Doanh Thu Tốt, Nhà đầu Tư Muốn Mở Rộng Cao Tốc - PLO

Ngày 18-1, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, xác nhận đơn vị vừa có văn bản báo cáo Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ quy mô 6 làn xe hiện nay lên 8 - 10 làn theo hình thức BOT.

Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có lưu lượng xe rất lớn. Ảnh: V.LONG

Nguyên nhân, tuyến đường hiện nay được thiết kế đáp ứng lưu lượng phương tiện khoảng 92.000 lượt xe tiêu chuẩn/ngày đêm, nhưng thực tế đã đạt 100.000 lượt xe/ngày đêm, dẫn tới ùn tắc, đặc biệt các dịp cuối tuần, lễ tết.

Theo nhà đầu tư, việc mở rộng trên ước tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng (gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng).

Tuy nhiên, theo Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác dự án BOT, thì các dự án BOT chỉ đầu tư các tuyến đường mới, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Do đó, để mở rộng tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh.

Dự án BOT cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía nam TP Hà Nội. Tuyến đường dài 29 km, tổng mức đầu tư 6.731 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn một nâng cấp tuyến cao tốc đã có trước đó, với tổng mức đầu tư 1.973 tỉ đồng; giai đoạn hai mở rộng tuyến đường từ 4 lên 6 làn xe với tổng mức đầu tư 4.757 tỉ đồng.

Hiện đây là dự án BOT đang có doanh thu tốt nhất cả nước và tăng trưởng đều hàng năm, kể cả năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bắt đầu thu phí tự động cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ- Ninh Bình
(PLO)- Các phương tiện không dán thẻ VETC nhưng vẫn đi vào làn ETC sẽ bị xử phạt. VIẾT LONG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Chủ đầu Tư Bot Pháp Vân Cầu Giẽ