Doanh Nghiệp Cảng Biển Kỳ Vọng Sẽ Thăng Hoa

BNEWS Doanh nghiệp ngành cảng biển đã trải qua năm 2021 “thăng hoa” và tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay. Cảng Cát Lái, cảng biển lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Ngành cảng biển tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay nhờ hoạt động xuất nhập khẩu sôi động và cùng đó việc Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn dòng vốn FDI và việc tăng giá dịch vụ xếp dỡ tại cảng sẽ giúp gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp ngành này.

*Dự báo khả quan

Theo Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), năm 2022 dự kiến hoạt động vận tải sẽ tiếp tục ổn định, khối lượng hàng hóa tăng khoảng 6%; khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt 750 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với năm 2021.

Năm 2022, lượng hàng hóa thông qua cảng biển dự kiến tăng 10% so với năm 2021 lên 765 triệu tấn. Năm 2021, quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt. Đồng thời, quy hoạch tập trung phát triển hai khu vực Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn (Hải Phòng) và Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) để trở thành các cảng trung chuyển quốc tế.

Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ hơn 1,1 - 1,4 tỷ tấn; trong đó, hàng container từ 38 - 47 triệu TEU; hành khách từ 10,1 - 10,3 triệu lượt khách.

Sự phục hồi của ngành nhờ kinh tế thế giới hồi phục và mở cửa trở lại khi việc tiêm chủng vaccine COVID-19 được triển khai rộng rãi toàn cầu. Điều này giúp hoạt động giao thương xuất nhập khẩu trở nên sôi động và đây là động lực chính cho ngành tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và làn sóng dịch chuyển sản xuất. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do.

Thực tế, nguồn vốn FDI vào Việt nam đạt mức tăng trưởng kép trên 8% trong giai đoạn 2014-2020, giúp tăng sản lượng hàng hóa qua cảng biển. Trong năm 2021, thu hút FDI ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đang trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT về khung giá dịch vụ xếp dỡ tại các cảng biển Việt Nam. Theo đó, giá dịch vụ xếp dỡ tại cảng sẽ tăng 10% trong giai đoạn 2022-2024 tùy từng khu vực cảng. Điều này sẽ giúp gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp cảng biển.

Dù vậy, ACBS cũng chỉ ra những thách thức mà ngành cảng biển phải đối mặt trong năm 2022 như: giá cước vận tải tăng làm gia tăng rủi ro ngắn hạn. Chỉ số BDI (cước hàng rời) sau khi tăng lên mức cao 5.650 hiện đã giảm về 2.289. Tuy đã giảm mạnh so với hồi tháng 10/2021 nhưng chỉ số BDI hiện tại vẫn cao hơn thời điểm đầu năm 62%.

Do khan hiếm container và tắc nghẽn tại các cảng lớn trên thế giới nên giá cước vận tải đã bị đẩy lên cao, điều này khiến cho lượng hàng hóa lưu thông qua cảng giảm; giá dầu tăng cũng làm tăng chi phí vận chuyển và giảm nhu cầu vận tải biển.

Bên cạnh đó, diễn biến dịch bệnh COVID-19 vẫn đang phức tạp trên toàn cầu. Dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới và làm giảm nhu cầu tiêu thụ, đồng thời ảnh hưởng tới cả khía cạnh nhân sự của ngành.

*Doanh nghiệp lãi đậm

Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Thực tế, dù trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng doanh nghiệp ngành cảng biển vẫn có lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc. Năm 2021, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam– VIMC (mã chứng khoán: MVN) báo lãi 3.700 tỷ đồng trong khi các năm trước thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Theo đó năm 2021, VIMC ước doanh thu đạt 19.604 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm trước đó. Lợi nhuận ước đạt 3.750 tỷ đồng, hoàn thành 554% kế hoạch năm.

Sản lượng vận tải biển vẫn ghi nhận 23 triệu tấn, đạt 121% kế hoạch. Sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, khối vận tải biển của VIMC đã có lợi nhuận dương trong năm 2021.

Cụ thể, lợi nhuận của doanh nghiệp ước đạt 694 tỷ đồng; 16 cảng biển của VIMC đã thực hiện bốc xếp trên 125 triệu tấn hàng hóa, tăng trưởng 13% so với 2020.

Hệ thống cảng của VIMC cũng đã phát triển thêm được 13 tuyến dịch vụ mới của các hãng tàu container. Lĩnh vực khai thác cảng biển vẫn tiếp tục là hoạt động mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất của doanh nghiệp khi chiếm 78% tổng lợi nhuận hợp nhất, đạt 2.234 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (mã chứng khoán: PHP) cũng đã công bố Báo cáo tài chính quý IV/2021 và luỹ kế cả năm 2021. Cụ thể riêng quý IV/2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 597 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp đạt 193,6 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020.

Sau khi trừ các khoản chi phí, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng lãi sau thuế 169 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là 138 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần đạt 2.284 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt gần 695 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2020.

Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (mã chứng khoán: SGP) cũng vừa công bố Báo cáo tài chính quý IV/2021 và luỹ kế cả năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.

Cụ thể, riêng quý IV/2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 377 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020, giá vốn tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lãi gộp đạt 173 tỷ đồng, tăng 78% so với quý IV/2020.  Sau khi trừ các khoản chi phí, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn  lãi sau thuế 597 tỷ đồng, cao gấp 5,4 lần quý IV năm 2020.

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của công ty đạt 1.372 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 893 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần năm 2020.

Với Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng (mã chứng khoán: CDN), trong quý IV/2021, doanh thu của Cảng Đà Nẵng đạt 260 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Do giá vốn thấp hơn doanh thu 3,8% dẫn đến lợi nhuận gộp tăng hơn 21%, đạt 93 tỷ đồng. Biên lãi gộp quý IV/2021 tăng từ 32% lên 36%.

Tổng lợi nhuận trước thuế quý IV/2021 của Cảng Đà Nẵng tăng 29%, đạt 71 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản thuế, doanh nghiệp này lãi sau thuế đạt 56 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đạt được kết quả trên là nhờ sản lượng container tăng 5,23% so với cùng kỳ và tổng doanh thu bán hàng. Bên cạnh đó, cung cấp dịch vụ của quý IV/2021 tăng 9,35% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đạt 1.078 tỷ đồng, tăng trên 19% so với cùng kỳ năm trước đó. Lãi trước thuế đạt 296 tỷ đồng, tăng 14% vượt 5,8% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Công ty cổ phần Cảng Xanh VIP (mã chứng khoán: VGR) công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Tính riêng quý IV/2021, doanh thu thuần đạt 223,3 tỷ đồng, tăng 15,8%, trong khi chi phí vốn được tiết giảm mạnh, khiến lợi nhuận gộp thu về đạt hơn 95 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ. Trừ chi phí, quý IV Cảng Xanh VIP lãi sau thuế 57 tỷ đồng, tăng 68% so với số lãi gần 34 tỷ đồng đạt được quý IV/2020.

Cảng Xanh VIP là doanh nghiệp hoạt động trong ngành bốc xếp hàng hóa, dịch vụ cảng biển, kho bãi, vận tải hàng hóa ven biển... Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu từ hoạt động xếp dỡ container đạt gần 108 tỷ đồng, chiếm 48% tổng doanh thu trong quý.

Doanh thu từ hoạt động xếp dỡ container quý IV vừa qua cũng giảm 34% so với cùng kỳ. Tuy vậy hoạt động lưu kho bãi, chạy lạnh, kiểm hàng lại tăng 55%.

Đáng chú ý, quý IV vừa qua công ty ghi nhận khoản doanh thu từ hoạt động nâng hạ, đạt 76 tỷ đồng, đóng góp trên 34% tổng doanh thu. Cùng kỳ năm 2020 không có doanh thu từ hoạt động này.

Lũy kế năm 2021 doanh thu Cảng Xanh VIP đạt 816 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020. Trừ các chi phí phát sinh, lợi nhuận sau thuế đạt gần 204 tỷ đồng, tăng trưởng 34,2% so với số lãi 152 tỷ đồng đạt được năm 2020 và vượt 5% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, ngành cảng biển & logistics tăng trưởng tới 94% trong năm 2021, cao hơn 60% so với chỉ số VN-Index.

Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu ngành cảng biển có mức tăng giá mạnh. Theo đó năm 2021,  MVN tăng 205%, SGP tăng 183%, PHP tăng 72%; GMD tăng 44%, CDN tăng 14,4%... ./.

Từ khóa » Cảng Cái Mép Mã Chứng Khoán