Đoàn Văn Công Cửu Long Trong Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước ...

Nhân dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn và khi đất nước bị xâm chiếm thì tinh thần yêu nước đó càng trở nên mạnh mẽ. Mọi lực lượng, mọi tầng lớp đều vùng lên đánh giặc, tham gia kháng chiến trên nhiều mặt trận, nhiều hình thức: có người đánh giặc nơi tiền tuyến, có người hoạt động ở hậu phương, có người dùng ngòi bút, lời ca, tiếng đàn của mình cổ vũ động viên tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương.

Trong thực tế đã chứng minh, những lúc đương đầu chiến đấu với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm thì những giai điệu, bản nhạc, bài thơ là những món ăn tinh thần kịp thời tạo thêm sức mạnh giúp ta chiến thắng. Và trên quê hương Vĩnh Long, có một đoàn văn công dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng; đó chính là Đoàn văn công Cửu Long. Đặc biệt, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đoàn văn công đó đã không ngừng tiếp thêm sức mạnh, ý chí chiến đấu cho toàn quân, toàn dân giành thắng lợi. Tất cả đóng góp ấy có trong quyển sách “Đoàn văn công Cửu Long trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1961 - 1975), do Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ ấn hành năm 2019.

dvc web.jpgVới hơn 80 trang, quyển sách giới thiệu về sự ra đời, hành trình hoạt động cũng như đóng góp của Đoàn văn công Cửu Long trên mặt trận văn nghệ trong kháng chiến chống Mỹ bằng tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”.

Trước hết, quyển sách cho ta thấy được hành trình của Đoàn văn công Cửu Long trong giai đoạn lịch sử trước năm 1930 đến năm 1975 với hai mốc thời gian. Cụ thể:

* Sự ra đời của Đoàn văn công trước năm 1930: gồm một số nét văn nghệ tự phát và văn nghệ có Đảng lãnh đạo.

Một số nét văn nghệ tự phát: Khái quát lại điểm khởi phát và hoạt động văn nghệ trong thời gian này lấy mốc từ thế kỷ thứ XVIII, khi Long Hồ dinh là thủ phủ miền Tây được đặt ở thành phố Vĩnh Long ngày nay. Cụ Phan Thanh Giản và Nguyễn Thông khởi xướng lập ngôi nhà văn nghệ vào năm 1864 mà ngày nay chúng ta gọi là “Văn Xương Các”. Đây là nơi sinh hoạt văn thơ của những văn nhân và cũng là nơi xuất phát, từng bước hình thành phong trào thơ ca yêu nước chống ngoại xâm ngày càng phát triển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cũng từ đó, trên quê hương Vĩnh Long có rất nhiều tác phẩm văn thơ kiệt xuất của các bậc tiền nhân yêu nước ra đời dưới hình thức truyền miệng và thành văn, nhưng hiện đã thất lạc khá nhiều và chưa thể tìm lại đầy đủ. Bên cạnh đó, các dòng nhạc cổ dân gian mang đậm sắc thái dân tộc và những bài ca quốc sự có nội dung yêu nước chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc cũng xuất hiện không ít.

Văn nghệ có Đảng lãnh đạo: Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã soi đường cho văn nghệ cách mạng bước đi vững vàng, phát huy được vai trò, sức mạnh. Văn nghệ đã thúc giục người người xông lên chiến đấu, thà hy sinh chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Nổi bật với nhiều sáng tác còn vang mãi đến ngày nay như: bài thơ “Nô Men” của Truy Phong, bài hát “Tiểu đoàn 307” của Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Bính, “Nam Bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn, “Kỵ binh Việt Nam” của Minh Triết, ….

* Văn nghệ Vĩnh Long chống đế quốc Mỹ xâm lược 1954 - 1975: gồm 05 mốc thời gian cụ thể từ giai đoạn 1954 - 1960; giai đoạn 1961 - 1964; giai đoạn 1965 - 1968;  giai đoạn 1969 - 1971 đến giai đoạn 1972 - 1975.

Văn nghệ Vĩnh Long giai đoạn 1954 - 1960: Trong giai đoạn này, văn học nghệ thuật hoạt động sôi nổi dưới nhiều hình thức, nội dung, nhiều thể loại phong phú, giữa hình thức hợp pháp và bất hợp pháp trong sáng tác, biểu diễn để phục vụ cách mạng. Từ nông thôn đến thành thị luôn vang lên các lời ca, điệu vũ tuyên truyền cách mạng như: “Con chim vàng”, “Miền Nam nguyện theo Đảng”, “Mừng hoà bình”, …Trên lĩnh vực ca tân, ca cổ, kịch, cải lương, đờn ca tài tử cũng hoạt động mạnh mẽ với những tác giả nổi bật như: Lại Trí Huệ, Trần Mộng, Kiên Tâm,…., nhạc công đàn cò Nguyễn Văn Xích, giọng ca Huỳnh Văn Đạt,…Văn nghệ tỉnh nhà trong thời gian này tiếp tục phát huy tuyên truyền chống Mỹ - Ngụy và tay sai để cứu nước.

Văn nghệ giai đoạn 1961 - 1964: Giai đoạn này, Đoàn văn công Cửu Long chính thức được thành lập vào tháng 6/1961, trên cơ sở lấy đoàn ca vũ kịch xã Mỹ Thuận (Bình Minh) làm nòng cốt với chức năng là biểu diễn phục vụ nhân dân, đưa cán bộ xuống hỗ trợ các đoàn ca múa nhạc ở xã dàn dựng, nâng cao chất lượng hoạt động và tuyển chọn năng khiếu bổ sung nhân sự cho đoàn. Từ năm 1961 - 1964, có rất nhiều hoạt động nổi bật như: Ra mắt tập san văn nghệ mang tên “Văn nghệ nhân dân” do nhạc sỹ Nguyễn Văn Ninh (Kiên Tâm) phụ trách biên tập, họa sỹ Vũ Ba phụ trách mỹ thuật minh họa vào năm 1961; tiếp tục xuất bản thêm các tập “Khúc ca chiến thắng”, “Bài ca yêu nước”, “Ca dao chống Mỹ”,…; Các cán bộ, diễn viên, nhạc công được quan tâm đưa đi đào tạo; Những nhóm và tổ văn nghệ phong trào giúp các đoàn cơ sở phát triển nhất là hướng dẫn sử dụng nhạc cụ đàn Măn-đô-lin và sáng tác; phong trào văn học nghệ thuật ở khắp các huyện, xã đều hoạt động mạnh mẽ, các đoàn văn công xã phát triển tương đối mạnh về số lượng và chất lượng, phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh có bước phát triển mới. Đặc biệt, vào tháng 9/1963, Đại hội đại biểu Hội văn nghệ giải phóng tỉnh Vĩnh Long diễn ra tại trường học ở ngã ba Tầm Vu - vùng giải phóng xã Mỹ Thuận (nay là xã Nguyễn Văn Thảnh); tại Đại hội đã nhận được ý kiến chỉ đạo quan trọng về nhiệm vụ của văn nghệ kháng chiến và biểu dương thành tích đạt được của văn nghệ tỉnh nhà.

Văn nghệ giai đoạn 1965 - 1968: Đây là khoảng thời gian khó khăn khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” chống phá. Khi đó, Tiểu ban văn nghệ tỉnh xây dựng căn cứ ở bờ sông Cái Ngang, Đoàn văn công Cửu Long xây dựng căn cứ ở rạch Cái Lá (Mỹ Lộc). Vùng căn cứ luôn rơi vào nguy hiểm, đồng chí Nguyễn Văn Thới (Mười Xã) - Trưởng Đoàn văn công hy sinh, đồng chí Huỳnh Thanh Trang (Ba Trang) trọng thương trong lúc rèn luyện ráo riết tiết mục phục vụ Tết Mậu Thân năm 1968…Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, phong trào của Tiểu ban văn nghệ tỉnh vẫn không ngừng phát triển mọi mặt và phấn khởi xông lên biểu diễn liên tục phản ánh khí thế thanh niên tòng quân giết giặc, khí thế hưởng ứng chiến dịch mùa khô, …phục vụ chiến sỹ, đồng bào nhiều buổi và hàng ngàn lượt người xem.

Văn nghệ giai đoạn 1969 - 1971: Giai đoạn này, chiến tranh ác liệt khi địch tập trung bình định cấp tốc nên hoạt động của Đoàn văn công gặp nhiều khó khăn, không ổn định và đôi lúc di chuyển nhiều nơi để tránh địch. Thế nhưng, bằng quyết tâm cao độ, Tiểu ban văn nghệ vẫn luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ tình huống nào. Cuối năm 1971, lực lượng văn nghệ chuyên và không chuyên bước đầu khởi động, tập văn nghệ “Gương sáng soi chung” và tập “Bài ca yêu nước” được xuất bản giữ vững định kỳ hàng tháng.

Văn nghệ giai đoạn 1972 - 1975: Trong giai đoạn này, Tiểu ban văn nghệ và Đoàn văn công tập trung sáng tác phản ánh những cá nhân, tập thể quần chúng và các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang xuất sắc trong phong trào đấu tranh; tập trung vào công tác đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng đội ngũ cán bộ sáng tác và các lực lượng biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng. Văn nghệ ta bằng mọi loại hình, tác phẩm đã dồn sức phục vụ, vận động toàn dân, toàn quân tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, góp phần cùng miền Nam và cả nước quyết giành nhiều thắng lợi lớn có ý nghĩa quyết định cho bước tiếp theo.

Ngoài lịch sử hình thành và quá trình hoạt động, quyển sách còn giới thiệu đến bạn đọc nhiều bài viết về những đóng góp của Đoàn văn công tỉnh Cửu Long như: “Đoàn văn công Cửu Long trưởng thành và phát triển gắn liền với cuộc chống Mỹ cứu nước” của tác giả Nguyễn Ký Ức;“Sức mạnh của lời ca, tiếng hát văn công trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước” của Nguyễn Thanh Hùng;“Loại hình nghệ thuật góp phần quan trọng trong nền văn nghệ kháng chiến và trong thời bình ở tỉnh Vĩnh Long” của tác giả Huỳnh Thanh Trang; “Những ngày tháng Không thể nào quên” của Cao Huyền,…Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy mà trực tiếp là Ban Tuyên huấn tỉnh, Đoàn văn công của tỉnh đã góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng tỉnh nhà, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trên mặt trận văn học nghệ thuật như câu nói của Bác: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Quyển sách đã giúp chúng ta biết được hành trình, đóng góp của Đoàn văn công tỉnh Cửu Long trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, cảm nhận được những cống hiến thầm lặng trong quá trình làm tròn nhiệm vụ “Tiếng hát át tiếng bom” giúp tinh thần chiến sĩ, nhân dân luôn vững tin vào cách mạng trên chặng đường chống giặc cứu nước. Đọc quyển sách, tôi tự hào về một thời hào hùng của cha ông, thầm cảm ơn họ và tự hứa sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với truyền thống ông cha, xứng đáng là người con đất Vĩnh.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long, xin trân trọng giới thiệu !

                                                                      Ký hiệu môn loại: 959.787/Đ406V

Cúc Hương

Từ khóa » Nghe Bài Hát Chống Mỹ Cứu Nước