Đình Làng Trong đời Sống Của Người Dân Đà Nẵng - Huỳnh Thạch Hà

Nói đến văn hóa cổ truyền Việt Nam, người ta không thể không nói đến đình làng. Đình làng xuất hiện từ ngàn xưa và đã có mặt tại hầu hết các làng quê Việt Nam. Do đó, đình làng là hình ảnh của quê hương, là tượng trưng cho nếp sống đặc thù của xã hội Việt Nam. Đình làng còn tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của người Việt. Đồng thời cũng là nơi thờ phụng thần linh, các bậc Tiền hiền, Hậu hiền, những người có nhiều đóng góp cho làng quê ấy. Mà thần Thành hoàng là vị thần chính được thờ trong đình. Là đấng linh thần chủ tọa cho cuộc sống của cộng đồng, phò trợ cho dân làng được an cư lạc nghiệp, tránh được bệnh tật, hung khí, tai họa. Đình làng còn là trung tâm văn hóa, là nơi tổ chức những cuộc vui chung vào dịp hội hè, đình đám cho cả làng.

Đình làng trong đời sống của người dân Đà Nẵng - Huỳnh Thạch Hà

Ở Đà Nẵng, kể từ khi những lưu dân người Việt từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh vào định cư, trên hành trang thiên di của họ, ngoài những công cụ cần thiết cho công cuộc mưu sinh nơi vùng đất mới thì họ còn mang theo trong tâm tưởng mình những vốn văn hóa cổ truyền đã gắn bó với họ nơi làng quê cũ. Lúc bấy giờ, Đà Nẵng vẫn còn là nơi hoang vu, hùm beo sấu dữ,… họ đã đem sức lao động để khai phá những vùng đất còn hoang hóa thành ruộng đồng phì nhiêu. Khi mỗi làng xã được hình thành và tương đối ổn định thì tùy theo diện tích đất đai, tiền bạc và công sức đóng góp của cư dân mà tiến hành xây dựng ngôi đình để thờ thần cho cả làng. Từ đó, ngôi đình tồn tại, phát triển và biến đổi qua các giai đoạn lịch sử khác nhau của cộng đồng dân cư ấy.

Từ xưa, trong tâm thức của người dân Việt, họ luôn tin rằng, đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, núi có Sơn thần, làng có Thành hoàng. Do đó, người dân ở trong làng phải xây dựng đình, miếu thờ phụng thần linh, để các thần phù hộ, độ trì cho cuộc sống của dân làng được bình an, khỏe mạnh. Ở Đà Nẵng, sự hình thành ngôi đình gắn liền với quá trình định cư của người Việt. Nhiều thế kỷ qua, cùng với ngôi chùa, đình đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của người dân nông thôn, chứa đựng những nét độc đáo về tín ngưỡng, kiến trúc, điêu khắc và lễ hội, thể hiện sắc thái văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Ở Đà Nẵng, cổng các ngôi đình không có một kiểu dáng nhất định. Nếu đình nào có quy mô bề thế thì có cổng tam quan, trên đó đắp các câu đối bằng chữ Hán như đình Lỗ Giáng, Thạch Nham, Quá Giáng. Phía trên có mái lợp ngói, hoặc trên hai trụ có đặt cặp lân bằng sành tráng men hoặc hình tượng con sư tử. Những ngôi đình được nhỏ hơn thường có cổng đơn. Trước sân đình có bức bình phong được xây bằng gạch, đắp nổi hoặc vẽ hình cọp vàng đứng dưới bóng cây cổ thụ, bên một gành đá lởm chởm; hoặc cảnh “long mã chở phù đồ”, hoặc hình lân, phượng, hoa lá,... Bức bình phong cá tác dụng che chắn không cho người bên ngoài nhìn vào nơi thờ thần của làng.

Hai bên đình thường là các miễu thờ Thổ công, miễu thờ Hội đồng hoặc miễu thờ nữ thần (có thể là một trong các nữ thần sau: Năm Bà Ngũ Hành, Chúa Ngọc,...).

Không như những ngôi đình làng ở phía Bắc, đó là những công trình kiến trúc gỗ đồ sộ, gồm 5 - 7 gian; ở Đà Nẵng, ngôi đình thường là một quần thể kiến trúc gỗ khá đơn giản mang dáng dấp của ngôi nhà rường xứ Quảng ba gian hai chái hoặc một gian hai chái. Bố cục mặt bằng của đình có hình chữ Đinh. Kiểu kiến trúc này thường được gọi là kiểu “chuôi vồ”, nhưng cũng có một số người gọi là kiểu chữ (T) lộn ngược vì ngoài chánh điện còn có gian hậu tẩm nối liền phía sau gian giữa của chánh điện.

Kết cấu kiến trúc của đình phần nhiều được xây dựng bằng các loại danh mộc như lim, kiền kiền, với những thân cột gỗ to tròn, thẳng đứng, đặt trên những tảng đá kê hình tròn, hoặc hình vuông, có trang trí hoa văn cánh sen hoặc để trơn. Các vì kèo, xà ngang, xà dọc của đình cũng làm toàn từ những loại gỗ tốt, có khả năng chống chọi trước thiên nhiên khắc nghiệt của dãi đất miền Trung và các loài côn trùng gặm nhấm. Các vì kèo có kết cấu vì kèo chồng hoặc tam đoạn, các đuôi kèo, đuôi trính được trang trí đầu rồng, hình ảnh vân vũ,... Tường được xây bằng gạch, mái đình thường lợp ngói âm dương, hoặc ngói ống, ngói vảy cá, trên nóc thường trang trí những đồ án lưỡng long tranh châu, chim phượng ngậm cuốn thư, lân giáo tử, cá hóa long, bát tiên, ông nhật, bà nguyệt,… nhằm tượng trưng cho âm dương hòa hợp, sung túc, thiêng liêng. Có thể nói, bằng kỹ thuật nề vôi vữa và được các nghệ nhân dùng kỹ thuật khảm sành sứ một cách cầu kỳ, tạo nên sự thanh thoát cho mái đình, đồng thời đảm bảo được sự trường tồn trước khắc nghiệt về khí hậu lắm nắng nhiều mưa của dải đất miền Trung.

Chính giữa đình người ta đặt một bàn thờ dùng để đặt đồ lễ mỗi khi cúng đình và cũng có nơi dùng làm chỗ cho các chức sắc chầu lễ, cầm chầu (mỗi khi hát Bội) hoặc hội họp. Còn gian cuối là hậu tẩm, người ta trang hoàng các bức hoành phi, câu đối, khám thờ, các bao lam và các mảng phù điêu,... Tất cả đều được chạm khắc, sơn son thếp vàng đẹp đẽ, tinh tế với nội dung thể hiện sự ước vọng về cuộc sống bình an của con người, ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân. Ở gian này, đối tượng thờ chính là Thành hoàng làng. Ngoài ra, ở hiên phụ (cất dọc theo các gian chính), có thờ thêm Tả ban, Hữu Ban, Tiên sư, Tiền hiền, Hậu hiền,... Và tùy theo diện tích đình, mà có thể có thêm nhà trù để hương chức, ban tế tự hội họp, để dân làng qui tụ chuẩn bị lễ cúng tế,...

Trong các ngôi đình còn lưu giữ rất nhiều sắc phong của các vua nhà Nguyễn dành cho các vị thần như Thành hoàng làng, Bà Diễn Phi Chúa Ngọc, Bà Ngũ Hành,… có ngôi đình còn giữ hơn chục sắc phong. Từ đó có thể thấy sự quan tâm của các vua Nguyễn đối với đời sống cư dân Đà Nẵng xưa.

Đặc biệt, thiêng liêng hơn cả là lễ hội ở đình, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa thiêng liêng, tín ngưỡng thờ thần, biết ơn thần, tạ ơn đất trời đã cho con người cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, tạo được sự cố kết của cộng đồng làng xã. Cũng chính ở sự liên kết cộng đồng làng xã mà con người có ý thức đoàn kết với nhau hơn, đồng thời để nhớ về cội nguồn và trao đổi những kinh nghiệm trong sản xuất, cũng như ứng phó trước mọi chuyển biến của lịch sử.

Hàng năm, tại đình có hai kỳ lễ cúng chính là mùa Xuân và mùa Thu mà người thường gọi là Xuân Thu nhị kỳ. Vào các ngày này, dân làng mở lễ hội đình để tưởng niệm công tích của các vị thần. Và dịp cúng đình cũng là ngày hội của dân làng, người ta tổ chức các trò chơi ở làng, diễn hội làng, hát bài chòi, hát hò khoan rất sôi nổi. Quy mô tổ chức lễ hội của đình tùy thuộc vào làng giàu hay nghèo, năm trúng mùa hay mất mùa. Những người đến dự lễ hội đình làng được tự do xem hát, tham gia các trò chơi, trao đổi tâm tình và cùng nhau ăn uống vui vẻ. Ai cũng cố gắng giữ tư cách, không say sưa, càn quấy hay nói tục, bởi trong những ngày này, mọi khía cạnh đời thường đã được nâng lên đời thiêng. Không gian thiêng liêng của đình cả năm im lìm nay được tái hiện trở lại bởi con người. Đèn, nến sáng trưng, cờ ngũ sắc tung bay, chiêng trống nổi lên, lòng người khắp nơi náo nức, rộn rã hướng về không gian thiêng liêng đó.

Người dân đến lễ hội trước hết là để biểu thị lòng tôn kính và biết ơn các vị phúc thần và các bậc tiền nhân đã khuất, có nhiều công lao tạo dựng quê hương, xây nên cơ nghiệp để lại cho những thế hệ cháu con. Sau là dịp để biểu thị ý thức tôn trọng văn hóa truyền thống của dân tộc, hưởng thụ hình thái sinh hoạt tinh thần cộng đồng vốn có nhiều gắn bó với phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian. Bởi thế, lễ hội ở đình đã trở thành nét văn hóa độc đáo vô cùng thiêng liêng, có sức cộng cảm trong cộng đồng dân tộc.

Lễ hội tại đình làng là cầu nối tâm linh giữa những con người với nhau, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở làng xã, bảo tồn những vốn quý di sản văn hóa tinh thần của dân tộc. Khôi phục các lễ hội ở đình làng cũng là góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng được đời sống văn hóa cơ sở, tạo được sân chơi cho đông đảo dân làng mỗi kỳ lễ hội, đồng thời tạo được một điểm tham quan, vui chơi giải trí cho khách du lịch.

Hiện nay, nhiều ngôi đình ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên một số đình làng đã không còn hiện diện hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng việc trùng tu còn chậm chạp. Một số khác tuy được trùng tu, nhưng vì một lý do nào đó nên ngôi đình đã được làm mới hoàn toàn bằng vật liệu hiện đại, nên ít nhiều mất đi cái hồn di sản của cha ông. Thêm vào đó, ngoại trừ những ngày có lễ tế, những ngày còn lại, do dân làng ít lui tới, nên sau này cửa đình gần như khép kín quanh năm. Vì sao mối gắn bó giữa đình làng với người dân trong làng không còn được như xưa nữa, phải chăng tính thiêng và lễ hội tại đình làng đã bị sa sút nên không còn thu hút người dân đến với ngôi đình?

Trong sự sôi động của cuộc sống hôm nay, những luồng văn hóa mới đang thổi mạnh vào đời sống của mỗi người dân. Liệu ngôi đình làng có đứng vững với chức năng và vai trò của nó? Do đó, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa trong việc bảo tồn di tích, đồng thời khôi phục những lễ hội truyền thống hàng năm diễn ra tại các đình làng, đưa vào phần hội những hoạt động vui chơi giải trí sôi nổi để thu hút người dân tham dự, có như vậy mới bảo tồn được những giá trị văn hoá cổ truyền của người dân Đà Nẵng suốt các thế kỷ qua.

H.T.H

Từ khóa » Khảm Huỳnh Thạch Cho Sum