Độ Dày Niêm Mạc Tử Cung Bao Nhiêu Là Bình Thường? - Hello Bacsi
Có thể bạn quan tâm
Niêm mạc tử cung là cấu trúc quan trọng của hệ sinh dục, có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phái đẹp. Ở giai đoạn đầu, một trong những yếu tố giúp phôi thai làm tổ thành công trong tử cung chính là “chất lượng” và độ dày niêm mạc tử cung.
Độ dày của lớp niêm mạc này không cố định mà thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt, tuổi tác và tình trạng sức khỏe, đặc biệt là khi mang thai. Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu độ dày niêm mạc tử cung bao nhiêu là bình thường, những ảnh hưởng của niêm mạc tử cung dày hoặc mỏng đến khả năng sinh sản và cách duy trì một niêm mạc tử cung khỏe mạnh.
Niêm mạc tử cung là gì?
Niêm mạc tử cung (còn gọi là nội mạc tử cung) là một lớp lót mềm và xốp bao phủ mặt trong của tử cung. Niêm mạc tử cung được cấu tạo bởi hai lớp chính, bao gồm:
- Lớp nội mạc căn bản (lớp đáy): Đây là lớp nền tồn tại vĩnh viễn trên thành tử cung và không chịu tác động của chu kỳ kinh nguyệt.
- Lớp nội mạc tuyến (lớp nông): Đây là một lớp chức năng, phát triển, chế tiết và tự bong ra trong mỗi chu kỳ và tạo thành máu kinh nguyệt.
Nội mạc tử cung đóng vai trò quan trọng trong quá trình thụ thai và bảo vệ thai nhi. Chức năng chính của lớp niêm mạc này bao gồm:
- Chuẩn bị cho sự làm tổ của phôi thai: Trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, dưới tác động của hormone estrogen và progesterone, niêm mạc tử cung dày lên để tạo môi trường lý tưởng cho trứng đã thụ tinh bám vào và phát triển. Lớp niêm mạc trở nên mềm mại, giàu dưỡng chất, sẵn sàng hỗ trợ quá trình làm tổ.
- Cung cấp dưỡng chất và bảo vệ thai nhi: Khi phôi thai bám vào tử cung, niêm mạc làm nhiệm vụ cung cấp oxy, chất dinh dưỡng cho thai nhi. Đồng thời, nó cũng hoạt động như một hàng rào bảo vệ, giúp thai nhi tránh được các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài.
Khi độ dày nội mạc tử cung “đạt chuẩn”, phôi thai có thể bám vào thành tử cung an toàn và phát triển tốt.
Nếu niêm mạc quá mỏng, phôi thai sẽ khó bám vào và làm tổ trong tử cung, dẫn đến giảm khả năng thụ thai. Thậm chí, trong trường hợp phôi làm tổ, niêm mạc quá mỏng cũng có nguy cơ gây sảy thai sớm do không đủ hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
Ngược lại, niêm mạc quá dày cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thụ thai. Bên cạnh đó, độ dày bất thường của niêm mạc có thể liên quan đến một số bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Niêm mạc tử cung bao nhiêu là bình thường?
Độ dày niêm mạc tử cung khác nhau tùy từng người; thay đổi theo độ tuổi, giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt và tình trạng sức khỏe sinh sản.
1. Trước khi dậy thì
Trước tuổi dậy thì, lớp nội mạc tử cung gần như luôn là một lớp mỏng. Trong một số trường hợp, ngay cả siêu âm cũng không thể xác định được độ dày niêm mạc tử cung của bé gái.
2. Trong độ tuổi sinh sản
Đối với chị em trong độ tuổi sinh sản, độ dày niêm mạc tử cung sẽ thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Vậy mỗi ngày niêm mạc tử cung dày lên bao nhiêu? Nhìn chung, sự thay đổi này diễn ra như sau:
- Trong “ngày đèn đỏ“: Nội mạc tử cung ở trạng thái mỏng nhất, dao động từ 2 đến 4mm
- Giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt (Early proliferative phase): Niêm mạc bắt đầu dày lên, đạt từ 5 đến 7mm
- Giai đoạn sắp rụng trứng (Late proliferative phase): Nội mạc tử cung tiếp tục dày lên và đạt khoảng 11mm
- Giai đoạn hoàng thể (Secretory phase): Lớp nội mạc tử cung dày nhất trong giai đoạn này để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh nên độ dày có thể lên đến 16mm. Nếu quá trình thụ thai không diễn ra và nồng độ hormone giảm, lớp niêm mạc sẽ không được duy trì và bong ra để tạo thành máu kinh nguyệt.
3. Độ dày niêm mạc tử cung và khả năng thụ thai
Phụ nữ sẽ dễ thụ thai nhất khi lớp niêm mạc tử cung không quá mỏng nhưng cũng không quá dày. Lý tưởng nhất là rơi vào khoảng từ 8 đến 12mm. Độ dày này cho phép phôi cấy ghép thành công và nhận được dinh dưỡng cần thiết.
Tuy nhiên, sự làm tổ thành công của phôi còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố hóa học, miễn dịch, sinh lý khác.
Lưu ý rằng nếu bạn phá thai hoặc sảy thai thì độ dày niêm mạc tử cung sau đó thường dưới 5mm.
4. Độ dày nội mạc tử cung khi bước sang thời kỳ mãn kinh
Độ dày niêm mạc tử cung thường “ổn định” sau khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh vì không còn rụng trứng nữa. Trong giai đoạn này, lớp niêm mạc tử cung của bạn có độ dày dưới 5mm được xem là bình thường.
Các vấn đề liên quan đến niêm mạc tử cung mỏng
1. Niêm mạc tử cung mỏng là gì?
Nội mạc tử cung mỏng là tình trạng lớp mô lót bên trong tử cung có độ dày thấp hơn mức bình thường, thường dưới 7-8mm. Người có niêm mạc mỏng thường gặp phải các triệu chứng như đau bụng kinh dữ dội, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, lượng máu kinh ít hoặc mất kinh hoàn toàn và khó có thai.
Nguyên nhân thường gặp:
- Nồng độ nội tiết estrogen thấp: Estrogen trong cơ thể thấp sẽ dẫn đến tình trạng lớp nội mạc tử cung mỏng hơn.
- Thiếu máu: Khi không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, lớp nội mạc tử cung sẽ co lại và trở nên mỏng hơn.
- Bệnh phụ khoa: Một số bệnh như viêm vùng chậu, lao sinh dục nữ hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể khiến lớp nội mạc trở nên mỏng hơn.
- Nạo phá thai: Các phương pháp nạo phá thai sẽ trực tiếp bào mòn lớp niêm mạc tử cung. Điều này thường gây tổn thương và khiến lớp niêm mạc mới khó phát triển được nữa.
- Dùng thuốc ảnh hưởng đến hormone estrogen: Dùng thuốc tránh thai kéo dài hoặc dùng quá mức thuốc kích thích rụng trứng có thể khiến niêm mạc tử cung mỏng.
2. Niêm mạc tử cung mỏng có thai được không?
Phụ nữ có niêm mạc mỏng thường gặp nhiều khó khăn trong khả năng sinh sản, do không đủ các yếu tố thuận lợi để chấp nhận phôi và giúp phôi thai phát triển, cụ thể:
- Khó thụ thai: Niêm mạc mỏng làm giảm khả năng phôi bám vào tử cung, ảnh hưởng đến việc thụ tinh tự nhiên và các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
- Nguy cơ sảy thai cao: Niêm mạc mỏng không đủ dưỡng chất hoặc không thể hỗ trợ phôi thai phát triển, dẫn đến tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, trẻ nhẹ cân và các biến chứng khác.
Vì vậy, việc tìm cách khắc phục nội mạc tử cung mỏng là điều rất được quan tâm. Tin vui là bạn hoàn toàn có thể cải thiện độ dày niêm mạc, tăng cơ hội mang thai và có một thai kỳ khỏe mạnh với việc thay đổi lối sống, có chế độ dinh dưỡng phù hợp và điều trị đúng cách.
3. Niêm mạc tử cung mỏng nên ăn gì?
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và hỗ trợ niêm mạc tử cung phát triển tốt hơn. Dưới đây là một số gợi ý niêm mạc tử cung mỏng nên ăn gì mà bạn có thể tham khảo:
- Thực phẩm giàu estrogen tự nhiên: Đậu nành, đậu xanh, hạt vừng, hạt lanh, đào, các loại quả mọng… hỗ trợ duy trì hoạt động của hormone và cải thiện sức khỏe sinh sản.
- Thực phẩm giàu vitamin E: Dầu oliu, hạt hướng dương, hạnh nhân, bơ, đu đủ… giúp thúc đẩy sự phát triển của biểu mô tuyến cũng như kích thích các mạch máu cung cấp cho các mô.
- Rau xanh: Các loại rau như cải bó xôi, bông cải xanh… giàu sắt và vitamin C, hỗ trợ tăng cường máu tới tử cung.
- Nguồn chất béo tốt: Cá béo, quả hạch, dầu ô liu… giúp cải thiện độ dày niêm mạc.
4. Cách khắc phục nội mạc tử cung mỏng hiệu quả
Dưới đây là một số cách cải thiện niêm mạc tử cung mỏng thường được áp dụng mà bạn có thể tham khảo:
Thay đổi lối sống:
- Tập thể dục đều đặn: Các bài tập nhẹ như yoga hoặc đi bộ giúp cải thiện tuần hoàn máu tới tử cung.
- Quản lý căng thẳng: Thư giãn thông qua thiền hoặc các hoạt động giải trí giúp cân bằng nội tiết tố.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Ưu tiên bổ sung các thực phẩm giàu Vitamin C, E, thực phẩm chứa estrogen tự nhiên và nguồn chất béo tốt để cải thiện sức khỏe tử cung.
Sử dụng các phương pháp điều trị y khoa:
- Liệu pháp estrogen: Bổ sung estrogen bằng đường uống hoặc dưới dạng gel để kích thích phân chia tế bào và tăng độ dày niêm mạc.
- Yếu tố kích thích thuộc dòng tế bào hạt (G-CSF): Sử dụng kỹ thuật bơm G-CSF (Granulocyte colony – stimulating factor) vào buồng tử cung để tăng sản xuất các tế bào gốc trung mô và tế bào gốc tạo máu ở tủy xương để có thể kích thích lớp nội mạc tử cung phát triển.
- Nội soi tử cung: Nội soi tử cung có thể giúp điều trị tình trạng dính buồng tử cung, tạo điều kiện cho niêm mạc phát triển trở lại.
Các vấn đề liên quan đến nội mạc tử cung dày
1. Vì sao lớp niêm mạc tử cung quá dày?
Lớp nội mạc tử cung quá dày trên siêu âm có thể là hình ảnh giả dày hoặc dày thật sự. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do mất cân bằng nội tiết tố nữ, chủ yếu là do việc sản xuất quá mức lượng estrogen nhưng lại thiếu hụt progesterone trong cơ thể.
Ngoài ra, tình trạng này còn là dấu hiệu của một số bệnh lý như:
- Polyp nội mạc tử cung: Còn gọi là polyp lòng tử cung. Polyp hình thành là do sự phát triển quá mức của tuyến và mô đệm nội mạc tử cung. Điều này khiến cho lớp nội mạc tử cung trông dày hơn và có thể phát hiện khi siêu âm.
- U xơ tử cung: Những khối u (thường là lành tính) phát triển bên trong tử cung và bám vào lớp niêm mạc. Tình trạng này thường khiến cho lớp niêm mạc tử cung trông dày hơn trên siêu âm.
- Sử dụng thuốc Tamoxifen: Tamoxifen (Nolvadex) là một loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư vú. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc bao gồm mãn kinh sớm và khiến lớp nội mạc tử cung thay đổi độ dày, mỏng không như bình thường.
- Tăng sản nội mạc tử cung: Đây là tình trạng xảy ra khi các tuyến nội mạc tử cung của bạn tăng trưởng quá mức khiến mô phát triển nhanh hơn. Từ đó khiến cho lớp niêm mạc dày lên một cách bất thường. Tăng sản nội mạc tử cung thường phổ biến ở phụ nữ đến tuổi mãn kinh. Đôi khi, tăng sản nội mạc tử cung có thể trở thành ác tính và dẫn đến ung thư.
- Ung thư nội mạc tử cung: Một nghiên cứu cho thấy ở phụ nữ mãn kinh không bị chảy máu âm đạo, nếu niêm mạc tử cung > 11mm thì cần cân nhắc sinh thiết vì nguy cơ ung thư là 6,7%.
2. Niêm mạc tử cung dày là sắp có kinh phải không?
Mặc dù nội mạc tử cung dày lên trước khi hành kinh, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc bạn sắp có kinh. Trong nhiều trường hợp, niêm mạc tử cung dày lên cũng là dấu hiệu cho thấy người nữ đã thụ thai.
Muốn biết niêm mạc dày lên có phải sắp có kinh không, bạn cần trao đổi với bác sĩ ở từng trường hợp cụ thể. Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện các thủ thuật y tế khác để xác định bạn đã có thai hay sắp có kinh hoặc một vấn đề sức khỏe khác khi thấy niêm mạc dày lên.
Thực tế, lớp niêm mạc tử cung dày lên trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là trong giai đoạn sau rụng trứng, khi nó chuẩn bị cho việc thụ thai. Nếu không có thai, lớp niêm mạc sẽ bị vỡ và bong ra, tạo thành máu kinh nguyệt.3. Niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì có kinh?
Trong thời gian có kinh, lớp niêm mạc ở mức mỏng nhất, khoảng từ 2-4mm. Khi “ngày đèn đỏ” kết thúc, lớp niêm mạc bắt đầu dày lên, đạt đỉnh vào giai đoạn hoàng thể, có thể lên đến 16-18mm. Khi không có thai, lớp niêm mạc sẽ bong ra, dẫn đến hành kinh.
4. Niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì có thai?
Để có thai, độ dày lý tưởng của niêm mạc tử cung là từ 8-12 mm. Đây là mức độ dày cần thiết để đảm bảo sự bám dính và nuôi dưỡng phôi thai sau khi thụ tinh. Nếu niêm mạc dày dưới 8mm, khả năng thụ thai thành công sẽ giảm đáng kể.
5. Chậm kinh, niêm mạc tử cung dày 10mm có thai không?
Niêm mạc dày 10mm là một dấu hiệu thụ thai phổ biến. Đây là mức độ dày lý tưởng để phôi có thể làm tổ và phát triển. Nếu bạn bị chậm kinh và siêu âm thấy niêm mạc dày 1 mm, có khả năng bạn đang mang thai, nhưng kết quả cuối cùng vẫn cần xác nhận bằng xét nghiệm thử thai hoặc siêu âm.
Bạn cũng có thể căn cứ vào một số dấu hiệu mang thai sớm để nhận biết mình đang có thai hay không.
6. Cách khắc phục niêm mạc tử cung dày hiệu quả
Khi niêm mạc dày bất thường, việc tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp là rất quan trọng. Các biện pháp điều trị bao gồm:
- Điều trị bằng progestin nhằm giúp cân bằng các hormone sinh dục nữ, giảm thiểu triệu chứng do niêm mạc quá dày gây ra.
- Phẫu thuật cắt bỏ polyp và u xơ tử cung: Nếu niêm mạc dày lên do polyp hoặc u xơ, việc phẫu thuật có thể loại bỏ các khối u này và giúp giảm độ dày của niêm mạc.
- Điều trị tăng sản nội mạc tử cung: Nếu nguyên nhân là tăng sản nội mạc tử cung, có thể điều trị bằng thuốc, nhưng nếu tình trạng trở nặng có thể cần phẫu thuật cắt tử cung.
- Điều trị ung thư nội mạc tử cung: Nếu niêm mạc dày do ung thư, điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Ngoài ra, việc duy trì lối sống lành mạnh, giảm căng thẳng, thay đổi chế độ ăn uống phù hợp, kiểm soát cân nặng và tập thể dục đều đặn có thể giúp cải thiện sức khỏe sinh sản và giảm nguy cơ các bệnh lý về tử cung.
Làm thế nào để duy trì niêm mạc tử cung khỏe mạnh?
Để cho tử cung luôn khỏe mạnh, bạn cần kết hợp giữa chế độ ăn uống khoa học, thói quen sinh hoạt lành mạnh và thăm khám định kỳ.
- Chế độ ăn uống khoa học: Bạn cần có chế độ ăn uống đa dạng và đủ chất dinh dưỡng, nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây, các loại đậu, hạt, ngũ cốc nguyên hạt, các loại cá béo… Các thực phẩm này hỗ trợ niêm mạc khỏe mạnh, tăng khả năng chống lại tác nhân gây hại và cải thiện chức năng sinh sản.
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp tăng tuần hoàn máu đến tử cung, cân bằng hormone và duy trì sức khỏe tổng thể. Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga cũng có tác dụng tốt cho hệ sinh sản.
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng kéo dài làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, ảnh hưởng đến nội mạc tử cung. Các biện pháp thư giãn như thiền định, yoga… sẽ giúp giữ tâm trạng ổn định, hỗ trợ cân bằng hormone.
- Khám sức khỏe định kỳ: Kiểm tra phụ khoa và tầm soát ung thư định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến nội mạc tử cung để kịp thời điều trị.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Việc kiểm tra sức khỏe sinh sản là điều quan trọng để bảo vệ sức khỏe tổng thể và khả năng sinh sản. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo bạn cần gặp bác sĩ:
- Kinh nguyệt bất thường: Chu kỳ quá ngắn, quá dài, hoặc mất kinh.
- Chảy máu bất thường: Xuất huyết giữa chu kỳ hoặc sau mãn kinh.
- Đau đớn kéo dài: Đau vùng chậu, đau khi quan hệ hoặc đau bụng kinh dữ dội.
- Cảm giác đầy bụng bất thường: Khi không ăn nhiều nhưng cảm thấy no hoặc chướng bụng.
- Khó mang thai: Sau một năm cố gắng nhưng không thành công.
- Nếu bạn có tiền sử mắc bệnh như tăng sản nội mạc, polyp hoặc u xơ tử cung, hãy duy trì kiểm tra định kỳ. Người có tiền sử gia đình bị ung thư nội mạc tử cung nên tham khảo bác sĩ về việc sàng lọc thường xuyên hơn.
- Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, đừng chần chừ mà hãy gặp bác sĩ ngay. Điều này giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản.
Niêm mạc tử cung là nơi diễn ra những thay đổi quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và quá trình thụ thai. Để giữ cho tử cung khỏe mạnh, phụ nữ cần áp dụng lối sống khoa học với chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn, quản lý stress và khám sức khỏe định kỳ.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường do niêm mạc tử cung dày hoặc mỏng, hoặc có tiền sử gia đình về các bệnh lý tử cung, bạn hãy tìm gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Hãy chủ động chăm sóc sức khỏe sinh sản của bạn ngay hôm nay bằng cách đặt lịch hẹn tư vấn với bác sĩ chuyên khoa để nhận được sự hỗ trợ và giải pháp phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các bài viết hữu ích từ Hello Bacsi để bổ sung kiến thức và bảo vệ sức khỏe của mình một cách toàn diện.
[embed-health-tool-ovulation]
Từ khóa » Niêm Mạc Tử Cung Có Mấy Lớp
-
Độ Dày Niêm Mạc Tử Cung Và ảnh Hưởng Tới Khả Năng Thụ Thai | Vinmec
-
Niêm Mạc Tử Cung Bao Nhiêu Là Bình Thường? | Vinmec
-
Niêm Mạc Tử Cung Là Gì? Có ảnh Hưởng Gì Tới Quá Trình
-
Niêm Mạc Tử Cung Dày Là Báo Hiệu Gì? - Bệnh Viện Thu Cúc
-
Độ Dày Niêm Mạc Tử Cung Có ảnh Hưởng đến Thụ Thai Không? | BvNTP
-
Ảnh Hưởng Của độ Dày Niêm Mạc Tử Cung đến Khả Năng Sinh Sản
-
Niêm Mạc Tử Cung Dày Và Mỏng ảnh Hưởng Như Thế Nào đến Việc ...
-
Lạc Nội Mạc Tử Cung: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, điều Trị Và Phòng ...
-
Nội Mạc Tử Cung: Vị Trí, Chức Năng, Các Bệnh Lý Thường Gặp? - YouMed
-
Nội Mạc Tử Cung Là Gì? Bao Nhiêu Là Bình Thường?
-
Tử Cung: Cơ Quan Sinh Dục Nữ Quan Trọng - YouMed
-
BỆNH VIỆN BƯU ĐIỆN HÀ NỘI CẤU TRÚC CƠ QUAN SINH DỤC NỮ
-
Độ Dày Niêm Mạc Tử Cung ảnh Hưởng đến Việc Mang Thai | Huggies