Đỗ Xe Nửa Trên Vỉa Hè, Nửa Dưới Lòng đường Bị Phạt ... - VietNamNet

Câu hỏi từ bạn đọc có nội dung: Đơn vị chức năng nào được quyền phạt và mức phạt cụ thể đối với trường hợp đỗ xe nửa dưới lòng đường nửa trên vỉa hè?

Đôi khi tôi di chuyển trên đường rất khó chịu khi có những chiếc xe đậu ngổn ngang trên cả lòng đường lẫn vỉa hè. Xin hỏi, trường hợp trên thì đơn vị chức năng nào được quyền phạt và mức phạt cụ thể thế nào?

{keywords}

Ảnh minh họa

Mong các chuyên gia giải đáp thắc mắc trên.

Câu hỏi từ bạn đọc: Văn Hùng (Đồng Nai)

Trả lời:

Tại Điều 18 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;

g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

Mặt khác, tại Khoản 4 điều 18 Luật này cũng quy định người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

a) Bên trái đường một chiều;

b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

c) Trên cầu, gầm cầu vượt;

d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

g) Nơi dừng của xe buýt;

h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Như vậy, các phương tiện tham gia giao thông khi dừng đỗ xe phải tuân thủ các quy định nêu trên. Trường hợp đỗ xe nửa trên vỉa hè, nửa dưới lòng đường không đúng với các quy định nêu trên về dừng đỗ xe sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP tùy theo mức độ lỗi vi phạm của từng loại phương tiện. Ví dụ:

- Phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với ô tô

+ Khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều này và trường hợp đỗ xe tại vị trí quy định được phép đỗ xe;

+ Khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

- Phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với ô tô

+ Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn;

Tại Điều 70 Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng quy định về cơ quan thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm về dừng đỗ xe nêu trên là:

- Cảnh sát giao thông đường bộ.

- Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

- Trưởng Công an cấp xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

- Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ.

(Theo CafeLand)

Từ khóa » đỗ Nửa Xe Trên Vỉa Hè