Đình Đền Công – Nơi Thờ Phụng Tứ Thánh Đại Tướng Quân Thời Hùng ...

Tên thường gọi của di tích là “Đình Đền Công” Tên chữ là “Đền Công Đình” Tên của Đình xuất phát từ tên của làng Đền Công sau biến âm thành làng Điền Công nay là xã Điền Công thuộc thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Theo Ngọc phả thờ bốn vị thần ở Đình Điền Công còn lại đến nay kể rằng: Có 4 vị thần xưng là tứ vị Đại tướng quân đã báo mộng cho Trần Hưng Đạo chọn được đất cây Giêng cổ thụ gần vị trí ngôi Đình Đền Công làm nơi phát hoả hiệu lệnh cho quân dân nhà Trần nhất loạt tiến công đoàn thuyền chiến của quân Nguyên - Mông xâm lược, làm nên trận chiến thắng Bạch Đằng lẫy lừng ngày 8 tháng 3 âm lịch năm 1288.

Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, Trần Hưng Đạo đã sắm sửa lễ vật tế tạ 4 vị thần và đặt tên cho làng Đền Công thay Điền Công. Sau đó làm ngôi Đình làng thờ Trần Hưng Đạo và 4 vị thần làm thành Hoàng của làng gọi tên Đình là Đình Đền Công. Đình Đền công quay mặt ra Sông Bạch Đằng cách dòng sông nơi xẩy ra chiến trận Bạch Đằng năm 1288 khoảng 500m.

I- SỰ KIỆN NHÂN VẬT LỊCH SỬ

Đình Đền công là nơi thờ thành hoàng của làng Điền Công, gồm các vị thần: Trần Hưng Đạo là thượng đẳng thần và bốn vị thần khác là đẳng thần gồm: Cao Sơn Quý Minh, Nam Hải Tôn Thần, Phi Bồng Tướng Quân, Bạch Thạch Tướng Quân.

Đình Điền Công có mối quan hệ mật thiết với Miếu Cu Linh (Miếu cây Giêng) (1) nằm cách Đình chừng 500 m, trong mối quan hệ Đình Đền (Miếu). Năm 1955 nước biển gây lụt đã làm hỏng Miếu Cu Linh nay chỉ còn nền móng, nhân dân đã đưa đồ thờ từ Miếu về thờ trong Đình Đền Công (2).

Trước đây Đình Đền Công được xây dựng lớn gồm có Tiền đường và Bái đường, Hậu cung. Do năm tháng Đình bị hỏng nặng năm 1989 nhân dân xã Điền công làm lại với quy mô nhỏ.

Ghi chú: (1) Cu Linh: Tiếng cổ, đọc nôm: Cây Giêng (theo PTS Cung Văn Lược, Viện nghiên cứu

Hán Nôm). Cây Giêng- Là cây họ đậu. Tên Địa phương: Cây Giêng. Tên Lâm nghiệp: Muồng ràng ràng.

Tên khoa học: Adenantherapavonina L. Microsperma (Teysm. Et Binn) I.Niels.

(2) Hiện còn thần phả, sắc phong bốn vị đẳng thần và các bài vị thờ.

Hàng năm ở Đình Đền công có 2 lễ chính là: Lễ hội Đình Đền Công (Hội làng) vào ngày 14 tháng giêng nhằm kỷ niệm ngày sinh của Trần Hưng Đạo và ngày Thánh hoá 20 tháng 8 âm lịch.

Theo các cụ cao niên ở xã Điền Công kể lại trước đây lễ chính làm vào ngày 10 tháng 12 âm lịch, nhưng do đèn dầu thiếu thốn nên các cụ lui lại ngày 14 và 15 tháng giêng để lấy trăng làm đèn và cũng là tháng đầu năm mới khai xuân mở hội cầu thành hoàng là Đức Thánh Trần mang phúc lộc về cho làng.

Như vậy, Đình Đền công được làm trên gò đất nơi phát hoả hiệu lệnh của chiến trận Bạch Đằng năm 1288. Đình thờ vị nhân thần Trần Hưng Đạo và bốn vị thần là: Cao Sơn Quý Minh, Nam Hải Tôn Thần, Phi Bồng Tướng Quân, Bạch Thạch Tướng Quân đã giúp Trần Hưng Đạo làm nên đại thắng Bạch Đằng năm 1288.

Do vậy Đình Đền công là nơi lưu niệm danh nhân và là nơi lưu niệm sự kiện vĩ đại trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta “chiến thắng Bạch Đằng giang năm 1288”.

Đầu thế kỷ XIII, đế quốc Mông Cổ hình thành và phát triển, chúng tiến hành xâm lược, xâm lăng đẫm máu trên toàn thế giới. Chúng đã chiếm toàn bộ nước Nga, miền Trung Á, Ba Tư và Trung Quốc. Vó ngựa của quân Viễn chinh Mông đi đến đâu reo rắc đau thương và kinh hoàng đến đó. Hàng trăm kinh đô bị tàn phá ,hàng ngàn làng mạc bị thiêu huỷ, hàng triệu người bị giết hại.

Thế nhưng cả ba lần xâm lược nước Đại Việt đều bị quân dân ta đánh cho tan tác. Lịch sử xâm lược của đế quốc Nguyên Mông đối với nước ta là lịch sử thất bại thảm hại:

Lần thứ nhất vào năm 1258, trên 2 vạn quân Nguyên xâm lược nước ta. Quân và dân nhà Trần thực hiện kế sách vườn không nhà trống. Chín ngày sau khi bị quân Nguyên chiếm được Thăng Long, quân ta phản công quyết chiến ở Đông Bộ Đầu, quân Nguyên - Mông phải rút chạy về nước.

Lần thứ hai vào năm 1258, hơn 50 vạn quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy kéo vào xâm lược nước ta. Dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, quân ta tiến công địch ở Tây kết, Hàn tử, Chương Dương rồi giải phóng Thăng Long. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng cùng quân lính thoát chạy về nước (1).

Để trả thù cho hai lần thất bại nhục nhã, năm 1288 Hốt Tất Liệt lại giao cho Thoát Hoan chỉ huy trên 30 vạn quân xâm lược nước ta một lần nữa (2). Rút kinh nghiệm của hai lần thất bại trước, Thoát Hoan đã cử một đạo binh thuyền hùng mạnh gồm trên 500 chiến thuyền và hơn 4 vạn quân do Ô Mã Nhi chỉ huy xâm lược nước ta bằng đường thuỷ.

(1), (2) Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm: “Kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII”. NXB khoa học xã hội, Hà Nội 1971.

Đi theo là một đoàn thuyền lương chở 70 vạn hộc do Trương Văn Hổ chỉ huy. Trước thế giặc mạnh, vua quân nhà Trần đã thực hiện kế hoạch rút lui chiến lược, xây dựng chiến tranh du kích để tiêu hao sinh lực địch. Quân Nguyên - Mông mệt mỏi vì khí hậu, đặc biệt đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị quân của tướng Trần Khánh Dư đánh chìm ở Cửa Lục (3).

Bị mệt mỏi vì khí hậu, thiếu lương thực vũ khí, bị tiêu hao sinh lực vì chiến tranh du kích của quân dân nhà Trần. Quân Nguyên - Mông buộc phải rút lui. Biết trước được âm mưu của địch, Trần Quốc Tuấn với cương vị là Quốc Công Tiết Chế đã chọn họng sông Bạch Đằng (4) làm trận địa tiêu diệt kẻ thù.

Trần Quốc Tuấn cho xây dựng bãi cọc ngầm kết hợp với các dải đá ngầm trong dòng sông Bạch Đằng như Ghềnh Cốc, Ghềnh sông Chanh tạo thành một phòng tuyến bịt chặt họng sông Bạch Đằng (5) chặn đường rút lui của quân giặc.

Phía dưới và phía trên của trận địa cọc, Trần Hưng Đạo bố trí quân mai phục, dùng các thuyền nhỏ, bè mảng chở chất dễ chát như cỏ xăng, lau, lách làm kế hoả công tiêu diệt địch.

Tại khu vực làng Điền Công và bến đò Rừng Trần Hưng Đạo chọn làm nơi phát hoả hiệu lệnh cho thời điểm đồng loạt tiêu diệt đạo binh thuyền của Ô Mã Nhi.

Với sự chuẩn bị chiến trường chu đáo, khí phách kiên cường chống giặc ngoại xâm của quân dân nhà Trần, sự lãnh đạo tài tình của hai vua Trần và Trần Quốc Tuấn, chỉ trong vòng một ngày 09/4/1288 toàn bộ đạo binh thuyền của Ô Mã Nhi gồm hơn 4 vạn quân và 500 chiếc thuyền đã bị tiêu diệt và bắt sống toàn bộ (6).

(3) Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm: “Kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII”. NXB khoa học xã hội, HN 1971.

(4) “Đại nam nhất thống chí” NXB khoa học xã hội. Hà Nội 1971.

(5) Theo báo cáo của đoàn nghiên cứu khai quật của viện khảo cổ học phối hợp với Sở VHTT Quảng Ninh tháng 1 năm 1988.

Các bãi cọc ngầm hiện còn tìm thấy ở Yên Hưng là: Bãi cọc đàm Yên Giang đã được Bộ Văn Hoá thông tin công nhận vào tháng 2 năm 1988. Bãi cọc thứ hai là bãi cọc Đồng Vạn Muối thuộc xã Nam hoà huyện Yên Hưng - Quảng Ninh, bãi cọc này nằm trong đầm nước chưa có điều kiện khảo sát.

Người viết đã khảo sát bước đầu thấy 40 đầu cọc, đã đào một hố thám sát 4m2 nghiên cứu 6 cọc gỗ trong hố. Bãi cọc Đồng Vạn Muối đã được nhận định trong bài nghiên cứu “Trận địa cọc trong chiến thắng Bạch Đằng 1288” của Phạm Đại Doãn và Diệp Đình Hoa in trong tạp chí khảo cổ học số 7 năm 1977.

(6) Theo Đại Việt sử ký toàn thư, trong trận này ta bắt được 400 chiến thuyền. Khi Ô Mã Nhi vào xâm lược, y có 500 chiến thuyền.

Đại Việt sử ký Toàn Thư ghi lại kết quả trận đánh: “Quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông đến nỗi đỏ ngầu”. Trương Hán Siêu người đương thời miêu tả: “Chiết Kích trầm giang, khô cốt doanh khâu” (Giáo gẫy chìm sông, xương khô đầy gò (7). Trong dân gian Yên Hưng có cấu ca rằng: "Sông Bạch Đằng là nơi cửa ải, tổng Hà Nam là bãi chiến trường”(8). Qua đó ta cùng thấy mức độ ác liệt của trận đánh.

Chiến thắng Bạch Đằng đã đập tan hoàn toàn đạo binh thuyền chiến lược của đế quốc Nguyên - Mông trong cuộc xâm lược nước ta lần thứ 3. Chấm dứt hoàn toàn âm mưu xâm lược của đế quốc Nguyên - Mông. Khằng định nền độc lập vững chắc không thể lay chuyển nổi của dân tộc ta.

Để chuẩn bị chiến trường tiêu diệt đạo binh thuyền của Ô Mã Nhi, Trần Quốc Tuấn đã đi thị sát địa hình để chuẩn bị xây dựng trận địa cọc, bố trí quân mai phục, chọn địa điểm phát hỏa làm hiệu lệnh khi nước triều rút để nhất loạt tiêu diệt kẻ thù.

Theo truyền thuyết và các di tích vật chất còn lưu lại đến nay kể rằng: Trần Quốc Tuấn đã gặp bà hàng nước ở bến đò Rừng được bà cục mách bảo lịch con nước triều và địa thế lòng sông Bạch Đằng để Trần Hưng Đạo bố trí bãi cọc Yên Giang và bãi cọc Vạn Muối kết hợp với các dải đá ngầm dưới lòng sông tạo thành một phòng tuyến bịt chặt họng sông không cho chiến thuyền địch rút lui.

Bà còn mách bảo làm các bè mảng chở cỏ dầu đốt cháy mà thiêu thuyền giặc, nơi ấy hiện còn di tích Miếu Vua Bà - Đền Trần Hưng Đạo nay thuộc xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.

Trong khi đi đôn đốc quân dân xây dựng bãi cọc Đồng Vạn Muối, Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão bị cạn thuyền ở một gò đất cạnh bãi cọc Vạn Muối, nơi ấy hiện còn di tích Đền Trung Cốc thuộc xã Nam Hoà - Yên Hưng.

Trong khi đi thị sát địa hình bố trí quân mai phục Trần Hưng Đạo bị xổ tóc ở gò đất cao nay là thôn Trung Bản xã Liên Hoà, Yên Hưng. Ông đã dừng lại chống kiếm búi tóc, ở đây hiện còn di tích Đình Trung bản với bức tượng Trần Hưng Đạo xổ tóc dài sau lưng.

Sau khi chuẩn bị chiến trường, xây dựng trận địa cọc ngầm trong lòng sông và bố trí quân mai phục, Trần Hưng Đạo giành nhiều thời gian tìm địa điểm phát hoả làm hiệu lệnh. Trước hết dùng thuyền nhỏ khiêu chiến cầm chân đạo binh thuyền giặc Nguyên, khi nước triều rút, các bãi cọc gỗ và các dải đá ngầm phát huy hiệu lực, sẽ cho phát hoả làm hiệu lệnh để quân mai phục hai bên bờ nhất loạt tiến công tiêu diệt quân thù.

(7) “Bạch Đằng giam phú” của Trương Hán Siêu.

(8) Tổng Hà Nam thuộc huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng ninh nơi có bãi cọc Đồng Vạn Muối.

Ông đã chọn hai địa điểm là Cây Giêng cổ thụ ở ốc đảo Đền công và Cây Quyếch đò Rừng làm nơi phát hoả phát lệnh tiến công. Trong Ngọc Phả ở Đình Đền công còn ghi lại: (9) “... Hưng Đạo Đại Vương đăm chiêu nung nấu. Tại quân doanh vạn kiếp đêm đã vào khuya, ngoài vẫn chong đèn tìm kế sách đánh giặc, làm sao để có được hai điểm phát hoả là chỗ. Đượng đất Cu Linh - Cây Giêng với bên đống ngạn gần kiếp bạc (Đá Bạc?) để thống nhất lừa thuyền của quân Nguyên vào chỗ chết, chỉ chờ nước thuỷ triều rút xuống là thuyền chúng phải vỡ. Nhưng nhất thiết phải thị sát bằng được địa điểm Cu Linh, Cây Giêng, muốn thế phải vào tận ốc đảo này.

Thức trắng đêm Hưng Đạo Đại Vương mệt quá thiếp đi trên bàn làm việc. Trong mơ, Ngài thấy hiện lên bốn vị thần linh, tướng mạo khác thường, mắt sáng như sao, mỗi vị mặc mỗi áo bào khác nhau, vị thì bào đỏ, bào xanh, bào vàng, bào tím đều tự xưng là tứ vị Đại Tướng Quân.

Còn cho biết : “Ngài hiện đang lo lắng cho quân thuỷ bày trận dẹp người Nguyên giữ yên bờ cõi. Muốn vào ốc đảo nắm điểm phát hoả ở Đượng đất Cu Linh - Cây Giêng. Vậy nên sáng mai, Ngài đến bàn cờ thì chúng ta sẽ cho người đem thuyền đón Ngài vào tận nơi”.

Thoạt nói xong cả bốn vị thần đều biến mất. Trời còn mờ sương thì Trần Hưng Đạo chợt tỉnh. Ngài nhớ như in hình dáng và lời nói của cả bốn vị thần. Ngài ra sân vái tạ Trời, Đất và Thần Linh năm phương tám hướng đã có lòng âm thầm phù giúp việc đuổi người Nguyên, rồi mới vào trướng nằm nghỉ một chút.

Sáng sớm hôm sau vừa thức dậy, Hưng Đạo Đại Vương đã được quân lính ở Bến Bàn Cờ về báo: Có bốn lực điền và bốn lá thuyền đang đợi Ngài để rước Ngài vào thăm ốc đảo và Đượng Đất Cu Linh - Cây Giêng.

Hưng Đạo Đại Vương lập tức lên đường cùng với ba người tuỳ tướng. Thì quả đúng như lời bốn vị Thần Linh đã báo mộng trong đêm trước. Ngài thầm cảm tạ trong lòng và ung dung vào tận nơi vùng ốc đảo, bố trí điểm phát hoả ở Cu Linh - Cây Giêng, điểm phát hoả này rất ứng nghiệm với điểm phát hoả ở gần Miếu Vua Bà.

Khi đuổi xong giặc Nguyên, giành lại thái bình cho đất nước. Hưng Đạo Đại Vương lệnh cho đoàn thuyền về đỗ tại Bến Bàn Cờ và Đá Bạc. Ngài sai quân lích sắm sửa lễ vật tế tạ trước Ba Quân, Ngài làm lễ khấn rằng: “Nhờ tứ vị Đại Vương: Cao Sơn Quý Minh, Nam Hải Tôn Tần, Phi Bồng Tướng Quân, Bạch Thạch Tướng Quân âm phù giúp đỡ, lại cho người trong dân thôn giúp thuyền chở vào tận nơi hiểm yếu để thực hiện kế sách. Nay giặc đã tan, Hưng Đạo tôi xin tỏ lòng biết ơn bằng hai chữ Đền Công”.

(9) Ngọc phải thờ ở Đình Đền Công, người phiên âm dịch thuật: PTS Cung Văn Lược nghiên cứu thán nôm, Trung tâm KHXH và nhân văn Việt Nam.

Chính vì thế mà từ đó đến nay làng xã này gọi tên là Đền Công hay Điền Công vậy (10). Trên Đượng Đất Cu Linh - Cây Giêng sau này nhân dân lập Đình thời Trần Hưng Đạo. Cách đó dưới gốc cây Giêng nhân dân lập Miếu thờ bốn vị Thần: Cao Sơn Quý Minh, Nam Hải Tôn Thần, Phi Bồng Tướng Quân, Bạch Thạch Tướng Quân. Bến Bàn Cờ thực dân Pháp cho xây dựng cảng than cho vùng mỏ Vàng danh gọi là Cảng Bo.

Hiện nay ở Đình Đền công còn có sắc phong Trần Hưng Đạo, các đạo sắc phong thần và bài vị của bốn vị thần nói trên, cùng với Ngọc phả, các đồ thờ tự khác (nêu trong phần khảo tả di tích).

II - LOẠI DI TÍCH

Di tích Đình Đền Công là di tích lịch sử Quốc gia, cụ thể là di tích lưu niệm danh nhân Trần Quốc Tuấn, lưu niệm truyền thuyết về bốn vị Thần Linh đã giúp Trần Hưng Đạo đuổi giặc Nguyên giữ yên bờ cõi. Đặc biệt Đình Đền Công được làm trên đượng đất Cu Linh nơi Trần Hưng Đạo đặt điểm phát hoả làm hiệu lệnh cho chiến trận Bạch Đằng năm 1288, do vậy mảnh đất này là Nguyên gốc di tích trên đó có Đình Đền Công là một công trình lưu niệm sự kiện lẫy lừng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc: “Chiến thắng Bạch Đằng giang năm 1288”.

Đình Đền Công thuộc xã Điền Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh là một di tích lịch sử Quốc gia, làm phong phú thêm cụm di tích Bạch Đằng đã được Bộ Văn Hoá thông tin công nhận như: Bãi cọc Yên Giang, Đền Trần Hưng Đạo - Miếu Vua Bà, Đình Yên Giang (thuộc thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng), Đình Trung Bản (xã Liên Hoà, huyện Yên Hưng) Đền Trung Cốc (xã Nam Hoà, huyện Yên Hưng).

III - KHẢO TẢ DI TÍCH

Di tích Đình Đền công thuộc địa phận Thôn 2 xã Điền Công thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Di tích nằm trên một gò đất cao có tên gọi là Đượng đất Cu Linh - Cây Giêng.

Theo Ngọc Phả thờ trong Đình Đền Công, cách ngôi đình chừng 500 m.(10) Tên gọi của làng Đền Công nay là xã Điền Công trước đó (trước khi Trần Hưng Đạo đặt tên) là gì chưa rõ, vì không có tài liệu nào ghi lại, phải chăng vẫn thuộc trại Yên Hưng như Đại Việt sử ký có nêu (người viết).

Phía gần sông Bạch Đằng là đầu đượng đất có một cây Giêng cổ thụ (nay không còn) đó là vị trí phát hoả làm hiệu lệnh tiến công của chiến trận Bạch Đằng 1288.

Phía Bắc của Đình giáp đường liên xã, phía Tây giáp sân vận động khu vui chơi thanh thiếu nhi trung tâm xã, phía Đông nam giáp ruộng lúa và màu của xã Điền Công, phía Tây Nam giáp Chùa Long Khánh (Chùa làng).

Đình Đền công kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (T) gồm Tiền Đường, Bái Đường, Hậu Cung, phía trước có sân, đình không có cổng và tường bao.

1) Sân Đình: Được láng vữa xỉ vôi có kích thước 10m x 5,5m, không cỏ cổng và tường bao.

2) Tiền Đường: Tiền đường mới được trùng tu năm 1989. Theo truyền thuyết lưu truyền trong nhân dân Điền công: Miếu Cu Linh được xây dựng năm 1320. Đình Đền công xây dựng sau đó ít năm, lúc đầu là Đền, Đền công thờ Trần Hưng Đạo. Sau đó được trung tu lớn hơn gọi là Đình Đền Công thờ Trần Hưng Đạo làm thành hoàng của làng. Năm 1955 nước lụt làm hỏng Miếu Cu Linh, nhân dân đưa đồ thờ bốn Vị Thần ở Miếu Cu Linh về thờ trong Đình đến ngày nay.

Tiền Đường có kích thước 9,2m x 5,5m, gồm 3 gian lợp ngói đỏ loại 130 viên/m2, hai hồi xây bít đốc. Vì kèo gồm 2 cột cái làm bằng trụ bê tông tiết diện 250mm x 250mm, khoá giang và câu đầu bằng bê tông cốt thép hai cột quân xây trụ bằng gạch chỉ. Trên câu đầu có các chữ công làm bằng gỗ để đỡ hoành. Hai kẻ được làm bằng gỗ đỡ hoành, hoành, rui, li tô bằng gỗ. Kiến trúc không có gì đặc biệt.

3) Bái Đường:

Bái đường được xây bằng gạch gồm 3 gian, hai hồi xây bít đốc, mái lợp gạch nung 130 viên/m2, phía trước chung máng hứng nước với mái tiền đường kích thước Bái Đường 8,2m x 3,2m. Vì kèo gồm 3 hàng cột bằng trụ bê tông (250mm x 250mm). Câu đầu bằng bê tông cốt thép. Trên cùng có các chữ công và kẻ bằng gỗ đỡ hoành. Toàn bộ hoành, rui, li tô bằng gỗ, kiến trúc không có gì đặc biệt.

4) Hậu Cung:

- Xây bằng gạch lợp ngói 130 viên/m2, có hoành, rui, li tô bằng gỗ, không có vì kèo, kích thước 3,75m x 3,05m.

5) Các hiện vật thờ:

* Tiền Đường:

Chính giữa có một hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng cao 1,1m; rộng 1,47m; dày 0,77m. Trên hương án là một mâm bồng bằng gỗ cao 0,25m, đường kính 0,38m, có một bát hương bằng đá hình chữ nhật cao 0,35m rộng 0,14m, dài 0,19m. Hai bên bát hương đá có hai lộc bình bằng gỗ cao 0,35m.

Trên hương án là một đại tự sơn son thếp vàng kích thước 2,15m x 0,75m có 4 chữ: Bút tu quyết đức.

Dịch: Bút (mực) làm nên Đức lớn lao (11)

(ý nhắc đến hịch Tướng Sỹ Văn và các tác phẩm Bình Thư vĩ đại của Trần Hưng Đạo).

Hai bên hương án là hai câu đối bằng vải:

1a: Song ngạn Bạch Đằng đều dũng cảm.

1b: Tứ vị Trần Triều hữu anh lih.

Dịch Việt văn: 1a: Hai bờ sông Bạch Đằng đều dũng cảm.

1b: Bốn vị Trần Triều Trần rất anh linh.

Phía trước Hương án có một bàn gỗ cao 0,8m rộng 0,6m dài 1,2m dùng để đặt lễ cúng tế.

Hai bên bàn gỗ trước Hương án là 2 lọng vải.

Gian bên trái có một trống da.

Gian bên phải có một chiêng đồng.

* Bái Đường:

Chính giữa là một án gian sơn son thếp vào cao 1,18m; rộng 0,70m; dài 1,6m. Trên án gian có một bát hương sứ cao 0,18m đường kính 0,20m. Hai bên bát hương là 2 lộc bình bằng sứ cao 0,42m.

Phía trên án có một cửa võng sơn son thếp vàng.

Hai bên án gian có một đôi câu đối sơn son thếp vàng.

1b: Lực tán Trần Triều công đệ nhất.

2b: Uy trừ Phạm đảng Quốc vô song.

(11) Người dịch Đại tự câu đối là ông Cung Văn Lược - Viện nghiên cứu Hán nôm, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn.

Dịch Việt văn:

1b: Công lao giúp Triều đại nhà Trần, Hưng Đạo bậc nhất.

2b: Uy linh trừ bè lũ Phạm Nhan, Quốc gia chẳng có hai.

Gian bên trái Bái Đường là đòn rồng của kiệu long đình, đôi đòn Rồng sơn son thếp vàng dài 2,5m.

* Hậu cung:

Có một bệ thờ xây bằng gạch cao 1,1m. Chính giữa vệ thờ là một long đình sơn son thếp vào cao 1,4m, dài rộng 8,81m x 0,81m. Bên trong Long Đình là một bài vị thờ bằng gỗ sơn son thếp cao 0,85m, phía trước bài vị là một hòm sắc bên trong đựng sáu bản sắc phong của các triều vua phong kiến phong cho 4 vị trần linh theo truyền thuyết đã giúp Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên - Mông xâm lược (trích dân ở phần sau).

Không còn sắc phong cho Trần Hưng Đạo. Ngoài ra còn có bản sao bằng chữ Hán Thần tích Trần Hưng Đạo chém Phạm Nhan và bản Thần tích tứ vị Thượng Đẳng thần được thờ ở Đình (trích dẫn ở phần sau). Bản nghiên cứu gốc của hai bản Thần tích này hiện lưu giữ ở Viện Hán Nôm thuộc trung tâm xã hội và nhân văn Việt Nam.

Phía trước Long Đình có một bát hương sứ cao 0,33m đường kính 0,30m. Có một bản Trúc văn bằng gỗ sơn son thếp vàng chạm kênh bong cả hai mặt hình rồng phượng chầu chữ thọ; chân bản chúc văn là hai con Nghê chạm tinh vi.

Cạnh bản chúc văn có một thanh gương bằng gỗ dài 1m. chuôi gươm và bao gươm được sơn son thếp vàng chạm nổi hình rồng, phượng tinh vi độc đáo.

Bệ thờ ở hai bên long đình có hai bài vị cao 0,85m đặt trong ngai thờ đều sơn son thếp vàng, tay ngai chạm hình rồng tinh vi. Bài vị bên trái long Đình ngai thờ đã mất được bằng làm bằng ngai mới đơn giản.

* Các bản sắc phong trong hòm sắc:(xem thêm phần phụ lục)

Một bản sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 6 (10/11/1853) phong cho Thần Nam Hải là Trung đẳng thần giao cho dân xã Điền Công phụng thờ.

Một bản sắc phong của Vua Tự Đức năm thứ 7 (10/11/1854) phong cho Thần Cao Sơn Quý Minh làm Thượng Đẳng Thần giao cho xã Điền Công phụng thờ.

Một bản sắc phong của Vua Tự Đức năm thứ 33 (24-11-1880) phong cho thần Cao Sơn Quý Minh làm Thượng Đẳng Thần giao cho dân xã Điền công phụng thờ.

Một bản sắc phong của Vua Đồng Khánh năm thứ 2 (01-7-1887) phong cho Thần Cao Sơn Quý Minh làm Thượng Đẳng Thần giao cho xã Điền Công phụng thờ.

Một bản sắc phong của Vua Thành Thái năm thứ nhất (18-11-1889) phong cho vị thần dân xã Điền Công đang phụng thờ theo phép cũ tiếp tục phụng thờ.

Một đạo sắc phong của Vua Duy Tân năm thứ 3 (11-8-1909) phong cho Thần Nam Hải là Trung Đẳng Thần và Thần Cao Sơn Quý Minh là Thượng Đẳng Thần, giao cho dân xã Điền Công tiếp tục thờ cúng.

* Lược dịch hai bản Thần Tích thờ Hậu Cung Đình Đền Công:

- Tứ vị Thượng Đẳng Thần: (xem thêm phần phụ lục)

Thần tích kể lại rằng: Trần Hưng Đạo chong đèn tìm kế tiêu diệt đoàn thuyền chiến của quân Nguyên - Mông xâm lược trên sông Bạch Đằng, làm sao để có hai điểm phát hoả làm hiệu lệnh cho quân sĩ nhất loạt tiến công khi điều kiện thời cơ đến. Trong khi mệt thiếp đi, ngài thấy bốn vị thần linh mặc áo bào đỏ, bào xanh, bào vàng, bào tím xưng là tứ vị Đại Tướng Quân, đó là các vị thần: Cao Sơn Quý Minh, Nam Hải Tôn Thần, Phi Bồng Tướng Quân, Bạch Thạch Tướng Quân.

Các vị thần nói muốn tìm nơi phát hoả làm hiệu lệnh, sáng mai đến Bến Bàn Cờ chúng ta sẽ cho người đem thuyền tới đón. Sáng hôm sau, Hưng Đạo Vương đến Bến Bàn Cơ quả nhiên có 4 lá thuyền với 4 lực điền đang chờ đưa Hưng Đạo Vương đến gốc cây cổ thụ trên đượng đất Cu Linh (nay là vị trí của Đình Điền Công) chọn làm nơi phát hoả.

Sau khi thắng trận Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đến Bến Bàn Cờ sai sắm sửa lễ vật tạ thần linh đã giúp tỏ lòng biết ơn bằng hai chữ Đền công (Điền Công ) tên làng xã có đượng đất Cu Linh mang tên xã Đền Công từ đó.

Chỗ phát hoả nhân dân xây miếu thờ, thờ 4 vị thần linh gọi là Miếu Cu Linh. Cách Miếu 500 m nhân dân dựng đền thờ Trần Hưng Đạo sau đó Đền thờ Trần Hưng Đạo xây sửa lớn hơn thành Đình làng Điền Công thờ Trần Hưng Đạo để nhớ mãi chiến trận Bạch Đằng năm 1288.

Thần tích Hưng Đạo Vương chém Phạm Nhan: (xem thêm phần phụ lục).

Trong Đình Đền Công còn thờ thần tích Hưng Đạo Vương chém Phạm Nhan. Thần tích ghi lại rằng cha Nhan người phương Bắc, mẹ người Nam, sinh ra ở đất Nam, lớn lên Nhan quay về Bắc sung vào quân người Nguyên để tiến thân.

Phạm Nhan là Phù Thuỷ trấn an tư tưởng cho quân sĩ đạo binh thuyền của Ô Mã Nhi. Nhan tự xưng là tài ba hiển hách, thao lược binh pháp, đủ 5 phép thần thông biến hoá chặt đầu này mọc đầu khác, có thể thu nhỏ người hoặc biến to người, ở Khúc Giang Đông có cô hàng cơm xinh đẹp được Hưng Đạo Vương tin cậy giao cho việc dò xét đạo binh thuyền của Ô Mã Nhi.

Một hôm Phạm Nhan đến quán cơm, cô hàng cơm xinh đẹp lựa lời thăm dò, Phạm Nhan rượu say tự khoe tài ba của mình và tiết lộ; muốn trói ta phải trói bằng chỉ ngũ sắc, muốn chém ta thì gươm phải bôi cứt gà sát và bồ hóng.

Nữ chủ quán thưa lại với Trần Hưng Đạo. Trong chiến trận Bạch Đằng 1288, quân ta đã bắt sống Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ, Phạm Nhan cùng toàn bộ binh thuyền quân sĩ của quân xâm lược Nguyên - Mông.

Trần Hưng Đạo sai trói Phạm Nhan bằng chỉ ngũ sắc bôi phân gà sát và bồ hóng lên lưỡi gươm chém đầu Phạm Nhan, Phạm Nhan sợ hãi cầu xin được chém làm 3 đoạn để vứt lên rừng, xuống sông, đoạn giữa ném lên bờ để còn có được kiếp khác.

Từ đó đoạn vứt lên rừng biến thành vắt, đoạn vứt xuống sông biến thành đỉa, đoạn vứt lên bờ biến thành muỗi hút máu người. Còn cô hàng cơm sau khi mất được phong làm Vua Bà trên nền quán cơm được nhân dân lập miếu thờ gọi là Miếu Vua Bà.

Hiện nay ở xã Nam Hoà huyện Yên Hưng còn có Miếu thờ Phạm Nhan. Trong nhân dân ở huyện Yên Hưng vẫn còn lưu truyền về truyền thuyết Trần Hưng Đạo chém Phạm Nhan, nội dung truyền thuyết lưu truyền gần giống với Thần tích Hưng Đạo Vương chém Phạm Nhan thờ trong Đình Đền Công.

IV - LỄ HỘI Ở ĐÌNH ĐỀN CÔNG

Ngoài các lễ tiết tuần rằm đầu tháng. Đình Điền Công có hai lễ hội chính:

Ngày 14 tháng giêng âm lịch ngày Thánh Đản.

Ngày 20 tháng tám âm lịch ngày Thánh Hoá.

Theo các cụ già làng Điền công kể lại, lẽ ra ngày Thánh Đản là ngày 10 tháng 12 âm lịch, nhưng trước dây do đèn dầu thiếu thốn, nên các cụ trong làng để lùi lại ngày 14 và 15 tháng giêng lấy ánh trăng làm đèn và cũng là tháng đầu năm mới khai xuân mở hội tế lễ cầu mong cho một năm mới thu hái được nhiều tài lộc.

Trước khi mở lễ hội ngày 10 tháng giêng, các cụ cao niên tổ chức họp bàn phân công trách nhiệm cho từng tiểu ban dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã và Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã, Trưởng ban Văn hoá xã chọn cử trai thanh, gái tú chưa có gia đình để tham gia mang các đồ ghi trượng, khiêng kiệu.v.v...

Sáng ngày 14 tháng giêng hàng năm, sau phần nghi lễ dân làng tổ chức rước tựng Trần Hưng Đạo và rước các sắc phong đi quanh làng để Đức Thánh Trần và 4 vị Đại Tướng Quân thấy sự đổi thay biến chuyển của quê hương. Đồng thời dân làng và khách thập phương biểu hiện lòng tôn kính biết ơn Đức Thánh Trần và bốn vị Đại Tướng Quân mong các ngài phù hộ độ trì cho dân an khang thịnh vượng.

Sau nghi lễ rước tượng, sắc tại Đình dân làng tổ chức tế lễ hương hoa, quả phẩm. Dân bản xã tế trước, các nơi và khách thập phương lần lượt tế, lễ sau.

Xung quanh Đình trong cả ngày 14 có các hoạt động vui chơi như: Đánh cờ, chơi đu, hát đối, chọi gà, kéo co.v.v... Buổi sáng ngày 15 tổ chức hội vật dân tộc. Sau hội vật khoảng 12 giờ ngày 15 tổ chức tế giã hội.

Ngày 20 tháng 8 âm lịch gọi là ngày giỗ cha. Dân làng không rước sắc nhưng dân trong xã và khách thập phương đều đến tế lễ tưởng nhớ Đức Thánh Trần.

V - GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, KHOA HỌC, NGHỆ THUẬT VĂN HOÁ

Chiến thắng Bạch Đằng 1288 là một chiến công vĩ đại của dân tộc ta trong lịch sử chống giặc Nguyên - Mông bảo vệ đất nước (thế kỷ XIII).

Chiến thắng Bạch Đằng đã trở thành truyền thống quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc.

Chiến thắng Bạch Đằng là kết tinh của tinh thần đoàn kết quân dân trong sự nghiệp giữ nước của dân tộc ta.

Chiến thắng Bạch Đằng 1288 biểu hiện thiên tài quân sự của người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 bổ sung thêm vào kho tàng kinh nghiệm và đường lối chiến lược, nghệ thuật quân sự của quân đội ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Với ý nghĩa to lớn như vậy, nhưng sử sách cũ ghi lại sự kiện này còn quá ít ỏi.

Do vậy Bãi cọc Bạch Đằng, Đền Trần Hưng Đạo - Miếu vua Bà, Đình Yên Giang, Cây lim Giếng Rừng, Đền Trung Cốc, Đình Trung Bản là những di tích lịch sử đã được Bộ Văn Hoá thông tin công nhận cụm di tích lịch sử Bạch Đằng và được nhà nước công nhận là di tích lịch sử Quốc gia cần được bảo vệ, là những minh chứng hùng hồn cho sự kiện chiến thắng Bạch Đằng 1288 và thiên tài quân sự của Trần Quốc Tuấn.

Đình Đền Công là nơi thờ Trần Hưng Đạo và bốn vị Thần linh là Cao Sơn Quý Minh, Nam Hải Tôn Thần, Phi Bồng Tướng Quân và Bạch Thạch Tướng Quân đã giúp Trần Hưng Đạo chiến thắng Bạch Đằng. Đình Đền Công được dựng ngay trên mảnh đất nơi phát hoả làm hiệu lệnh cho quân dân nhà Trần nhất loạt tiến công đoàn thuyền chiến của đế quốc Nguyên - Mông. Di tích Đình Đền Công bổ sung cho cụm di tích Bạch Đằng sẽ tạo thành một cụm di tích lịch sử. Đình Đền công nằm cạnh dòng sông Bạch Đằng ngay nơi xẩy ra chiến trận Bạch Đằng 1288 sẽ là nơi giáo dục tốt, có sức thuyết mạnh mẽ cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Nguồn: Báo Quảng Ninh điện tử

Ths Nguyễn Thy Ngà

Từ khóa » đền Công Uông Bí