Độ Dày Niêm Mạc Tử Cung Bao Nhiêu Là Bình Thường? - Hello Bacsi

Để thụ thai và duy trì thai kỳ, cơ thể bạn cần đảm bảo một số điều kiện nhất định. Ở giai đoạn đầu, một trong những yếu tố giúp phôi thai làm tổ thành công bên trong tử cung đó chính là “chất lượng” và độ dày niêm mạc tử cung của bạn.

Niêm mạc tử cung còn được gọi là nội mạc tử cung. Thực chất, độ dày của lớp niêm mạc này không cố định mà sẽ thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, tuổi tác và khi mang thai. Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về độ dày niêm mạc tử cung và những vấn đề bất thường có thể xảy ra với lớp niêm mạc này. Việc tìm hiểu là quan trọng vì niêm mạc tử cung là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản của bạn.

Niêm mạc tử cung là gì?

Trước khi tìm câu trả lời cho thắc mắc độ dày niêm mạc tử cung bao nhiêu là chuẩn hay niêm mạc tử cung 5mm có thai không, hãy cùng tìm hiểu xem niêm mạc tử cung là gì?

Niêm mạc tử cung hoặc nội mạc tử cung là một lớp lót mềm và xốp bao phủ mặt trong của tử cung. Niêm mạc tử cung được cấu tạo bởi hai lớp chính, bao gồm:

  • Lớp nội mạc căn bản (lớp đáy): Đây là lớp nền tồn tại vĩnh viễn trên thành tử cung và không chịu tác động của chu kỳ kinh nguyệt.
  • Lớp nội mạc tuyến (lớp nông): Đây là một là lớp chức năng, phát triển, chế tiết và tự bong ra trong mỗi chu kỳ và tạo thành máu kinh nguyệt.

Niêm mạc tử cung là cấu trúc quan trọng của hệ sinh sản nữ, có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phái đẹp. Cụ thể hơn là trong mỗi chu kỳ, sẽ có thời điểm lớp niêm mạc tử cung dày lên và đóng vai trò như một môi trường giàu chất dinh dưỡng để chuẩn bị cho quá trình làm tổ của trứng đã thụ tinh diễn ra. Đặc biệt là khi độ dày niêm mạc tử cung “đạt chuẩn”, phôi thai sẽ có thể bám vào thành tử cung an toàn và phát triển tốt.

Độ dày niêm mạc tử bao nhiêu là bình thường? Thay đổi như thế nào qua từng giai đoạn?

độ dày niêm mạc tử cung

Nhiều chị em thắc mắc niêm mạc tử cung dày bao nhiêu là bình thường? Đối với phụ nữ trưởng thành, độ dày niêm mạc tử cung thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt hoặc dựa trên một vài điều kiện khác như thai kỳ hoặc tiền mãn kinh thì độ dày lớp niêm mạc sẽ có sự thay đổi. Cụ thể như sau:

1. Trước khi dậy thì

Trước tuổi dậy thì, lớp niêm mạc tử cung gần như luôn là một lớp mỏng. Trong một số trường hợp, ngay cả siêu âm cũng không thể xác định được độ dày niêm mạc tử cung của bé gái.

2. Trong độ tuổi sinh sản

Đối với chị em trong độ tuổi sinh sản, độ dày niêm mạc tử cung sẽ thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Độ dày lớp nội mạc thay đổi cụ thể như sau:

  • Trong “ngày đèn đỏ”: dày từ 2 đến 4 mm
  • Giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt (Early proliferative phase): dày từ 5 đến 7 mm
  • Giai đoạn sắp rụng trứng (Late proliferative phase): Nội mạc tử cung bắt đầu dày lên và đạt khoảng 11 mm
  • Giai đoạn hoàng thể (Secretory phase): Lớp nội mạc tử cung dày nhất trong giai đoạn này để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh nên độ dày có thể lên đến 16 mm. Nếu quá trình thụ thai không diễn ra và nồng độ hormone giảm, lớp niêm mạc sẽ không được duy trì và bong ra để tạo thành máu kinh nguyệt.

Lưu ý: Các chỉ số đo độ dày niêm mạc tử cung được liệt kê ở trên chỉ mang tính tham khảo và đối chiếu. Bởi vì độ dày lớp niêm mạc tử cung thường sẽ khác nhau ở mỗi người.

3. Độ dày niêm mạc tử cung và khả năng thụ thai

Về cơ bản, trứng đã thụ tinh sẽ làm tổ và bám vào thành tử cung khi lớp nội mạc đang dày nhất. Tuy nhiên, cần hiểu rõ hơn rằng bạn sẽ dễ thụ thai nhất khi lớp niêm mạc tử cung không quá mỏng nhưng cũng không quá dày. Lý tưởng nhất là rơi vào khoảng từ 8 đến 12 mm. Độ dày này cho phép phôi cấy ghép thành công và nhận được dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, sự làm tổ thành công của phôi còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố hóa học, miễn dịch, sinh lý khác.

Lưu ý rằng nếu bạn phá thai hoặc sảy thai thì độ dày niêm mạc tử cung sau đó thường dưới 5 mm.

4. Độ dày niêm mạc tử cung khi bước sang thời kỳ tiền mãn kinh

Độ dày niêm mạc tử cung thường “ổn định” sau khi bạn đến tuổi mãn kinh vì không còn rụng trứng nữa. Trong giai đoạn này, lớp niêm mạc tử cung của bạn có độ dày dưới 5 mm được xem là bình thường.

Các vấn đề thường gặp liên quan đến độ dày niêm mạc tử cung

độ dày niêm mạc tử cung

Niêm mạc tử cung quá dày hoặc quá mỏng đều được xem là vấn đề bất thường. Tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của bạn.

Vì sao lớp niêm mạc tử cung quá dày?

Lớp nội mạc tử cung quá dày trên siêu âm có thể là hình ảnh giả dày hoặc dày thật sự, là dấu hiệu của một số bệnh lý sau đây:

  • Polyp nội mạc tử cung: Còn gọi là polyp lòng tử cung. Polyp hình thành là do sự phát triển quá mức của tuyến và mô đệm nội mạc tử cung. Điều này khiến cho lớp nội mạc tử cung trông dày hơn và có thể phát hiện khi siêu âm. Đa số trường hợp polyp nội mạc tử cung đều lành tính và hiếm khi trở thành ác tính.
  • U xơ tử cung: Những khối u (thường là lành tính) phát triển bên trong tử cung và bám vào lớp niêm mạc. Tình trạng này thường khiến cho lớp niêm mạc tử cung trông dày hơn trên siêu âm. U xơ tử là căn bệnh rất phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (thường là trước 50 tuổi).
  • Sử dụng thuốc Tamoxifen: Tamoxifen (Nolvadex) là một loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư vú. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc bao gồm mãn kinh sớm và khiến lớp nội mạc tử cung thay đổi độ dày, mỏng không như bình thường.
  • Tăng sản nội mạc tử cung: Đây là tình trạng xảy ra khi các tuyến nội mạc tử cung của bạn tăng trưởng quá mức khiến mô phát triển nhanh hơn. Từ đó khiến cho lớp niêm mạc tử cung dày lên một cách bất thường. Tăng sản nội mạc tử cung thường phổ biến ở phụ nữ đến tuổi mãn kinh. Đôi khi, tăng sản nội mạc tử cung có thể trở thành ác tính và dẫn đến ung thư.
  • Ung thư nội mạc tử cung: Niêm mạc tử cung dày bất thường có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư. Một số triệu chứng khác bao gồm xuất huyết âm đạo bất thường, tiết dịch bất thường sau mãn kinh, hay đau vùng chậu…

Vì sao lớp niêm mạc tử cung quá mỏng?

Niêm mạc tử cung mỏng (dưới 6-8mm) thường là vấn đề phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh do nồng độ estrogen thấp. Mặt khác, niêm mạc tử cung mỏng có thể là biến đổi tự nhiên theo sinh lý nhưng cũng có thể là do một số nguyên nhân sau đây:  

  • Thiếu máu: Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu cung cấp cho tử cung. Khi không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, lớp nội mạc tử cung sẽ co lại và trở nên mỏng hơn.
  • Bệnh phụ khoa: Một số bệnh như viêm vùng chậu, lao sinh dục nữ hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng ảnh hưởng đến nội mạc tử cung và khiến lớp nội mạc trở nên mỏng hơn.
  • Nạo phá thai: Các phương pháp nạo phá thai sẽ trực tiếp bào mòn lớp niêm mạc tử cung. Điều này thường gây tổn thương và khiến lớp niêm mạc mới khó phát triển được nữa.
  • Dùng thuốc ảnh hưởng đến hormone estrogen: Chẳng hạn như dùng thuốc tránh thai kéo dài hoặc dùng quá mức thuốc kích thích rụng trứng có thể khiến niêm mạc tử cung mỏng và khó thụ thai.

Có thể bạn quan tâm

Niêm mạc tử cung mỏng: Cần điều trị sớm để tăng khả năng thụ thai

Nói tóm lại, độ dày niêm mạc tử cung bình thường và đáp ứng sự thụ thai nên ở mức 8 – 12 mm, không quá dày và không quá mỏng. Trường hợp bạn phát hiện các dấu hiệu phụ khoa bất thường như chảy máu sau mãn kinh, ra máu đốm giữa chu kỳ, rối loạn kinh nguyệt… và nghi ngờ lớp niêm mạc tử cung có vấn đề nào đó thì cần sớm đi khám để điều trị bệnh phụ khoa (nếu có) và ngăn ngừa nguy cơ hiếm muộn, vô sinh.

[embed-health-tool-ovulation]

Từ khóa » độ Dày Niêm Mạc Tử Cung