Định Ngữ Trong Tiếng Trung: Trợ Từ 的 Và Thứ Tự định ... - HSKCampus
Có thể bạn quan tâm
Định ngữ trong tiếng Trung (定语) và trung tâm ngữ (中心语) là hai khái niệm quen thuộc nhất và thường thấy nhất trong quá trình dạy và học tiếng Trung Quốc, chúng xuất hiện ngay từ giai đoạn sơ cấp và sẽ luôn đồng hành cùng chúng ta cho đến những nơi tận cùng trong thế giới ngữ pháp tiếng Trung. Vậy, định ngữ là gì ? Cách sử dụng, thứ tự của định ngữ như thế nào ? Các bạn hãy cùng HSKCampus tìm hiểu qua bài học hôm nay nha!
Mục lục bài viết
So sánh định ngữ trong tiếng Việt và tiếng Trung
Trước khi đi sâu vào tìm hiểu thế nào là định ngữ trong tiếng Trung, chúng ta hãy tạm dành ra ít phút để ôn lại ngữ pháp tiếng Việt nhé, HSKCampus tin rằng bằng cách làm này, các bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp thu một loại ngôn ngữ mới là tiếng Trung.
Định ngữ trong tiếng Việt
Trong hệ thống ngữ pháp tiếng Việt của chúng ta, định ngữ là một thuật ngữ dùng để chỉ một hay nhiều thành phần phụ trong câu, có tác dụng bổ nghĩa cho danh từ (hoặc ngữ danh từ), định ngữ lúc này thường sẽ là một từ hoặc cụm từ, hay thậm chí là nguyên cả một cụm có đầy đủ cả chủ ngữ lẫn vị ngữ.
Ví dụCon mèo nhà tôi có bộ lông vàng.
Từ câu ví dụ trên, ta có thể thấy, vàng là một từ, từ loại là tính từ, nó có tác dụng làm rõ nghĩa cho danh từ bộ lông. Nếu không có định ngữ là từ vàng, ta sẽ không thể nào xác định được con mèo có bộ lông màu gì.
Ví dụCon mèo nhà tôi có bộ lông vàng óng ánh.
Có thể thấy, vàng óng ánh là một cụm từ (hay còn gọi là ngữ), có tác dụng làm rõ nghĩa cho danh từ bộ lông.
Ví dụCon mèo bạn tôi cho rất dễ thương.
Định ngữ bạn tôi cho trong câu ví dụ trên là nguyên cả một cụm chủ vị, khi chủ ngữ là bạn tôi, còn vị ngữ là cho. Nếu không có sự xuất hiện của định ngữ, ta sẽ không thể nào biết được con mèo từ đâu mà có.
Định ngữ trong tiếng Việt, về cơ bản chính là như vậy.
Định ngữ trong tiếng Trung
Có một điều rất thú vị là định ngữ trong tiếng Trung cũng có nét tương đồng với định ngữ trong tiếng Việt luôn, nó cũng là những từ, cụm từ (ngữ), cụm chủ vị đứng trước trung tâm ngữ (danh từ, động từ, tính từ, đại từ), có tác dụng làm rõ nghĩa trung tâm ngữ – đối tượng mà ta muốn nói đến, giúp chúng ta xác định được trung tâm ngữ là ai (谁), là cái gì (什么), như thế nào (怎么样), ở đâu (地方), khi nào (时间),…
Dù giống nhau đến vậy, nhưng các bạn đừng có mà vội mừng. Định ngữ trong tiếng Trung và tiếng Việt chỉ giống nhau về ý nghĩa ngữ pháp, còn về cách diễn đạt, giữa hai ngôn ngữ có sự khác biệt rất lớn.
Cách diễn đạt trong tiếng ViệtKhông khí trong lành (trung tâm ngữ: không khí; định ngữ: trong lành)
–> trung tâm ngữ + định ngữCách diễn đạt trong tiếng Trung
新鲜空气 ♥ Không khí trong lành (dịch theo thứ tự chữ: trong lành không khí)
– trung tâm ngữ (中心语): 空气 – định ngữ (定语): 新鲜
–> định ngữ + trung tâm ngữ
Hãy quan sát kỹ nhé, trong ngữ pháp tiếng Việt, định ngữ bao giờ cũng đứng sau trung tâm ngữ, thế nhưng trong ngữ pháp tiếng Trung, mọi thứ bị đảo ngược hoàn toàn, định ngữ lúc này lại đứng trước trung tâm ngữ.
Nghĩa là, từ giờ trở đi, nếu bạn muốn diễn đạt một câu tiếng Trung mà trong đó có sự xuất hiện của định ngữ và trung tâm ngữ, bạn sẽ không thể nói theo kiểu tiếng Việt được, lúc này ta phải đảo ngược hoàn toàn vị trí của các từ trong câu. Kinh khủng chưa ? Sợ chưa ? Hô hô…
Đôi nét về định ngữ trong tiếng Trung
Như đã giới thiệu ở phần so sánh bên trên, định ngữ trong tiếng Trung là thành phần phụ, có tác dụng làm rõ nghĩa cho thành phần chính phía sau nó – một trung tâm ngữ. Giữa định ngữ và trung tâm ngữ, ta thường sẽ chèn thêm trợ từ 的, hay còn gọi là trợ từ kết cấu 的.
Cách diễn đạtđịnh ngữ (定语) + (的) + trung tâm ngữ (中心语)
Trong đó:
– định ngữ loại một: thường là danh từ, ngữ danh từ, tính từ, ngữ tính từ, động từ, ngữ động từ, đại từ, số lượng từ, từ tượng thanh,…
– định ngữ loại hai: ngữ liên hợp, ngữ chính phụ, ngữ động tân, ngữ chủ vị, ngữ giới tân, ngữ phương vị, ngữ so sánh, các loại bổ ngữ,…
– Trợ từ kết cấu: chữ 的
– trung tâm ngữ: thường là danh từ, động từ, tính từ, đại từ,…
Định ngữ loại một
Ví dụ1. 图书馆的书。–> danh từ 图书馆 làm định ngữ
(Quyển sách này có gì đặc biệt ? Nó khác gì so với các sách khác ? Đây là sách của thư viện, không phải sách của nhà sách, lại càng không phải thuộc sở hữu của mình. Từ 图书馆 có tác dụng làm rõ nguồn gốc, đặc điểm của quyển sách)
2. 美丽的城市。–> tính từ 美丽 làm định ngữ
(Thành phố này đẹp hay xấu ? Là một thành phố đẹp, từ 美丽 làm rõ đặc điểm của thành phố. Nếu không có từ 美丽, ta sẽ không thể xác định được thành phố này trông như thế nào)
3. 休息的时间。–> động từ 休息 làm định ngữ
(时间 nghĩa là “thời gian”, ta có “thời gian học” – 学习时间, “thời gian chơi” – 玩的时间,… 休息 trong câu này đang xác định chữ “thời gian” mà nó đang đề cập là nói về “nghỉ ngơi”, khác với những hoạt động khác)
4. 你送给我的礼物很可爱,谢谢啦!–> cụm chủ vị 你送给我 làm định ngữ
(“Món quà” – 礼物 từ đâu mà có ? Do “bạn” – 你 đã tặng cho mình, chứ không phải do ba mẹ tặng, người thân tặng, đồng nghiệp tặng,…)
5. 我 (的) 朋友。–> đại từ 我 làm định ngữ
(“Bạn bè” – 朋友 trong mối quan hệ của ai ? Của chính bản thân mình – 我, chứ không phải của ba, mẹ, anh, chị, em, thằng hàng xóm,…)
6. 两个孩子。–> số lượng từ 两个 làm định ngữ
(Có bao nhiêu đứa trẻ ? Là “hai đứa” – 两个, không phải 3, 4 hay 5, 6,… đứa)
Đặc biệt lưu ý: Bạn thấy câu ví dụ 6 có gì đặc biệt hông ? Ở câu ví dụ 6, đây là trường hợp duy nhất mà định ngữ trong tiếng Việt và tiếng Trung giống hệt nhau về vị trí, đó là đứng trước trung tâm ngữ.
Trường hợp đặc biệtTiếng Việt: hai ba chiếc xe (“hai ba chiếc” là định ngữ; “xe” là trung tâm ngữ) Tiếng Trung: 两三辆车 (“两三辆” là định ngữ; “车” là trung tâm ngữ)
Tiếng Việt: hai mươi em học sinh (“hai mươi em” là định ngữ; “học sinh” là trung tâm ngữ) Tiếng Trung: 二十个学生 (“二十个” là định ngữ; “学生” là trung tâm ngữ)
Định ngữ loại hai
Ngữ liên hợp làm định ngữ1. 我和你的意见 ♥ Ý kiến của tôi và anh
2. 勇敢而勤劳的民族 ♥ Dân tộc dũng cảm và cần cùNgữ chính phụ làm định ngữ
1. 一个非常努力的学生 ♥ Một học sinh rất cố gắng
2. 一个积极工作的工人 ♥ Một người công nhân làm việc tích cựcNgữ động tân làm định ngữ
1. 上汉语课的教室 ♥ Phòng học tiếng Trung
2. 做饭的事交给我 ♥ Cứ giao việc bếp núc cho tôiNgữ chủ vị làm định ngữ
1. 飞机起飞的时间 ♥ Thời gian máy bay cất cánh
2. 公交车离开的时候 ♥ Khi xe buýt rời trạmNgữ giới tân làm định ngữ
1. 对朋友的态度 ♥ Thái độ đối với bạn bè
2. 关于他的故事 ♥ Câu chuyện về anh ấyNgữ phương vị làm định ngữ
1. 我们这间的感情 ♥ Chuyện tình cảm của tụi tôi
2. 学校后边的商店 ♥ Cửa hàng ở sau trườngNgữ so sánh làm định ngữ
1. 像姐妹一样的感情 ♥ Tình cảm như chị em
2. 他们穿着一样的衣服 ♥ Bọn họ mặc đồ giống hệt nhauBổ ngữ làm định ngữ
1. 洗干净了的衣服 ♥ Những bộ quần áo đã giặt sạch (bổ ngữ kết quả làm định ngữ)
2. 爬上山去的人 ♥ Những người leo lên núi (bổ ngữ xu hướng làm định ngữ)
Về trung tâm ngữ (中心语) trong tiếng Trung
Hiện nay, có rất nhiều sách ngữ pháp tiếng Trung đang phát hành ở Việt Nam chỉ đề cập đến việc trung tâm ngữ (中心语) thường là danh từ. Điều này đúng, không sai, nhưng chưa đủ.
Nếu các bạn học tiếng Trung mỗi lúc một lên trình độ cao hơn, các bạn sẽ phát hiện ra rằng, trung tâm ngữ không phải lúc nào cũng là danh từ. Trung tâm ngữ có khi còn là động từ, tính từ, đại từ,… hiện tượng này rất phổ biến.
Ví dụ1. 我听懂了他的解释。(động từ 解释 làm trung tâm ngữ)
2. 她的善良感动了大家。(tính từ 善良 làm trung tâm ngữ)
3. 现在的她还好吗?(đại từ 她 làm trung tâm ngữ)
Có một lưu ý nhỏ nhỏ là, từ loại của những từ như 解释 và 善良 trong hai câu ví dụ trên luôn luôn là động từ và tính từ, nhưng trong trường hợp này, từ 解释 và 善良 xét từ góc độ ý nghĩa diễn đạt, hai từ này sẽ được dịch như một danh từ.
Các bạn nhớ nhé, nó chỉ là danh từ khi chúng ta dịch, còn về ngữ pháp, nó vẫn là động từ, tính từ trong câu.
Vậy nên, hai câu ví dụ trên, ta có thể nói là
Ví dụ1. 我听懂了他的解释。♥ Tôi đã hiểu những lời giải thích của anh ấy / Tôi đã hiểu cách anh ấy giải thích / Tôi đã hiểu sự giải bày của anh ấy
2. 她的善良感动了大家。♥ Lòng tốt của cô ấy đã lay động mọi người / Sự tốt bụng của cô ấy đã lay động mọi người
Phân loại ý nghĩa của định ngữ trong tiếng Trung
Với những bạn đang học tiếng Trung ở giai đoạn sơ cấp, các bạn có thể tạm dừng chân ở những nội dung mà HSKCampus bọn mình đã trình bày phía trên, những kiến thức đó về cơ bản là đã đủ để chúng ta vượt qua trình độ tiếng Trung sơ cấp của kỳ thi HSK rồi, đồng thời cũng đáp ứng được các nhu cầu cơ bản trong giao tiếp hằng ngày.
Nếu các bạn muốn học thêm, chuẩn bị kiến thức cho trình độ tiếng Trung trung cấp, hoặc với những bạn đã học tiếng Trung lên trình độ trung cấp và cao cấp rồi thì chúng ta hãy cùng nhau theo dõi nội dung bài học trong phần này nhé!
Định ngữ trong tiếng Trung không đơn thuần chỉ dừng lại ở danh từ, ngữ danh từ, tính từ, ngữ tính từ, động từ, ngữ động từ, đại từ, số lượng từ, từ tượng thanh, các loại cụm từ (ngữ liên hợp, ngữ chính phụ,…), các loại bổ ngữ (bổ ngữ kết quả, bổ ngữ xu hướng,…),… Đây là những định ngữ được phân loại theo ngữ pháp.
Ở đây, chúng ta còn phải đi thêm một bước nữa, đó là xác định xem định ngữ trong câu là loại định ngữ có ý nghĩa gì, có tính chất và đặc điểm như thế nào. Lúc này là ta đang phân loại định ngữ theo ngữ nghĩa.
Xét về ngữ nghĩa, định ngữ trong tiếng Trung thường được chia làm 3 loại chính, đó là: định ngữ hạn chế, định ngữ miêu tả và định ngữ mang tính phân loại.
1. Định ngữ hạn chế
Định ngữ hạn chế là định ngữ có tác dụng làm cho trung tâm ngữ (đối tượng mà ta muốn nói đến) phải được đặt trong một giới hạn nhất định nào đó, không để nó tràng giang đại hải, giúp người nghe nhanh chóng “khoanh vùng, xác định” được đối tượng mà người nói muốn truyền đạt.
Loại định ngữ này thường là do số lượng từ, đại từ, danh từ, ngữ động từ đảm nhận, nhằm làm rõ số lượng, thời gian, nơi chốn, quyền sở hữu, phạm vi, nguồn gốc… của trung tâm ngữ.
Ví dụ1. 我有两个中国朋友。♥ Tôi có hai người bạn là người Trung Quốc. (两个 là số lượng từ –> làm định ngữ, xác định rõ số lượng bạn bè là người Trung Quốc – 中国朋友)
2. 我喜欢这里的一切。♥ Tôi thích mọi thứ ở chốn này. (这里 là đại từ –> làm định ngữ, xác định rõ những cái mình thích ở địa điểm nào)
3. 今年的产量比去年高多了。♥ Sản lượng (của) năm nay cao hơn năm ngoái nhiều. (今年 là danh từ –> làm định ngữ, xác định rõ thời gian cho trung tâm ngữ 产量)
4. 太阳书店的书正在打七折。♥ Sách ở nhà sách Thái Dương đang giảm giá 30%. (太阳书店 là ngữ danh từ –> làm định ngữ, xác định rõ địa điểm đang giảm giá bán sách)
5. 我们一定会满足旅客们的要求。♥ Chúng tôi nhất định sẽ đáp ứng nhu cầu của các vị du khách. (旅客们 là danh từ –> làm định ngữ, xác định rõ “nhu cầu” – 要求 là của du khách, là quyền lợi của họ)
6. 一只猫冲进了我们的教室,引起了全班同学的注意。♥ Một con mèo phóng vào lớp tụi tôi, đã thu hút sự chú ý của nguyên cả lớp. (我们 là đại từ –> làm định ngữ, xác định rõ “phòng học” – 教室 là thuộc quyền sở hữu của 我们) (全班同学 là ngữ danh từ –> làm định ngữ, xác định rõ trung tâm ngữ 注意 này chỉ xuất phát từ các đối tượng gói gọn trong phạm vi lớp học)
7. 我借来的手机坏了。♥ Điện thoại tôi mượn người ta đã hư rồi. (借来 là ngữ động từ –> làm định ngữ, xác định rõ trung tâm ngữ “điện thoại” – 手机 có nguồn gốc từ việc đi mượn)
2. Định ngữ miêu tả
Định ngữ miêu tả là định ngữ có tác dụng miêu tả trạng thái, đặc trưng, động tác… của trung tâm ngữ. Loại định ngữ này thường là do tính từ chỉ trạng thái (状态形容词), động từ đảm nhận.
Ví dụ1. 我的身边是一位漂亮的年轻女子。♥ Cạnh tôi đây là một cô gái trẻ xinh đẹp. (漂亮 là tính từ –> làm định ngữ, miêu tả nhan sắc của cô gái trẻ)
2. 她是个活泼的女孩。♥ Cô ấy là một người con gái hoạt bát, sôi nổi. (活泼 là tính từ –> làm định ngữ, miêu tả cho tính tình của cô gái)
3. 红衣服很适合我。♥ Những bộ đồ màu đỏ rất hợp với tớ. (红 là tính từ –> làm định ngữ, miêu tả “bộ đồ” – 衣服 có màu đỏ)
4. 我不知道谁送的礼物,但我会打听打听。♥ Tôi không biết ai tặng món quà này, nhưng mà tôi sẽ đi dò la thử xem sao. (送 là động từ –> làm định ngữ, miêu tả “món quà” – 礼物 có được là từ hành động “tặng” – 送)
3. Định ngữ phân loại
Định ngữ phân loại là định ngữ có tác dụng giải thích rõ ràng tính chất, chất liệu, loại hình, công dụng… của trung tâm ngữ, giúp người nghe có thể xác định được trung tâm ngữ (đối tượng đang được nói đến) có những điểm gì đặc biệt so với các đối tượng khác.
Loại định ngữ này thường là do tính từ chỉ tính chất (性质形容词), những từ mang tính phân loại (区别词), danh từ, động từ đảm nhận.
Ví dụ1. 这只木箱子里装的全是书。♥ Cái thùng gỗ này chứa toàn là sách với sách. (木 là danh từ –> làm định ngữ cho trung tâm ngữ là “cái thùng” – 箱子, xác định rõ “cái thùng” có chất liệu là gỗ, không phải giấy hay sắt thép, nhựa)
2. 这所旧房子早已没人住了。♥ Cái căn nhà cũ kỹ này đã lâu rồi không ai ở. (旧 là tính từ chỉ tính chất –> làm định ngữ cho trung tâm ngữ là “căn nhà” – 房子, xác định rõ tính chất của “căn nhà”)
3. 我给自己买了一套新的衣服。♥ Tôi đã sắm riêng cho mình một bộ quần áo mới. (新 là tính từ –> làm định ngữ, làm rõ “bộ quần áo” – 衣服 là đồ mới, không phải đồ cũ)
4. 小型的企业被大型的企业收购了。♥ Doanh nghiệp nhỏ đã được doanh nghiệp lớn mua lại. (小型 và 大型 là những từ mang tính phân loại, còn gọi là 区别词, hai từ này xác định rõ trung tâm ngữ là “doanh nghiệp” – 企业 thuộc loại những doanh nghiệp gì, có quy mô như thế nào)
5. 洗澡的水凉了。♥ Nước tắm nguội lạnh cả rồi. (洗澡 là động từ –> làm định ngữ, xác định rõ trung tâm ngữ là “nước” – 水 được dùng cho mục đích tắm gội, khác với nước dành cho giặt giũ, tưới cây, uống)
Định ngữ và trợ từ kết cấu 的
Nếu để ý kỹ các câu ví dụ mà tụi mình đã trình bày phía trên, các bạn sẽ phát hiện ra rằng, có câu có sự xuất hiện của trợ từ kết cấu 的, có câu thì lại không hề thấy sự hiện diện của trợ từ 的 này.
Ví dụ1. 红衣服很适合我。(giữa định ngữ 红 và trung tâm ngữ 衣服 không có trợ từ 的)
2. 这所旧房子早已没人住了。(giữa định ngữ 旧 và trung tâm ngữ 房子 không có trợ từ 的)
3. 我给自己买了一套新的衣服。(giữa định ngữ 新 và trung tâm ngữ 衣服 có trợ từ 的)
4. 今年的产量比去年高多了。(giữa định ngữ 今年 và trung tâm ngữ 产量 có trợ từ 的)
Thế là thế nào ấy nhỉ ? Sao trợ từ 的 lúc có lúc không ?
Tất cả đều có quy luật hết đấy. Chúng ta cùng đi tìm hiểu nhé!
Trường hợp cần phải có trợ từ 的
1. Mang nghĩa sở hữu
Công thứcĐịnh ngữ (người) + 的 + trung tâm ngữ (vật được sở hữu) Trường hợp này, ta hay dịch chữ 的 là “của”Ví dụ
1. 这是我的车。♥ Đây là xe của tui.
2. 你的手机放在哪里?♥ Điện thoại của cậu để ở đâu ?
Lưu ý: Khi dịch những câu có dùng đến trợ từ kết cấu 的, ta sẽ dịch trung tâm ngữ trước, sau đó mới dịch đến định ngữ. Ví dụ: 我的车, ta sẽ nói là “xe của tôi”. Những trường hợp tiếp theo được liệt kê dưới đây cũng sẽ dịch theo tuần tự y như vậy.
2. Danh từ chỉ thời gian làm định ngữ
Công thứcDanh từ chỉ thời gian + (的) + trung tâm ngữVí dụ
1. 最近的事让我想了很多。♥ Những chuyện gần đây khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.
2. 去年 (的) 夏天我们一起去度假了。♥ Bọn tôi đi nghỉ mát với nhau vào mùa hè năm ngoái.
3. Động từ, ngữ động từ làm định ngữ
Công thứcĐộng từ / ngữ động từ + 的 + trung tâm ngữVí dụ
1. 老板写的信。
2. 妈妈说的话。
3. 用过的电脑。
4. 送的礼物。
5. 研究的课题。
4. Tính từ hai âm tiết, ngữ tính từ làm định ngữ
Công thứcTính từ hai âm tiết / Ngữ tính từ + 的 + trung tâm ngữVí dụ
1. 漂亮的姑娘。
2. 雪白的衬衫。
3. 干净而整齐的房间。
5. Tính từ trùng điệp, tính từ nhiều âm tiết làm định ngữ
Công thứcTính từ trùng điệp / Tính từ nhiều âm tiết + 的 + trung tâm ngữVí dụ
1. 红红的脸。
2. 热乎乎的饭菜。
3. 整整齐齐的桌椅。
6. Phó từ đứng trước tính từ đơn âm tiết làm định ngữ
Công thứcPhó từ + tính từ đơn âm tiết + 的 + trung tâm ngữVí dụ
1. 很新的书包。
2. 很重的行李。
3. 非常高的楼。
Đố các bạn, vì sao 很多 và 不少 cũng là do phó từ 很 / 不 + tính từ đơn âm tiết 多 / 少 tạo thành, nhưng phía sau 很多 và 不少 lại không thể chèn thêm trợ từ 的 ?
Ví dụ1. 我有很多中国朋友。(không thể nói: 我有很多的中国朋友)
2. 那房子一定花了他们不少钱。(không thể nói: 那房子一定花了他们不少的钱)
很多, 不少 là hai cách diễn đạt khá đặc biệt trong tiếng Trung. Trong trường hợp này, sở dĩ ta không thể thêm trợ từ 的 vào sau 很多 và 不少 là vì 很多 và 不少 được xem như là số lượng từ, mà đã là số lượng từ thì không thể nào có chuyện sau nó có trợ từ 的.
Ví dụ三个星期;两部电影;十本词典
–> 三个;两部;十本 là số lượng từ, ta không thể nào nói là 三个的星期;两部的电影;十本的词典
很多 và 不少 cũng rơi vào trường hợp y như thế này, hai từ này vốn dĩ được xem là số lượng từ, như 三个;两部;十本;… do vậy, không thể đi chung với trợ từ 的
7. Những từ chỉ số lượng mang tính miêu tả làm định ngữ
Công thứcTừ chỉ số lượng mang tính miêu tả + 的 + trung tâm ngữVí dụ
1. 500多页的小说。 (miêu tả độ dày của bộ truyện)
2. 七八岁的小孩儿。(miêu tả độ tuổi lớn hay nhỏ)
3. 一桌子的书。(miêu tả các quyển sách được bày khắp bàn)
Lưu ý: Các bạn cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa số lượng từ và từ chỉ số lượng mang tính miêu tả.
– Số lượng từ: Đang nói về số đếm, cụ thể là bao nhiêu. Ví dụ: 两个孩子 (hai đứa trẻ), 一辆车 (một chiếc xe), 三把伞 (ba cây dù),…
– Từ chỉ số lượng mang tính miêu tả: Đang nói về nhận xét, đánh giá nhiều hay ít, cao hay thấp, dày hay mỏng,… dựa trên số lượng hiện có.
8. Khi định ngữ nói lên mục đích, công dụng của trung tâm ngữ
Công thứcTừ ngữ chỉ mục đích, công dụng + 的 + trung tâm ngữVí dụ
1. 学习汉语的方法。♥ Cách học tiếng Trung / Phương pháp học tiếng Trung –> Cách (phương pháp) này để làm gì ? Để học tiếng Trung
2. 装书的箱子。♥ Thùng đựng sách –> Thùng này có công dụng gì ? Dùng cho mục đích nào ? Dùng để đựng, chứa sách
3. 洗澡的水。♥ Nước tắm
4. 饮用的水。♥ Nước uống
9. Tất cả định ngữ loại hai đều phải dùng trợ từ 的
Các bạn hãy kéo lên, xem lại nội dung Định ngữ loại hai trong phần Đôi nét về định ngữ trong tiếng Trung để biết định ngữ loại hai là định ngữ gì nha.
Sau mỗi định ngữ loại hai này, ta đều cần phải dùng đến trợ từ 的 để ngăn cách định ngữ và trung tâm ngữ trong câu.
Trường hợp không cần dùng trợ từ 的
1. Biểu thị mối quan hệ thân thiết
Giữa định ngữ và trung tâm ngữ có một mối quan hệ gắn bó, gần gũi, thân thiết với nhau. Đó có thể là mối quan hệ giữa người thân trong gia đình, bạn bè, giữa cá nhân và tập thể, mối quan hệ trong một tổ chức nào đó.
Ví dụ1. 我妈妈。
2. 你姐姐。
3. 我们老师。
4. 他们公司。
5. 我朋友。
6. 我们办公室。
2. Biểu thị chất liệu của đồ vật
Ví dụ1. 塑料杯子。♥ Ly nhựa.
2. 我想做纸飞机。♥ Tôi muốn làm chiếc máy bay giấy.
3. Biểu thị tính chất của đối tượng, ngành nghề
Ví dụ1. 少数民族。♥ Dân tộc thiểu số.
2. 汉语老师。♥ Giảng viên dạy tiếng Trung.
4. Tính từ đơn âm tiết làm định ngữ
Công thứcTính từ đơn âm tiết + trung tâm ngữVí dụ
1. 长头发。♥ Tóc dài.
2. 大房间。♥ Căn phòng lớn
3. 黑裙子。♥ Váy đen.
5. Cụm từ cố định
Ví dụ1. 河内大学。♥ Đại học Hà Nội.
2. 国家图书馆。♥ Thư viện quốc gia.
3. 畅销书。♥ Sách bán chạy.
6. Số lượng từ
Ví dụ1. 一个学生。
2. 两位老师。
3. 三辆车。
4. 四家公司。
5. 五头牛。
Tiết 1 của bài học về định ngữ trong tiếng Trung đến đây là kết thúc. Các bạn nghỉ giải lao trong ít phút rồi quay lại học tiếp nội dung mới của bài học ngày hôm nay nhé.
Cách sử dụng trợ từ kết cấu 的
Ở tiết 1, chúng ta đã được học qua ngữ pháp, ngữ nghĩa cũng như cách sử dụng của định ngữ trong tiếng Trung, ta biết rằng trợ từ kết cấu 的 (sau đây sẽ gọi tắt là trợ từ 的) sẽ nằm giữa định ngữ và trung tâm ngữ, có tác dụng ngăn cách, giúp ta xác định được đâu là đối tượng cần nói đến (trung tâm ngữ), và đâu là thành phần bổ nghĩa cho đối tượng đó (định ngữ).
Vậy nhưng, trợ từ 的 ngoài cách dùng như trên, nó còn cách dùng nào khác không ? Câu trả lời là có, rất nhiều nữa là đằng khác. Nào, hãy cùng bước vào tiết 2 của bài học hôm nay, nói về cách sử dụng trợ từ 的 nhé.
1. Trợ từ 的 có tác dụng rút ngắn câu diễn đạt
Trợ từ 的 có tác dụng lược bỏ trung tâm ngữ phía sau nó, giúp rút ngắn câu viết, câu thoại.
Công thứcCâu rút gọn: Định ngữ + 的 Đồng nghĩa với: Định ngữ + 的 + (trung tâm ngữ)Ví dụ
1. 他说的 (话) 不对。♥ Anh ta nói không đúng ( = Những lời anh ta nói là không đúng)
2. 我的房间比你的 (房间) 大一点儿。♥ Phòng tớ to hơn cậu một tí ( = Phòng tớ to hơn phòng cậu một tí)
3. 今天的电影比昨天的 (电影) 好看。♥ Bộ phim hôm nay hay hơn hôm qua ( = Bộ phim hôm nay hay hơn bộ phim hôm qua)
A:这是谁的手机?♥ Điện thoại của ai đây ? B:我的。( = 我的手机) ♥ Của tôi. ( = Điện thoại của tôi)
2. Trợ từ 的 có khả năng tạo nên một cụm từ
Có thể nói đây là công dụng vi diệu nhất của trợ từ 的, chúng ta không cần biết định ngữ và trung tâm ngữ trong câu do từ loại nào đảm nhận, miễn là có sự xuất hiện của trợ từ 的, tất cả sẽ biến thành cụm danh từ (ngữ danh từ).
Công thức1. Danh từ + 的 + Tính từ –> Biến thành ngữ danh từ
2. Danh từ / Đại từ + 的 + Động từ –> Biến thành ngữ danh từ
3. Danh từ / Đại Từ + Động từ + 的 + Danh từ –> Biến thành ngữ danh từVí dụ
1. 经济的繁荣使人民的生活水平提高了。♥ Một nền kinh tế thịnh vượng đã nâng cao mức sống của người dân.
2. 我始终不能理解他的出走。♥ Đến giờ tôi vẫn không tài nào hiểu được sự ra đi của anh ấy.
3. 我最喜欢吃妈妈做的饭。♥ Tôi thích ăn cơm mẹ nấu nhất.
3. Trợ từ 的 đi chung với chữ 所
Trợ từ 的 đi chung với chữ 所, tạo nên kết cấu câu 所……的, có tác dụng nhấn mạnh định ngữ trong câu. Chữ 所 đôi khi ta có thể dịch là “mà”.
Công thức所 + Động từ + 的 + (trung tâm ngữ)Ví dụ
1. 我所认识的朋友都是留学生。♥ Mấy đứa bạn mà tôi quen đều là du học sinh.
2. 这是我所遇到的最好的事。♥ Đây là chuyện tốt lành nhất mà tôi gặp.
3. 他讲的内容都是我以前所不了解的 (内容)。♥ Nội dung anh ấy giảng đều là những thứ mà trước đây tôi không hề hiểu được.
4. 这件事是大家所没有想到的。♥ Đây là chuyện mà mọi người không nghĩ tới.
Có một điều cần lưu ý đến các bạn là, sự xuất hiện của chữ 所 chỉ có tác dụng nhấn mạnh định ngữ, do đó, việc có hay không có chữ 所 đều không ảnh hưởng gì đến câu, ngoài việc nó làm cho ý nghĩa của câu trở nên “thiếu thiếu” gì đó.
4. Trợ từ 的 trong kết cấu câu (是)……的
Nghĩa thứ nhất
Trong câu (是)……的, ta sẽ dùng đến trợ từ 的. Ý nghĩa của câu (是)……的 này là nhằm nhấn mạnh thời gian, địa điểm, nguyên nhân, mục đích, lý do, đối tượng,… của những sự kiện đã diễn ra rồi.
Ví dụ1. 我是一年前认识她的。
2. 她 (是) 在中国学习汉语的。
3. 衣服掉了,可能是风吹的。
4. 原来他是做这个工作的,他是警察。
Vì câu (是)……的 nhấn mạnh những sự kiện đã diễn ra rồi, do đó, trong trường hợp muốn dùng thể phủ định của câu (是)……的 để phủ định cho những việc không hề làm trước đó, ta phải dùng chữ 没, chứ không thể nói 不是……的.
Ví dụA:昨天 (是) 你找他的吧? B:我没找他。(không thể nói: 我不是找他的)
Trong trường hợp nếu người nói đã nói sai về một thông tin nào đó, ta có thể dùng câu 不是……的 để phủ định những thông tin sai của họ.
Ví dụA:你是10号回来的吗? B:我不是10号回来的,是9号回来的。 A:你是坐火车回来的吧? B:也不是坐火车回来的,是坐飞机回来的。
Các bạn có thể đọc thêm bài: Phân biệt cách dùng 不 và 没 trong tiếng Trung để hiểu rõ hơn về sự khác nhau của phó từ phủ định 不 và phó từ 没(有).
Nghĩa thứ hai
Câu 是……的 còn mang nghĩa nói lên nhận xét, đánh giá của người nói.
Công thức是 + Tính từ + 的Ví dụ
1. 越南的发展是非常迅速的。(nhận xét, đánh giá của người nói)
2. 河内冬天的气温是很冷的。(nhận xét, đánh giá của người nói)
Lưu ý: ta có thể thêm phó từ chỉ mức độ (程度副词) vào trước tính từ, nhưng tuyệt đối không được chèn các phó từ như 可, 太, 真, 好 (不), 多 (么) vào trước tính từ. Tức là:
Công thứcCó thể nói: 是 + 很 / 非常 / 特别 / 十分 / 最 + Tính từ + 的 Không thể nói: 是 + 可 / 真 / 太 / 好 (不) / 多 (么) + Tính từ + 的Ví dụ
她是非常聪明的,你不用对她说得太多。(không thể nói: 她是真聪明的……)
Tiết 2 của bài học về định ngữ hôm nay đã kết thúc, các bạn nghỉ ngơi tí đi, rồi mình quay lại học tiếp tiết 3, haha… Bài chưa hết đâu, đừng vội đắc chí bạn ợ!
Thứ tự của các định ngữ trong tiếng Trung
Đời không như là mơ, trong giao tiếp tiếng Trung thực tế, hay như khi soạn thảo văn bản, biên dịch, phiên dịch,… chúng ta rất ít khi nào diễn đạt một câu tiếng Trung mà nó ngắn chỉ có vài chữ, vài từ giống như những câu ví dụ mà tụi mình đã trình bày.
Được học: 漂亮的女孩。
Thực tế: 我2019年在中国云南省昆明市云南大学华文学院中文系遇到了一个非常漂亮的女孩。
Thấy khiếp đảm chưa ? Một câu siêu dài luôn… Dù câu nó dài lê thê như vậy, nhưng đối tượng mà ta muốn nói đến lại không phải là một đống chữ dài ngoằn thế kia, mớ chữ đấy chỉ đóng vai trò làm định ngữ trong câu. Cái mà ta muốn nói cho người khác nghe chính là “Tôi đã gặp một cô gái” – 我遇到了一个女孩.
Thế nhưng, cô gái này có đặc điểm như thế nào ? “Cô ấy xinh đẹp”, ta lại chèn thêm từ “xinh đẹp” – 漂亮 vào trước trung tâm ngữ là “cô gái” – 女孩, ta được --> 漂亮的女孩.
“Cô ấy xinh đẹp” cỡ nào ? “Cực kỳ” – 非常, do đó, ta lại tiếp tục chèn thêm phó từ 非常 vào trước 漂亮的女孩 --> 非常漂亮的女孩.
Tiếp đến, ta lại muốn nói rõ cho người nghe biết vào thời gian nào, ở đâu mà mình “đã gặp” – 遇到了 người con gái đó, ta lại tiếp tục chèn thêm 2019年在中国云南省昆明市云南大学华文学院中文系 vào trước động từ 遇到.
Bây giờ, câu hỏi được đặt ra là, làm thế nào để sắp xếp các định ngữ theo một trật tự nhất định để tạo thành câu ?
Trong đại đa số trường hợp, một câu hoàn chỉnh trong tiếng Trung sẽ có thứ tự sắp xếp định ngữ như thế này:
Định ngữ | Trợ từ 的 | Trung tâm ngữ | ||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | ||
Chủ ngữ | Thời gian, địa điểm | Động từ / ngữ động từ | Số lượng từ | Bổ ngữ | Phó từ | Tính từ | ||
我 | 2019年在云南 | 遇到了 | 一个 | 长得 | 非常 | 漂亮 | 的 | 女孩 |
Trong đó:
– Thời gian: Ta sẽ nói năm trước, rồi tới tháng, sau cùng mới là ngày. Ví dụ: Ngày 05 tháng 10 năm 2019. Ta sẽ nói: 2019年10月5日 (hoặc 2019年10月5号).
– Địa điểm: Ta sẽ nói từ nơi to nhất tới nơi bé nhất. Ví dụ: Khoa tiếng Trung, học viện Hoa Văn, trường đại học Vân Nam, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trong tiếng Trung, ta sẽ nói là: 中国云南省昆明市云南大学华文学院中文系.
– Số lượng từ: Có thể có hoặc không.
– Bổ ngữ: Có hay không đều được.
– Phó từ: Có hay không cũng được.
– Tính từ: Có hay không cũng chả sao.
Tuy nhiên, đây chỉ là cách sắp xếp thứ tự định ngữ chung nhất trong tiếng Trung, cách sắp xếp này dựa trên những câu giao tiếp hằng ngày của chúng ta.
Nếu bạn học tiếng Trung chỉ nhằm mục đích giao tiếp, tìm hiểu văn hóa Trung Quốc, phục vụ cho nhu cầu du lịch, bạn chỉ cần học cách sắp xếp thứ tự định ngữ mà bọn mình đã trình bày bên trên là được.
Trong trường hợp bạn học tiếng Trung với mục đích muốn biến tiếng Trung thành cần câu cơm, muốn áp dụng những gì mình được học vào các lĩnh vực biên – phiên dịch tiếng Trung, thì HSKCampus e rằng cách sắp xếp thứ tự định ngữ kể trên sẽ không giúp ích được nhiều cho bạn. Bởi lẽ, chuyên ngành biên – phiên dịch đòi hỏi rất cao tính chuẩn xác, khoa học, logic của từng cụm từ trong câu.
Điều đó có nghĩa là, trong thực tế có vô vàn cách sắp xếp thứ tự định ngữ khác nhau, bên cạnh đó, còn có sự xuất hiện của một loại ngữ pháp mới, liên quan đến định ngữ, đó chính là định ngữ đa tầng. Có thể nói, định ngữ đa tầng là một trong những điểm ngữ pháp siêu siêu khó trong tiếng Trung, ta có thể xem định ngữ đa tầng là một trong những trạm dừng chân cuối cùng trên con đường chinh phục tiếng Trung.
Thời gian tới, HSKCampus sẽ dành ra một buổi để giới thiệu đến các bạn thế nào là định ngữ đa tầng, cách sắp xếp định ngữ đa tầng, quy luật sắp xếp, những điểm khó trong việc định ngữ chồng chéo lên nhau,… Các bạn nhớ chú ý đón đọc nha!
Như vậy, bài học ngày hôm nay của chúng ta đến đây là hết rồi. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi. Các bạn nhớ học bài và ôn bài thật kỹ nhé. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài học tới!
Có thể bạn quan tâm Câu và thành phần câu cơ bản trong tiếng Trung Cách diễn đạt thời gian trong tiếng Trung Cách đọc số tiếng TrungTừ khóa » Câu Không Có Chủ Ngữ Trong Tiếng Trung
-
Câu Vô Chủ 无主句 Trong Tiếng Hoa
-
Câu Không Có Chủ Ngữ Trong Tiếng Trung - ChineMaster
-
Các Cấu Trúc Câu Trong Tiếng Trung Thông Dụng Phải Biết
-
CHỦ NGỮ Trong Câu Tiếng Trung: Cách Dùng Các Loại Chuẩn Nhất!
-
Cấu Trúc Cơ Bản Trong Tiếng Trung: Chủ Ngữ + Vị Ngữ + Tân Ngữ
-
Câu Và Thành Phần Câu Trong Tiếng Trung: Cấu Trúc + Cách Sử Dụng
-
Không Những Mà Còn Tiếng Trung | Cách Dùng 不但...,而且...
-
Câu Kiêm Ngữ Trong Tiếng Trung | Cách Dùng Chính Xác Nhất
-
CÁC THÀNH PHẦN CÂU TRONG TIẾNG TRUNG
-
Ngữ Pháp Tiếng Anh Cơ Bản : Cấu Trúc Ngữ Pháp Tiếng Anh Cốt Lõi
-
Tân Ngữ Trong Tiếng Trung - Định Nghĩa, Cấu Trúc Chuẩn
-
Trật Tự Câu Trong Tiếng Trung
-
Tất Tần Tật Về Chủ Ngữ Trong Câu Tiếng Trung | Mi Education