Định Hình Vị Thế Cảng CM-TV Trên Bản đồ Hàng Hải Thế Giới

Hai năm qua, các DN cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nâng cao chất lượng năng suất xếp dỡ, rút ngắn thời gian giải phóng tàu, tiết kiệm chi phí cũng như thu hút thêm các hãng tàu về cảng.

Năm 2021, Gemalink triển khai thêm 2 tuyến dịch vụ trực tiếp kết nối CM-TV với các cảng quan trọng tại Bắc Mỹ.  Trong ảnh: Toàn cảnh cảng Gemalink.
Năm 2021, Gemalink triển khai thêm 2 tuyến dịch vụ trực tiếp kết nối CM-TV với các cảng quan trọng tại Bắc Mỹ. Trong ảnh: Toàn cảnh cảng Gemalink.

Luôn nằm top đầu

Ngày 10/2, tại khu vực cầu cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT), các cẩu bờ đang nhịp nhàng xếp dỡ hàng cho tàu Maerk Ensenada. Con tàu có trọng tải 140.000 DWT, sức chở hơn 13 ngàn TEU cập cảng và xếp dỡ khoảng 9.500 TEU hàng hóa. Ban Giám đốc Cảng CMIT đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện, thiết bị khẩn trương bốc xếp hàng hóa và chỉ trong vòng 35 tiếng, tàu đã rời cảng để tiếp tục hành trình. Đây là năng suất xếp dỡ được hãng tàu đánh giá cao.

Ngay từ những ngày đầu đi vào khai thác, CMIT là một trong những cảng có năng suất xếp dỡ cao nhất trong nước cũng như trên thế giới. Năng suất trung bình trên mỗi cẩu là 32 container/giờ. Với sản lượng trung bình của mỗi tàu từ 5.000-10.000 TEU và có những tàu lên đến 12.000 TEU, ưu tiên hàng đầu của CMIT vẫn là khai thác tàu ở mức năng suất cao nhất để giải phóng tàu trong vòng 24-50 giờ theo đúng tiến độ nhưng vẫn bảo đảm độ chính xác và an toàn cao nhất. Năng lực khai thác của CMIT luôn duy trì ổn định suốt những năm qua mặc dù ngày càng có nhiều thử thách về thị trường, sản lượng, lịch tàu thay đổi, trễ chuyến.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc CMIT cho biết, để đạt được điều này, CMIT đã không ngừng thực hiện cải tiến quy trình và xử lý vấn đề thông qua các chương trình Kaizen, LEAN, từ đó ngày càng tối ưu hóa quy trình và nâng cao năng suất làm việc của cả đội ngũ.

Đánh giá từ các hãng tàu cho biết, hiện nay năng lực xếp dỡ giải phóng tàu tại một số cảng khu vực CM-TV luôn nằm trong top đầu của thế giới. Đây là yếu tố quan trọng để CM-TV không bị tắc nghẽn như các cảng chính trên thế giới trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, đây là lợi thế để các DN cảng tiếp nhận và khai thác các tàu tuyến xa với kích cỡ lớn đã tạo vị thế cạnh tranh cân bằng cho Việt Nam với các cảng trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Hong Kong, Thái Lan… Hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu đi châu Âu, châu Mỹ đã không cần phải trung chuyển qua các cảng của Malaysia, Singapore,… mà đã có thể đi thẳng từ các cảng Cái Mép, từ đó giảm thời gian và chi phí logistics, góp phần kích cầu thương mại cho hàng hóa của Việt Nam với thế giới. Các tuyến tàu hiện vẫn duy trì 32 tuyến/tuần, với tần suất này CM-TV nằm trong top cao nhất Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, Malaysia.

Cùng với đó, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực khai thác cảng, vừa qua CMIT đã đưa cẩu bờ STS số 6, loại super post-panamax siêu lớn vào vận hành. Đây là cẩu bờ thứ 6 của cảng. Với giàn cẩu bờ hiện nay, CMIT đủ năng lực xếp dỡ các tàu loại siêu lớn trọng tải 214.000 DWT mà cảng đang tiếp nhận. “Với những tàu lớn, CMIT dùng toàn lực 6 cẩu bờ để xếp dỡ giúp tăng 20% năng suất bến. Điều này, giúp cho việc tàu đến và đi nhanh hơn quay ra kịp con nước mà không phụ thuộc vào thủy triều, giúp hãng tàu, hoa tiêu và các bên đều tăng năng lực khai thác như: cảng có thể đón thêm tàu, hoa tiêu dẫn thêm nhiều tàu, hãng tàu tiết kiệm chi phí. Tại CMIT nếu cần thiết tăng năng suất bến có thể làm trên 32 container/giờ/ cẩu… Với thành tích này được xếp vào top đầu của thế giới. Vì hiện nay các cảng lớn tại Mỹ đạt trên 20 container/giờ/cẩu.

Trước đó, cuối năm 2021, cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cũng thiết lập kỷ lục mới về năng suất xếp dỡ trung bình cẩu đạt 47 container/giờ/cẩu. Theo đó, trong vòng hơn 14 tiếng làm hàng, TCIT đã xếp dỡ tổng cộng 3.311 container (tương đương 4.797 TEU) cho tàu ONE COLUMBA thuộc tuyến dịch vụ FPE của liên minh THE. Đây là thành tích ấn tượng trong hành trình 11 năm khai thác của cảng TCIT (2011-2021), đặc biệt là trong bối cảnh các cảng lớn trên thế giới đang bị ách tắc, số lượng tàu phải đợi cầu tăng cao chưa từng có do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngay từ những ngày đầu đi vào khai thác, CMIT luôn là một trong những cảng có năng suất xếp dỡ cao nhất trong nước cũng như trên thế giới.  Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng CMIT.
Ngay từ những ngày đầu đi vào khai thác, CMIT luôn là một trong những cảng có năng suất xếp dỡ cao nhất trong nước cũng như trên thế giới. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng CMIT.

Thêm nhiều cơ hội cho CM-TV

Phân tích về cơ hội đối với cảng biển Việt Nam năm 2022, ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, từ giữa năm 2020 đến nay, nền kinh tế thế giới hồi phục mạnh mẽ, thị trường vận tải đường biển cũng trở nên sôi động. Nếu đầu năm 2020, đơn đặt đóng mới tàu container chỉ chiếm 8,5% sức chở đội tàu hiện có thì hiện con số này chiếm đến 23-24%.

Theo thống kê của Alphaliner, số lượng tàu đóng mới sức chở 8.000-24.000 TEU chiếm tới gần 22%, nghĩa là 1/4 số tàu đóng mới đã từ 8.000 TEU trở lên. Đội tàu container phát triển và xu thế tăng trọng tải tàu sẽ là cơ hội lớn cho cảng biển Việt Nam. Nếu loại tàu này mở tuyến đến Việt Nam, tại khu vực phía Nam chỉ có cụm cảng CM-TV đủ điều kiện tiếp nhận. Do đó, các DN cảng đã và đang nỗ lực không ngừng để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, xứng tầm một trong những cảng nước sâu lớn nhất của cả nước, góp phần định hình vị thế của khu cảng CM-TV trên bản đồ hàng hải thế giới.

Ông Keith Townley, thuyền trưởng tàu Maerk Evora cho biết, năm 2022, dự kiến các hãng tàu như: CMA-CGM, Maersk, COSCO, Ocean Network Express sẽ đưa tàu kích cỡ từ 18.000 TEU vào cảng CM-TV, bởi nơi đây là cụm cảng nước sâu lớn nhất khu vực có thể tiếp nhận các tàu trọng tải lớn.

Cẩu bờ STS số 6, loại super post-panamax siêu lớn đã được đưa vào vận hành tại CMIT.
Cẩu bờ STS số 6, loại super post-panamax siêu lớn đã được đưa vào vận hành tại CMIT.

Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc khai thác tàu và vận tải của Hãng tàu Maersk tại Việt Nam đánh giá, CM-TV là cửa ngõ xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam và cũng là điểm đến thu hút hàng trung chuyển quá cảnh. Thông qua CM-TV, các hãng tàu có thể triển khai được các tàu lớn và tuyến dịch vụ nối thẳng từ Việt Nam đến các thị trường lớn trên thế giới, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc phải trung chuyển qua cảng chuyển tải. “Trong năm 2021, Maersk đã triển khai được các tàu thế hệ Triple E như Margrethe Maersk, Merete Maersk đến cảng CMIT và Gemalink và triển khai thêm 2 tuyến dịch vụ trực tiếp kết nối CM-TV với các cảng quan trọng tại Bắc Mỹ. Thời gian tới, hãng vẫn tiếp tục xem CM-TV là một trong những khu vực trọng điểm để thúc đẩy tăng trưởng”, ông Trần Hoàng Vũ cho biết thêm.

Từ những phân tích trên cho thấy, thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ hội cho CM-TV. Tuy nhiên, các chuyên gia cảng biển cho rằng, cần tạo ra các tuyến bến dài để tiếp nhận đồng thời nhiều tàu mẹ; phát triển các KCN tại khu vực cảng tạo nguồn hàng ban đầu; thêm các trung tâm dịch vụ logistics, depot, kho bãi; bố trí thêm bến cho tàu chuyển tải container. TX. Phú Mỹ hay TP. Vũng Tàu sẽ thành trung tâm kết nối cho các hãng tàu, chủ hàng toàn cầu… Muốn vậy, cần phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng với CM-TV. Ngoài ra, để CM-TV trở thành cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế thật sự theo quy hoạch của Thủ tướng, đề nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, xác lập và triển khai cơ chế chính sách mang tính đột phá cho cụm cảng. Qua đó, cho phép áp dụng hệ thống thuế ưu đãi, thu hút đầu tư thành khu thương mại tự do, sớm hình thành Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ; xây dựng hệ thống pháp luật ổn định, thuận lợi cho DN để thu hút hàng trung chuyển quốc tế qua cảng.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

Từ khóa » Bản đồ Cảng Biển Mỹ