Ngày 16-5, gia đình bé Nguyễn Thiên Bảo - 13 tháng tuổi, đã tử vong do tai biến sau chích ngừa văcxin sởi, quai bị và rubella tại Q.5, TP.HCM - chính thức có đơn kiện gửi đến các cơ quan chức năng ở TP.HCM là Thành ủy, UBNDTP, Viện Kiểm sát TP, Tòa án nhân dân TP, Sở Y tế TP, Quận ủy Q.5, Trung tâm Y tế Q.5...
Who làm việc với cơ quan chức năng Ngày 16-5, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đến TP.HCM và làm việc ngay với một số cơ quan chức năng để tìm hiểu vụ việc liên quan đến bảy ca tai biến (một ca tử vong) sau chích ngừa văcxin phòng bệnh sởi, quai bị, rubella và thủy đậu. Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết chuyên gia của WHO đã làm việc với sở để thống nhất đề cương điều tra dịch tễ. Sau đó sẽ khảo sát thực tế tại Bệnh viện Nhi Đồng I và Trung tâm Y tế Q.5 để tìm hiểu những vấn đề liên quan đến các ca bị tai biến sau chích ngừa, đánh giá qui trình bảo quản văcxin từ khâu đầu đến khâu cuối, qui trình tiêm chủng cũng như tại sao tai biến lại chỉ xảy ra ở nhóm tuổi nhỏ này (13-17 tháng)... Cùng ngày, đã có một bệnh nhi bị tai biến nhẹ được xuất viện. |
Theo đơn kiện của ông Nguyễn Đào Thắng và bà Bùi Thị Hạnh - cha mẹ bé Thiên Bảo, ngày 9-5 bà Bùi Thị Hạnh đưa con đến khám sức khỏe định kỳ theo hẹn của Trạm y tế phường 9. Tại đây bé được chích ngừa văcxin phòng bệnh quai bị (chính xác là văcxin Priorix phòng bệnh sởi, quai bị và rubella - PV). Hơn một giờ sau bé có biểu hiện sốt cao, gia đình đưa đến phòng khám nhi khoa Nancy khám bệnh.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt do chích ngừa nên kê toa mua thuốc cho cháu uống (toa này Bệnh viện (BV) Nhi Đồng I giữ). Sau khi uống thuốc khoảng hai giờ, cháu Thiên Bảo vẫn không thuyên giảm. Gia đình lại đưa bé trở lại phòng khám Nancy. Bác sĩ khám xong nói về uống thêm thuốc và chườm nước ấm để mau hạ sốt. Gia đình làm theo lời bác sĩ thì thấy cháu hạ sốt, nhưng cánh tay trái của cháu sưng phù ngày càng to.
Đến ngày 10-5, bé Thiên Bảo lại sốt cao và sưng lan qua ngực. Gia đình đưa cháu vào cấp cứu tại BV Nhi Đồng I. Tại BV, bé Thiên Bảo được truyền thuốc, thử máu và chụp X-quang. Khoảng 7g30, bác sĩ BV mời gia đình vào phòng cấp cứu làm việc với BV và Sở Y tế TP.
Tại đây, các bác sĩ hỏi gia đình đưa bé đi chích ngừa lúc nào, ở đâu, thuốc gì và sau khi chích có biểu hiện gì... Đến 10g, BV lại mời gia đình vào làm việc với Sở Y tế và hỏi lại những câu hỏi trước. Đến khoảng 10g30, bé Bảo được chuyển vào phòng hồi sức cấp cứu, được cho thở máy và tiếp tục truyền thuốc, nhưng cháu đã tử vong lúc 18g30 ngày 10-5.
Cũng theo đơn kiện, sau khi bé Thiên Bảo mất, BV yêu cầu gia đình ở lại để chờ cơ quan điều tra quận xuống điều tra, nhưng chỉ có một cán bộ công an (CA) phường nơi BV Nhi Đồng I tọa lạc đến và chỉ tiếp xúc với cán bộ BV.
Đến 20g vẫn không thấy cán bộ điều tra CA đến, gia đình đề nghị BV làm thủ tục để đem xác con về chôn và đem gửi tại phòng lạnh của nhà tang lễ số 336 Trần Phú, Q.5. Lúc 21g cùng ngày, CA khu vực nơi gia đình ở là ông Nguyễn Bá Tòng đến nhà yêu cầu gia đình lên làm việc với cán bộ điều tra CA Q.5.
Tại đây, chỉ có ông Tòng làm việc với gia đình, hoàn toàn không có cán bộ nào của CA Q.5. Ông Tòng yêu cầu gia đình tường trình sự việc về cái chết của bé Thiên Bảo và lập biên bản thu giữ một số giấy tờ (sổ sức khỏe của BV Hùng Vương, mang tên bé Thiên Bảo; biên lai thu tiền chích ngừa của Trung tâm Y tế Q.5; sổ khám chữa bệnh của BV Nhi Đồng I, mang tên bé Thiên Bảo. Các giấy tờ này mới trả lại lúc 8g ngày 16-5).
Đơn kiện còn cho biết lúc 14g ngày 11-5, có hai người, một mặc cảnh phục, một mặc thường phục đến nhà tang lễ tự giới thiệu là cảnh sát điều tra và cảnh sát hình sự, thuyết phục gia đình mở nắp quan tài để khám nghiệm tử thi cháu Thiên Bảo, nhưng gia đình không đồng ý vì thấy không đủ thủ tục và hai người này bỏ đi. Đến khoảng 17g, có đoàn cán bộ đến giới thiệu là CA phường, CA điều tra quận, CA hình sự quận và Viện Kiểm sát (không xuất trình giấy tờ) yêu cầu gia đình mở nắp quan tài khám nghiệm tử thi, gia đình không đồng ý.
Những cán bộ này chìa ra một biên bản đã viết sẵn nhưng không cho gia đình đọc và yêu cầu ký vào. Gia đình yêu cầu phải có một biên bản cho gia đình thì những cán bộ này bỏ đi hết. Một lúc sau, ông Tòng cảnh sát khu vực lại đến yêu cầu gia đình bé Thiên Bảo lên CA phường làm việc. Gia đình từ chối và yêu cầu đoàn công tác xuống nhà tang lễ làm việc với gia đình thì ông Tòng bỏ về... 10g ngày 12-5, bé Thiên Bảo được đưa đi an táng.
Ông Nguyễn Đào Thắng và bà Bùi Thị Hạnh đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu Nguyễn Thiên Bảo. Đồng thời làm sáng tỏ những hành động không bình thường như tường thuật kể trên và làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức đã tham gia vào sự việc dẫn đến cái chết của cháu Thiên Bảo.
Ai phải bồi thường cho gia đình nạn nhân? * Luật sư Nguyễn Văn Trung, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM: Theo các thông tin mà tôi nắm được thì nạn nhân được chích ngừa tại Trạm y tế P.9, Q.5 nhưng đơn vị tổ chức chích ngừa, thu tiền là đội y tế dự phòng của quận. Đội y tế dự phòng thì không có tư cách pháp nhân mà trực thuộc Trung tâm Y tế Q.5. Trong vụ việc này, nguyên nhân chính xác dẫn đến các tai biến cho trẻ sau khi chích ngừa vẫn đang được làm rõ và chưa có kết luận chính thức, nhưng xét về mặt luật pháp thì đơn vị đã đứng ra tổ chức chích ngừa văcxin này chính là đội y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế quận 5. Cho nên Trung tâm Y tế Q.5 phải chịu trách nhiệm trước hậu quả thiệt hại xảy ra với nạn nhân. Nguyên nhân xảy ra tai biến vẫn chưa rõ, theo các giả thiết đã được đặt ra ở đây như: chất lượng văcxin có vấn đề, do bảo quản không tốt, do tiêm chích không đúng kỹ thuật… Theo tôi, dù do các nguyên nhân nào thì trước tiên Trung tâm Y tế Q.5 vẫn phải là người đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại cho nạn nhân. Giả dụ sau này có kết luận sai sót thuộc về người sản xuất văcxin (Công ty GlaxoSmithKline) thì công ty này phải bồi thường lại cho Trung tâm Y tế Q.5. Nếu nguyên nhân là do quá trình bảo quản không đúng kỹ thuật thì cũng cần xác định rõ việc bảo quản có sai sót này xảy ra tại khâu nào: do quá trình nhập khẩu, phân phối hay việc bảo quản thuốc của chính đơn vị tổ chức tiêm chích… thì từng trường hợp các công ty nhập khẩu, phân phối đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Trung tâm Y tế Q.5. Giả dụ nguyên nhân được xác định là do việc tiêm chích không đúng kỹ thuật của cá nhân người đứng ra tiêm chích thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm bồi thường lại cho Trung tâm Y tế Q.5. |
Tuổi Trẻ