Định Hướng Việc Học đàn Piano - HDPiano

Tôi từng gặp rất nhiều người yêu cầu dạy Piano CHỈ ĐỂ CHƠI ĐƯỢC “Đám cưới tình yêu” (Richard Clayderman) hay “River flows in you” (Yiruma)… trong thời gian nhanh nhất có thể. Đây là 1 thực trạng khá buồn về nhu cầu học nhạc ở Việt Nam hiện nay khi người học không biết được mình sẽ phải trải qua những gì để đến được cái đích cuối cùng. Giống như việc cho trẻ con tiểu học đi khảo sát hàm số y=2x chẳng hạn. Có thể dạy chúng thuộc lòng vẹt được cách khảo sát và thậm chí là vẽ được cả đồ thị hàm số này. Nhưng sau đó khi yêu cầu chúng tự khảo sát hàm y=3x thì pó tay chào thua!

Học Piano cũng vậy, phải đi từ từng bước căn bản, để đến khi xử lý được “River flows in you”, bạn cũng có thể ứng dụng để tự học tự đàn được “Kiss the rain” hay nhiều bài tương đương. Học nhạc, tất cả đều phải đi từ những kiến thức cơ bản về nhạc lý, song hành cùng với đó là quá trình rèn luyện kỹ thuật đôi tay và phát triển tư duy âm nhạc. Tùy vào định hướng học đàn từ đầu mà “hàm lượng” nhạc lý, kỹ thuật, tư duy sẽ được điều chỉnh khác nhau để đạt được mục đích đã đề ra. Còn khái niệm “học trong thời gian nhanh nhất có thể” phụ thuộc nhiều yếu tố, quan trọng nhất là ý thức tập tành (kiên trì, chuyên cần) của người học, định hướng chính xác từ đầu, lộ trình (giáo án, phương pháp dạy) và kỹ năng tâm huyết sư phạm của người dạy.

Theo đó, có 3 hướng đi chính để người học Piano định hướng trước khi bắt đầu.

A. ĐỆM HÁT

Ứng dụng phổ thông nhất hiện nay. Dễ khởi đầu và nhanh cho ra kết quả.

Các ca khúc (nhạc trẻ, nhạc trữ tình, nhạc Trịnh, nhạc Tây, nhạc Tàu, nhạc Tuynidi, nhạc Thổ Nhĩ Kỳ…) đều bao gồm 2 phần là phần giai điệu và phần đệm. Phần giai điệu sẽ do người hát đảm nhiệm với các tiêu chí đúng tone, đúng nhịp, đúng lời, chất giọng hay, phong cách biểu diễn cuốn hút… Chúng ta sẽ nói chuyện nhiều về phần đệm, là phần do người chơi đàn phụ trách. Bạn (vai trò người chơi Piano) có thể đệm đàn cho người khác hát, hoặc cho chính bản thân hát (khó hơn). Như vậy, bạn sẽ dùng cả 2 tay để phục vụ cho riêng phần đệm nhạc.

Để đệm nhạc, cơ bản nhất người đệm phải chơi được đúng hợp âm theo tone người hát và giữ nhịp thật chắc. Ở mức độ nâng cao hơn, người đệm sẽ học cách chơi các đoạn dạo đầu, dạo giữa, dạo kết để lấp chỗ trống giữa các lời hát. Học cách dồn nhịp đảo phách để tạo điểm nhấn cho bài hát. Cao hơn nữa là khả năng tự nghe tự ghi lại các hợp âm của ca khúc, thậm chí là bắt và đoán trước hợp âm của những bài chưa bao giờ biết (dân nhạc gọi là “bắt lợn”). Cuối cùng là tự sáng tạo các hợp âm “dị” theo phong cách riêng và đệm theo các tiết tấu khác nhau để làm mới bài hát. Như vậy, để học đệm hát, các bạn cần kỹ thuật đôi tay ở mức độ vừa phải. Nhạc lý ở mức nắm vững hợp âm, nhịp, tiết tấu. Quan trọng nhất là tư duy, càng mới lạ, càng sáng tạo thì phần đệm đàn càng hay!

B. CỔ ĐIỂN

Người học đàn sẽ nhìn bản nhạc mẫu và đàn theo chính xác những ký hiệu âm nhạc đã ghi trong bản nhạc. Các bản nhạc chia làm nhiều trình độ từ dễ đến khó, cực khó – là đại dương mênh mông bát ngát bơi mãi không hết. Như vậy, tập “River flows in you” nghĩa là bạn phải học nhạc cổ điển (đây là tác phẩm cổ điển mới new-age) vì đây là tác phẩm có bản nhạc mẫu.

Bản nhạc tác phẩm River flows in you - Yiruma

Học nhạc cổ điển như vậy, trước hết là học cách đọc bản nhạc, hiểu và đánh theo các ký hiệu quy định trong bản nhạc. Tiếp theo đó việc rèn luyện kỹ thuật là điều tối quan trọng. Các bản nhạc khó dần sẽ dẫn đến hậu quả là các thế tay khó, đánh tốc độ cao mà những beginner không thể đánh được dù cho có đọc hiểu được bản nhạc. Tư duy sáng tạo ở nhạc cổ điển chỉ dừng lại ở mức độ cảm nhận và chơi nhạc cho tình cảm, mà để đạt được điều này thì không có kỹ thuật tốt thì cũng không đạt được.

Nếu ai hỏi tôi là để chơi được “River flows in you” mất bao lâu thì tôi sẽ trả lời là 1 năm đổ ra, tùy theo đam mê và mức độ rèn luyện của bạn. Không phải là mì ăn liền ít tháng xài được đâu nhé!

C. BÁN CỔ ĐIỂN (SEMI-CLASSIC)

Là hình thức kết hợp giữa đệm hát và cổ điển. Bạn yêu thích 1 ca khúc hay 1 tác phẩm nào đó và tự chơi lại theo phong cách riêng mà không cần hoặc dựa rất ít vào bản nhạc mẫu. Ở Semi-classic, bạn sẽ vừa phải chơi phần giai điệu và kiêm luôn cả phần đệm nhạc bằng 2 tay. Thông thường ở mức độ đơn giản, tay phải sẽ chơi giai điệu còn tay trái phụ trách phần đệm. Ví dụ bạn thích ca khúc “Em ơi Hà Nội phố” của NS. Phú Quang, bạn sẽ phải thuộc giai điệu của nó và tự “phiên dịch” giai điệu đó thành nốt nhạc để chơi bằng tay phải. Bạn cũng phải biết được các hợp âm của bài để chơi chúng bằng tay trái và sau đó kết hợp 2 tay với nhau thành bản cover “Em ơi Hà Nội phố” theo cách riêng của bản thân.

Vậy để học bán cổ điển, bạn cũng cần phải rèn luyện kỹ thuật cho thật tốt. Tất nhiên là giai điệu của các ca khúc thường đơn giản hơn nhiều so với Beethoven hay Yiruma nên cũng không cần quá chuyên sâu. Bạn cũng phải nắm được nhạc lý liên quan đến hợp âm của đệm hát. Và cũng cần một chút tư duy sáng tạo để làm mới phần đệm theo phong cách riêng.

Lạm dụng PR tẹo, mùa đông vừa rồi tôi có tự ghi âm 1 album nhạc semi-classic một số ca khúc tiếng Việt về mùa đông. Tất cả các track này đều do tôi tự nghe gia điệu, tự sáng tạo phần đệm và kết hợp lại theo phong cách riêng không cần bản nhạc. Các bạn có thể tham khảo tại địa chỉ: http://www.nhaccuatui.com/playlist/cau-chuyen-mua-dong-hoan-dark.O1cMnL6NYoCZ.html

Trên đây là sơ lược một số nét về 3 hướng đi chính cho việc học đàn Piano hiện nay. Dù lựa chọn hướng đi nào, bạn cũng cần phải thực sự nghiêm túc và kiên trì để đạt được những thành quả nhất định dù cho level cao hay thấp. Chúc các bạn lựa chọn được hướng đi phù hợp và đàn hay!

Hoàn Dark

Bình luận

Từ khóa » Dạy đánh Piano Bài River Flows In You