Định Hướng Đại Hội XIII Của Đảng Về Bảo Vệ Cán Bộ Dám Nghĩ, Dám ...

Đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta đề cập tới vấn đề khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cũng như việc sàng lọc, thay thế những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, không hoàn thành nhiệm vụ. Trong các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, Đảng ta luôn quan tâm đến nội dung này nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm để phục vụ đất nước, phụng sự nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”(1).

Chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Nghị quyết Đại hội IV của Đảng đặt ra yêu cầu thực hiện triệt để nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong cấp ủy, trong đó nêu rõ, cần tránh tâm lý “ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán”. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm không chỉ là việc cán bộ quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao, mà còn thể hiện ở tinh thần dám đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, dám đứng lên phê phán, nhìn thẳng vào những khuyết điểm của bản thân, của tập thể, của đồng nghiệp và của cấp trên.

Tại Đại hội V của Đảng, báo cáo về công tác xây dựng Đảng đã thẳng thắn nêu ra tình trạng mất dân chủ, dân chủ hình thức, thiếu phê bình từ dưới lên do hiện tượng gia trưởng, độc đoán, thành kiến, trù dập những cán bộ dám phê bình khuyết điểm, xem đó là biểu hiện “tiêu cực”, khiến cho cán bộ không dám thẳng thắn đấu tranh, phê phán những biểu hiện sai trái. Báo cáo cũng nhấn mạnh, cần phát hiện và kết nạp những người “trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyết điểm bảo vệ chân lý”; đồng thời, tập hợp những cán bộ có “tinh thần dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”. Những nội dung trên đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong việc bảo vệ những cán bộ có tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, dám đấu tranh vì sự vững mạnh của Đảng.

Đặc biệt, Đại hội VI của Đảng đã mở ra một bước ngoặt lịch sử đối với đất nước ta khi quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thay đổi trong phân phối, lưu thông, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, cách tiếp cận của Đảng ta về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Báo cáo chính trị trình Đại hội VI khẳng định, để công cuộc đổi mới thành công, cần phải “dám thừa nhận và thay đổi những quyết định sai lầm, dám xử lý kiên quyết những trường hợp phức tạp”. Báo cáo cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức khi dám thay đổi tư duy và cơ chế quản lý, đó là “cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu”, không những sẽ chịu lực cản từ những lề thói cũ, mà còn “vấp phải những đặc quyền, đặc lợi của một số người gắn bó với cơ chế cũ”.

Nghị quyết số 05-NQ/HNTW, ngày 20-6-1988, của Hội nghị Trung ương 5 khóa VI, về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”, lần đầu tiên đưa “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trở thành một tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo, là tuyên ngôn chính trị mạnh mẽ của Đảng ta về phẩm chất cần có của những con người cách mạng(2). Dám nghĩ, dám làm không chỉ là một phẩm chất cần được khuyến khích, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cần phải có và nhiệt tình cách mạng của người cán bộ lãnh đạo.

Những thành quả to lớn của công cuộc đổi mới bắt nguồn từ chính tinh thần dám thay đổi, dám kiên quyết đấu tranh của những cán bộ lãnh đạo vì lợi ích của nhân dân, vì sự lớn mạnh của Đảng, dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình dù gặp phải không ít khó khăn, thử thách. Đó là những tấm gương mẫu mực về bản lĩnh, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, như đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh; “xóa bỏ tem phiếu”, “cơ chế một giá theo thị trường” của đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) tại tỉnh Long An; “những việc cần làm ngay” và “cơ chế thị trường” của đồng chí Nguyễn Văn Linh; xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, thực hiện dự án khai thác vùng Đồng Tháp Mười, xây dựng kênh thoát lũ ra biển Tây, “ngọt hóa” vùng Tứ giác Long Xuyên, xây dựng đường dây tải điện 500 kV của đồng chí Võ Văn Kiệt; chuyển đổi hệ thống ngân hàng, chính sách tỷ giá phù hợp với cơ chế thị trường của đồng chí Đỗ Mười;...

Nhờ đó, cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đi vào cuộc sống, công cuộc đổi mới trở thành cuộc bứt phá ngoạn mục của kinh tế Việt Nam, đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng trì trệ, nghèo nàn, lạc hậu. Trong suốt thời kỳ này, đất nước ta đã chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao; đó chính là thành quả từ những quyết định táo bạo, đột phá vào những thời điểm quan trọng của lịch sử của những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ có những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, làm việc tắc trách, trì trệ, dựa dẫm vào tập thể, nói không đi đôi với làm hoặc làm chiếu lệ; khi có sai sót, khuyết điểm không dám chịu trách nhiệm mà tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc cho người khác.

Ngày 16-1-2012, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó chỉ ra nguy cơ của việc thiếu một cơ chế xác định trách nhiệm rõ ràng trong thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách dẫn đến tình trạng không khuyến khích được người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; đồng thời, đặt ra yêu cầu cần có cơ chế, chính sách để giải quyết mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, phát huy vai trò của người đứng đầu nhằm “khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng”.

Tới nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, nhiệm vụ ban hành, bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách mới lần đầu tiên được đặt ra nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm(3). Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra phương hướng, nhiệm vụ cần phải “đổi mới công tác bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ,... để lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu”(4).

Từ khóa » Tiêu Sự Dương Mộng Huyền