Dinh Dưỡng Và Phân Bón Cho Hoa Lan

DINH DƯỠNG VÀ PHÂN BÓN CHO HOA LAN 18/04/2019

I. Phân vô cơ :    – Sự phát triển của Lan cần có các nguyên tố đa lượng chủ yếu là đạm, lân, kali. Đạm là chất hình thành cơ quan, làm cây xanh tốt, quang hợp mạnh. Lân giữ vai trò trong hô hấp và quang hợp

giúp việc hấp thụ đạm dễ dàng, phát triển bộ rễ, kích thích đẻ nhánh, tác dụng mạnh với thời kỳ cây còn bé. Kali giống lân, giúp cây hấp thụ đạm dễ dàng, tăng cường tạo thành các bó mạch giúp cây cứng cáp, tăng khả năng giữ nước, giúp cây chịu hạn chống bệnh. Phân bón lan thường dùng với công thức 30-10-10; 10-20-20; 10-20-30; 0-24-24.

1. Đạm : Là nguyên tố có tác dụng làm tăng trưởng nhanh, ra chồi, ra lá, phù hợp bón cho Lan con. Nguồn đạm có 2 hình thức : Urê CO(NH2) và SA (NH4)2SO4. Nhưng tưới nhiều đạm, tàn lá xanh mướt, cây bị rạp xuống, lá to nhưng yếu, cây dễ đỗ ngã và dễ bị sâu bệnh, thiếu đạm cây Lan sẽ ốm, lá nhỏ, già, vàng lá. Thiếu đạm:    Triệu chứng: Cây phong lan đang sinh trưởng và phát triển bình thường tự nhiên lá chuyển sang màu vàng rồi rụng, hoặc lá có màu xanh nõn trông rất yếu ớt. Thiếu sức sống, cây sinh trưởng và phát triển chậm lại hoặc cây mọc ra nhiều rễ hơn mức bình thường. Nguyên nhân: Do cây không được chăm bón hoặc bón phân không đầy đủ, bón không đúng theo yêu cầu sinh thái của loài phong lan. Không đúng theo giai đoạn tuổi của lan. Vì thế nên không đáp ứng yêu cầu về đạm cho cây, làm cho cây bị thiếu đạm trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Biện pháp phòng trị: Để phòng ngừa bệnh thiếu đạm của phong lan, việc đầu tiên là cần có chế độ phân bón theo định kỳ một cách thường xuyên và bón phân hỗn hợp N, P, K theo tỷ lệ của giai đoạn tuổi. Ví dụ : + Giai đoạn cây còn non thì bón phân hỗn hợp N, P, K theo tỷ lệ 30 : 10 : 10 + Giai đoạn cây lớn nhưng chưa đến thời kỳ ra hoa thì bón phân hỗn hợp N, P, K theo tỷ lệ 20 : 20 : 20 + Giai đoạn cuối cùng gần ra hoa thì bón phân hỗn hợp N, P, K theo tỷ lệ 10 : 20 : 30. Tỉ mỉ hơn cần phải bón phân theo quy trình trồng lan cụ thể của từng loài đã được nghiên cứu. Khi phong lan đã xuất hiện những triệu chứng thiếu đạm thì phải dùng đạm tưới cho cây, hoặc dùng phân hỗn hợp 30 : 10 : 10 bón thúc cho cây và tăng thêm số lần tưới bón để cây sớm phục hồi. 2. Lân (P2O5): Thường được bán ở dạng super lân, chứa 20% P2O5. Phân Lân có tác dụng giúp cây Lan nảy mầm, ra rễ nhanh, kích thích thúc đẩy ra hoa. Nếu tưới dư lân, cây sẽ già, ra hoa sớm, lá ngắn dày, cứng; cây có thể sẽ lùn, mập. Khi thiếu Lân, cây Lan không lớn, cằn cỗi, không ra hoa được, lá xanh đậm hoặc tím, rễ ít phát triển, không có chồi non, dễ bị bệnh. Thiếu lân:    Triệu chứng: Lá của phong lan có những biểu hiện triệu chứng khác thường như xanh đậm lại, kích thước lá ngắn, hẹp, diện tích lá nhỏ hơn diện tích lá trung bình lúc bình thường, các lá tập trung mọc chụm lại ở ngọc, màu lá chuyển sang đỏ tím. Cây lan có thân nhỏ đi rõ rệt, rễ kém phát triển khi cây ra hoa cành hoa nhỏ và ngắn, bông hoa nhỏ xấu, hoa ít và rất mau tàn. Nguyên nhân: Tương tự như trường hợp bệnh cây do thiếu đạm, do cây không được chăm bón đầy đủ hoặc bón phân không đúng thero yêu cầu sinh thái của cây, theo từng giai đoạn tuổi nên cây bị thiếu lân trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Biện pháp phòng trị: Để đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển bình thường phòng bệnh cây do thiếu lân phải bón phân hỗn hợp N, P, K theo tỷ lệ của từng giai đoạn tuổi như trường hợp thiếu đạm ở trên. Khi cây phong lan xuất hiện những triệu chứng thiếu lân thì dùng phân bón thúc cho cây, hoặc dùng phân hỗn hợp 20 : 20 : 20 hoặc phân 10 : 18 : 10 (phân thúc đẩy sự ra hoa) tuỳ theo từng trường hợp cụ thể và lứa tuổi của cây. 3. Kali(K2O): Thị trường có 2 loại Chlorua kali (KCL) chứa 60%K2O và Sulfate Kali (K2SO4)  chứa 18%K2O. nếu dư Kali lá trở nên vàng úa, đọt non không phát triển và khô héo. Nếu cây thường kali thì cây Lan không phát triển được do không hấp thụ được các dưỡng chất khác nên cây khô dần rồi chết. Thiếu Kali :    Triệu chứng: Lá phong lan đang bình thường tự nhiên xoắn lại các chồi non bị chết, cây bị tàn lụi mất hết sức sống. Nguyên nhân: Cũng tương tự như các trường hợp cây bị thiếu lân và đạm Biện pháp phòng trị : Để phòng bệnh tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển, phải bón phân hỗn hợp N, P, K theo tỷ lệ của từng giai đoạn tuổi như trường hợp thiếu đạm và thiếu lân ở trên. Khi cây xuất hiện triệu chứng thiếu Kali, dùng Kali bón thúc cho cây hoặc dùng phân hỗn hợp 10 : 20 : 30. II. Phân hữu cơ:    Gồm tất cả các phân của động vật: trâu, bò, gà, chim, dơi … Phần dinh dưỡng trong phân động vật thường rất thấp nhưng lại có hiệu quả tốt khi dùng cho lan. Tỷ lệ dưỡng chất % (theo Đạm – Lân – Kali) một số loại phân: Gà: 1,63 – 1,54 – 0,85 Heo: 0,7 – 1,3 – 1,2 Trâu bò: 0,4 – (0,2 đến 2,3) – (0,9 đến 1,3) Ngựa: 0,5 – 0,4 – 0,3 Người ta nhận thấy rằng những cây hoa lan trồng chậu và được bón trực tiếp phân động vật thì tăng trưởng rất tốt vào lúc đầu nhưng về sau rễ lan bị hư thối; có lẽ là do sự phân rã của phân làm cho không khí bị tù hãm và nước bị ứ đọng trong chậu cùng lúc với sự tăng nhanh của vi khuẩn. Điều này giải thích tại sao phân động vật dùng ở mức độ cao một cách liên tục sẽ làm giảm đi sự tăng trưởng và ra hoa. Để tránh tình trạng nay thì chúng ta phải: Tạo sự thông thoáng cho đáy chậu, không dùng phân động vật trực tiếp mà phải ngâm cho rã rục, lấy nước để dùng Nên tưới phân hữu cơ vào buổi sáng để tia nắng ban mai và sự khô nhanh vào buổi trưa giúp hạn chế mầm bệnh. Kết hợp tưới phân và tưới thuốc cùng lúc hoặc tưới thuốc phòng bệnh cho cây hoa lan ngay ngày hôm sau của lịch tưới phân. Khi dùng thì phải pha loãng tùy theo độ đậm đặc của phân lúc ngâm với nước. – Xác bã động vật: xác tôm, cá (nước ngọt), gia súc, gà, vịt, lòng mề,… cho vào hũ hay chum vại, đậy kín, ngâm cho rã rục đến khi không còn mùi thối. Lọc lấy nước phân này. Khi dùng thì pha loãng tùy độ đậm đặc lúc ngâm chúng. – Bánh dầu phộng:  Là xác của hạt đậu phộng giữ lại sau khi đã ép dầu. Loại phân này có tỷ lệ đạm cao và được dùng với 3 cách, có thể ngâm từng bánh dầu vào nước sau đó pha loãng với nước để tưới. Bánh dầu xay nhuyễn trộn với phân bò và tro trấu làm gía thể rất tốt. Dùng dạng thỏi nhỏ như viên kẹo đặt thẳng vào chậu nhưng xa gỉa hành qua quá trình tưới nước rễ sẽ hấp thụ. Ngoài ra có thể dùng các chế phẩm hữu cơ chuyên dùng cho lan như: Trùn quế thủy phân, phân hữu cơ từ rong biển… III. Vitamin:    – Vitamin B1(Thiamin): Đây là sinh tố cần thiết cho Lan, nhiệm vụ của sinh tố này là kích thích sự mọc rễ tiếp tục khi cây vừa bị tách rời khỏi điều kiện thuận lợi trong quá trình tách chiết và thay chậu. – Vitamin C (Axít axcobic):  Ảnh hưởng tốt đến sự tăng trưởng của Lan. – Nước dừa: Có rất nhiều muối khoáng như: Axit amin, sinh tố, kích thích tố sinh trưởng rất cần thiết cho sự phát triển của lan, thành phần nước dừa như sau: muối khoáng, gluxít 3%, lipit 1%, protit 0.21%, B1, Botin, B6. IV.  Các chất điều hòa sinh trưởng:    1. Kích thích tạo rễ: Có nhiều kích thích tạo rễ khác nhau, tuy nhiên có nhiên có 2 nguồn chính: thiên nhiên như axít indolaxetic (IAA) và nhân tạo như axit naptalenaxetic (NAA) và axit indolbutiric (AIB) và 2,4 – D. Các kích thích tạo rễ thường dùng với nồng độ 0.1 ppm – 10 ppm để tách chiết lan và phun định kỳ 6 tháng để tạo bộ rễ mạnh. Thường kích thích tố tạo rễ thường được dùng với sinh tố B1. 2. Kích thích tạo chồi: Dùng Citokinin với nồng độ 5ppm tỏ ra hữu hiệu cho sự tạo chồi một số loài lan đơn thân và đa thân. Cần chú ý phun dung dịch citokinin nhằm mục đích tạo chồi để nhân giống. Nhưng không bao giờ để tỷ lệ chồi tương ứng với gỉa hành, tỷ lệ ½ là hợp lý. Vì tỷ lệ chồi trên giả hành ảnh hưởng mạnh đến qúa trình sinh trưởng và phát dục của Lan. 3. Chất chống auxin:  Chất này gây hiệu quả cho một số loài lan không chịu tác động của Citokinin, chất này có khả năng chống auxin có khả năng gây sự mọc chồi bên, vì thế nó sẽ làm gia tăng nhanh chóng số lượng chồi bên. 4. Nước trà: Cũng là một chất đều hòa sinh trưởng vừa có tính diệt khuẩn. Đây là một loại thuốc chủng ngừa bệnh hữu hiệu bằng cách tăng cường sức đề kháng cho lan, chống lại sự xâm nhiễm của nấm bệnh từ bên ngoài. V. Các nguyên tố trung lượng và vi lượng: Cây Lan tiêu thụ rất ít các nguyên tố này. Nhưng không thể thiếu. Nên cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây để có phát hoa dài, ra hoa nhiều, đẹp và lâu tàn. VI. Liều lượng và cách sử dụng :    – Phân bón và các chất khác rất cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của lan nhưng lạm dụng quá sẽ có ảnh hưởng xấu. Sử dụng hàm lượng phân bón và chu kỳ phân thay đổi theo từng loài, từng thời điểm trong năm và mục đích sử dụng. Phân bón ít khi được dùng dưới dạng riêng lẻ. Mùa tăng trưởng của Lan dùng phân tổng hợp 30-10-10. Khi cây chớm nụ dùng các loại phân có hàm lượng Lân cao để hoa chóng đậu và đẹp như phân 10-20-20 hoặc 6-30-30. Trước khi cây bước vào giai đoạn nghĩ dùng phân bón có hàm lượng Kali cao để tăng sức chịu đựng như 10-20-30 và khi cây bước vào giai đoạn nghĩ hoàn toàn ngưng sử dụng phân bón. Các loại phân riêng rẽ có thể dùng trong các trường hợp đặc biệt. Phân Urê khi cây còn nhỏ, hoặc Kali có thể tăng suất đề kháng cho cây, dùng Lân thúc đẩy sự ra hoa, mọc rễ. – Đối với loài Lan đất hoặc đơn thân, tưới 1 tuần 2 lần. Các loài khác khoảng 1 tuần hay nữa tháng. Hoặc pha loãng phân với 1 muỗng cafê pha trong 4lít nước phun trong buổi sáng với dạng phun sương do cây lan hấp thụ qua lá hữu hiệu hơn tưới vào gía thể.

K.S Lê Đình Chức (Trưởng Trạm Trình diễn và Dạy nghề Nông nghiệp- TTKN Tp.HCM)

Từ khóa » Nồng độ Ppm Cho Hoa Lan