Doanh Nghiệp Phân Bón Duy Trì Mức Lãi Kỷ Lục

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ghi nhận doanh thu hợp nhất 32.830 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận hợp nhất bán niên tăng đến 31 lần, đạt 4.098 tỷ đồng. Doanh nghiệp này mới hoàn thành gần hai phần ba chỉ tiêu doanh thu nhưng lại vượt gấp đôi kế hoạch lợi nhuận cả năm. So với mức lãi của cả năm ngoái, kết quả trên cũng tăng hơn 16,5%.

Nhiều đơn vị thành viên của Vinachem cũng có lợi nhuận tăng ba chữ số như Công ty Apatit Việt Nam tăng 410%, Công ty Phân bón Miền Nam tăng 297%, Công ty DAP - Vinachem tăng 233%, Công ty Hóa chất Việt Trì tăng 207%... Nhóm sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vẫn là xương sống kinh doanh khi chiếm hơn 60% tổng doanh thu và cũng là một trong những mảng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 6 tháng qua

Các doanh nghiệp lớn khác trong ngành hóa chất - phân bón cũng có lợi nhuận tăng mạnh với tốc độ cao gấp nhiều lần doanh thu. Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) trong nửa đầu năm ghi nhận doanh thu tăng 91,5%. Trong khi đó, lợi nhuận dâng lên đột biến hơn 3.400 tỷ đồng, tăng gấp 5,4 lần cùng kỳ, đạt kế hoạch đề ra cho cả năm. Riêng quý II, mức lãi gần 1.900 tỷ đồng giúp doanh nghiệp này thiết lập kỷ lục mới.

Tương tự, doanh thu Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - DCM) tăng gần 93% nhưng lợi nhuận lại tăng mạnh đến 5,7 lần, đạt hơn 2.550 tỷ đồng. Chỉ trong 6 tháng, doanh nghiệp này hoàn thành 90% chỉ tiêu doanh thu và vượt đến 4 lần kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Các doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn như Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC), Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe Lâm Thao - LAS)... cũng có kết quả kinh doanh tích cực. Riêng Phân bón Bình Điền có doanh thu và lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Nhân viên đang làm việc trong một dây chuyền sản xuất phân bón tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: DCM

Nhân viên đang làm việc trong một dây chuyền sản xuất phân bón tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: DCM

Giá phân bón lập kỷ lục kết hợp với nhu cầu phục hồi mạnh mẽ tiếp tục trở thành mẫu số chung trong cách thu lời của các doanh nghiệp. Không chỉ trong nước, thị trường xuất khẩu cũng cho thấy sức cầu lớn ở mặt hàng này. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng lượng xuất khẩu phân bón đạt 998.000 tấn với kim ngạch 647 triệu USD, tăng 43% về sản lượng và 2,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt kết quả của cả năm 2021 - khoảng 559 triệu USD.

Cùng với thị trường thế giới, diễn biến giá đầu vào nông nghiệp này liên tục lập đỉnh từ đầu năm 2021 đến nay. Phân DAP hiện có giá gần 1,4 triệu đồng một bao 50 kg, đạm và kali hơn 950.000 đồng... Chỉ trong thời gian ngắn, một số loại nhích giá thêm 50.000-100.000 đồng một bao 50 kg. Nếu so với hai năm trước, giá phân bón nói chung tăng gấp 2-3 lần.

Tuy nhiên trong thời gian tới, VnDirect dự báo giá phân bón giảm vì mặt hàng này ở Bắc Mỹ đã hạ giá mạnh kể từ tháng 3. Song song đó, trong bối cảnh nhu cầu xe điện bùng nổ và nguồn cung thiếu hụt, Trung Quốc tăng công suất phốt pho vàng giúp giá cả phân bón nói chung sẽ hạ nhiệt trong năm 2023.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đưa ra quan điểm tương tự khi nhu cầu tiêu thụ phân bón đang có dấu hiệu chậm lại trước những lo ngại về suy thoái và nguồn cung phân DAP, MAP trong giai đoạn nửa cuối năm dần được nới lỏng trở lại. Điều này có thể tác động đến mặt bằng giá cả đầu vào nông nghiệp thời gian tới.

Tất Đạt

Từ khóa » Tin Kinh Doanh