Đinh Râu Và Những điều Cần Biết - Benh Vien 108

12:21 AM 21/06/2021 Tháng 5/2020, anh L.S.Đ (62 tuổi, Nghệ An) vào khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trước đó 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện nốt đinh nhọt ở môi trên, tự dùng tay nặn, sau đó môi trên sưng tấy, tự mua thuốc kháng sinh tại quầy thuốc ở nhà uống nhưng không khỏi, tình trạng viêm tấy tiến triển nhanh, môi trên biến dạng, người có biểu hiện nhiễm khuẩn nặng: sốt cao, rét run, mệt mỏi.

Bệnh nhân vào khoa đã được chẩn đoán Áp xe môi trên do đinh râu và xử trí chích rạch dẫn lưu áp xe, lấy mủ nuôi cấy mọc vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Những ngày đầu vào viện được điều trị phối hợp 3 loại kháng sinh phổ rộng, liều cao, đường tĩnh mạch kèm thuốc chống viêm, giảm đau và truyền dịch, sau khi có kết quả kháng sinh đồ được chuyển điều trị kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ. Sau 2 tuần tình trạng áp xe khỏi, môi trên hồi phục nhưng để lại biến dạng một phần do hoại tử nặng nề, bệnh nhân được xuất viện.

Bài viết xin cung cấp một số thông tin cần biết về “đinh râu”:

Đinh râu là thuật ngữ dân gian dùng để chỉ mụn mủ (Furuncle) phát sinh vùng quanh miệng nơi có râu như hai bên mép, môi trên, môi dưới và vùng cằm. Tổn thương xảy ra chỉ ở một nang lông và tổ chức quanh nó. Đinh râu có thể gặp ở tất cả mọi độ tuổi, kể cả nam giới và nữ giới.

Nguyên nhân của đinh râu

Căn nguyên chính gây nên đinh râu là nhiễm khuẩn các nang lông, đa phần do tụ cầu khuẩn Staphylococcus gây nên, đây là loại vi khuẩn thường sống ký sinh trên da và niêm mạc, chúng dễ dàng xâm nhập vào sâu qua lỗ chân lông hoặc các tuyến dưới da, đặc biệt các hành động gây tổn thương da như nặn mụn trứng cá, nhổ râu, cạo rậu, vết thương chầy xước da quanh miệng…

Triệu chứng và diễn biến của đinh râu

Đinh râu thường diễn biến qua ba giai đoạn chính với các đặc điểm và triệu chứng khác nhau.

Giai đoạn đầu hay còn gọi là giai đoạn viêm tấy: Tại chỗ vùng quanh miệng xuất hiện nốt tổn thương dạng u đỏ và đau, sờ cứng cộm phía dưới da, tổn thương này dần dần nổi lên rõ trên mặt da và tạo thành mụn mủ, tạo ngòi. Toàn thân bắt đầu xuất hiện triệu chứng của nhiễm trùng nổi bật thường mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, có thể buồn nôn và nôn, người sốt vừa đến cao 39 – 400C, có thể li bì hoặc rét run từng cơn nếu độc tố của vi khuẩn mạnh.

Đinh râu

Giai đoạn thứ hai hay còn gọi là giai đoạn đinh râu hóa mủ và hình thành ngòi: lúc này tại chỗ tổn thương chuyển từ cứng cộm sang dạng mềm và mưng mủ, đỡ đau hơn, có ngòi như đầu của chiếc đinh. Toàn thân vẫn có biểu hiện của nhiễm trùng nhưng không nặng nề như giai đoạn đầu.

Giai đoạn thứ ba còn gọi là giai đoạn thoát mủ: Ở giai đoạn này tại chỗ tổn thương sẽ mềm nhũn, vỡ chảy mủ và thoát ngòi ra, sau đó ổn định sẽ lành sẹo. Toàn thân các triệu chứng của đau và nhiễm trùng sẽ giảm và khỏi hẳn.

Các giai đoạn hình thành mụn mủ

Đinh râu có nguy hiểm hay không ?

Chúng ta thường chủ quan và nhầm lẫn đinh râu với tổn thương mụn trứng cá thông thường, do đó nặn hoặc điều trị không đúng cách dễ dẫn đến các biến chứng làm trầm trọng hơn mức độ của nhiễm khuẩn.

Đinh râu thường diễn biến qua ba giai đoạn và khỏi trong vòng 6 tới 8 ngày. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng cách hoặc ở những người thể trạng già yếu, nhiều bệnh lý kết hợp như đái đường, tăng huyết áp, suy dinh dưỡng, bệnh suy giảm miễn dịch, sau xạ trị...tình trạng nhiễm khuẩn có thể năng nề và trầm trọng hơn, dẫn tới viêm tấy lan tỏa vùng hàm mặt, nhiễm khuẩn huyết đặc biệt vi khuẩn dẫn lưu qua hệ thống tĩnh mạch quanh mắt gây viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm não màng não… có thể dẫn tới tử vong.

Điều trị đinh râu như thế nào ?

Khi có triệu chứng như trên mọi người không nên hấp tấp chích nặn ngay mà cần tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị theo đúng cách. Ở mỗi giai đoạn có sự chăm sóc và điều trị cụ thể khác nhau:

Giai đoạn 1: Ở thời điểm này, tổn thương mới bắt đầu hình thành. Bạn nên vệ sinh da mặt sạch sẽ, hạn chế nặn và bôi các hóa mỹ phẩm lên tổn thương. Hành động trên có thể gây bí tắc khiến viêm nhiễm nặng hơn. Có thể sử dụng dung dịch sát trùng Betadine 1% vệ sinh trên bề mặt vùng viêm đỏ. Nếu các dấu hiệu nhiễm trùng nặng (sốt cao, viêm tấy cứng đỏ nhiều vùng môi cằm, má...) cần khám tại các cơ sở y tế để được dùng kháng sinh sớm.

Giai đoạn 2: Hạn chế dùng tay sờ nắn lên đinh râu nhất có thể. Thường xuyên dùng nước muối sinh lý hoặc thuốc sát khuẩn nhẹ nhàng lau rửa vùng da bị tổn thương.

Giai đoạn 3: Khi đinh râu vỡ thì sử dụng bông hoặc băng y tế vô khuẩn ép nặn sạch mủ và ngòi, sau đó sát khuẩn sạch bằng thuốc sát khuẩn hoặc mỡ kháng sinh, băng vô khuẩn. Để hạn chế sẹo xấu và tránh nguy cơ còn sót mủ, tổ chức hoại tử trong khối viêm do đinh râu thì cần can thiệp chích rạch tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Ngoài ra người bệnh cần được bổ sung thêm kháng sinh, giảm đau, chống viêm đường uống, đặc biệt sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ nếu điều kiện cho phép.

Đặc biệt khi người bệnh có biểu hiện viêm tấy lan tỏa, nhiễm khuẩn huyết thì cần đến cơ sơ chuyên khoa sớm để được điều trị chích rạch, dẫn lưu mủ, điều trị kháng sinh đường tiêm theo kháng sinh đồ, trường hợp nặng có thể phải hồi sức tích cực.

Tại khoa phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện TWQĐ 108 chúng tôi hàng năm tiếp nhận và điều trị rất nhiều bệnh nhân được chẩn đoán Đinh râu, tuy nhiên đa phần các trường hợp này đều chủ quan, xử trí không đúng cách ở thời điểm ban đầu, khi tình trạng bệnh nặng nề dẫn tới áp xe, viêm tấy lan tỏa hoặc nhiễm khuẩn huyết mới vào viện để điều trị.

Cách phòng ngừa Đinh râu

Nguyên nhân chính gây nên đinh râu đó là nhiễm trùng, do đó để phòng ngừa bị đinh râu chúng ta cần phải:

Giữ gìn da được sạch sẽ, đặc biệt thời tiết nắng nóng, khi đi ra đường, làm việc trong môi trường bụi bẩn, sau khi đeo khẩu trang cần rửa mặt sạch sẽ.

Hạn chế đưa tay lên mặt và nặn mụn vùng quanh miệng, khi nặn mụn bàn tay phải được rửa sạch, dụng cụ nặn mụn phải được khử trùng, sau khi nặn mụn xong cần được sát khuẩn sạch.

Đối với nam giới khi cạo râu cần tránh để tổn thương da, nếu có rách da chảy máu cần phải khử trùng và chăm sóc vết thương cẩn thận.

Lối sống trong sạch, lành mạnh, hạn chế rượu bia, chất kích thích, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước, tập thể dục thể thao hàng ngày là cách để chúng ta nâng cao sức khỏe, sức bền miễn dịch đó cũng là cách thức phòng ngừa bị đinh râu.

Điều dưỡng Lê Thị Hải Yến, Vũ Thị Kim Dung

Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình

Từ khóa » đầu đanh Là Gì