Đò Lo - Chợ Chờ - Ngô Tộc
Có thể bạn quan tâm
Mới đây nhân về thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang làm việc, đoàn Hội đồng Ngô tộc Việt Nam chúng tôi có dịp đi qua thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Thị trấn Chờ còn gọi là Chợ Chờ, là huyện lỵ huyện Yên Phong, nằm ở ngã tư tỉnh lộ 295 từ thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) đi thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và tỉnh lộ 286, từ thành phố Bắc Ninh đi Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Cũng như các địa phương khác của xứ Kinh Bắc, Chợ Chờ bây giờ bộ mặt có nhiều đổi thay: đường xá rông rãi, khang trang, nhà cửa quy hoạch khá hài hòa, thoáng đãng, các cửa hàng, cửa hiệu sầm uất, đông vui.
Một số thành viên trong đoàn lần đầu đến đây, nghe cái tên Chợ Chờ tỏ ra thích thú, cứ thắc mắc muốn biết tại sao lại có cái tên này. Câu hỏi làm tôi nhớ lại tích truyện lưu truyền đã từng được nghe từ hồi còn nhỏ.
Chuyện kể lại rằng, khi xưa chợ Phù Lỗ là một chợ phiên nổi tiếng trong vùng Kinh Bắc, nhân dân khắp các nơi lân cận từ Đông Ngàn, Võ Giàng, Đa Phúc, Kim Anh… đều về đây buôn bán. (trước đây 2 huyện: Kim Anh, Đa Phúc đều là đất Kinh Bắc, sau này thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, bây giờ 2 huyện sáp nhập thành huyện Sóc Sơn thuộc thành phố Hà Nội). Cánh lái buôn vùng sông Cầu, Đông Ngàn, Võ Giàng, Yên Phong muốn sang chợ Phù Lỗ thường phải đi rất sớm để qua bến đò Lủ (xã Kim Lũ) bên sông Cà Lồ. Ngày xưa vùng đất này còn hoang vắng lắm, bọn giặc cướp thường hoành hành, rình chộp những người đi nhỏ lẻ qua đây, nhất là các thương lái đi chợ Phù Lỗ, có khi chính những người chở đò lại là những tên cướp. Nhân dân trong vùng hết sức lo lắng mỗi khi phải đi qua bến đò này, vì vậy người ta đã gọi bến đò Lủ là bến đò Lo. Chỉ khi đoàn thương lái đủ đông mạnh, thì bọn cướp mới sợ, im hơi không dám động thủ. Nhân dân bèn có sáng kiến chọn địa điểm trước đình làng Phú Mẫn làm chỗ tập trung, ai đến sớm thì chờ, khi đông mạnh mới cùng nhau đi tiếp. Lâu dần chính chỗ ấy thành chợ, dân dã gọi là chợ Chờ. Lâu dần thành quen, cái tên đò Lo, chợ Chờ ra đời từ đấy.
Dạo đó khu vực đò Lo xuất hiện một sư ông bưng giỏ đi quyên giáo các làng, xã trong vùng. Ai cũng lo cho nhà sư đi một mình vào lúc tranh tối tranh sáng sẽ là nạn nhân của bọn cướp, nhưng nhà sư bảo rằng: nhà chùa đi quyên giáo, có gì mà sợ cướp với bóc.
Cho đến một ngày, khi sư ông vừa về đến bến Đò Lo thì bị bọn cướp xông ra vây cướp thật. Nhưng thật không ngờ, nhà sư là một tay võ nghệ cao cường, một mình đánh tan bọn cướp. Thì ra sư ông là một hiệp sĩ của môn phái Tiêu Sơn, một phái võ lừng danh trong vùng. Những ngày đi quyên giáo chính là để dò la đầu mối tung tích bọn cướp. Ngay sau đó, các hiệp sĩ Tiêu Sơn đã mai phục, vây bắt bọn đầu đảng, bọn cướp bị tan rã. Từ đó việc giao thương đi lại trở nên bình thường. Bến Đò Lo không còn là mối lo của người đi làm ăn buôn bán nữa.
Đò Lo ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Đã từ lâu những chuyến đò ngang nơi đây đã trở thành ký ức, nối hai bờ bây giờ là cây cầu vững trãi bắc qua. Tuy vậy cái tên Đò Lo không bị mất đi mà vẫn còn hiện hữu, đối với người dân như nhắc nhớ về một thời vất vả gian nan.
Cầu Đò Lo mới xây
Dưới ngòi bút của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, Đò Lo, Chợ Chờ được thi vị hóa thành những địa danh lãng mạn, nơi chứng kiến những cuộc hẹn hò, chờ đợi của các cặp lứa đôi.
Sông Cầu dòng vẫn đầm hương
Làm sao bên lở bên vương vấn bồi
Bồi cho mình lở cho tôi
Vô tình dòng chảy chia đôi hai bờ
Lơ thơ cho đến bao giờ
Nhớ sông lại nhớ chợ Chờ khôn nguôi.
(Trích bài thơ “Nhớ sông” của nhà thơ Lê Tuấn Hoan).
Nhạc sỹ Huy Du có bài hát “Chợ Chờ em vẫn chờ ai”, một ca khúc viết về vùng đất Yên Phong của Bắc Ninh, trước đây được cố Nghệ sỹ Nhân dân Lê Dung thể hiện rất thành công. Lời bài hát có đoạn:
Chợ Chờ em vẫn chờ ai Để bâng khuâng câu hát tháng năm dài anh đi …
Này Yên Phong, mảnh đất quê mình xưa vẫn còn ghi Giặc Tống giặc Nguyên phơi xác đầy đồng Ngày hội khao quân bên Chợ Chờ, Chợ Núi Câu hát đợi chờ, sao anh chẳng đến Để bến đò Chờ thành bến đò Lo Nước chảy lơ thơ, mãi đến bây giờ ...
Chợ Chờ, Chợ Núi, Như Nguyệt, Tam Giang, Đò Lo, Yên Phụ… là những tên đất, tên sông của vùng Kinh Bắc, từng chứng kiến biết bao chiến tích lịch sử hào hùng, phá tan quân Tống năm 1077 trên phòng tuyến Sông Cầu của Ngô Tuấn – Lý Thường Kiệt, gắn liền với sự ra đời và tên tuổi bài thơ bất hủ: Nam quốc Sơn hà, một bản hùng ca, bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của non sông đất Việt.
Ngô Xuân
Từ khóa » Cầu đò Lo Sóc Sơn
-
Cầu Đò Lo (cũ) - Wikimapia
-
Tạm Thời Giữ Lại Cầu Đò Lo (cũ) Tại Huyện Sóc Sơn - Hànộimới
-
Cầu Đò Lo Biến Thành điểm Họp Chợ - Antv
-
Cầu đò Lo
-
Quầy Thuốc Khôi An - Cầu Đò Lo, Xã Kim Lũ, H. Sóc Sơn, Tp. Hà Nội
-
Khu Phức Hợp Tại Cầu Đò Lo, Xã Kim Lũ, Huyện Sóc Sơn, Hà Nội
-
Bán đất Tại Cầu Đò Lo, Xã Kim Lũ, Huyện Sóc Sơn, Hà Nội Mới Nhất ...
-
Huyện Sóc Sơn: Cảnh Báo Ngập úng Bãi Sông Cầu Và Cà Lồ Do ...
-
Cầu Đò Lo - BAOMOI.COM
-
Sông Cà Lồ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hồ Đồng Đò - Sóc Sơn - Hà Nội - Website Chính Thức
-
Trang Chủ - Cổng Thông Tin điện Tử Huyện Sóc Sơn
-
"Lò Gạch Ma" Sóc Sơn | Vietnam+ (VietnamPlus)