Doanh Nghiệp Gỗ ứng Phó Với Những Tác động Từ Căng Thẳng Nga-Ukraine

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Doanh nghiệp gỗ ứng phó với những tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine ảnh 1Sản xuất đồ gỗ tại Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc, thị xã Tân Uyên, Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Căng thẳng Nga-Ukraine có thể khiến ngành gỗ Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu cũng như chịu nhiều rủi ro trong thương mại đồ gỗ và nội thất, ông Nguyễn Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng để ứng phó phó các doanh nghiệp cần chủ động dự trữ nguyên liệu; trong đó nguồn nguyên liệu trong nước đóng vai trò quan trọng, nhằm giảm thiểu các bất ổn khó đoán định.

Tiến sỹ Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends phân tích trong các thị trường tiêu thụ các mặt hàng gỗ của Việt Nam, Nga là thị trường rất nhỏ. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này chỉ đạt khoảng 7,3 triệu USD, tương đương 0,05% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, Nga lại là quốc gia có nguồn tài nguyên rừng rất lớn với diện tích 815 triệu ha và lượng gỗ khai thác hàng năm lên tới trên 200 triệu m3, tương đương 10% tổng lượng cung gỗ toàn cầu.

[Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ tiếp đà tăng trưởng trong năm 2022]

Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Nga đạt khoảng 12,3 tỷ USD; trong đó chủ yếu là mặt hàng gỗ nguyên liệu. Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, với lượng nhập khoảng 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn mỗi năm, vì vậy những tác động tiềm tàng từ chiến tranh Nga-Ukraine đối với ngành gỗ Việt Nam là rất lớn.

Theo tiến sỹ Tô Xuân Phúc, nếu căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục leo thang và các nước phương Tây gia tăng trừng phạt khiến việc xuất khẩu gỗ của Nga bị gián đoạn sẽ tạo nên sự thiếu hụt về nguồn cung cho các quốc gia chế biến gỗ bao gồm Trung Quốc và nhiều nước tại châu Âu.

Khi đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam sẽ phải cạnh trạnh khốc liệt với các doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Việc này cũng đẩy giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đang nhập khẩu gỗ từ Nga cũng chia sẻ ngay khi chiến sự xảy ra, giá nguyên liệu gỗ từ Nga và EU đều tăng nhanh. Chi phí vận chuyển cũng tiếp tục đà tăng và nhiều hãng tàu đã thông báo từ chối nhận đơn hàng đến và đi từ Nga.

Điều đáng nói là dù tỷ trọng gỗ nhập khẩu từ Nga về Việt Nam không cao nhưng đều là các sản phẩm đặc thù như bạch dương, sồi Nga phục vụ sản xuất các mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng. Để tìm nguồn cung thay thế trong thời gian ngắn là không khả thi.

Cùng với đó, sức ép từ các tổ chức môi trường và nhân quyền đối với các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng gỗ Nga gia tăng, cả đối với các doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp và các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Nga thông qua Trung Quốc sẽ gây rủi ro cho các doanh nghiệp nếu tiếp tục sử dụng gỗ nguyên liệu từ Nga, sản phẩm đồ gỗ có thể bị tẩy chay.

Hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang cân nhắc và đánh giá nguy cơ rủi ro khi nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Nga để có giải pháp dự trữ nguyên liệu phù hợp.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn. Các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng.

Đồng thời cần thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn gỗ lớn có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Từ khóa » Gỗ Phúc Thắng