Định Lượng Axit Uric - Hello Bacsi

Tìm hiểu chung

Axit uric là gì?

Axit uric là một chất được tạo ra khi cơ thể phân hủy các loại thực phẩm có chứa hợp chất hữu cơ purin. Purin có trong phủ tạng động vật (gan, thận, lá lách,…), thịt đỏ, một số hải sản (cá cơm biển, cá ngừ, cá thu, cá hồi,…), bia rượu. Purin cũng được tạo ra thông qua quá trình phân hủy tế bào tự nhiên trong cơ thể. Hầu hết axit uric hòa tan trong máu, lọc qua thận và thải ra ngoài qua nước tiểu.

Định lượng axit uric là gì?

Định lượng axit uric là phương pháp đo lượng axit uric có trong máu. Đôi khi, cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric hoặc không lọc ra đủ, dẫn đến nồng độ axit uric cao. Ban đầu, nồng độ này trong máu tuy cao nhưng chưa xuất hiện các triệu chứng gout nên thường gọi là “Tăng axit uric máu”. Nếu kéo dài, các tinh thể urat sẽ lắng đọng ở các khớp gây viêm, sưng, đau khớp nghiêm trọng. Khi đó, tăng axit uric máu đã tiến triển thành bệnh gout. Nếu các tinh thể urat lắng đọng dưới da, chúng có thể gây sỏi thận hoặc suy thận. Một nguyên nhân khác của tăng axit uric máu là tăng tế bào chết do điều trị ung thư hoặc ung thư.

Nếu có quá ít axit uric trong máu, đó là triệu chứng của bệnh gan hoặc thận hay hội chứng Fanconi – 1 tình trạng rối loạn của ống thận ngăn cơ thể hấp thụ các chất như glucose và axit uric.

Khi nào bạn cần thực hiện định lượng axit uric?

Thông thường nhất, xét nghiệm này được sử dụng để:

  • Chẩn đoán và theo dõi tình trạng bệnh gút
  • Theo dõi và đánh giá quá trình hóa trị hoặc xạ trị
  • Kiểm tra chức năng thận sau chấn thương
  • Tìm nguyên nhân gây sỏi thận
  • Chẩn đoán các rối loạn thận

Trong những trường hợp sau, bạn có thể cần xét nghiệm axit uric:

  • Bị đau khớp hoặc sưng khớp, nghi ngờ có liên quan đến bệnh gút
  • Đang trải qua hóa trị
  • Sắp bắt đầu liệu trình hóa trị
  • Bị sỏi thận thường xuyên tái đi tái lại
  • Từng được chẩn đoán mắc bệnh gout

Một phương pháp khác để xét nghiệm axit uric là kiểm tra nước tiểu trong khoảng thời gian 24 giờ. Đôi khi, bác sĩ sẽ đề xuất thực hiện cả 2 quy trình để chẩn đoán chính xác hơn.

Điều cần thận trọng

Định lượng axit uric có nguy hiểm không?

Những rủi ro liên quan đến định lượng axit uric cũng tương tự như khi xét nghiệm máu thông thường. Nhìn chung, đây là kỹ thuật an toàn nhưng trong một số trường hợp, người bệnh có thể:

  • Cảm thấy đau hoặc khó chịu ở vị trí lấy máu
  • Chảy máu
  • Ngất xỉu hoặc chóng mặt
  • Tích tụ máu dưới da dẫn đến các khối máu tụ hoặc bầm tím.
  • Nhiễm trùng da

Nếu người bệnh bị chảy máu không ngừng, hãy nhanh chóng thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Tuy nhiên, tất cả các tình trạng trên thường hiếm gặp khi làm định lượng axit uric.

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Để không làm ảnh hưởng đến kết quả định lượng axit uric, trước khi thực hiện lấy máu người bệnh cần tránh:

  • Uống rượu bia
  • Dùng một số loại thuốc chẳng hạn như aspirin và ibuprofen
  • Bổ sung một lượng vitamin C cao
  • Chụp X-quang có sử dụng vật liệu phóng xạ

Bên cạnh đó, hãy thông báo cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc (kê toa hoặc không kê toa) cũng như thảo dược hay thực phẩm chức năng đang sử dụng. Ngoài ra, người bệnh có thể cần phải nhịn ăn uống trong 4 giờ trước khi xét nghiệm.

Trong khi thực hiện

Để thực hiện định lượng axit uric, người bệnh sẽ được lấy mẫu máu qua đường tĩnh mạch cánh tay hoặc trên mu bàn tay, tương tự như 1 xét nghiệm máu thông thường.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bác sĩ hoặc nhân viên y tế có thể thực hiện một vết cắt nhỏ ở cánh tay để lấy một mẫu máu nhỏ. Sau đó, vết thương sẽ được khử trùng, băng bó (nếu cần thiết).

Sau khi thực hiện

Quá trình thực hiện chỉ mất vài phút. Mẫu máu thu thập của người bệnh sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Người bệnh có thể ra về trong ngày trừ khi có chỉ định đặc biệt từ bác sĩ.

Kết quả của xét nghiệm

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Kết quả của định lượng axit uric là gì?

Nồng độ axit uric sẽ khác nhau tùy theo giới tính. Giá trị bình thường đối với nữ là 2,5 – 7,5 miligam/deciliter (mg/dL) và đối với nam là 4.0 – 8,5 mg/dL. Tuy nhiên, giá trị này cũng có thể thay đổi ở các điều kiện khác nhau của từng phòng thí nghiệm.

Kết quả axit uric được cho là cao khi trên 6 mg/dL đối với nữ và trên 7 mg/dL đối với nam.

Chỉ số này có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề về sức khỏe như bệnh gút, bệnh thận và ung thư. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp ăn thực phẩm có nhiều purin như đã đề cập ở phần đầu của bài viết.

Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm khác (như xét nghiệm nước tiểu) để có kết luận chuẩn xác hơn.

Kết quả định lượng axit uric cao

Nồng độ axit uric trong máu cao có thể là dấu hiệu của:

  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh gout, gồm các đợt viêm khớp cấp tính tái phát
  • Hóa trị
  • Rối loạn tủy xương, chẳng hạn như bệnh bạch cầu (máu trắng)
  • Chế độ ăn nhiều purin
  • Suy tuyến cận giáp
  • Rối loạn chức năng thận, chẳng hạn như suy thận cấp
  • Sỏi thận
  • Đa u tủy
  • Ung thư di căn

Kết quả định lượng axit uric thấp

Nồng độ axit uric trong máu thấp có thể cho biết về những tình trạng sức khỏe như:

  • Bệnh Wilson, một chứng rối loạn di truyền khiến đồng tích tụ trong các mô cơ thể
  • Hội chứng Fanconi, một dạng rối loạn chức năng ống thận hiếm gặp
  • Nghiện rượu
  • Bệnh gan hoặc thận
  • Chế độ ăn ít purin

Định lượng axit uric không phải xét nghiệm dùng xác định bệnh gout. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đưa ra dự đoán dựa trên mức độ axit uric trong máu cao cùng các triệu chứng bệnh gout nếu có của người bệnh. Trường hợp nồng độ axit uric cao nhưng không có triệu chứng của gout gọi là tăng axit uric máu không triệu chứng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

 

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Công Thức Máu Acid Uric