Đình Làng Minh Lệ – Di Tích Lịch Sử Văn Hoá Cấp Quốc Gia
Có thể bạn quan tâm
Đình Minh Lệ thuộc thôn Minh Lệ, tổng Thuận Thị, phủ Quảng Trạch nay thuộc làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Minh Lệ là vùng đất nằm bên nhánh sông Rào Nan về phía sông Gianh, phong cảnh hữu tình, người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, rau quả. Đình Minh Lệ nằm cạnh đường làng, cách trụ sở UBND xã chừng 400m về phía Tây Bắc, cách thị trấn Ba Đồn chừng 6km về phía Tây Nam, cách ga Minh Lệ khoảng 400m về phía Đông Bắc.
Sông Rào Nan – Làng Minh Lệ
Đình làng không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian. Vì lẽ đó, khi du lịch Quảng Bình, bất kỳ vị lãng khách nào một khi đã đến đình làng Minh Lệ, đều bị níu chân bởi vẻ đẹp kiến trúc tuy giản đơn, thô mộc nhưng tinh xảo, cổ kính, không bề thế, phô trương mà rất gần gũi, thân thiết, và nhất là phần “hồn cốt” của đình làng đã được hun đúc suốt mấy trăm năm qua dường như vẫn còn phảng phất đâu đây.
Đình làng Minh Lệ được xây dựng năm 1464 dưới triều vua Lê Thánh Tông, hoàng đế thứ 5 của nhà Lê sơ. Đình làng Minh Lệ là nơi thờ tự Thành hoàng làng Trương Hy Trọng và 4 vị đức thần tổ: Trương, Nguyễn, Hoàng, Trần. Tương truyền, Trung lang Thượng tướng quân Trương Hy Trọng (tên thật là Trương Công Chấn) là con trai thứ hai của ông Trương Công Lang-một vị tướng tài của Lê Lợi. Khi Lê Lợi tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Minh, thì ở phía Nam, quân Chiêm Thành (còn gọi là giặc Lồi) thừa cơ quấy nhiễu, cướp phá vùng biên giới, tướng Trương Công Lang được Lê Lợi tin cậy sai đem quân vào Nam trấn thủ.
Nối nghiệp cha, ông Trương Hy Trọng đã lập nhiều chiến công hiển hách trong cuộc chiến chống quân Chiêm Thành. Năm 1493, trong trận chiến khốc liệt ở Thành Lồi (nay thuộc xã Hạ Trạch, Bố Trạch), ông bị trọng thương, phi ngựa về đến quê nhà ở làng Minh Lệ thì tạ thế vào ngày 24 tháng 4 năm Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24.
Vua Lê Thánh Tông và triều đình vô cùng thương tiếc đã phong sắc cho ông làm Thượng đẳng thần, Thành hoàng làng và cho lập đền thờ. Ngài cùng 3 họ Nguyễn, Hoàng, Trần đã có công chiêu dân khai phá đầm lầy, sáng lập ra xã Thị Lệ gồm 5 thôn: Minh Lệ (Quảng Minh), thôn Đoài (Diên Trường-Quảng Sơn), Vĩnh Ninh (Hoà Ninh-Quảng Hoà), Vĩnh Phước, Vĩnh Lộc (Quảng Lộc).
Theo cuốn “Đất và người quê tôi” của tác giả Hoàng Minh Đức, thuở sơ khai đình làng Minh Lệ là ngôi nhà chung của cả 5 thôn, về sau, mỗi thôn lại có đình làng riêng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến tranh phá hoại, ngôi đình được xây dựng lại vào năm Bảo Đại nhị niên 1927 rồi được trùng tu qua các năm 2003, 2008 và 2011.
Dù qua những biến cố nào, nhiều giá trị tinh thần của ngôi đình vẫn trường tồn vĩnh cửu, thách thức thời gian. Đình vẫn giữ lối kiến trúc truyền thống với cổng, sân, thành bao, đình trung, đình hậu cùng hình tượng lân, rồng… Đình làng chính là kết tinh của biết bao mồ hôi, công sức, tài hoa của người dân làng Minh Lệ và cũng là hiện thân của tình đoàn kết, cộng đồng cùng nhau góp sức vì việc chung, việc nước.
Đình trung bốn mái, hai mái trước và hai mái hồi. Trên đình, giữa mái có lưỡng long chầu nguyệt, hai góc mái là hình hai con rồng lượn đã được cách điệu thành hoa lá, đầu rồng ẩn trong lá. Bốn góc mái là hình rồng lượn, vuốt cong nâng mái đình uyển chuyển, giữa hai đường mái trước là hình khối của hai con lân. Gian giữa thông với hai gian hai bên bằng 3 cửa vòm và thông với đình hậu cũng bằng ba cửa vòm nhưng cửa lại cấu trúc rất thấp, thể hiện một sức mạnh thần bí của tâm linh.
Đình Minh Lệ được xây dựng rất công phu, từ các hình khối rồng, phượng, đến các bức vẽ, chạm khắc, thể hiện màu sắc nhất là sự bố trí, cấu trúc các cửa, các cửa vòm liên tiếp nhau, từng mảng, cửa chìm vào tường, cửa thông các gian… tường dày, hơi thấp về độ cao, bố cục trong phép đối xứng, đình hậu lại làm theo kiểu mái cuốn vòm kế tiếp nhau thành hai vòm, càng vào trong càng thấp xuống. Mặt rồng hung dữ, thân rồng thô, chân rồng chắc khoẻ thể hiện thế lực đầy quyền uy của chế độ phong kiến nhà Nguyễn.
Đình Minh Lệ không những là nơi thờ tự, tổ chức lễ hội, nơi hội họp của làng mà ngôi đình còn gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương đất nước qua các thời kỳ
Đình làng Minh Lệ là nơi gắn liền với những sự kiện tiêu biểu trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Trước Cách mạng Tháng Tám, đình là nơi hội họp, liên lạc của chi bộ Đảng và là nơi tập hợp, huy động quần chúng nhân dân cướp chính quyền. Một chi bộ Đảng Cộng sản của làng Minh Lệ được thành lập sau khi tách từ chi bộ ghép của 5 thôn trước đây có liên quan đến xã Quảng Sơn và Quảng Hòa cũng được thành lập ngay dưới mái đình này.
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ hy sinh, đình làng, sân đình… là nơi cất dấu vũ khí, trong khu vực đình, cơ sở cách mạng đào hầm cất vũ khí để phục vụ cho kháng chiến. Đình cũng là nơi huấn luyện dân quân tự vệ, nơi các cán bộ quân sự cấp trên về hội họp và cùng tổ chức những trận tập kích lẻ tẻ, hay chống càn bảo vệ xóm làng, quê hương.
Dưới mái đình Minh Lệ, các Đảng viên mới lần lượt được kết nạp, bổ sung cho chi bộ của làng. Đình chứng kiến những buổi lễ kết nạp, những cánh tay giơ cao quyết tâm chiến đấu hy sinh vì lý tưởng cộng sản vì tự do hạnh phúc cho nhân dân.
Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, làng Minh Lệ, đình Minh Lệ liên tiếp bị đánh phá. Những chuyến hàng trăm nẻo từ Bắc vào Nam đều dừng chân tại Minh Lệ. Đình Minh Lệ trở thành trạm giao liên, chuyển tiếp trên chặng đường từ Bắc vào Nam. Đình thành nơi tập kết cất đấu vũ khí, lương thực che mắt máy bay Mỹ để tiếp tục chuyển vào Nam. Đình bị máy bay Mỹ đánh phá, dân làng chuyển bàn thờ thành hoàng và bàn thờ các vị thần tổ về phía Đông Bắc làng trong nhà thờ cạnh lăng thành hoàng. Đình bị đánh sập tường thành bao, ngói bay, một số hình khối hoa văn bị gãy nhưng đình vẫn đứng đó cùng làng quyết tâm bám trụ. Ngôi đình, mái đình, cổng đình mãi mãi gắn liền với mỗi con người với những trang sử của quê hương, đất nước.
Năm 1992, đình làng Minh Lệ đã được Nhà nước xếp hạng, công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Hàng năm, con cháu đi xa đều ghé lại để thắp hương. Đình làng Minh lệ được coi như là “văn miếu” của làng. Những sĩ tử đến trường thi dù vội đến mấy cũng đến thắp hương khấn vái Tứ Đức Thần Tổ. Có nhiều người học hành đỗ đạt lại kéo đến đình làng dâng hương hoa. Họ chọn đình làng làm nơi làm lễ “vinh quy bái tổ”. Có vị khi đỗ Tiến sĩ về làng làm cỗ dâng cúng Tứ Đức Thần Tổ và chia vui với bạn bè. Thật là một tục lệ đẹp mang đầy ý nghĩa nhân văn.
Ngày nay, đình làng Minh Lệ là nơi hội tụ con cháu các họ trong ngày tảo mộ. Con cháu dù ở Hà Nội, Hải Phòng hay thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cà Mau…cũng thu xếp công việc về với quê hương. Mái đình trở thành một biểu tượng thân thương của một làng quê miền Trung đầy gian nan vất vả, nghèo đói nhọc nhằn nhưng rất đỗi kiên trung.
Đình Minh Lệ còn có ý nghĩa trong việc nghiên cứu một công trình kiến trúc nghệ thuật của địa phương. Một kiểu kiến trúc đình làng thể hiện sự tài tình của nghệ nhân Minh Lệ trong việc kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, cái không thể trộn lẫn của đình Minh Lệ trong loại hình đình làng Việt Nam trở thành điểm đến ý nghĩa trong bản đồ du lịch Quảng Bình.
Ảnh: Sưu tầm
Từ khóa » Di Tích đình Làng
-
Đình Làng Đình Trung Di Tích Lịch Sử Cấp Quốc Gia - Huyện Hà Trung
-
ĐÌNH LÀNG ĐÀ NẴNG
-
Giá Trị Văn Hóa, Lịch Sử Đình Làng Đà Nẵng
-
Đình Làng – Nét đẹp Văn Hóa Của Người Việt - Báo Thanh Hóa
-
Di Tích Lịch Sử Đình Làng Gai - Chi Tiết Tin Tức - Huyện Lục Nam
-
Đình Làng Phai Cam - Di Tích Cấp Tỉnh
-
Giữ Gìn Và Phát Huy Giá Trị Di Tích, đình Làng - Báo Quảng Ngãi điện Tử
-
DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH: ĐÌNH LÀNG ĐÔNG BÀN ...
-
Đình Làng Cổ Lão - Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thật Cấp Tỉnh
-
Bảo Tồn Và Phát Huy Giá Trị đình Làng ở Thành Phố Hồ Chí Minh
-
Đình Làng Đông Dương - Stp..vn
-
Đình Làng Dương Nỗ - Di Tích Lịch Sử Cấp Quốc Gia đặc Biệt
-
Đình La Cả | Phường Dương Nội
-
Kiến Trúc Đình Làng Việt