|
Dinh dưỡng đúng sẽ giúp tăng cường miễn dịch ở trẻ |
Dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, cả về thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu khoa học gần đây đã ghi nhận, dinh dưỡng có những tác dụng rất tích cực lên hệ miễn dịch, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các nhóm bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ... Mối tương quan giữa dinh dưỡng và hệ miễn dịchTrước tình trạng nguy cơ bệnh tật ngày càng xảy ra nhiều ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ bởi tác động của ô nhiễm môi trường, không khí, vệ sinh thực phẩm không đảm bảo... các nhà chuyên môn về dinh dưỡng và nhi khoa cho rằng, việc tăng cường miễn dịch cho cơ thể trẻ là hết sức cần thiết để giúp trẻ tự chống chọi lại với bệnh tật. Muốn vậy, các bà mẹ cần biết trẻ tiếp nhận được miễn dịch từ đâu.
Về vấn đề này, bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho biết: "Trẻ nhỏ có được miễn dịch từ hai nguồn chính, đó là: kháng thể được mẹ truyền sang từ lúc trẻ còn là bào thai và trong thời gian bú mẹ qua sữa mẹ. Tuy nhiên, nguồn kháng thể tiếp nhận từ sữa mẹ sẽ giảm dần sau tháng thứ 6, sau đó cơ thể trẻ phải tự củng cố hệ miễn dịch từ những dưỡng chất mà trẻ nhận được hằng ngày. Lúc này đây, chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc đem lại khả năng miễn dịch tốt cho trẻ".
Như đã đề cập trong những bài viết trước, các nhà chuyên môn luôn nhấn mạnh: "Hệ miễn dịch có vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ, đặc biệt ở những năm đầu đời. Vì nhờ miễn dịch tốt mà nhiều trẻ không mắc một số bệnh thường gặp như: bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, và các bệnh nhiễm trùng khác... Và nếu có mắc bệnh thì những trẻ có miễn dịch tốt cũng dễ "lướt" qua, mau khỏi bệnh hơn so với những trẻ miễn dịch kém, trẻ bị suy dinh dưỡng".
Dẫn chứng về việc này, bác sĩ Bùi Quốc Thắng - giảng viên chính bộ môn Nhi (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) nói: "Nếu được chăm sóc tốt, dinh dưỡng đầy đủ, chữa trị đúng cách thì những trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi) mắc bệnh tiêu chảy - loại bệnh thường gặp ở lứa tuổi này sẽ sớm hết bệnh, không xảy ra những biến chứng xấu". Còn bác sĩ Trần Anh Tuấn thì nói: "Dưới 12 tháng, là thời điểm trẻ mắc bệnh lắt nhắt nhiều nhất, đây cũng là lứa tuổi trẻ nhập viện nhiều nhất bởi mắc các bệnh về hô hấp. Còn trong lúc nằm viện, dinh dưỡng cũng hết sức cần thiết, nhằm giúp trẻ mau khỏi bệnh". Sau trị liệu, nếu dinh dưỡng kém, trẻ dễ bị tái phát bệnh hơn.
Tăng miễn dịch bằng cách nào? Theo các nhà chuyên môn, việc tăng cường hệ miễn dịch toàn diện cho trẻ là bằng nhiều con đường, nhưng chung quy chế độ dinh dưỡng là chính yếu. Chẳng hạn như: sau khi sinh, cần cho trẻ bú mẹ sớm; trong thời gian cho con bú, người mẹ cần ăn uống đa dạng, dùng đều đặn sữa dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Trong giai đoạn trẻ ăn dặm thì người mẹ cần biết chọn lựa nguồn thức ăn bổ sung đảm bảo những dưỡng chất giúp hệ miễn dịch phát triển tốt. Với trẻ dưới 3 tuổi (lứa tuổi đang hoàn thiện về cấu trúc và chức năng của bộ não lẫn hệ miễn dịch) thì cần chú trọng nguồn sữa bổ sung.
Trong giai đoạn đầu đời, sữa là nguồn thực phẩm chính đối với trẻ, vì sữa cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho hệ miễn dịch như: DHA, ARA, Prebiotic, vitamine A, E, C và các khoáng chất sắt, kẽm... với một hàm lượng cân đối. Một số nghiên cứu khoa học tại Canada và Mỹ đã cho thấy, nếu cung cấp sớm DHA, ARA với hàm lượng đạt mức khuyến cáo trong chế độ ăn của trẻ sẽ hỗ trợ khả năng cân bằng đáp ứng miễn dịch, từ đó giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh đường hô hấp trong 3 năm đầu đời. Ngoài ra, nên cho trẻ ăn nhiều trái cây và rau quả như cam, dâu, nho...; cho trẻ ngủ đủ giấc vì nếu trẻ ngủ đủ giấc, ngủ sâu thì trẻ sẽ khỏe mạnh, ít mắc bệnh và phát triển thể chất tốt hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ cần tạo điều kiện cho trẻ được vận động, vui chơi khám phá thế giới xung quanh để kích thích sự phát triển của trí não cũng như tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Theo Thanh Niên