Doanh Nhân Nguyễn Văn Đực: 'Tham Nhũng Từ đất Công Là Lớn Nhất ...

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành - Ảnh: Internet

Năm 2019 bùng bổ ‘quả bom’ đất công

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về tình hình thị trường bất động sản trong năm 2019, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành dự đoán năm tới sẽ bùng nổ “quả bom” đất công. Lý do, theo ông Đực, có hơn 90% dự án quận nội thành TP.HCM hiện nay đều dính dáng đến đất công thông qua việc cổ phần hóa, bán vốn của doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Đực, để làm dự án trong nội thành thì phải có hàng nghìn mét vuông đất trở lên. “Đất này ở đâu mà ra? Chủ yếu là đất của quân đội, công an, hoặc của các cơ quan đoàn thể, công ty, xí nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Từ đất công này mà biến thành đất tư một cách không hợp pháp bằng cách bán chỉ định, không qua đấu thầu công khai thì đó là sự thất thoát, lãng phí và tham nhũng rất lớn”, ông Đực nói.

“100% đại gia nào làm giàu tốc hành, giàu nhanh từ bất động sản đều có dính tới đất công, hoặc các dự án BT. Từ lâu, tôi đã phản đối việc bán đất chỉ định, bán qua cổ phần hóa, BT… Nếu làm kỹ những dự án có liên quan đến BT, đất công thì sẽ thấy mất mát có thể lên tới cả triệu tỉ đồng”, ông nói thêm.

Với con số 95% số dự án đều có liên quan tới đất công, doanh nhân này cho rằng thời gian tới thị trường bất động sản TP.HCM sẽ có sự trì trệ. Đồng thời, những doanh nghiệp lớn có liên quan đến đất công sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Điển hình là bà Dương Bạch Diệp, doanh nhân đầu tiên dính đến dự án đất công vừa bị bắt trước tết Nguyên đán 2019. Vậy sau bà Dương thì còn bao nhiêu doanh nghiệp nữa, ông Đực đặt câu hỏi và nhận định, lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt thì doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, những người đã mua sản phẩm của doanh nghiệp đó cũng bị ảnh hưởng theo.

“Nếu thời gian tới tiếp tục có thêm doanh nhân bất động sản bị bắt thì đây là một “quả bom” của bất động sản, tàn phá còn nhanh hơn khủng hoảng năm 2008 - 2009”, ông Đực nói.

Doanh nhân này phân tích, thời 2008 - 2009 bất động sản chết vì thị trường đóng băng và lãi suất lên rât cao. Cái chết này là cái chết từ từ, kéo dài 5-10 năm. Nhưng khi đất công nổ ra thì ngay lập tức ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người liên quan đến các dự án đất công.

“Nếu miếng đất nào chưa khởi công hoặc khởi công một phần nhỏ thì có thể ngưng thi công, nhưng còn những mảnh đất đã xây dựng nhiều, đã giao nhà cho dân, dân đã có sổ đỏ thì nên tiếp tục xây dựng, đảm bảo quyền lợi cho dân. Nhà nước và doanh nghiệp cần làm việc với nhau và doanh nghiệp có thể đóng bổ sung”, ông chia sẻ.

Nhất định phải đấu thầu công khai

Cũng liên quan đến vấn đề đất công, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, LS.Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật SBLaw) cho rằng việc pháp luật không quy định lợi thế thương mại gắn với giá trị quyền sử dụng đất trong lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết là một kẽ hở chính sách, gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án ở những vị trí đắc địa.

Bên cạnh đó, công tác giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, xử lý tài sản công của các doanh nghiệp nhà nước chưa chặt chẽ. Sự yếu kém trong công tác quản lý cũng thường bị lợi dụng để thực hiện các hành vi trái pháp luật.

LS.Hà nêu ví dụ, nhiều chủ đầu tư khi được giao dự án xây dựng trung tâm thương mại lại "luồn lách" xin thêm mục tiêu xây dựng nhà ở để bán và cho thuê, làm phá vỡ quy hoạch chung và tăng mật độ dân cư; không hề xác định lại giá trị đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung; xây thêm tầng, vi phạm quy hoạch…

“Những việc này cơ quan chức năng đều biết nhưng dường như làm ngơ cho sai phạm”, ông Hà nói.

Dẫn kết luận gần đây nhất của Thanh tra Chính phủ về việc các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp nhà nước sau khi di dời khỏi nội đô hầu hết đã được Hà Nội cấp giấy phép xây trung tâm thương mại, ông Hà đề nghị cần làm rõ việc đấu thầu này có công khai hay không và có lựa chọn được nhà đầu tư trả giá cao nhất hay không, có việc thay đổi mục tiêu sử dụng đất hay không...

“Nhiều dự án sau khi có kế hoạch di chuyển, Nhà nước muốn làm thành vườn hoa hoặc tiện ích công cộng, nhưng một số nhóm lợi ích có thể tác động để thay đổi quy hoạch, biến thành nhà cao ốc và trung tâm thương mại”, ông Hà nói.

Theo luật sư này, pháp luật cần có những quy định rõ ràng hơn trong vấn đề xử lý tài sản công, đặc biệt là vấn đề lợi thế thương mại gắn với giá trị quyền sử dụng đất trong lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết.

Ngoài ra, cần bắt buộc tổ chức công khai việc cho nhà đầu tư đấu thầu các mảnh "đất vàng" để Nhà nước có thể thu được lợi ích tối đa cho ngân sách.

Trở lại với quan điểm của doanh nhân Nguyễn Văn Đực, ông cho rằng để chống lại sự móc ngoặc (nếu có) giữa quan chức và doanh nghiệp để "xâu xé" đất công thì tất cả dự án phải được đấu thầu công khai.

“Ngay như với dự án BT, khi anh nhận việc xây dựng thì doanh nghiệp của anh phải có chức năng xây dựng; nhận đất phải có chức năng kinh doanh bất động sản. Chứ nhiều trường hợp doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh bất động sản nhưng lại trúng thầu con đường 10.000 tỉ, được giao miếng đất giá trị tương đương thì rất bất hợp lý”, ông Đực nhấn mạnh.

Doanh nhân này cũng nói thêm: “Làm gì cũng cần phải có giấy phép hành nghề phù hợp, đủ cơ giới, quy mô, kinh nghiệm. Chứ một doanh nghiệp chỉ có mấy người, cơ giới không có bao nhiêu mà vẫn được làm những dự án lớn. Nếu dự án này cho đấu thầu công khai thì những doanh nghiệp này không có cửa”.

“Tham nhũng lớn nhất trong các loại tham nhũng là từ đất, mà tham nhũng từ đất từ lớn nhất là đất công, lên tới hàng triệu tỉ đồng”, ông Nguyễn Văn Đực nhấn mạnh.

Lam Thanh

Từ khóa » Tiểu Sử đại Gia Bđs Nguyễn Văn đực