Định Hướng Nghề Nghiệp Nhóm Nghiên Cứu Và Nhóm Kỹ Thuật Theo ...

John L.Holland (1919 – 2008) là tiến sỹ tâm lý học người Mỹ. Mô hình lý thuyết nghề nghiệp của ông đã được sử dụng trong thực tiễn hướng nghiệp tại nhiều nước trên thế giới và được đánh giá rất cao về tính chính xác trong việc khám phá, lựa chọn ngành, nghề phù hợp tính cách, sở thích của bản thân. Hãy cùng Hướng nghiệp GPO tìm hiểu kỹ hơn về mô hình này nhé!

Theo tiến sĩ tâm lý John Holland, có 6 nhóm sở thích nghề nghiệp tương ứng với các loại ngành nghề khác nhau trong xã hội nhưng có quan hệ với nhau. Đó là: (1) Realistic – tạm dịch là nhóm Kỹ thuật, (2) Investigate - nhóm Nghiên cứu, (3) Artistic - nhóm Nghệ thuật, (4) Social - nhóm Xã hội, (5) Enterprising - nhóm Quản lí, (6) Convetional - nhóm nghiệp vụ.

Nghiên cứu và kỹ thuật

Theo học thuyết đặc tính nghề và môi trường làm việc của John Holland (mà Hướng nghiệp GPO thường hay gọi ngắn gọn là mật mã Holland), việc xác định bản thân thuộc nhóm đặc tính nghề nào sẽ giúp một người tìm ra ngành học hay nghề nghiệp có thể phù hợp với mình nhất. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta sẽ có hơn một nhóm nổi trội. Trong trường hợp đặc biệt, có người có thể có hơn bốn nhóm nổi trội.

Trong bài viết hôm nay Hướng nghiệp GPO sẽ giới thiệu một cặp mật mã Holland nằm gần nhau, cặp đôi Nghiên cứu và Kỹ thuật. Hướng nghiệp GPO hy vọng rằng những bài viết này phần nào giúp các em và cha mẹ hiểu thêm về sự trộn lẫn giữa hai nhóm đặc tính nghề theo lý thuyết của giáo sư John Holland. Những bài viết này Hướng nghiệp GPO viết dựa trên sách của chính tác giả học thuyết, giáo sư John Holland, các nghiên cứu lâu năm của công ty ACT, là công ty chuyên làm trắc nghiệm ở Mỹ, và từ những quan sát của bản thân Hướng nghiệp GPO trong hơn mười năm làm công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp. Hướng nghiệp GPO mong các em và quý cha mẹ hãy xem đây là tài liệu tham khảo, và nếu phần nào của những gì Hướng nghiệp GPO viết không phù hợp với trường hợp của mình, thì các em và gia đình hãy theo nhận định của bản thân vì những gì Hướng nghiệp GPO chia sẻ chưa chắc đã đúng cho tất cả mọi người.

Nhóm Nghiên cứu và Kỹ thuật – Khi sự thông tuệ và khéo léo gặp nhau

Như đã chia sẻ trong một bài viết trước, những bạn trẻ thuộc nhóm Nghiên cứu thích các hoạt động đòi hỏi việc quan sát, tìm tòi, học hỏi về thế giới xung quanh, từ hiện tượng vật lý, sinh học cho đến văn hóa xã hội. Các bạn thuộc nhóm này có khả năng học tốt những môn học thuộc khối khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh hay những môn học thuộc khối khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa. Điểm mạnh của họ là khả năng tìm hiểu thật sâu một lĩnh vực yêu thích. Các bạn thường được người xung quanh nể phục vì kiến thức, sự nổi trội trong học hành, và khả năng phân tích.

Nếu nhóm Nghiên cứu được biết đến nhờ sự thông tuệ của trí óc thì nhóm Kỹ thuật lại được ngưỡng mộ bởi những khả năng thể chất. Các bạn trẻ thuộc nhóm Kỹ thuật thích các trò chơi vận động, tiếp thu nhanh các môn thể thao hay thể dục, có khả năng phối hợp tay mắt tốt, hoặc có khả năng sử dụng các dụng cụ trong nhà hay máy móc dễ dàng (như búa, kìm, kéo, dao, máy vi tính, …). Những học sinh thuộc nhóm này thích những môn học thực hành nhiều và cực kỳ ác cảm với những môn nhiều lý thuyết và phải học thuộc lòng. Họ thích những hoạt động cần tương tác với vật dụng, máy móc, cây cối, động vật, hơn là với con người và dễ thấy mệt khi phải nói chuyện và xã giao nhiều.

Sự kết hợp của hai nhóm Nghiên cứu và Kỹ thuật sẽ cho những đặc tính sau:

  • Thích và giỏi trong việc học rất sâu một lĩnh vực nào đó có liên quan đến khoa học tự nhiên, thiên nhiên, động vật, cây cối, máy móc.
  • Không thích và thiếu khả năng trong việc giao tiếp với người khác, quản lý người khác, diễn đạt cảm xúc của bản thân, hay thuyết phục ai đó tin vào điều họ tin.

Nuôi dưỡng theo tự nhiên

Những bạn trẻ của hai nhóm Nghiên cứu và Kỹ thuật, cũng như bao bạn trẻ thuộc các nhóm khác, nếu được thông cảm, thấu hiểu, và nuôi dưỡng theo tự nhiên bởi cha mẹ từ thuở ấu thơ, họ sẽ trở thành những con người mạnh mẽ và sáng tạo, trầm lặng và tự tin, khéo léo, để sản xuất những sản phẩm hữu ích cho con người nhờ trí óc và sự khéo léo thể chất của họ.

Những bạn có đặc điểm của hai nhóm này sẽ phát triển tốt nếu khi còn nhỏ được cha mẹ

  • Tập trả lời những câu hỏi khó bằng cách đọc sách; tìm câu trả lời qua việc quan sát, tìm tòi thông tin, chia sẻ với người khác.
  • Tham gia các hoạt động vận động hay thể thao tùy theo yêu thích; chơi đồ chơi phải vận dụng sự khéo léo đôi tay như rubic, ráp mô hình, Lego, …
  • Bỏ thời gian trò chuyện với mọi người để tăng khả năng tương tác với người khác. Đừng tự ép mình xã giao nhiều và rộng, nhưng hãy thiết lập các hoạt động bạn bè trong nhóm nhỏ với cùng sở thích để quen dần với việc chơi cùng người khác.

Thế giới nghề nghiệp

Theo bản đồ thế giới nghề nghiệp của ACT, những nhóm ngành sau đây phù hợp với những ai thuộc hai nhóm đặc điểm Nghiên cứu – Kỹ thuật

  • Kỹ thuật & Công nghệ: Kiến trúc sư, kỹ sư (ví dụ, dân dụng, cơ khí) và kỹ thuật viên (ví dụ, bảo tồn năng lượng, kiểm soát chất lượng) trong các lĩnh vực khác nhau; Kiểm soát viên
  • Khoa học Tự nhiên & Công nghệ: Nhà sinh vật học; Chuyên gia về công nghệ thực phẩm; Nhà địa chất; Nhà khí tượng học; Nhà vật lí
  • Công nghệ Y khoa: Chuyên gia dinh dưỡng; Chuyên gia nhãn khoa; Dược sĩ; Kỹ thuật viên phóng xạ trong nhiều lĩnh vực khác nhau (ví dụ, Y khoa, Phẫu thuật)
  • Vận hành Vận tải & Liên quan: Phi công máy bay; Phi hành gia; Tài xế xe buýt; Kỹ sư đầu máy; Thuyền trưởng; Tài xế xe vận tải
  • Nông nghiệp, lâm nghiệp và liên quan; Quản lý trang trại; Nhân viên kiểm lâm; Quản lý vườn ươm / nhà kính
  • Khoa học Máy tính & Công nghệ Thông tin: Chuyên gia phân tích an ninh mạng; Lập trình máy tính; Phân tích Hệ thống Máy tính; Nhà phát triển trang web
  • Xây dựng và Bảo trì: Thợ mộc; Thợ điện (Xây dựng); Lính cứu hỏa; Thợ sửa ống nước; Thợ cài đặt hệ thống bảo mật
  • Thủ công & Liên quan: Đầu bếp/Nấu ăn; Thợ kim hoàn; Thợ may; Nhà sản xuất rượu
  • Chế tạo & Quy trình Sản xuất: Người vận hành việc in ấn; Công nhân chế tạo kim loại; Công nhân chế tạo công cụ; Người vận hành nhà máy nước; Thợ hàn
  • (Thuộc) Cơ khí & (Thuộc) Điện: Thợ khoá; Kỹ thuật viên trong các lĩnh vực khác nhau (ví dụ: Ô tô, Hệ thống điện tử, Phát thanh, m thanh)

Nên lưu ý là các em nhóm Nghiên cứu – Kỹ thuật sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu phải học những ngành đòi hỏi tiếp xúc với con người quá nhiều, các ngành liên quan đến quản lý, hay các ngành học lý thuyết nhiều hơn thực hành.

Theo lý thuyết Holland, một lợi thế của những bạn trẻ thuộc nhóm Nghiên cứu – Kỹ thuật đó là họ sẽ phát hiện sở thích và khả năng tự nhiên của mình từ rất nhỏ nếu được nuôi dưỡng theo tự nhiên. Các bạn ấy cũng ít bị mâu thuẫn nội tâm về sở thích nghề nghiệp của mình; do đó, họ phát triển đều đặn nếu được phép học và làm đúng ngành nghề. Những bạn thuộc hai nhóm này chỉ gặp khó khăn nếu cha mẹ cố gắng lái họ theo một ngành trái với sở thích và khả năng tự nhiên của họ (ví dụ như ngành phải làm việc với con người rất nhiều như sư phạm cấp I-II hay quản lý nhân sự). Đặc biệt, cha mẹ và các bạn trẻ nên lưu ý dù các bạn ở nhóm Nghiên cứu – Kỹ thuật có khả năng học Y Khoa tốt, nhưng nếu không có nhóm Xã hội trong ba nhóm cao nhất, họ sẽ rất khó khăn nếu học các ngành Chẩn đoán Y Khoa và Điều Trị (như bác sĩ, y sĩ, y tá) vì các ngành này đòi hỏi làm việc trực tiếp với bệnh nhân rất nhiều.

Kết

Như các nhóm khác, các bạn trẻ thuộc hai nhóm Nghiên cứu và Kỹ thuật nên được trải nghiệm qua các hoạt động liên quan đến Nghiên cứu và Kỹ thuật từ những ngày còn nhỏ. Qua thời gian, các bạn sẽ hiểu được ngành phù hợp để theo học sau lớp 12. Lưu ý rằng các bạn trẻ thuộc hai nhóm này rất ngại giao tiếp xã hội, trầm lặng, ít biểu hiện ý tưởng và cảm xúc, lười đầu tư vào các mối quan hệ thân thiết. Do đó, hãy thông cảm và giúp đỡ để họ từ từ thoải mái trong việc giao tiếp với người xung quanh vì ở thời đại mới rất khó để tránh làm việc với người khác dù ở trong lĩnh vực nào đi nữa.

Hướng nghiệp GPO hy vọng bài viết này gửi đến các bạn trẻ và quý cha mẹ một cái nhìn sâu hơn về sự kết hợp của hai nhóm đặc điểm nghề Nghiên cứu và Kỹ thuật. Xin chúc các bạn và quý cha mẹ bình an và tìm được nhiều niềm vui trong cuộc hành trình hướng nghiệp sắp tới. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, vui lòng đăng ký thông tin tại đây.

Bích Hà Theo youth.com.vn

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề

Trắc nghiệm nghề nghiệp: giúp bạn hiểu rõ bản thân

Trắc nghiệm nghề nghiệp là gì? Nên hay không nghe theo kết quả trắc nghiệm

Định hướng nghề nghiệp cho nhóm ngành Nghệ thuật

Từ khóa » John Nhóm