại Phong Châu. Trước thế mạnh của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh, Kiều Công Hãn đem quân xuống phía nam để hợp sức với Ngô Xương Xí. Khi đến thôn Vạn Diệp (Xã Nam Phong, Nam Trực, Nam Định) bị một hào trưởng địa phương là Nguyễn Tấn đem quân chặn đánh, Kiều Công Hãn bị thương chạy đến Lũng Kiều thì mất.

Theo thần tích làng Tiên Xá thì Nguyễn Thủ Tiệp ở Tiên Du cũng không chống nổi Đinh Bộ Lĩnh, bỏ chạy về Cần Hải (Cửa Cồn, Quỳnh Lưu, Nghệ An) đánh nhau vài trận rồi chết ở trang Hương Ái.

Theo thần tích ở xã Bình Sơn (Thuận Thành, Bắc Ninh) thì Lý Khuê đánh nhau với Đinh Bộ Lĩnh bị thua và mất ở làng Dương Xá. Căn cứ vào chính sử và các nguồn tài liệu của các nhà nghiên cứu thì các sứ quân Nguyễn Khoan, Lã Đường được xác định là lực lượng tự tan rã, không rõ kết cục của chủ tướng.

Các sứ quân chiếm đóng các vùng và lập căn cứ, xây thành lũy. Một vài thành lũy trong số đó còn tồn tại lâu dài về sau, thậm chí được sử dụng lại. Chẳng hạn như thành đất của Đỗ Cảnh Thạc tại Thanh Oai sau này được quân Minh sử dụng trong cuộc chiến chống phong trào khởi nghĩa Lam Sơn vào cuối năm 1426.

Chiến tranh kết thúc năm 968. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, tức là Đinh Tiên Hoàng, lập ra nhà Đinh. Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh là thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia, của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập trong nhân dân.

0 TẢI VỀ TÁI SỬ DỤNG
  • Tài liệu PDF
  • Tài liệu EPUB
 Nguyễn Thị Hường
  • Wikipedia
  • 0 GIÁO TRÌNH | 5753 TÀI LIỆU
NỘI DUNG CÙNG TÁC GIẢ
  • Bù 1 (hệ nhị phân)
  • Axít oxalic
  • Chi Kniphofia
  • Bộ Cá vược
  • Cá sấu Ấn Độ giả
  • Sông Lô
  • Khí đồng hành
  • Họ Cá tuyết sông
  • Hồ Thang Hen
  • Lớp Cá vây thùy
×

VOER message

×

VOER message

Thư viện Học liệu Mở Việt Nam (VOER) được tài trợ bởi Vietnam Foundation và vận hành trên nền tảng Hanoi Spring. Các tài liệu đều tuân thủ giấy phép Creative Commons Attribution 3.0 trừ khi ghi chú rõ ngoại lệ.

  • VOER on Facebook

Từ khóa » đinh Bộ Lĩnh Dẹp 12 Sứ Quân Thống Nhất đất Nước Vào Năm Nào