Đồ ăn Vặt Trước Cổng Trường: Mối Nguy Hại Tiềm ẩn

In bài Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đồ ăn vặt trước cổng trường: Mối nguy hại tiềm ẩn

Nhiều học sinh mua đồ ăn vặt mà không chú ý tới vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong ảnh: Học sinh trường THCS Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu) mua đồ ăn vặt trước cổng trường để “chống đói” sau khi tan học.

Sau giờ tan học, nhiều học sinh ùa vào các hàng quán trước cổng trường để mua đồ ăn vặt. Trong ảnh: Trước cổng trường TH Nguyễn Viết Xuân (TP. Vũng Tàu).

Hiện nay, trước các cổng trường, nhiều loại đồ ăn vặt cho HS được bán với giá siêu rẻ nhưng không rõ về nguồn gốc, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe của HS…

THỰC PHẨM ĐỂ 10 NGÀY KHÔNG ÔI THIU

Tại cổng Trường TH Nguyễn Viết Xuân (TP.Vũng Tàu), vừa tan học, hàng chục HS sà vào quán hàng rong trước cổng trường để mua đồ ăn vặt. Sạp hàng của chị H. có đến hàng chục loại đồ ăn vặt với đủ màu sắc bắt mắt. Nhưng rất nhiều trong số đó là hàng không rõ nguồn gốc, ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng, không có thông tin sản phẩm... Dù vậy, nhiều HS vẫn mua, ăn uống ngon lành. Thậm chí, có cả phụ huynh cũng mua các loại đồ ăn vặt này cho con họ, thờ ơ trước mức độ an toàn của sản phẩm.

Đón con ở cổng trường, thấy cậu con trai 8 tuổi kêu đói bụng, chị Lê Thị M. liền dừng xe mua đồ ăn cho con. Không cần lựa chọn kỹ, ngồi trên xe, chị M. chỉ mấy xiên que hương bò trong chiếc hộp nhựa mở hé, hỏi qua loa: “Ăn cái này có sao không đấy?”. Ngay sau khi được người bán hàng “trấn an”: “Cứ yên tâm đi, đây là bột mỳ tẩm gia vị chiên thôi mà!”, chị M., lập tức mua cho con mấy xiên. Chị bảo: Để xem xét kỹ hơn, tôi mua thử 3 xiên que hương bò với giá 2 ngàn đồng/xiên, 1 gói que thần kỳ với giá 2 ngàn đồng, 1 gói snack hương bò 3 ngàn đồng và một cây kẹo 4 ngàn đồng. Xiên que hương bò là 7 viên bột tẩm gia vị chiên, màu đỏ, mùi thơm hắc. Chúng tôi đã để những xiên que này ở nhiệt độ thường hơn 10 ngày mà không thấy dấu hiệu ôi thiu hay biến đổi màu sắc. Còn sản phẩm que thần kỳ là những que nhỏ như chiếc tăm, màu vàng cam, với thành phần chính ghi trên bao bì là “bột mì chất lượng cao” cũng được đóng gói sơ sài, thông tin sản phẩm in mờ và nhỏ. Đặc biệt, bao bì có ghi hạn sử dụng là 6 tháng nhưng không có ngày sản xuất. Còn cây kẹo mua từ sạp hàng này, được giới thiệu là của Thái Lan, trên sản phẩm ghi toàn tiếng nước ngoài, không hề có nhãn phụ tiếng Việt...

Tại nhiều phố ăn vặt khác của HS như đường Nguyễn Trường Tộ, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Văn Cừ (TP. Vũng Tàu), chúng tôi cũng thấy nhiều món ăn siêu rẻ, chỉ từ 2 đến 10 ngàn đồng như: bánh tráng cuốn bơ, bánh tráng trộn, thịt xiên nướng, các loại trà sữa... Chỉ với vài ngàn đồng, các em có thể mua được một món đồ ăn vặt.

Ghé một quán trà sữa trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP. Bà Rịa), chúng tôi thấy ở đây có khoảng 20 loại đồ uống với giá không quá 10 ngàn đồng. Trên quầy pha chế có đến hơn 10 chai đựng hương liệu. Tất cả các chai này đều không có nhãn mác và tên các loại mùi chỉ được viết tay lên vỏ chai. Trân châu, thạch đựng trong bát thủy tinh nên khó có thể xác định nguồn gốc và hạn sử dụng. Chủ quán cho biết, khách hàng của quán chủ yếu là HS, do các loại đồ uống, thực đơn ăn vặt của quán phù hợp với sở thích và túi tiền của các em. Em Nguyễn Thị V., một HS lớp 9 là khách quen của những quán đồ ăn vặt như thế. “Mỗi ngày, em được ba mẹ cho 20 ngàn đồng. Sau giờ học, chúng em thường ghé các quán đồ ăn vặt. Em thấy đồ ăn, đồ uống ngon mà giá lại rẻ, phù hợp với HS. Em không để ý lắm tới thành phần, hạn sử dụng...”.

Sau giờ tan học, nhiều học sinh ùa vào các hàng quán trước cổng trường để mua đồ ăn vặt. Trong ảnh: Học sinh trường TH Nguyễn Viết Xuân (TP. Vũng Tàu) mua đồ ăn vặt trước cổng trường.
Nhiều học sinh mua đồ ăn vặt mà không chú ý tới vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong ảnh: Học sinh trường THCS Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu) mua đồ ăn vặt trước cổng trường sau khi tan học.

CẦN TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA

Theo bà Đào Thị Hà, Phó trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, hiện nay khu vực xung quanh các trường học thường có khoảng 3 đến 6 điểm bán thực phẩm chế biến sẵn như: cá viên chiên, trà sữa, bánh tráng trộn, sinh tố, si rô… Đa số các điểm bán đều thiếu các trang thiết bị bảo đảm vệ sinh thực phẩm như: thiết bị che chắn gió, bụi trong không khí; người chế biến dùng tay bốc thức ăn; nước sơ chế hoặc rửa tay hầu như không có; nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng... Có nơi còn bày bán gần cống thoát nước, bãi rác… Đa phần người bán thực phẩm trước cổng trường chưa nắm rõ kiến thức ATTP và chưa được khám sức khỏe định kỳ. “Hậu quả của việc mất vệ sinh ATTP trước cổng trường nặng nhất sẽ dẫn tới tình trạng ngộ độc thực phẩm hàng loạt, nhẹ có thể sẽ có các triệu chứng về đường tiêu hóa: mệt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. “Mấy năm trước, tại trường THCS Kim Đồng (TP. Bà Rịa) đã xảy ra vụ việc 22 HS bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm chiên trước cổng trường. Đặc biệt, nếu thực phẩm sử dụng các hóa chất phụ gia ngoài danh mục thì hậu quả ngộ độc mãn tính rất cao và gây nguy cơ mắc các bệnh ung thư về sau”, bà Hà cho biết.

Vừa qua, Chi cục ATVSTP đã có văn bản đề nghị Phòng GD-ĐT tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm đến phụ huynh và học sinh, khuyến khích phụ huynh, học sinh chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm bằng cách cho học sinh ăn uống tại nhà hoặc tại các địa chỉ tin cậy.

Về phía ngành GD-ĐT, ông Lê Văn Tuyền, Trưởng phòng Công tác HS-SV, Sở GD-ĐT cho biết, Sở GD-ĐT cũng đã có công văn tăng cường công tác vệ sinh ATTP trong và xung quanh trường học. Theo đó, yêu cầu Trưởng phòng GD- ĐT, Hiệu trưởng nhà trường tham mưu với UBND huyện, thành phố để phối hợp với ngành y tế tại địa phương tiến hành rà soát về mặt pháp lý các bếp ăn tập thể, căng tin trong nhà trường cũng như các hàng quán bán thức ăn đường phố, đồ chơi xung quanh các trường học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho HS và khuyến nghị với phụ huynh về những lợi ích của việc tổ chức bữa ăn sáng tại gia đình.

Tuy đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng công tác tuyên truyền, kiểm tra, quản lý thực phẩm quanh trường học vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo bà Đào Thị Hà, khó khăn lớn nhất là do nhận thức của người bán hàng còn thấp nên họ chưa chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Không chỉ như vậy, ý thức chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm của phụ huynh và HS chưa cao, việc xử lý vi phạm hành chính đối với người kinh doanh thức ăn đường phố chưa nghiêm. Bà Hà cho biết, công tác đảm bảo ATTP đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành, địa phương. Đặc biệt, các cơ quan quản lý chuyên ngành ATTP, ngành Giáo dục, cần thường xuyên tuyên truyền giáo dục để phụ huynh, HS nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về sử dụng thức ăn đường phố. Các bậc phụ huynh cũng cần chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của con em mình.

Học sinh mua trà sữa trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Vũng Tàu) với giá 8 ngàn đồng/ly. Ảnh: KHÁNH CHI
Học sinh mua trà sữa trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Vũng Tàu) với giá 8 ngàn đồng/ly. Ảnh: KHÁNH CHI

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU Đơn vị chủ quản: Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Ghi rõ nguồn "www.baria-vungtau.gov.vn" khi bạn phát hành thông tin từ website này

Từ khóa » Bán đồ ăn Vặt ở Cổng Trường